Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi giữa kì 1 Văn 9 Kết nối tri thức - Đề 3

Đề thi giữa học kì 1 lớp 9 môn Ngữ văn Kết nối tri thức - Đề 3 có đầy đủ đáp án, ma trận, bảng đặc tả đề thi. Đây là tài liệu hay dành cho các bạn học sinh ôn tập, củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng làm bài thi môn Văn. Đây cũng là tài liệu hay cho thầy cô tham khảo ra đề và ôn luyện cho học sinh. 

1. Đề kiểm tra giữa học kì 1 Văn 9 Kết nối tri thức

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:

TRƯA VẮNG

1. Hồn tôi đấy: căn trường nho nhỏ

Nước vôi xanh, bờ cỏ tươi non

Lâu rồi, còn thoảng mùi thơm

Chân đi nghe động tới hồn ngây thơ

5. Sâu rộng quá những giờ vui trước

Nhịp cười say trên nước chưa trôi

Trưa hè thường thấy hai tôi*

Ném đầu chim chích, bắt đuôi chuồn chuồn

9. Ðời đẹp quá, tôi buồn sao kịp?

Trang sách đầu chép hết giây mơ

Ngả mình trên bóng nhung tơ

Tôi nguyền: Sau lớn làm thơ suốt đời!

13. Cỏ mấy bận xanh rồi lại tạ

Gió lùa thu trong lá bao lần…

Bạn trường những bóng phù vân

Xót thương mái tóc nay dần hết xanh.

17. Hồn xưa dậy: chim cành động nắng

Lá reo trên hồ lặng lờ trong

Trưa im im đến não nùng

Tôi ngờ trống học trong lòng trưa vang...

Hồ Dzếnh, Quê ngoại, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 1996, tr. 62-63)

Câu 1 (0,5 điểm). Bài thơ “Trưa vắng” được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,5 điểm).Ở khổ thơ thứ nhất, “hồn tôi đấy” được gợi ra qua những hình ảnh nào?

Câu 3 (1,0 điểm). Em hiểu như thế nào về hai câu thơ sau:

“Bạn trường những bóng phù vân

Xót thương mái tóc nay dần hết xanh.”

Câu 4 (1,0 điểm).Phân tích tác dụng của biện pháp liệt kê trong hai câu thơ sau:

Trưa hè thường thấy hai tôi*

Ném đầu chim chích, bắt đuôi chuồn chuồn

Câu 5 (1,0 điểm). Tuổi thơ, đặc biệt là tuổi học trò luôn là miền kí ức tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Qua bài thơ, em được bồi đắp thêm những tình cảm, thái độ, hành động gì đối với tuổi học trò của chính mình?

PHẦN I: VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về tuổi trẻ cần phải có tinh thần vượt khó trong cuộc sống.

Câu 2 (4,0 điểm). Viết bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của khổ thơ 1,2, 3 ở PHẦN ĐỌC HIỂU trích trong bài thơ TRƯA VẮNGcủa tác giả Hồ Dzếnh .

----------- Hết ----------

2. Đáp án đề kiểm tra giữa học kì 1 Văn 9 KNTT

PHẦN ĐỌC- HIỂU

Câu

Nội dung

Điểm

1

Bài thơ “Trưa vắng” được viết theo thể thơ: Song thất lục bát.

0,5 điểm

2

Ở khổ thơ thứ nhất, “hồn tôi đấy” được gợi ra qua những hình ảnh: căn trường; nước vôi xanh; bờ cỏ.

0,5 điểm

3

- Bạn trường những bóng phù vân: bạn bè cùng trường năm xưa giờ như bóng mây trôi, mỗi người mỗi ngả;

- Xót thương mái tóc nay dần hết xanh: bản thân nhà thơ cũng đã bạc mái đầu.

=> Hai câu thơ là nỗi niềm tâm sự của một con người khi đã đi qua tuổi học trò, nhớ về kỉ niệm với bạn bè, kỉ niệm khi còn đầu xanh tuổi trẻ. Qua đó bộc lộ sự hoài niệm, tiếc nuối, xót xa của tác giả khi nghĩ về tuổi học trò.

=> Qua đó, gợi nhắc chúng ta biết trân trọng tuổi học trò, trân quý tình bạn hữu…

1,0 điểm

4

- Phép liệt kê: Ném đầu chim chích, bắt đuôi chuồn chuồn

- Tác dụng:

+ Làm tăng tính biểu cảm và nhịp điệu cho câu văn.

+ Tái hiện những trò chơi tinh nghịch của tuổi thơ, giờ đã trở thành kỉ niệm vô giá của hai annh em.

+ Thái độ trân quý về miền kí ức đẹp đẽ nhất bên mái trường, bạn bè

1,0 điểm

5

Tuổi thơ, đặc biệt là tuổi học trò luôn là miền kí ức tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Qua bài thơ, em được bồi đắp thêm những tình cảm, thái độ, hành động đối với tuổi học trò của chính mình là:

- Biết quý trọng những năm tháng tuổi học trò;

- Quý trọng tình bạn bè cùng học chung mái trường;

- Yêu quý, gắn bó với mái trường;

- Cố gắng học tập tốt;

- Cố gắng lưu giữ những kỉ niệm đẹp đẽ tuổi học trò dưới mái trường thân yêu;

1,0 điểm

LÀM VĂN

1

1. Yêu cầu kĩ năng

- Đảm bảo cấu trúc đoạn văn: Có đủ Mở đoạn, Thân đoạn, Kết đoạn.

- Xác định đúng vấn đề nghị luận: Tuổi trẻ cần có tinh thần vượt khó trong cuộc sống.

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

2. Yêu cầu kiến thức: Triển khai vấn đề nghị luận thành một đoạn văn theo những cách khác nhau nhưng cần tập trung làm rõ một số ý có thể theo hướng sau:

2.1. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề: Tuổi trẻ cần thiết phải có tinh thần vượt khó tròn cuộc sống.

2.2. Thân đoạn

- Giải thích: Tinh thần vượt khó được hiểu là khả năng, ý chí, nghị lực, và sự kiên cường của bản thân để vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua mọi khó khăn, gian nan của cuộc sống.

- Sự cần thiết phải có tinh thần vượt khố trong cuộc sống:

+ Cuộc sống không chỉ là sự bình yên, không chỉ là sự thuận lợi... mà luôn tồn tại vô vàn những khó khăn, thử thách... Tồn tại sự khó khăn, thử thách là lẽ đương nhiên của cuộc sống. Do vậy mỗi người, nhất là người trẻ tuổi cần phải có tinh thần vượt khó thì mới hòa nhập và tồn tại được.

+ Có khả năng vượt khó sẽ khiến con người dễ dàng đi đến thành công, thu hái được thành quả cho bản thân và góp sức cho cuộc sống.

+ Vượt khó khiến con người tôi rèn được bản lĩnh, ý chí và nhiều phẩm chất tốt đẹp khác để hoàn thiện bản thân, để trưởng thành.

+ Nếu không có khả năng vượt khó sẽ dễ dàng thất bại, yếu thế và không làm được gì có ích cho bản thân và cho xã hội.

- Học sinh nêu dẫn chứng phù hợp

- Khẳng định, liên hệ: Hãy biết tôi rèn bản lĩnh, ý chí, nghị lực từ các công việc hàng ngày...

0,25 điểm

0,25 điểm

0.25 điểm

0,75 điểm

0.25 điểm

0.25 điểm

2

I. Yêu cầu về kĩ năng;

- Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận văn học: Có Mở bài, Thân bài, Kết bài.

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

- Triển khai vấn nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc.

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

- Diễn đạt sinh động, sáng tạo, trình bày trôi chảy thành dòng, thành mạch.

0,5 điểm

II. Yêu cầu về kiến thức: HS có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau song cần đảm bảo một số nội dung cơ bản sau:

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm, nêu nhận định chung về đoạn thơ

2. Thân bài:

2.1. Khái quát chung: Đề tài, mạch cảm xúc của đoạn thơ.

- Đoạn thơ là dòng hồi tưởng của tác giả về những kỉ niệm tuổi tuổi học trò tinh nghịch để rồi khi trưởng thành, ai cũng ít nhất một lần ao ước trở về tuổi thơ tươi đẹp bên mái trường và bè bạn mến thương.

2.2. Phân tích, đánh giá nội dung của đoạn thơ

- Khổ 1: là câu chuyện của hồn tôi được nhà thơ kể lại, những kỉ niệm, cảm xúc thân thương về hình ảnh của ngôi trường “nho nhỏ” được quét nước vôi xanh, có bờ cỏ tươi nonthoảng mùi thơm, rộn ràng tiếng chân đi… => Hình ảnh ngôi trường được cảm nhận qua cả thị giác, khứu giác và thính giác, như vẫn đang hiện hữu với vẻ đẹp tinh khôi.

- Khổ 2: Là những cảm nhận sâu sắc của tác giả về miền kí ức tuổi thơ của mình:

+ Cảm nhận không gian sâu rộng để miêu tả thời gian những giờ vui trước (nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác);

+ Cảm nhận về niềm vui một thời cùng anh trai cả của mình đùa chơi trên sông, những trò chơi tinh nghịch tuổi học trò: Ném đầu chim chích, bắt đuôi chuồn chuồn (nghệ thuật đối tài tình “đầu chim chích - đuôi chuồn chuồn lồng trong biện pháp liệt kê).

- Khổ 3: Những tháng năm tươi đẹp ấy trở thành nguồn động lực thôi thúc con người vươn đến ước mơ:

+ Câu hỏi tu từ mở đầu khổ thơ Ðời đẹp quá, tôi buồn sao kịp? là lời khẳng định vẻ đẹp cuộc đời, vẻ đẹp tuổi mộng mơ và tình yêu tha thiết dành cho cuộc đời của thi sĩ; Ước nguyện làm thơ suốt đời.

+ Lời nguyện ước ngày nào của tôi đã thành hiện thực. => Tuổi học trò chính là cơ sở, là sức mạnh chắp cánh cho những ước mơ xanh biến thành hiện thực.

2.3. Phân tích, đánh giá nghệ thuật của đoạn thơ

- Đoạn thơ được viết theo thể thơ song thất lục bát giàu vần điệu, độc đáo. Mỗi khổ thơ gồm một cặp song thất (7 chữ) và một cặp lục bát. Bài thơ vừa có sự kết hợp chặt chẽ về vần, nhịp về thể thức, vừa phù hợp với cảm xúc trữ tình hoài niệm, bâng khuâng về mặt nội dung của thể thơ.

- Ngôn ngữ tự nhiên, mộc mạc mà giàu biẻu cảm như một tự truyện ngọt ngào, thể hiện những rung cảm nhẹ nhàng mà sâu lắng của tâm hồn thi sĩ.

- Đặc biệt là việc sử dụng các biện páp nghệ thuật độc đáo: ẩn dụ, liệt kê, phép đối ...; câu hỏi tu từ.....

=> Tất cả đã góp phần khẳng định vai trò, ý nghĩa của miền kí ức tuổi học trò trong cuộc đời mỗi con người.

3. Kết bài: Khát quát giá trị nội dung, nghệ thuật và liên hệ bản thân.

3,5 điểm

0,5 điểm

0,5 điểm

1,5 điểm

0,5 điểm

0,5 điểm

3. Đề thi giữa học kì 1 Văn 9 KNTT

KHUNG MA TRẬN ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KỲ I

Khung ma trận đề 100% tự luận

TT

Kĩ năng

Nội dung kiến thức/

Đơn vị kĩ năng

Mức độ nhận thức

Tổng

% điểm

Nhận biết

Thông hiểu

Vận dụng

1

Đọc

- Thơ song thất lục bát

2

2

1

40

2

Viết

Viết đoạn văn NLXH

1*

1*

1*

20

Viết bài văn NLVH

1*

1*

1*

40

Tổng

20%

40%

40%

100

Tỉ lệ chung

60%

40%

100%

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi giữa kì 1 lớp 9

    Xem thêm