Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi giữa học kì 1 lớp 9 Kết nối tri thức

Đề thi giữa học kì 1 lớp 9 sách Kết nối tri thức với cuộc sống tổng hợp đề thi các môn học, có đáp án, ma trận, là tài liệu hay dành cho các bạn học sinh ôn tập, và các thầy cô tham khảo ra đề. Mời thầy cô và các em tham khảo chi tiết dưới đây.

1. Đề thi giữa kì 1 Văn 9 Kết nối tri thức

I. Đọc hiểu

Đọc văn bản sau:

(Lược một đoạn: Đào Cảnh Long, hiệu là Vân Hiên cư sĩ, là một học trò nghèo sống vào cuối đời Lê Chiêu Thống, đức độ rộng rãi, tính tình chất phác, trọng danh nghĩa, chuộng khí khái. Năm Bính Thìn, vì nhà thiếu ăn, chàng phải đi dạy học thuê cho một nhà giàu).

chỗ dạy học, anh có nuôi một con chó già, sớm hôm chơi đùa với nó. Anh đi đâu, nó cũng đi theo. Anh ngồi đâu, nó cũng đứng chầu bên cạnh. Anh đặt tên nó là Hàn Lư. Anh thường đùa với nó:

- Mày được ta chăm nuôi, mày có chịu dốc sức liều chết vì ta không? Con vật gật đầu, nghoe nguẩy đuôi như tỏ ý nhận lời.

Mấy tháng sau, anh có việc phải trở về quê hương. Con chó phải ở lại. Nó quanh quẩn ra vào ở cửa phòng học. Ban ngày xua đuổi gà lợn, ban đêm phòng giữ kẻ gian. Nhiều khi bọn trẻ lãng quên, không cho ăn, tiếng sủa của con chó không còn được sang sảng nữa.

Bấy giờ, trong làng có một phú ông họ Trương thấy vậy, thương hại, đem cơm đến cho ăn. Vừa bước vào cửa phòng học, liền bị con chó cắn phải. Ông trách mắng:

- Hàn Lư! Hàn Lư! Vì thương mày đói lâu nay, nên ta đến đưa cơm cho mày ăn. Ta đâu phải là kẻ bất nhân! Mày tuy là giống vật, nhưng cũng biết suy nghĩ chút ít. Sao mày lại lấy oán trả ân?

Ông chưa dứt lời, con vật chồm lên, nhe răng, giơ vuốt, nói bằng tiếng người:

- Ngày chủ tôi đi có căn dặn tôi phải bảo vệ phòng học, trông nom bọn trẻ. Ngăn chặn kẻ ác, cấm đoán kẻ gian là trách nhiệm của tôi. Ông tới đột ngột, lại không có chủ tôi đón tiếp, thì bị cắn một miếng là đúng lẽ thôi! Thế mà còn trách mắng nặng lời gì nữa!

Thấy con chó biết nói tiếng người, lại nói đúng lẽ, phú ông thầm nghĩ trong bụng nó là con vật kì lạ, ý muốn dụ dỗ, bèn nói:

- Ông chủ của mày bản chất là thầy đồ nghèo. Mình hắn chẳng đủ miếng ăn, lấy đâu ra dành cho mày nữa. Bây giờ chi bằng mày bỏ chỗ tối, tới chỗ sáng, bỏ nhà nghèo, tới nhà giàu, tìm nơi no đủ, sung sướng suốt đời, có phải hơn không? Tội gì mà phải chịu khổ mãi? Con chó nói:

- Ôi! Ông cũng là người, sao nỡ mở miệng buông lời như thế. Kẻ sĩ trung nghĩa, không vì cùng hay thông mà thay đổi ý chí, cho nên đến mùa rét mới biết rõ bách tùng tươi tốt hơn các cây khác, gặp gió mạnh mới hay cây đứng được vững chắc. Giống súc vật tuy khác với loài người, song vẫn có tính trời phú, biết giữ vững khí tiết đối với chủ của mình. Huống hồ ông chủ của tôi lại là một người luôn biết giữ lòng chân chính, sống nghề quang minh, trung để thờ vua, tín để kết bạn, hiếu với cha mẹ, hòa thuận

họ hàng, trời sắp giao cho trách nhiệm quan trọng, cho nên bắt phải cùng khổ thiếu thốn, để trau dồi cho được thành công tốt đẹp đó thôi! Ông nói năng lung tung chẳng đúng gì, nên tôi tha thứ cho. Nếu không miệng này sẽ cắn cho một miếng nữa, chẳng ngần ngại gì! Hãy mau mau lui về, chớ để sau phải hối tiếc!

Phú ông nghe xong, sửng sốt ngây dại, hiểu rõ con vật có nghĩa, không thể giành giật được, đành mang cơm ra về.

Vài hôm sau, Đào Cảnh Long trở về, con chó mừng rỡ ra cửa đón tiếp, hình dáng tiều tụy khôn xiết. Nghe xóm giềng kể lại câu chuyện, Đào Cảnh Long cảm động lắm, ngậm ngùi lấy làm lạ mãi. Anh kiểm tra lại phòng sách, thì khóa cửa không di chuyển, giường chiếu còn y nguyên, đều là nhờ con chó hết sức canh giữ.

Ôi! Con chó là loài súc vật, mà còn biết giữ lòng tiết nghĩa thờ chủ. Dù dùng lời đường mật dụ dỗ, cũng không thể lay chuyển lòng dạ sắt đá của nó. Huống gì con người ăn lộc nhà vua, nếu giữ vững đầy đủ cái lòng tiết nghĩa ấy để đền ơn nước, xông ra đánh giặc, giặc nào chẳng tan; cố sức giữ thành, thành nào chẳng vững…

Than ôi! Sao mà lòng người chẳng còn được như xưa, thói đời đổi thay nhiều dạng? Lúc nước nhà yên vui thì bợ đỡ cầu vinh, lúc cuộc đời rối ren thì trở mặt đổi giọng, bán nước kiếm ăn, theo thời cầu lợi, không còn chút liêm sỉ, thật là quá quắt!

Vì vậy, tôi cho rằng ở đời nhiều kẻ không bằng con Hàn Lư đấy! Nhân ghi lại mẩu chuyện để răn bảo người đời.

(Trích Chuyện con chó nghĩa của một nhà nghèo, Phạm Quý Thích, in trong Truyện truyền kì Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh – Nguyễn Quang Ân sưu tầm, tuyển chọn, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.320 – 332)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định ngôi kể của văn bản.

Câu 2. Chỉ ra lời của nhân vật, lời của người kể chuyện trong những câu văn sau:

Anh thường đùa với nó:

Mày được ta chăm nuôi, mày có chịu dốc sức liều chết vì ta không? Con vật gật đầu, nghoe nguẩy đuôi như tỏ ý nhận lời.

Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo được sử dụng trong văn bản.

Câu 4. Xác định chủ đề của văn bản.

Câu 5. Em rút ra được những bài học gì cho bản thân sau qua văn bản trên?

II. VIẾT:

Câu 1: Viết đoạn văn nghị luận văn học: Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận về nhân vật người tiều phu trong đoạn trích sau:

Đất Thanh Hóa hầu hết là núi, bát ngát bao la đến mấy ngàn dặm. Có một ngọn núi cao chót vót, tên gọi là núi Na. Núi có cái động, dài mà hẹp, hiểm trở quạnh vắng không có chân người, bụi trần không bén tới. Trong động có người tiều phu hàng ngày gánh củi ra đổi lấy cá và rượu, cốt được no say chứ không lấy tiền. Ai hỏi tên họ nhà cửa, tiều phu chỉ cười mà không nói. Người chung quanh đều cho rằng đây phải là bậc kỳ sỹ ở ẩn. Khoảng năm Khai Đại nhà Hồ, Hán Thương đi săn, chợt gặp ở đường, vừa đi vừa hát rằng:

[…]

“Núi xanh bao bọc quanh nhà

Ruộng đem sắc biếc xa xa vòng ngoài

Ngựa xe võng lọng mặc ai

Nước non này chẳng trần ai vướng vào”

[…] Hát xong, phất áo đi thẳng. Hán Thương đoán là một bậc ẩn giả, bèn sai quan hầu là Trương Công đi mời. Nhưng Trương theo gần đến nơi thì tiều phu đã đi vào động, gọi cũng không trả lời, chỉ thấy rẽ mây lách khói, đi thoăn thoắt trong rừng tùng khóm trúc.

Biết không phải là người thường, Trương bèn rón bước đi theo, rẽ cỏ tìm đường. […] Thấy Trương đến, tiều phu kinh ngạc hỏi:

- Chỗ này thanh vắng, đất thẳm rừng sâu, chim núi kêu ran, muông rừng chạy vẩn, thế mà sao ông lại lần tới đây, chẳng cũng khó nhọc lắm ư? Trương trả lời:

- Tôi là chức quan tùy giá của đương triều; biết ngài là bậc cao sỹ nên vâng mệnh đến đây tuyên triệu. Hiện loan giá đang đợi ngoài kia, xin ngài quay lại một chút. Tiều phu cười mà rằng:

- Ta là kẻ dật dân trốn đời, ông già lánh bụi; gửi thân nơi lều tranh quán cỏ, tìm sinh nhai trong búa gió rìu trăng, ngày có lối vào làng say, cửa vắng vết chân khách tục; bạn cùng hươu nai tôm cá, quẩn bên là tuyết nguyệt phong hoa, đông kép mà hè đơn, nằm mây mà ngủ khói; múc khe mà uống, bới núi mà ăn, chứ có biết gì đâu ở ngoài kia là triều đại nào, vua quan nào.

(Trích Câu chuyện đối đáp của người tiều phu núi Na, Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ, NXB Văn nghệ, 1988)

Câu 2. Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về tác động của biến đổi khí hậu đối với con người.

2. Đề thi giữa kì 1 GDCD 9

PHẦN I.TRẮC NGHIỆM (3.0 điểm)

1. Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (2.0 điểm)

Hãy chọn chỉ một chữ cái trước ý trả lời đúng nhất

Câu 1: Sống có lí tưởng là

A. Học tập và làm việc theo sự áp đặt của gia đình

B. Chỉ sống vì lợi ích của bản thân không quan tâm tới người khác

C. Xác định được mục đích cao đẹp, phấn đấu đạt được mục đích đó

D. Luôn quan tâm tới lợi ích cộng đồng không quan tâm tới gia đình

Câu 2: Mục đích của sống có lí tưởng là gì?

A. Đóng góp cho lợi ích cộng đồng, quốc gia.

B. Được xã hội công nhận, tôn trọng.

C. Tăng cường sức khỏe, kĩ năng sống.

D. Giúp bản thân giàu có và khá giả hơn.

Câu 3: Hoạt động nào thể hiện lí tưởng sống của thanh niên?

A. Học không chơi là sống hoài, sống phí.

B. Làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

C. Không tham gia dọn vệ sinh môi trường.

D. Từ chối tham gia hoạt động cộng đồng.

Câu 4: Đâu không phải là biểu hiện của người thanh niên sống có lí tưởng?

A. Biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn.

B. Phấn đấu làm giàu chính đáng cho mình, gia đình và xã hội.

C. Đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

D. Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự vì lí do cá nhân.

Câu 5: Người biết tha thứ cho chính mình và người khác là biểu hiện của:

A. giản dị

B. trung thực

C. khoan dung

D. khiêm tốn

Câu 6: Nhận định nào sau đây sai khi nói về lòng khoan dung?

A. Khoan dung tạo nên những mối quan hệ không lành mạnh.

B. Người khoan dung luôn sống cởi mở và chân thành.

C. Khoan dung là một đức tính quý báu của con người.

D. Người khoan dung được mọi người yêu quý.

Câu 7: Người có lòng khoan dung sẽ nhận được điều gì?

A. Có chức vị cao trong xã hội.

B. Được mọi người yêu mến, tin cậy.

C. Có nhiều của cải, vật chất.

D. Có nhiều mối quan hệ trong xã hội.

Câu 8: Câu ca dao tục ngữ nào nói về lòng khoan dung?

A. Nhất tự vi sư bán tự vi sư

B. Có công mài sắt có ngày nên kim

C. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

D. Yêu con người mát con ta

2. Câu hỏi trắc nghiệm đúng sai (1.0 điểm)

Câu 9: Chọn đúng, sai trong mỗi ý dưới đây.

Hoạt động nào dưới đây là hoạt động vì cộng đồng?

A.Tham gia các tổ chức mua bán, sản xuất, vận chuyển chất cấm để làm giàu

B. Tích cực tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan khu xóm

C. Tham gia chương trình: “ Hiến máu nhân đạo” do địa phương tổ chức

D. Khám sức khoẻ định kì 6 tháng một lần để bảo vệ sức khoẻ của bản thân

PHẦN II. TỰ LUẬN (7.0 ĐIỂM)

Câu 1 (4.0 điểm)

Em hãy đọc thông tin và trả lời các câu hỏi sau:

Thông tin. Trong bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19/01/1955, Bác Hồ có căn dặn:

"[ ... ] Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hi sinh phấn đấu chừng nào?

Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực”.

(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, 2011, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, trang 265)

a. Dựa vào thông tin trên, em hãy xác định nhiệm vụ của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

b. Em hãy xác định lí tưởng sống của mình và xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện bản thân?

Câu 2: (3.0 điểm)

Kể tên 2 hoạt động cộng đồng mà em đã tham gia? Lợi ích của các hoạt động cộng đồng đem lại là gì? Em hãy chia sẻ việc làm và cảm xúc của bản thân khi tham gia hoạt động cộng đồng đó?

Link tải đề và đáp án: Bộ đề thi giữa học kì 1 lớp 9 môn Giáo dục công dân Kết nối tri thức 

3. Đề kiểm tra giữa học kì 1 lớp 9 môn Tin học

A. PHẦN TRẮC NGHIỆM (6,0 điểm)

Khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng:

Câu 1. Tiêu chí nào sau đây không được dùng để đánh giá chất lượng thông tin?

A. Tính sử dụng được.

B. Tính chính xác.

C. Tính phổ biến.

D. Tính cập nhật.

Câu 2. Phương án nào sau đây là một ứng dụng thực tế của công nghệ máy tính trong lĩnh vực y tế?

A. Máy tính được sử dụng để nhận dạng biển số xe.

B. Máy tính được sử dụng để làm việc từ xa.

C. Máy tính được sử dụng để chơi các trò chơi thực tế ảo.

D. Máy tính được sử dụng để quản lí hồ sơ bệnh án của bệnh nhân.

Câu 3. Hành động nào sau đây là vi phạm pháp luật, trái đạo đức, thiếu văn hoá khi hoạt động trong môi trường số?

A. Nhắn tin trò chuyện với bạn bè.

B. Tự ý đăng thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội.

C. Xem đánh giá sản phẩm trước khi mua hàng.

D. Sử dụng những phần mềm có bản quyền.

Câu 4. Xem phim lậu là

A. hành vi vi phạm quyền nhân thân, uy tín của cá nhân và tổ chức.

B. hành vi vi phạm đến việc bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng.

C. hành vi tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ không phù hợp quy định của pháp luật, trái với thuần phong mĩ tục, lối sống văn minh.

D. hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, sở hữu tài sản, đánh bạc,...

Câu 5. Phát biểu nào sau đây sai?

A. Phần mềm mô phỏng pha màu giúp em tìm hiểu những hệ màu cơ bản khác nhau như

RBG, CMYK hay RYB.

B. Phần mềm mô phỏng tạo ra nhiều tình huống để luyện tập hoặc nghiên cứu đối tượng một cách đầy đủ hơn.

C. Phần mềm mô phỏng giúp người sử dụng làm quen, tìm hiểu, nghiên cứu hoạt động của

một đối tượng, sự vật với chi phí thấp.

D. Phần mềm mô phỏng giúp người sử dụng nghiên cứu những nội dung lí thuyết một

cách trực quan, sinh động bằng cách tương tác với phần mềm.

Câu 6. Hành vi nào dưới đây vi phạm đến việc bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng?

A. Quảng cáo bán hàng hoá, dịch vụ cấm.

B. Truy cập trang web tổ chức đánh bạc trực tuyến trái pháp luật.

C. Phát tán virus máy tính thông qua truy cập các liên kết lừa đạo.

D. Phát tán thông tin chưa được kiểm chứng.

Câu 7. Em cần tìm kiếm thông tin về bài thi IELTS ở đâu?

A. Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

B. Website của các đơn vị tổ chức thi (Hội đồng Anh, IDP).

C. Website của Sở Giáo dục và Đào tạo.

D. Website của nhà trường.

Câu 8. Phần mềm nào dưới đây cho phép em chạy thử thuật toán dạng sơ đồ khối trước khi cài đặt trong một ngôn ngữ lập trình?

A. Flowgorithm.

B. Geometer’s Sketchpad.

C. ChemLab.

D. Crocodile Physics.

Câu 9. Phương án nào sau đây là tác động tiêu cực của công nghệ kĩ thuật số đến xã hội?

A. Gia tăng lượng chất thải nông nghiệp ra môi trường.

B. Sự lan truyền của những thông tin sai lệch và tin tức giả mạo.

C. Thúc đẩy kinh doanh.

D. Dễ dàng truy cập thông tin.

Câu 10. Phát biểu nào sau đây sai?

A. Không phải thông tin nào cũng hữu ích đối với việc giải quyết vấn đề.

B. Chất lượng thông tin được đánh giá thông qua tính mới, tính chính xác, tính đầy đủ, tính sử dụng được.

C. Tính sử dụng được cung cấp cho người tìm kiếm cái nhìn tổng thể về vấn đề được đặt ra.

D. Tính mới cho biết thông tin đã bị lỗi thời chưa.

Câu 11. Khi quan sát sự chuyển hoá của các dạng năng lượng thông qua phần mềm PhET, em có thể thay đổi thiết bị chuyển hoá năng lượng thành điện năng nào?

A. Bóng đèn compact.

B. Ánh sáng mặt trời.

C. Quạt điện.

D. Pin mặt trời.

Câu 12. Phần mềm Crocodile Chemistry mô phỏng hoạt động gì?

A. Thí nghiệm vật lí.

B. Thí nghiệm hoá học.

C. Thí nghiệm sinh học.

D. Thí nghiệm toán học.

Câu 13. Khi sử dụng phần mềm thí nghiệm ảo lắp ráp mạch điện một chiều, em cần mắc Ampe kế như thế nào?

A. Mắc Ampe kế nối tiếp với đoạn mạch điện cần đo cường độ dòng điện và không mắc trực tiếp vào hai cực của nguồn điện.

B. Mắc Ampe kế song song với đoạn mạch điện cần đo cường độ dòng điện và không mắc trực tiếp vào hai cực của nguồn điện.

C. Mắc Ampe kế nối tiếp với đoạn mạch điện cần đo cường độ dòng điện và mắc trực tiếp

vào hai cực của nguồn điện.

D. Mắc Ampe kế song song với đoạn mạch điện cần đo cường độ dòng điện và mắc trực tiếp vào hai cực của nguồn điện.

Câu 14. Phát biểu nào sau đây sai?

A. Bộ xử lí không chỉ xuất hiện trong máy tính hay điện thoại thông minh mà còn được gắn vào các thiết bị khác để hỗ trợ xử lí bất kì loại thông tin nào có thể số hoá được.

B. Những thiết bị có gắn bộ xử lí hiện diện xung quanh ta và ngày càng trở nên quen thuộc.

C. Hệ thống thu phí tự động trên đường cao tốc là một ví dụ về thiết bị có gắn bộ xử lí trong sản xuất công nghiệp.

D. Ô tô lái tự động là một ví dụ về thiết bị có gắn bộ xử lí trong lĩnh vực giao thông.

Câu 15. Phương án nào sau đây là ví dụ về thiết bị có gắn bộ xử lí trong lĩnh vực nông nghiệp?

A. Máy rút tiền tự động.

B. Máy tim phổi.

C. Máy chiếu trong lớp học.

D. Máy cày tự động.

Câu 16. Làm lộ thông tin cá nhân gây ảnh hưởng xấu là

A. hành vi vi phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

B. hành vi vi phạm quyền nhân thân, uy tín của cá nhân và tổ chức.

C. hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, sở hữu tài sản, đánh bạc,...

D. hành vi vi phạm đến việc bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng.

Câu 17. Luật nào sau đây quy định chi tiết về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin cũng như các hành vi bị nghiêm cấm?

A. Luật Công nghệ thông tin.

B. Luật An toàn thông tin.

C. Luật An ninh mạng.

D. Luật Công nghệ mạng.

Câu 18. Phát biểu nào sau đây sai?

A. Internet là một kho thông tin khổng lồ.

B. Thông tin là cơ sở để đưa ra các quyết định.

C. Số lượng bản tin làm cho thông tin trở thành hữu ích.

D. Cần phải quan tâm đến chất lượng thông tin khi tìm kiếm, tiếp nhận, trao đổi và sử dụng thông tin để có thể đưa ra các quyết định đúng đắn.

Câu 19. Để đo độ dài đoạn thẳng bằng phần mềm Geometer’s Sketchpad, em thực hiện

như thế nào?

A. Chọn đoạn thẳng → chọn Calculate/Length.

B. Chọn đoạn thẳng → chọn Measure/Length.

C. Chọn đoạn thẳng → chọn Measure/Calculate.

D. Chọn đoạn thẳng → chọn Calculate/Number.

Câu 20. Khi tìm thông tin về kì thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025, bạn Nhi đã không để ý đến tiêu đề bài báo nên đã xem nhầm sang kì thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024. Theo em, sơ suất này vi phạm tiêu chí nào về chất lượng thông tin?

A. Tính sử dụng được.

B. Tính chính xác.

C. Tính đầy đủ.

D. Tính mới.

Câu 21. Thiết bị nào sau đây không gắn bộ xử lí?

A. Robot hút bụi.

B. Bảng từ trắng.

C. Máy giặt.

D. Máy chụp cắt lớp.

Câu 22. Phần mềm mô phỏng pha màu cho biết

A. màu đỏ (Red) được tạo ra từ màu hồng sẫm (Magenta) và màu vàng (Yellow) của hệ màu CMYK.

B. màu lam (Blue) được tạo ra từ màu xanh lơ (Cyan) và màu vàng (Yellow) của hệ màu CMYK.

C. màu lục (Green) được tạo ra từ màu hồng sẫm (Magenta) và màu xanh lơ (Cyan) của hệ màu CMYK.

D. màu đỏ (Red) được tạo ra từ màu xanh lơ (Cyan) và màu vàng (Yellow) của hệ màu CMYK.

Câu 23. Phương án nào sau đây không phải là tác động tiêu cực của công nghệ kĩ thuật số đến đời sống con người?

A. Thông tin cá nhân bị rò rỉ và sử dụng bất hợp pháp.

B. Tỉ lệ thất nghiệp tăng.

C. Quảng cáo hàng hoá cấm.

D. Người dân ở các vùng khó khăn ngày càng tụt hậu.

Câu 24. Phát biểu nào sau đây sai?

A. Bạo lực mạng là một ví dụ tiêu biểu cho việc sử dụng công nghệ không đúng cách và thiếu trách nhiệm dẫn tới những tác động tiêu cực như ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thể chất và tinh thần con người.

B. Công nghệ thông tin có tác động mạnh mẽ, đem lại những thay đổi tích cực trong xã hội, trong đó có giáo dục.

C. Công nghệ thông tin có tác động tiêu cực đến con người và xã hội nhiều hơn so với tác động tích cực.

D. Bằng cách sử dụng Internet, mọi người có thể bổ sung sự hiểu biết của mình về bất kì lĩnh nào, ở mọi nơi và vào mọi lúc.

PHẦN TỰ LUẬN (4,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm). Em hãy nêu một số ví dụ cụ thể về tác động tiêu cực của công nghệ kĩ thuật số.

Câu 2 (2,0 điểm). Em hãy nêu các bước sử dụng phần mềm PhET để mở cửa sổ mô phỏng lực hấp dẫn và quỹ đạo.

Link tải đề và đáp án:  Đề thi giữa học kì 1 Tin học 9 Kết nối tri thức 

Các môn khác tiếp tục cập nhật.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi giữa kì 1 lớp 9

    Xem thêm