Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đất nước ta có nhiều tấm gương nghèo vượt khó, học giỏi em hãy viết về một trong số những tấm gương đó bằng một đoạn văn

Đất nước ta có nhiều tấm gương nghèo vượt khó, học giỏi em hãy viết về một trong số những tấm gương đó bằng một đoạn văn gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

I. Dàn ý Đất nước ta có nhiều tấm gương nghèo vượt khó, học giỏi

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Đất nước ta có nhiều tấm gương nghèo vượt khó, học giỏi.

2. Thân bài

a. Giải thích

Tinh thần vượt khó: sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách trong cuộc sống với một tinh thần, năng lượng tích cực. Là một con người và đặc biệt là giới trẻ, chúng ta cần có tinh thần vượt khó để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

b. Phân tích

Người có tinh thần vượt khó là người biết phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống của mình, nỗ lực hết sức để mong muốn đạt được những thành tựu cho riêng mình; khi vấp ngã không chán nản, buông xuôi mà tìm cách đứng dậy sau vấp ngã để đi tiếp con đường mình đã chọn.

Người có tinh thần vượt khó sẽ tôi luyện những phẩm chất quý giá: chăm chỉ, cần cù, lạc quan, từ đó, đường đi đến thành công sẽ được rút gọn hơn.

Tinh thần vượt khó, sẵn sàng đi tiếp sẽ mang đến cho con người những thành quả ngọt ngào sau bao nỗ lực, cố gắng và khiến chúng ta được người khác yêu thương, tin tưởng và học tập theo.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng tiêu biểu để minh họa cho bài làm của mình.

Gợi ý:

Nguyễn Ngọc Ký bị liệt cả hai tay và phải tập viết bằng chân. Nguyễn Ngọc Ký quả là một tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận. Ông đã chứng minh cho mọi người thấy một người tật nguyền như ông vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội.

Nguyễn Đình Chiểu mất ba từ thuở bé, giờ đến tuổi trưởng thành mẹ lại ra đi. Sau khi trải qua một cơn bạo bệnh, đôi mắt ông trở nên mù lòa. Nhưng ông vẫn bốc thuốc, chữa bệnh và làm thơ văn, cống hiến những điều tốt đẹp cho cuộc đời.

d. Phản đề

Trong cuộc sống, có nhiều người bi quan, khi đứng trước khó khăn thử thách không dám đương đầu hoặc luôn chán nản mà gục ngã; khi vấp ngã không đủ tinh thần dũng cảm đứng dậy bước tiếp,… những người này nên bị chỉ trích, phê phán.

3. Kết bài

Khái quát lại vai trò, tầm quan trọng của tinh thần vượt khó; đồng thời rút ra bài học cho bản thân mình.

II. Dàn ý Suy nghĩ của em về hiện tượng của Phạm Văn Nghĩa

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: hiện tượng của Phạm Văn Nghĩa.

Học sinh lựa chọn cách dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của mình.

2. Thân bài

a. Khái quát chung về nhân vật Phạm Văn Nghĩa

Nghĩa là một người con biết thương mẹ, có tấm lòng hiếu thảo vì bạn thường xuyên ra đồng giúp mẹ trồng trọt.

Không chỉ dừng lại ở sự hiếu thảo, Nghĩa còn là một cậu bé ham học và biết vận dụng lí thuyết vào thực tiễn: bạn đã lai tạo thành công giống bắp mới và cho năng suất vượt trội.

Nghĩa còn là người có óc sáng tạo khi bạn biết làm cái tời cho mẹ kéo nước đỡ mệt.

b. Nguyên nhân của thành quả

Thành quả mà Nghĩa đạt được đều xuất phát từ ý thức sống có ích, vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn của bạn.

Ý thức học tập, tinh thần ham học hỏi, óc sáng tạo khi áp dụng lí thuyết vào thực tiễn.

c. Ý nghĩa từ nhân vật Phạm Văn Nghĩa

Nghĩa không chỉ giúp cho cuộc sống của gia đình mình trở nên tốt đẹp hơn mà còn là tấm gương sáng để các bạn học sinh học tập và noi theo.

Thành quả mà Nghĩa tạo ra có thể áp dụng vào thực tiễn và cho ra năng suất hiệu quả cho mọi người.

Nghĩa đã góp phần làm cho cuộc sống và xã hội tốt hơn.

d. Phản đề

Trong cuộc sống vẫn còn nhiều bạn học sinh ỷ lại, không có ý thức vươn lên trong cuộc sống, chưa chủ động trong học tập và định hướng tương lai cho bản thân mình,… những người này cần phải thay đổi tư tưởng và sống tốt hơn.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: hiện tượng Phạm Văn Nghĩa đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân mình.

III. Văn mẫu Đất nước ta có nhiều tấm gương nghèo vượt khó, học giỏi

1. Đất nước ta có nhiều tấm gương nghèo vượt khó, học giỏi - Mẫu 1

Có ai trên đời mà không mong muốn mình được hạnh phúc? Có ai trên đời lại không muốn mình được đủ đầy, khỏe mạnh? Thế nhưng, cuộc sống luôn chứa đựng nhiều thử thách nghiệt ngã. Thay vì chọn đau đớn rồi ngã gục thì Nguyễn Sơn Lâm lại quyết định đứng lên. Nguyễn Sơn Lâm là một trong những nạn nhân bất hạnh vô tình nhận lấy sự ảnh hưởng của chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam. Anh sinh ra với những dị tật ở hệ xương. Chân tay mềm yếu khiến anh không thể cao lớn, hoạt động sinh hoạt bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Từ đó, anh sinh ra mặc cảm, tự ti và không tới trường nữa. Trong những tháng ngày đó, mẹ của anh đã sưu tầm sách báo, những câu chuyện nói về tấm gương vượt khó vươn lên để kể cho anh nghe. Hiểu được tấm lòng và sự động viên của mẹ nên hết cấp ba, anh Lâm đã thi đỗ hai trường Đại học. Chính nhờ sự nỗ lực ấy, bây giờ anh đã là một nhà lãnh đạo tài ba đồng thời là một diễn giả chuyên nghiệp. Không chỉ vậy, là một người niềm đam mê ngoại ngữ, anh có thể nói thành thạo ba thứ tiếng Anh, Nhật, Pháp. Đặc biệt, với cơ thể chưa đầy 27kg và cao khoảng 90cm, vào năm 2011, anh là người đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Phan xi păng - nóc nhà Đông Dương bằng nạng gỗ. Cách sống nghị lực của anh Nguyễn Sơn Lâm thật đúng với câu nói: “Thành công là một cuộc hành trình, không phải là định mệnh”. Anh đã tự vẽ nên số phận, gạt phăng đi những khó khăn cản đường và tỏa sáng giữa cuộc đời.

2. Đất nước ta có nhiều tấm gương nghèo vượt khó, học giỏi - Mẫu 2

Tôi rất thích câu tục ngữ: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” của cha ông ta từ ngàn đời này. Trong cuộc sống, có những người gặp phải hoàn cảnh khó khăn nhưng không hề bỏ cuộc. Câu chuyện về thầy và trò ở điểm trường Khẩu Cắm - Cao Bằng chính là tấm gương phi thường như thế.

Điểm trường Khẩu Cắm nằm treo leo trên một ngọn đồi tại xã Nam Cao, Bảo Lâm, Cao Bằng. Ngôi trường nhỏ bé này được thành lập vào năm 2004 nhưng đến nay vẫn chỉ có một lượng học sinh khiêm tốn gồm 45 học sinh dân tộc thiểu số. Nếu có dịp ghé thăm ngôi trường này, chắc hẳn ai cũng không khỏi xúc động trước hình ảnh những túi cơm của các em học sinh nơi đây. Vì điều kiện gia đình quá khó khăn và nhà quá xa trường mà các em phải đùm cơm vào túi nilong, đi bộ tới trường. Trong ánh mắt ngây thơ, trong sáng vô ngần của những em bé ấy lấp lánh niềm hy vọng và thấp thoáng cả nỗi sợ mơ hồ. Những đôi chân thoăn thoắt, những dáng hình nhỏ bé ấy đã dắt tay nhau vượt qua đèo qua suối để đến trường, vượt qua những thiếu thốn về mặt vật chất và sự sợ hãi trong tinh thần. Với các em, được gặp thầy cô, bạn bè, biết đến con chữ là một niềm hạnh phúc. Tự các em đã gieo lên những hạt mầm hy vọng của tương lai tươi sáng.

Với các thầy cô giáo, điểm trường không chỉ là nơi làm việc mà còn là nơi sinh sống. Các thầy cô đã chọn ở lại trường, gắn bó với những dốc núi quanh co được mây mù che phủ này để mang con chữ đến với trẻ thơ. Sự thiếu thốn về vật chất, xa xôi về khoảng cách địa lí cũng có khi làm các thầy cô giáo cảm thấy mệt mỏi, nản lòng. Tuy nhiên,chính tình yêu nghề, sự mến trẻ đã trở thành điểm tựa tinh thần vững vàng cho họ. Chứng kiến cuộc sống khó khăn cùng sự hiếu học của các em nhỏ, những thầy cô giáo dần cảm thấy dường như những thiếu thốn của mình bỗng hóa nhỏ nhoi. Không chỉ là người dạy học, các thầy các cô còn trở thành người chăm lo cho bữa ăn giấc ngủ của học trò. Phải làm sao để đám trẻ thơ “No cái bụng, tròn con chữ” chính là mối quan tâm lớn nhất của các thầy cô. Khu nhà dựng tạm được sử dụng làm bếp nấu ăn của thầy và trò đến nay đã xuống cấp trầm trọng, cảm tưởng như có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Khi mưa bão đến, thầy cô phải thu dọn đồ đạc lên các phòng học của học sinh để trú tạm. Suốt gần 20 năm nay, biết bao ước mơ đã được khởi nguồn từ mái trường đơn sơ này. Quả thực, “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”. Các thầy cô đã trở thành những anh hùng trong cuộc sống thực, vượt lên cái khó để trở thành những người thầy giỏi đúng nghĩa.

“Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống” - câu nói đã trở nên quen thuộc nhưng luôn đúng đắn. Những em học sinh trên đỉnh núi Cao Bằng, những thầy cô giáo cắm bản nuôi dạy trẻ đã truyền cho ta nghị lực sống, động lực phấn đấu vươn lên bất chấp những nghịch cảnh đắng cay của cuộc sống. Họ thực sự là “những bông hoa trên đá”.

3. Đất nước ta có nhiều tấm gương nghèo vượt khó, học giỏi - Mẫu 3

Cuộc sống không phải luôn may mắn với tất cả mọi người. Khi mà trong xã hội vẫn luôn có những người phải chịu hoàn cảnh khó khăn cả về vật chất lẫn thể chất. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể ngăn cản họ vươn lên trong cuộc sống bằng chính tinh thần và nghị lực sống mãnh liệt của mình. Điển hình như thầy Nguyễn Ngọc Ký, chàng hiệp sỹ trẻ Nguyễn Công Hùng – đều là những tấm gương vượt lên và chiến thắng số phận, khiến bao người phải cảm phục.

Nguyễn Ngọc Ký, một cái tên quá đỗi quen thuộc đối với những thế hệ học sinh Việt Nam. Thầy là một biểu tượng cho sự quyết tâm và kiên trì vượt lên khó khăn để có được thành công. Năm lên 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký gặp cơn bạo bệnh và bị liệt cả hai tay. Bản thân ông và gia đình đều rất buồn và xót xa. Tuy vậy, Nguyễn Ngọc Ký vẫn nuôi ước mơ được đi học như chúng bạn cùng trang lứa. Năm lên 7 tuổi, cậu bé Ký đến trường, đứng ngoài cửa nghe cô giáo giảng bài, xem các bạn học. Về nhà, cậu bắt đầu hì hụi tập viết bằng ... chân. Thời gian đầu việc tập viết với Ký quả như cực hình. Dần dần Ký viết được chữ O, chữ V... Không những thế, Ký còn vẽ được hình bằng thước và com-pa, làm được lồng chim để chơi... Nhờ sự cố gắng tuyệt vời đó, cậu đã được đi học và học rất giỏi. Năm 1962, Nguyễn Ngọc Ký được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý của Người. Năm 1963, Ký tham dự kì thi chọn học sinh giỏi Toán toàn quốc và xuất sắc đứng thứ 5. Cậu lại được Bác Hồ tặng Huy hiệu cao quý lần thứ 2. Lên cấp III, theo lời động viên của bạn bè khắp nơi trên cả nước, Nguyễn Ngọc Ký đã chọn ngành Văn. Năm 1966, ông nhận được giấy báo nhập học ngành Ngữ Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trong 4 năm học Đại học, dù bệnh tật luôn đe dọa tính mạng, song Nguyễn Ngọc Ký vẫn miệt mài đèn sách. Tốt nghiệp Đại học ngành Ngữ Văn, Nguyễn Ngọc Ký đã nghe theo lời khuyên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Hải Hậu, Nam Định (quê ông) làm thầy giáo để “dạy các em phấn đấu vượt mọi trở ngại, khó khăn, góp phần thống nhất nước nhà”. Nguyễn Ngọc Ký quả là một tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận. Ông đã chứng minh cho mọi người thấy một người tật nguyền như ông vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Tên tuổi Nguyễn Ngọc Ký đã được mọi người biết đến với lòng trân trọng, ngưỡng mộ, cảm phục. Mãi mãi, cái tên Nguyễn Ngọc Ký sẽ còn in sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam hôm nay và cả mai sau.

Hay như chàng hiệp sỹ trẻ Nguyễn Công Hùng.Từ nhỏ anh đã mắc căn bệnh hiểm nghèo bị liệt toàn thân. Nhưng điều đó không đánh gục được anh, anh vẫn cố gắng học tập, rèn luyện. Công nghệ thông tin đã giúp anh thay đổi cuộc đời và mở được trung tâm tin học dành cho người khuyết tật. Anh chinh phục mọi người bằng ý chí vươn lên mong muốn sống có ích, để cống hiến cho xã hội.

Bên cạnh đó còn rất nhiều những tấm gương các bạn học sinh vượt khó học giỏi trên khắp cả nước. Như bạn Nguyễn Ánh học sinh lớp 12A2 học sinh lớp 12A2, Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa – Đăk Nông) sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ba chạy xe thồ, mẹ là lao động tự do. Dù vậy, nhưng tất cả 3 chị em Nguyệt đều được đến trường. Chính sự tần tảo, vất vả của ba mẹ đã khiến cho Nguyệt và các em càng nỗ lực hơn trong học tập.Ngoài giờ học, vào mỗi buổi tối, Nguyệt thường tranh thủ thời gian phụ mẹ cùng đi rửa chén bát, về lại tranh thủ học bài tới tận đêm khuya mới nghỉ. Thế nhưng, học tập của Nguyệt cũng luôn đạt thành tích khá cao, trong các năm lớp 10, 11 đạt học sinh tiên tiến, còn học kỳ 1 năm lớp 12 này đạt học sinh giỏi. Chính vì tình yêu đối với cha mẹ, thấy cha mẹ khó khăn gồng gánh nuôi các con mà bạn nỗ lực vượt khó cố gắng đạt được thành tích cao trong học tập để ba mẹ vui.

Các tấm gương sáng ngời của những người dù không được may mắn như bao người khác nhưng lại có một nghị lực kiên cường khiến bao người ngưỡng mộ. Điều đó càng khiến những người may mắn như chúng ta nhìn nhận lại chính mình. Khi mà chúng ta được sinh ra với một thân thể lành lạnh và khỏe mạnh, chúng ta được sống trong một môi trường hòa bình với những điều kiện kinh tế đầy đủ. Nhưng thực sự chúng ta đã biết trân trọng những điều may mắn đó hay chưa? Chúng ta đã nỗ lực hết mình, phấn đấu hết mình để đạt được những thành tích tốt nhất hay chưa? Thật đáng xấu hổ nếu chúng ta không biết rằng mình đã may mắn hơn người khác thế nào để từ đó mà cố gắng vươn lên. Đừng bao giờ an phận thủ thường, để mình tự mờ nhạt và chìm dần vào trong lãng quên giữa cuộc sống hiện đại này. Như Xuân Diệu đã từng nói: “ Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt – Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.” Hãy biết tận dụng những điều kiện của mình để vươn lên tới thành công gây dấu ấn giữa cuộc đời này.

Qua những tấm gương vượt qua số phận, chúng ta chợt cảm thấy mình quá bé nhỏ, tầm thường. Chúng ta học tập ở họ không chỉ ở lòng kiên trì, nhẫn nại, say mê học tập mà còn ở lối sống lạc quan, yêu đời. Lặng lẽ như nụ chồi từ bóng tối vươn ra ánh sáng, họ đã vượt lên chính mình để có một ngày mai tươi sáng hơn.

4. Đất nước ta có nhiều tấm gương nghèo vượt khó, học giỏi - Mẫu 4

Cuộc sống không phải luôn mỉm cười với bất kỳ ai. Một danh nhân đã nói: “Không có số phận, chỉ có những quyết định của con người làm nên số phận mà thôi”.

Thật vậy, trong cuộc sống có biết bao tấm gương vượt lên số phận như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, thương binh Nguyễn Trọng Hợp,… Họ đã vượt lên và chiến thắng số phận, khiến bao người phải cảm phục. Trong lịch sử văn học Việt Nam, có lẽ Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ bất hạnh nhất. Trên đường lên kinh ứng thí, nghe tin mẹ mất, ông chẳng màng mười năm đèn sách mà quay ngay về nhà để chịu tang mẹ.

Cậu bé Nguyễn Đình Chiểu mất ba từ thuở bé, giờ đến tuổi trưởng thành mẹ lại ra đi. Do quá thương nhớ mẹ, Nguyễn Đình Chiểu đã khóc thật nhiều, và sau khi trải qua một cơn bạo bệnh, đôi mắt ông trở nên mù lòa. Mẹ mất, gia cảnh sa sút. Thế là gia đình vốn có hôn ước với ông nay đã trở mặt, bội tín. Cuộc đời ông rơi vào bế tắc với bao đau khổ, cùng cực. Đối với người khác, như vậy là quá đủ để chấm dứt cuộc đời hay sống buông thả, thờ ơ mặc dòng đời đẩy đưa. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu không như thế. Ông vẫn quay về quê nhà bốc thuốc chữa bệnh cho dân, lấy sức lấy tài của mình để mở lớp dạy học, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, bằng lòng yêu nước nồng nàn, ông tích cực tham gia sáng tác những “vũ khí văn học” lợi hại để khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân. Thực dân Pháp đã nhiều lần mua chuộc Nguyễn Đình Chiểu bằng những hứa hẹn về việc chữa khỏi đôi mắt của ông và cho ông một cuộc sống giàu sang, sung sướng. Nhưng với ý chí kiên trung, bất khuất, ông đã không nghiêng mình trước những cám dỗ ấy. Thế nên, ông trở thành nhà thơ tiêu biểu của Nam Bộ và của cả nước ta thời bấy giờ.

Với những nỗ lực của mình, Nguyễn Đình Chiểu đã chứng tỏ với mọi người rằng ông là người tàn chứ không phế. Tấm gương sáng ngời của những mảnh đời bất hạnh đã giúp chúng ta soi lại chính mình. Cuộc sống đối với một số người là muôn vàn gian lao, thử thách. Ngược lại, đối với một số người khác, cuộc sống như tấm thảm nhung êm ái trải đầy hoa hồng. Chúng ta chính là những con người may mắn ấy. Chúng ta còn được sống giữa vòng tay ấm áp, yêu thương của gia đình. Hơn nữa, khác hẳn họ, chúng ta được sinh ra và lớn lên giữa thời bình, không thiếu thốn về kinh tế. Nhưng thật sự chúng ta đã biết quý trọng cuộc sống ấy chưa? Thật đáng tiếc nếu chúng ta sống quá an phận, tự để mình mờ nhạt và chìm vào quên lãng giữa cuộc sống xã hội hiện đại ngày nay.

Có phải chúng ta vẫn học qua loa, đối phó mà không bận tâm rằng ngay lúc ấy có biết bao cô cậu bé đứng bên cửa sổ lớp học, thèm được nghe cô giáo giảng bài. Qua những tấm gương vượt qua số phận, chúng ta chợt cảm thấy mình quá bé nhỏ, tầm thường. Chúng ta học tập ở họ không chỉ ở lòng kiên trì, nhẫn nại, say mê học tập mà còn ở lối sống lạc quan, yêu đời.

Những tấm gương, những huyền thoại về những con người bất hạnh nhưng phi thường đã gieo trong tim ta niềm tin yêu cuộc sống. Lặng lẽ như nụ chồi từ bóng tối vươn ra ánh sáng, họ đã vượt lên chính mình để có một ngày mai tươi sáng hơn.

5. Đất nước ta có nhiều tấm gương nghèo vượt khó, học giỏi - Mẫu 5

Trong lịch sử Việt Nam có rất nhiều tấm gương về vượt khó học tập nổi tiếng nhất chính là trạng nguyên Mạc Đinh Chi. Người xưa kể lại rằng Mạc Đĩnh Chi con nhà nghèo người đen đủi, xấu xí. Hàng ngày, để duy trì cuộc sống cậu phải vào rừng kiếm củi giúp cha mẹ. Gần nhà ông có một trường học, vì không có tiền học nên hàng ngày mỗi khi gánh củi qua ông đều ngấp nghé đứng cửa lớp học ké. Nhiều ngày, thấy cậu học trò nghèo lại hiếu học thầy giáo liền cho vào lớp học. Nhưng ban ngày cậu phải kiếm sống, phải học tranh thủ vào buổi tối.

Nhà nghèo không có đèn dầu để học cầu liền nghĩ ra cách bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng làm đèn. Không có vở để viết cậu dùng lá để thay giấy và tập viết. Nhiều ngày như vậy, thầy thấy cậu bé nhà nghèo mà hiếu học, thầy cho phép cậu bé vào trường. Nhờ có trí thông minh, Mạc Đĩnh Chi nhanh chóng trở thành học trò giỏi nhất trường. Buổi tối, Mạc Đĩnh Chi mới có thì giờ đọc sách vì ban ngày cậu phải làm việc khác. Nhưng lại không có đèn dầu thắp, cậu bé đã nghĩ ra cách bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng làm đèn. Bằng nghị lực phi thường khoa thi Giáp Thìn (1304), thi hội, Mạc Đĩnh Chi đỗ Hội nguyên, thi Đình, ông đỗ Trạng nguyên. Không chỉ làm trạng nguyên Đại Việt, ông còn được phong làm “Lưỡng quốc Trạng nguyên” (Trung Hoa và Đại Việt) khi sang sứ Trung Hoa thời nhà Nguyên. Là học sinh thì không ai không biết đến câu chuyện về thầy giáo không tay Nguyễn Ngọc Ký. Câu chuyện bắt đầu khi thấy lên 4 tuổi thì bị bại liệt cả hai tay. Đôi cánh tay buông thõng như hai sợi dây đeo bên vai đã khiến thấy không thể đi học như bao bạn khác. Nhưng tinh thần hiếu học, khát khao con chữ đã đưa cậu đến cánh của lớp học nghe cô giáo giảng bài.

Cảm phục và xót thương cậu học trò nhỏ tật nguyền, cô để cậu vào lớp học cùng. Và cũng từ đây, thầy bắt đầu những tháng ngày khổ luyện chữ bằng chân. Đó là những cơn đau khi bị chuột rút, đôi chân co quắp lại, những ngón chân sưng phồng nhưng vẫn kẹp chặt cây bút…và hàng vạn những khó khăn khác không làm thầy nản trí chùn bước chân. Và những nỗ lực đã được đền đáp khi cậu đạt được cuộc thi vở sạch chữ đẹp của trường. Và từ bước thầy đã bước chân vào cảnh cổng trường đại học trở thành một nhà giáo ưu tú. Từng bước , từng bước thầy đã truyền lửa cho bao nhiêu thế hệ học trò và viết nên câu chuyện huyền thoại của mình. Hay như chàng hiệp sỹ trẻ Nguyễn Công Hùng. Từ khi còn nhỏ anh mắc căn bệnh hiểm nghèo bị liệt toàn thân. Nhưng điều đó không đánh gục được anh, anh vẫn cố gắng học tập, rèn luyện. Công nghệ thông tin đã giúp anh thay đổi cuộc đời và mở được trung tâm tin học dành cho người khuyết tật. Anh chinh phục mọi người bằng ý chí vươn lên mong muốn sống có ích, để cống hiến cho xã hội. Và còn hàng triệu những con người đang vượt khó trên đất nước Việt Nam đang không ngừng học tập để vươn lên giúp ích cho đời. Vượt qua những mặc cảm của cuộc sống, phấn đấu hết mình để không phải sống quỵ lụy, yếu đuối và phụ thuộc vào người khác. Họ từ gánh nặng của gia đình, xã hội đã trở thành những công dân có ích. Bởi hơn ai hết họ hiểu rằng “Chúng ta chỉ thực sự thất bại khi chúng ta từ bỏ mọi cố gắng”.

Những thành công đến với họ khó khăn hơn, vất vả hơn chúng ta rất nhiều. Trong đó chưa muôn vàn đắng cay, nước mắt, đau đớn…nhưng cũng chính vì thế mà chúng ta thêm khâm phục họ. Họ những con người không chịu thua số phận đã tạo dựng một cuộc sống ý nghĩa từ khó khăn, gian khổ. Như những bông hoa hướng về mặt trời họ không chỉ đã chiến thắng số phận của mình mà còn động viên khích lệ những người xung quanh.

--------------------------------------------------------

Ngoài Đất nước ta có nhiều tấm gương nghèo vượt khó, học giỏi em hãy viết về một trong số những tấm gương đó bằng một đoạn văn. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9 hoặc đề thi học học kì 1 lớp 9, đề thi học học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Chia sẻ, đánh giá bài viết
85
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Văn 9 Sách mới

    Xem thêm