Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề kiểm tra Văn 7 học kì 2 Phòng GD&ĐT huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi năm 2019

VnDoc giới thiệu tới thầy cô và các em học sinh Đề kiểm tra học kì 2 môn Ngữ văn lớp 7 năm 2019 Phòng GD&ĐT huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi bao gồm các câu hỏi tự luận có đáp án, là tài liệu hữu ích cho thầy cô tham khảo ra đề và các em học sinh ôn tập, chuẩn bị cho các bài kiểm tra học kì 2 sắp tới đạt kết quả cao.

Đối với các em học sinh, việc luyện đề trước các kì thi là rất quan trọng để làm quen với đề cũng như ôn tập kiến thức vững vàng hơn. Bộ đề thi học kì 2 lớp 7 được giới thiệu trên VnDoc.com bao gồm hệ thống các đề thi được sưu tầm từ các trường THCS trên cả nước, sẽ là tài liệu hay cho các em ôn luyện, cũng như thầy cô tham khảo ra đề cho các em học sinh.

Đề thi học kì 2 môn Văn lớp 7

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

HUYỆN ĐỨC PHỔ

KIỂM TRA HỌC KỲ II, NĂM HỌC 2018-2019

Đề môn: Ngữ văn, Lớp 7

Thời gian làm bài: 90 phút

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và thực hiện những yêu cầu bên dưới:

Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

(Hồ Chí Minh, Ngữ văn 7, tập hai,

NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

Câu 1. (0,5 điểm)

Phương thức biểu đạt chính là gì?

Câu 2. (1,0 điểm)

Chỉ ra và nêu tác dụng phép liệt kê trong câu văn: “Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.”

Câu 3. (0,5 điểm)

Cho biết câu “Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy.” được rút gọn thành phần nào?

Câu 4. (0,5 điểm)

Nêu nội dung chính của đoạn văn.

Câu 5. (0,5 điểm)

Theo em, học sinh cần làm những gì để thể hiện tình yêu nước?

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung phần Đọc hiểu, viết đoạn văn (5 – 7 câu) nêu suy nghĩ về tinh thần yêu nước của nhân dân ta ngày nay.

Câu 2. (5,0 điểm)

Hãy giải thích nội dung lời khuyên của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi.

HẾT

Giám thị coi kiểm tra không giải thích gì thêm

Đáp án đề kiểm tra Ngữ văn 7 học kì 2

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính là nghị luận.

- Điểm 0,5: Trả lời đúng như trên.

- Điểm 0 : Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 2.

Học sinh chỉ ra đúng phép liệt kê: ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo. Nêu đúng tác dụng của pháp liệt kê: diễn đạt đầy đủ và sâu sắc các nhiệm vụ phải làm để phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân.

- Điểm 1,0: Trả lời đúng như yêu cầu trên.

- Điểm 0,75: Trả lời đúng 3/4 yêu cầu trên

- Điểm 0,5: Trả lời đúng 1/2 yêu cầu trên

- Điểm 0,25: Trả lời đúng 1/4 yêu cầu trên.

- Điểm 0 : Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 3. Rút gọn thành phần chủ ngữ.

- Điểm 0,5: Trả lời đúng như trên

- Điểm 0 : Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 4. Nội dung: Khẳng định tinh thần yêu nước là quý giá, phải có trách nhiệm phát huy tinh thần ấy.

- Điểm 0,5: Trả lời đúng như trên

- Điểm 0,25: Trả lời được 1/2 ý trên.

- Điểm 0 : Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 5. Đây là câu hỏi mở, học sinh nêu một số việc thể hiện tình yêu nước của mình. Định hướng: ra sức học tập, rèn luyện; tự hào, phát huy truyền thống dân tộc;...

- Điểm 0,5: Trả lời hợp lí một trong những ý trên.

- Điểm 0,25: Trả lời sơ sài, chung chung.

- Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không trả lời.

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Học sinh biết vận dụng kiến thức đời sống và kĩ năng về dạng văn nghị luận chứng minh để tạo lập văn bản. Đoạn văn phải có kết cấu rõ ràng, viết đúng chủ đề; đảm bảo tính liên kết về nội dung và hình thức; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp; đảm bảo đúng số câu.

* Yêu cầu cụ thể:

a. Đảm bảo hình thức của một đoạn văn theo yêu cầu. (0,25 điểm)

- Điểm 0,25: Như yêu cầu.

- Điểm 0: Hình thức không đúng yêu cầu.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm): Tinh thần yêu nước của nhân dân ta ngày nay.

- Điểm 0,25: Đảm bảo yêu cầu trên.

- Điểm 0: Xác định không đúng vấn đề.

c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn (1.0 điểm): Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng tất cả các cách đều phải đảm bảo tính liên kết về nội dung và hình thức; có dẫn chứng để chứng minh, có thể thực hiện các ý theo định hướng sau:

+ Nêu câu chủ đề.

+ Những biểu hiện của tinh thần yêu nước.

+ Ý nghĩa của tinh thần yêu nước

+ Liên hệ bản thân

- Điểm 1,0: Đảm bảo đầy đủ các yêu cầu trên.

- Điểm 0,75: Đảm bảo được các ý cơ bản nhưng còn mắc vài lỗi liên kết, diễn đạt.

- Điểm 0,5: Đáp ứng được một nửa yêu cầu trên.

- Điểm 0,25: Có ý tưởng nhưng còn chung chung, sơ sài.

- Điểm 0: Không đảm bảo các yêu cầu trên.

d. Tính sáng tạo (0,25 điểm): Sáng tạo trong cách lập luận, trình bày.

- Điểm 0,25: Đảm bảo yêu cầu như trên.

- Điểm 0: Thiếu tính sáng tạo.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm): đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

- Điểm 0,25: Đảm bảo yêu cầu như trên.

- Điểm 0: Mắc một vài lỗi.

Câu 2. (5,0 điểm)

* Yêu cầu chung:

Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận giải thích để tạo lập văn bản. Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng; luận điểm chính xác; giải thích rõ ràng; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp; trình bày đẹp.

* Yêu cầu cụ thể:

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận. (0,5 điểm)

- Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng giải thích rõ vấn đề; phần Kết bài nêu ý được ý nghĩa của vấn đề đối với đời sống và liên hệ mở rộng.

- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài nhưng các phần chưa thể hiện đầy đủ yêu cầu nêu trên; phần Thân bài chỉ có một đoạn văn.

- Điểm 0: Thiếu phần Mở bài hoặc Kết bài, Thân bài hoặc cả bài chỉ có một đoạn văn.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. (0,5 điểm)

- Điểm 0,5: Ý nghĩa của việc học tập và học tập suốt đời.

- Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.

- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c. Chia vấn đề cần nghị luận thành các ý lớn phù hợp; các ý được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các phương pháp giải thích. (3,0 điểm)

Học sinh có thể có nhiều cách trình bày. Định hướng:

+ Giới thiệu câu nói của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi.

+ Giải thích cụ thể:

++ Giải thích thế nào là “học”, “học nữa”, “học mãi”.

++ Vai trò của việc học, học nữa và học suốt đời đối với đời sống của mỗi con người.

++ Có thể nêu một vài câu nói tương tự về việc học; nêu được việc thực hiện lời khuyên của Lê-nin trong cuộc sống.

+ Ý nghĩa của lời khuyên đối với đời sống của mỗi con người.

- Điểm 3,0: Đáp ứng đầy đủ theo định hướng trên.

- Điểm 2,0 – 2,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm chưa trình bày được đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.

- Điểm 1,0 – 1,75: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.

- Điểm 0,25 – 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.

- Điểm 0: Không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d. Sáng tạo. (0,5 điểm)

- Điểm 0,5: Có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ, hình ảnh và phương pháp giải thích).

- Điểm 0,25: Diễn đạt còn hạn chế.

- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo.

e. Chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. (0,5 điểm)

- Điểm 0,5 : Không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Điểm 0,25 : Mắc một số lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Điểm 0 : Mắc nhiều lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

------------------HẾT---------------

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 7 Phòng GD&ĐT huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi năm 2019. Ngoài ra, mời các bạn tham khảo thêm các tài liệu khác như: Ngữ văn lớp 7, Soạn bài lớp 7, Học tốt Ngữ Văn 7, Giải Vở bài tập Ngữ Văn và các dạng đề thi học kì 1 lớp 7, đề thi học kì 2 lớp 7 cũng được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức

    Xem thêm