Chức năng và kỹ năng của nhà quản trị
Chức năng và kỹ năng của nhà quản trị được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Chức năng và kỹ năng của nhà quản trị
1. Chức năng của nhà quản trị
Để quản trị, chủ thể quản trị phải thực hiện nhiều loại công việc khác nhau. Những loại công việc này được gọi là chức năng quản trị. Như vậy, các chức năng quản trị là những công việc quản trị khác nhau mà chủ thể quản trị (các nhà quản trị) phải thực hiện trong quá trình quản trị một tổ chức. Phân tích chức năng quản trị nhằm trả lời câu hỏi: Các nhà quản trị phải thực hiện các công việc gì trong quá trình quản trị.
Có nhiều ý kiến khác nhau về sự phân chia các chức năng của quá trình quản trị:
Henry Fayol phân chia quá trình quản trị ra 5 chức năng cụ thể: hoạch định, tổ chức, điều khiển, phối hợp và kiểm tra.
Lyther Gulick Lydal Urwick nêu lên 7 chức năng cụ thể gọi tắt là POSDCORB, trong đó: P (Planning): Hoạch định; O (Organizing): Tổ chức; S (Staffing): Nhân sự; D (Directing): Chỉ huy, điều khiển; CO (Coordinating): Phối hợp; R (Reviewing): Kiểm tra; B (Budgeting): Tài chính, ngân sách.
Theo các nhà quản trị Cộng hòa Liên bang Đức thì quản trị có các chức năng cơ bản là: Xác định triết lý, giáo lý và chính sách kinh doanh; kế hoạch kinh doanh và kiểm tra; Tổ chức và chỉ huy; Phát triển quản trị viên.
Gần đây, có ý kiến (của James Stonner và Stenph P.Robbins) dùng khái niệm “lãnh đạo” theo nghĩa điều hành thay cho hai chức năng điều khiển và phối hợp, như vậy quản trị chỉ còn 4 chức năng cụ thể: hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra. Trong giáo trình này, chúng ta có thể chấp nhận cách phân chia như trên bời đây được nhiều tác giả viết về quản trị đồng thuận và sử dụng rộng rãi trong nhiều sách quản trị.
Hoạch định: Là chức năng đầu tiên trong tiến trình quản trị, bao gồm: việc xác định mục tiêu hoạt động, xây dựng chiến lược tổng thể để đạt mục tiêu, và thiết lập một hệ thống các kế hoạch để phối hợp các hoạt động.
Tổ chức: Đây là chức năng thiết kế cơ cấu, tổ chức công việc và tổ chức nhân sự cho một tổ chức. Công việc này bao gồm: xác định những việc phải làm, người nào phải làm, phối hợp hoạt động ra sao, bộ phận nào được hình thành, quan hệ giữa các bộ phận được thiết lập thế nào và hệ thống quyền hành trong tổ chức đó được thiết lập ra sao?
Lãnh đạo: Một tổ chức bao giờ cũng gồm nhiều người, mỗi cá nhân có cá tính riêng, hoàn cảnh riêng và vị trí riêng. Nhiệm vụ của lãnh đạo là phải biết động cơ và hành của những người dưới quyền, biết cách động viên, điều khiến, lãnh đạo những người khác, chọn lọc những phong cách lãnh đạo phù hợp với những đối tượng và hoàn cảnh cùng sở trường của người lãnh đạo, nhằm giải quyết các xung đột giữa cá thành phần, thắng được sức ỳ của các thành viên trước những thay đổi.
Kiểm tra: Sau khi đã đề ra những mục tiêu, xác định những kế hoạch, vạch rõ việc xếp đặt cơ cấu, tuyển dụng, huấn luyện và động viên nhân sự, công việc còn lại vẫn có thể thất bại nếu không kiểm tra. Công tác kiểm tra bao gồm việc xác định thành quả, so sánh thành quả thực tế với thành quả đã được xác định và tiến hành các biện pháp sửa chữa nếu có sai lệch, nhằm đảm bảo tổ chức đang trên đường đi đúng hướng để hoàn thành mục tiêu.
Có thể nói, các chức năng quản trị trên đây là chung nhất đối với mọi nhà quản trị, không phân biệt cấp bậc, ngành nghề, quy mô lớn nhỏ của tổ chức và môi trường xã hội, và ở bất cứ quốc gia nào. Dĩ nhiên, phổ biến hay chung nhất không có nghĩa là đồng nhất, những tổ chức khác nhau, những cấp bậc khác nhau, có sự khác nhau về mức độ và sự quan tâm cũng như phương thức thực hiện các chức năng chung này.
2. Kỹ năng của nhà quản trị
Để thực hiện và hoàn thành tốt các chức năng quản trị đòi hỏi các nhà quản trị phải có những kỹ năng chủ yếu sau:
Kỹ năng chuyên môn kỹ thuật: đây là kỹ năng, kiến thức, sự lành nghề trong một lĩnh vực cụ thể của nhà quản trị như: soạn thảo hợp đồng kinh tế, thiết kế cơ khí, kiểm toán, …
Kỹ năng nhân sự: thể hiện khả năng làm việc tốt với những người khác và hiểu họ, xây dựng nỗ lực hợp tác trong nhóm, động viên và giải quyết xung đột.
Kỹ năng tư duy: là khả năng phát hiện, phân tích và giải quyết vấn đề. Phải có tư duy hệ thống, quan điểm tổng hợp, biết phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các vấn đề, hiện tượng, xác định đúng những vấn đề mấu chốt và hiểu rõ mức độ phức tạp của bối cảnh, biết cách giảm thiểu sự phức tạp đó xuống một mức độ có thể đối phó được.
Tất cả các nhà quản trị dù ở cấp nào đều cần phải có đầy đủ 03 kỹ năng trên. Tuy nhiên tầm quan trọng của mỗi kỹ năng tùy thuộc vào cấp bậc của nhà quản trị trong tổ chức và đặc điểm của từng loại nhà quản trị.
Kỹ năng chuyên môn kỹ thuật thường giảm dần sự quan trọng đối với các nhà quản trị cấp cao. Nhưng lại rất quan trọng và cần thiết đối với nhà quản trị cấp cơ sở vì họ làm việc rất chặt chẽ với tiến trình sản xuất cụ thể và ở đó tài năng kỹ thuật, chuyên môn là đặc biệt quan trọng.
Kỹ năng tư duy đặc biệt quan trọng đối với cấp quản trị cao, và giảm dần sự quan trọng đối với cấp quản trị thấp vì cấp quản trị cao phải xây dựng các chiến lược, đề ra các quyết định, đường lối, chủ trương phát triển của tổ chức.
Kỹ năng nhân sự là cần thiết ngang nhau đối với mọi cấp quản trị, vì nhà quản trị nào cũng phải làm việc với con người. Chỉ khác là đối tượng con người mà nhà quản trị quan hệ là không giống nhau.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Chức năng và kỹ năng của nhà quản trị về một số kỹ năng của nhà quản trị và chức năng của nhà quản trị...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Chức năng và kỹ năng của nhà quản trị. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.