Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học kì 1 Ngữ văn 12 Kết nối tri thức - Đề 1

Đề thi học kì 1 Ngữ văn 12 Kết nối tri thức - Đề 1 được VnDoc.com tổng hợp và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu ôn thi cuối học kì 1 lớp 12. Đề thi gồm có 2 phần đọc hiểu và làm văn. Thí sinh làm bài trong thời gian 90 phút. Đề có đáp án và lời giải chi tiết kèm theo. Mời các bạn cùng theo dõi chi tiết đề thi dưới đây nhé.

1. Đề thi học kì 1 Ngữ văn 12 Kết nối

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

John Wooden đã từng nói: “Đừng bao giờ để những gì bạn không thể làm ngăn bạn làm những gì bạn có thể làm.” Sự nhàn rỗi và lười biếng lâu ngày sẽ làm tê liệt khả năng sáng tạo của bạn. Đầu óc không vững vàng, lúc thích cái này, lúc thích cái kia thì chẳng thể làm được gì nên hồn cả. Đừng chờ đợi những điều kiện lý tưởng để hành động đúng đắn, hãy sử dụng những điều kiện bình thường. Chúng ta không cần thêm sức mạnh, khả năng hay những cơ hội to lớn hơn. Điều mà chúng ta thực sự cần là sử dụng những gì chúng ta có tại nơi mà chúng ta đang ở.

Sự lôi cuốn của những thứ xa xôi và thách thức chỉ là lừa dối mà thôi. Cơ hội tuyệt vời thực sự nằm ở chính nơi bạn đang đứng.

John Burroughs

Những gì bạn có thể làm bây giờ là điều duy nhất có thể ảnh hưởng đến tương lai của bạn. Sự vĩ đại thực sự cốt ở việc bạn có thể làm tốt những điều nhỏ bé. Đừng cằn nhằn vì bạn không có thứ mà bạn muốn.

“Chúng ta phải làm điều gì đó” là một điệp khúc mà ai cũng có thể nói được. “Bắt đầu đi” là lời chẳng mấy ai đáp lại.

Walter Dwight

Bạn có thể làm tất cả những gì mình muốn. Bắt đầu từ những gì bạn có và phát triển lên. Con người chẳng thể nào hạnh phúc cho đến khi họ học cách sử dụng những gì mình có và dừng lo lắng về những gì mình không có. Hạnh phúc không bao giờ đến với những người không biết trân trọng những gì mình có sẵn. Hầu hết mọi người mắc phải sai lầm nghiêm trọng từ việc tìm kiếm những thứ giá trị ở những nơi quá xa xôi trong khi chúng nằm ngay trong tầm tay của mình.

Hãy tận dụng tối đa những điều tốt đẹp mà bạn đang có, dù cho đó là gì.

(Trích Bắt đầu bằng những gì bạn có, thay vì những gì bạn không có, Sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao, John Mason, NXB Thời Đại, 2018)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Chỉ ra thao tác lập luận chủ yếu trong đoạn văn:

John Wooden đã từng nói: “Đừng bao giờ để những gì bạn không thể làm ngăn bạn làm những gì bạn có thể làm.” Sự nhàn rỗi và lười biếng lâu ngày sẽ làm tê liệt khả năng sáng tạo của bạn. Đầu óc không vững vàng, lúc thích cái này, lúc thích cái kia thì chẳng thể làm được gì nên hồn cả. Đừng chờ đợi những điều kiện lý tưởng để hành động đúng đắn, hãy sử dụng những điều kiện bình thường. Chúng ta không cần thêm sức mạnh, khả năng hay những cơ hội to lớn hơn. Điều mà chúng ta thực sự cần là sử dụng những gì chúng ta có tại nơi mà chúng ta đang ở.

Câu 2. Liệt kê những trích dẫn được tác giả sử dụng trong văn bản.

Câu 3. Việc chọn xuất phát ngay tại nơi ta “đang đứng” có ý nghĩa như thế nào trong việc chứng minh “bản thể”?

Câu 4. Đánh giá hiệu quả của việc sử dụng câu khẳng định, phủ định trong đoạn văn:

Những gì bạn có thể làm bây giờ là điều duy nhất có thể ảnh hưởng đến tương lai của bạn. Sự vĩ đại thực sự cốt ở việc bạn có thể làm tốt những điều nhỏ bé. Đừng cằn nhằn vì bạn không có thứ mà bạn muốn.

Câu 5. Từ ý hiểu về câu nói: “Chúng ta phải làm điều gì đó” là một điệp khúc mà ai cũng có thể nói được. “Bắt đầu đi” là lời chẳng mấy ai đáp lại”, anh/chị rút ra bài học gì cho bản thân?

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bàn về sự cần thiết của tinh thần sẵn sàng vượt ra khỏi vùng an toàn.

Câu 2. (4,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai văn bản truyện dưới đây:

Mấy phút sau, đứa bé trở về, ông già mù cảm thấy hình như có một người bước lên xe. Ðứa bé nói với giọng run run:

- Ông ơi, có người lên đó ông chạy đi.

Thế rồi hai ông cháu dìu nhau chạy về phía sông Bồ, qua những quãng đường lầy lội và dưới dòng mưa đêm lạnh giá. Trong những cánh đồng ngập nước, tiếng ễnh ương đua nhau kêu não nùng như một bản nhạc mùa đông, nghe buồn thấm tuỷ. Hai ông cháu dưới mấy cái mo cau và tàu lá chuối kết lại thay tơi cắm đầu chạy trên quãng đường ướt át.

Trời tối đen như mực, nhưng may đứa cháu quen đường và nhờ ánh bùn chiếu lên bánh xe cũng khỏi vấp ngã.

Ðến bến đò làng Thanh vào khoảng một giờ khuya. Gió ngoài thổi vào lạnh như cắt thịt. Ðứa cháu sắp dắt ông vào mui thuyền thì như nghi ngại điều gì, người kéo xe mù đã cất tiếng hỏi:

- Tiền xe mô đưa cho ông?

Ðó là một câu hỏi bất ngờ vì mấy lần trước có bao giờ ông hỏi đến đâu. Hay cũng hỏi cho biết số, chứ chưa lúc nào ông định giữ lấy. Ðứa cháu run lẩy bẩy, lúng túng rồi bỗng ôm mặt khóc. Chỉ nghĩ thoáng qua người kéo xe mù đã hiểu ra lẽ thật. Có gì đâu, không thấy khách và muốn ông nó vui lòng, thằng bé đã bê một tảng đá nặng đặt lên nệm xe và dìu ông nó chạy.

Trí non nớt của nó có ngờ đâu mấy năm lao khổ trong nghề, ông nó phân biệt rất tinh tường người ngồi và vật đặt khác nhau nhiều lắm. Nhưng ông nó vẫn chạy, vì mù quáng, vì đói rách nên lòng vẫn hy vọng những chuyện không bao giờ có được. Và biết ra thì thêm khổ. Thấy cháu khóc, ông cũng nức nở theo.

(Thanh Tịnh, Trích Am cu ly xe, In trong tập Thơ ca - Đi giữa mùa sen - Quê mẹ - Ngậm ngải tìm trầm: Thơ - Trường ca - Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2015, tr.41- tr.42)

“Sáng mai, kéo chuyến khách qua ga, xong rồi, ta đánh bát phở tái, rồi mua cho con cái bánh ga tô cho nó mừng. Vợ ta nghe thấy trong túi ta có tiền, thì chắc hớn hở, thấy ta làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi cả nhà, tất là thương ta lắm. Nhưng ta sẽ làm ra dáng không mệt nhọc, để vợ chồng con cái ăn tết với nhau cho hể hả".

Anh vừa nghĩ thế, vừa kéo về phía nhà thương Phủ Doãn. Tới chỗ khi nẫy, anh dừng xe lại, nói:

- Bây giờ có lẽ mười hai giờ, xin bà cho cháu tiền.

Bà khách có ý luống cuống, nói:

- Chết! Anh hỏi tiền tôi bây giờ à? Anh chịu khó kéo tôi một giờ nữa đi.

- Thôi khuya rồi, cháu phải về nhà.

- Này, chả nói giấu gì anh, tôi cũng đi kiếm khách từ tối đến giờ. Có anh biết đấy. Có gặp ai hỏi han gì đâu. Tôi định nếu có khách thì hỏi vay tiền trước để giả anh. Nhưng chẳng may gặp phải cái tối xúi quẩy thế này, thì tôi biết làm thế nào?

- Thế cô đi xe tôi từ chín giờ, cô không giả tiền tôi à?

- Bây giờ thì tôi biết làm thế nào?

(Nguyễn Công Hoan, Trích Người ngựa, ngựa người, In trong Tuyển Tập Nguyễn Công Hoan, NXB Văn Học, 2023)

2. Đáp án đề thi học kì 1 Ngữ văn 12 Kết nối

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

4,0

1

Thao tác lập luận chủ yếu trong đoạn văn là: Thao tác lập luận bác bỏ.

Hướng dẫn chấm:

- Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

- Trả lời sai/ Không trả lời: 0 điểm

0,5

2

Những trích dẫn được tác giả sử dụng trong văn bản:

- John Wooden đã từng nói: “Đừng bao giờ để những gì bạn không thể làm ngăn bạn làm những gì bạn có thể làm.”

- Sự lôi cuốn của những thứ xa xôi và thách thức chỉ là lừa dối mà thôi. Cơ hội tuyệt vời thực sự nằm ở chính nơi bạn đang đứng.

John Burroughs

- “Chúng ta phải làm điều gì đó” là một điệp khúc mà ai cũng có thể nói được. “Bắt đầu đi” là lời chẳng mấy ai đáp lại.

Walter Dwight

Hướng dẫn chấm:

- Trả lời như đáp án: 0,5 điểm

- Trả lời sai/ Không trả lời: 0 điểm

0,5

3

Việc chọn xuất phát ngay tại nơi ta “đang đứng” có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chứng minh “bản thể”:

- Vị trí ta “đang đứng” chính là hoàn cảnh của ta, điều kiện của ta, nó chính là môi trường mỗi bản thể sinh sống.

- Chọn xuất phát ngay tại nơi ta “đang đứng” là cách sống thực tế, minh chứng cho sự tồn tại thực của cá nhân.

- Việc chọn xuất phát ngay tại nơi ta “đang đứng” có ý nghĩa khẳng định và chứng minh cho sự tồn tại của “bản thể”.

Hướng dẫn chấm:

- HS trả lời như đáp án hoặc tương đương: 1,0 điểm.

- Trả lời chạm ý hoặc chưa rõ ràng: 0,25 – 0,75 điểm

- Trả lời sai/ Không trả lời: 0 điểm

1,0

4

- Câu khẳng định trong đoạn văn:

+ Những gì bạn có thể làm bây giờ là điều duy nhất có thể ảnh hưởng đến tương lai của bạn.

+ Sự vĩ đại thực sự cốt ở việc bạn có thể làm tốt những điều nhỏ bé.

- Câu phủ định trong đoạn văn: Đừng cằn nhằn vì bạn không có thứ mà bạn muốn.

- Việc sử dụng câu khẳng định, phủ định trong đoạn văn có tác dụng:

+ Tăng sức thuyết phục, hiệu quả cho lập luận, làm cho đoạn văn trở nên sinh động, gây ấn tượng, tạo chú ý đối với người đọc.

+ Thuyết phục người đọc chọn lối sống thực tế, hài lòng với điều kiện vốn có của mình và không nên bất mãn khi mình không có được những điều kiện bản thân mong muốn,...

Hướng dẫn chấm:

- Trả lời đầy đủ như đáp án: 1,0 điểm

- Trả lời chạm ý hoặc chưa rõ ràng: 0,25 – 0,75 điểm

- Trả lời sai/ Không trả lời: 0 điểm

1,0

5

Câu nói ““Chúng ta phải làm điều gì đó” là một điệp khúc mà ai cũng có thể nói được. “Bắt đầu đi” là lời chẳng mấy ai đáp lại” có thể hiểu như sau:

+ Chúng ta phải làm điều gì đó: nghĩa là phải có ý tưởng

+ Bắt đầu đi: nghĩa là phải thực hành

=> Thực tế cho thấy: Con người ta dễ dàng lên ý tưởng nhưng bắt tay vào thực hành lại không hề đơn giản.

- Bài học: HS rút ra bài học ý nghĩa, phù hợp, chẳng hạn:

+ Khi có ý tưởng hãy bắt tay ngay vào việc thực hành.

+ Muốn làm việc gì hãy nhanh chóng biến nó thành thực tế.

+ Luôn cố gắng vượt lên chính mình để biến những ý tưởng thành sự thực.

Hướng dẫn chấm:

- Trả lời đầy đủ như đáp án: 1,0 điểm

- Trả lời chạm ý hoặc chưa rõ ràng: 0,25 – 0,75 điểm

- Trả lời sai/ Không trả lời: 0 điểm

1,0

II

LÀM VĂN

6,0 điểm

1

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bàn về sự cần thiết của tinh thần sẵn sàng vượt ra khỏi vùng an toàn.

2,0

a. Đảm bảo hình thức, dung lượng của đoạn văn:

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Bàn về sự cần thiết của tinh thần sẵn sàng vượt ra khỏi vùng an toàn.

0,25

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

* Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:

- Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận: “Nếu không thích nơi mình đang đứng, hãy đi tới nơi khác. Bạn chẳng phải là một cái cây” (Jim Rohn). Đúng vậy, bạn sẽ không thể bắt mình mãi là cái cây đứng yên một chỗ, cần phải sẵn sàng vượt ra khỏi vùng an toàn để khám phá nhiều điều thú vị và mới lạ.

- Thân đoạn: Thể hiện quan điểm của người viết về sự cần thiết của tinh thần sẵn sàng vượt ra khỏi vùng an toàn.(Phần này cần chú ý các bước như sau: Giải thích vấn đề/Bàn luận (Phân tích,lí giải, chứng minh, lật ngược vấn đề)/ nêu bài học nhận thức và hành động.)

Có thể theo một số gợi ý sau:

+ Sẵn sàng vượt ra khỏi vùng an toàn có thể là một bước đi quan trọng để chúng ta đạt được mục tiêu và trở thành người mạnh mẽ hơn.

+ Sẵn sàng vượt ra khỏi vùng an toàn là cần thiết, bởi: Khi vượt qua vùng an toàn, bạn sẽ phải đối mặt với những thử thách mới mẻ và khó khăn. Điều này giúp bạn khám phá và khẳng định lại những kỹ năng, khả năng của mình mà bạn chưa từng biết đến. Thành công trong những thử thách này cũng giúp bạn tăng cường niềm tin vào bản thân.

+ Khi bạn vượt qua vùng an toàn, bạn sẽ phải đưa ra những quyết định mới và học cách đối phó với những tình huống khó khăn. Điều này giúp bạn phát triển tư duy cầu tiến, khả năng tìm ra giải pháp sáng tạo cho các vấn đề mới mẻ và đạt được những thành công lớn hơn. Khi đó, vượt qua vùng an toàn là cách để khẳng định và nâng tầm giá trị bản thân.

- Việc vượt qua vùng an toàn giúp bạn trở nên linh hoạt hơn trong việc giải quyết các tình huống phức tạp và khó khăn. Điều này giúp bạn tìm ra cách thích nghi tốt hơn với những thay đổi bất ngờ trong cuộc sống, cải thiện khả năng đương đầu với những nghịch cảnh và trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.

- Khi vượt qua vùng an toàn và đạt được thành công, bạn sẽ cảm thấy hài lòng và tự hào về bản thân. Điều này giúp nâng cao giá trị bản thân và tạo động lực để bạn tiếp tục phát triển và vượt qua các thử thách mới mẻ khác trong tương lai.

- Kết đoạn: Khẳng định lại quan điểm đã trình bày: Sẵn sàng vượt ra khỏi vùng an toàn, thế giới bao la cho bạn trải nghiệm hiểm nguy, gian khó nhưng cũng đồng thời đón chào bạn bằng biết bao nhiêu cơ hội tuyệt vời.

* Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của đoạn văn.

0,5

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5

đ. Diễn đạt:

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25

2

Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai văn bản truyện (Trích Am cu ly xe của Thanh Tịnh và Người ngựa, ngựa người của Nguyễn Công Hoan).

4,0

a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai đoạn trích văn học.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

So sánh, đánh giá hai văn bản truyện (Trích Am cu ly xe của Thanh Tịnh và Người ngựa, ngựa người của Nguyễn Công Hoan).

0,5

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

- Xác định được các ý chính của bài viết

- Sắp xếp được các ý theo bố cục hợp lí ba phần của bài văn nghị luận. * * Mở bài: Giới thiệu hai đoạn trích trong truyện ngắn Am cu ly xe của Thanh Tịnh và Người ngựa, ngựa người của Nguyễn Công Hoan.

Có lẽ bây giờ chúng ta đã quá xa lạ với nghề cu ly xe - loại nghề nghiệp mà những kẻ có tiền của trong xã hội cũ lợi dụng sức lao động rẻ mạt của những con người nhỏ bé, khốn cùng để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, tuy nghề cu ly xe chẳng còn nhưng tiếng vọng từ những phận người trong Am cu ly xe của Thanh Tịnh và Người ngựa, ngựa người của Nguyễn Công Hoan vẫn làm ta đau đáu. Với trái tim nhân đạo, hai nhà văn qua những hình ảnh của một thuở đã nói lên tiếng nói muôn đời về phận người, về chất người đẹp đẽ. Nhưng mỗi tác phẩm lại hấp dẫn người đọc theo một cách riêng.

* Thân bài:

- Thông tin chung về từng tác phẩm: hoàn cảnh ra đời, đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, vị trí của tác phẩm trong đời sống văn học,...

+ Thanh Tịnh là một tên tuổi lớn của văn học Việt Nam thời tiền chiến. Truyện ngắn của ông rất đặc sắc với một không gian văn chương riêng biệt, nơi mà dòng trữ tình, lãng mạn tuôn chảy dạt dào trong một hiện thực đầy xót xa. Am cu ly xe là một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Truyện được kể qua nhân vật bà bán quán để người đọc hiểu được nguồn gốc của chiếc am nhỏ. Hóa ra đó là cả một cuộc đời, một số phận bi đát, thảm thương vì đói, vì nghèo, vì mù lòa, vì côi cút, và vì hoàn cảnh trớ trêu,… Đoạn trích khắc họa rõ nét những khốn khổ của ông cháu người cu ly già nua, đui mù, ốm yếu,…

+ Nguyễn Công Hoan là một trong những nhà văn hiện thực tiêu biểu của văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Với Người ngựa, ngựa người, nỗi xót xa trước những kiếp người nhỏ bé được thể hiện qua một cuốc xe cuối năm. Người cu ly cố chạy khi giao thừa đã cận kề với mong muốn cái Tết đỡ khốn khó. Nhưng rồi thứ khách mà anh kiếm được càng làm anh thê thảm: Vẻ ngoài quý phái, nhưng hóa ra là gái làng chơi đang ế khách thảm hại. Trong đoạn truyện ngắn Người ngựa, ngựa người, trái tim nhân đạo và ngòi bút hiện thực của nhà văn đã được thể hiện độc đáo bằng một thứ nghệ thuật trào phúng riêng biệt và hấp dẫn.

- Những điểm tương đồng, khác biệt giữa hai đoạn trích truyện và điều kiện làm nên sự khác biệt ấy

+ Những điểm tương đồng giữa hai đoạn trích:

++ Đề tài: Cả hai trích đoạn đều hướng đến khắc sâu nỗi khốn khổ tận cùng của những con người thấp cổ, bé họng, nghèo nàn thê thảm trong xã hội cũ.

++ Nhân vật: Cả hai đoạn văn bản đều xây dựng lên những nhân vật cu ly xe, họ làm việc đến kiệt cùng sức lực nhưng không có nổi một cắc bạc vì số phận quá hà khắc với họ.

++ Quan niệm thẩm mĩ: Cả hai nhà văn đều sử dụng ngòi bút hiện thực để xây dựng tác phẩm của mình. Ẩn phía sau bức tranh hiện thực tàn nhẫn là trái tim nhân đạo cao cả của mỗi nhà văn.

++ Nghệ thuật kể chuyện: Đều chọn ngôi thứ ba; điểm nhìn linh hoạt, lúc bên trong, lúc bên ngoài; giọng điệu: từ tĩnh đến nhanh, mở rộng và thu hẹp theo diễn biến của câu chuyện. Điều này giúp tạo ra sự hứng thú và sự căng thẳng cho người đọc.

+ Những điểm khác biệt và điều kiện làm nên sự khác biệt ấy:

++ Những phần kết của những tình huống bất ngờ đến đau xót:

+++ Am cu ly xe: Người cu ly già cả, yếu đuối, đói khổ, mù lòa nhận ra đứa cháu nhỏ đang dối mình, cố làm mình vui bằng cách để mình chở tảng đá. Tiếng nức nở của hai ông cháu cũng chính là nỗi nghẹn ngào cho độc giả.

+++ Người ngựa, ngựa người: Người đàn ông khốn khó làm cu ly giữa đêm giao thừa; đến tận cuối truyện mới kịp nhận ra bao nhiêu cố gắng của mình là vô nghĩa vì thứ khách mà anh gặp phải cũng cùng đường như anh, và hoàn toàn không có khả năng trả tiền cho anh.

++ Cách xây dựng nhân vật:

+++ Người ngựa, ngựa người:

++++ Số lượng nhân vật: Nguyễn Công Hoan đã tạo ra hai nhân vật anh phu xe và người đàn bà quỵt tiền xe => Điều này tạo nên sự xung đột và mâu thuẫn cho câu chuyện.

++++ Cách khắc họa đặc điểm nhân vật: Được khắc họa qua suy nghĩ bên trong và chủ yếu là qua đối thoại => Đặc điểm nhân vật được bộc lộ rõ nét: cả hai cùng khốn khó nhưng người đàn bà thì ăn quỵt trơ trẽn, người đàn ông thì bất ngờ, thất vọng và uất ức.

++++ Vẻ đẹp nhân vật: Những suy nghĩ của nhân vật người cu ly vẫn làm sáng lên vẻ đẹp của con người. Họ dù phải chịu khốn khổ đến mấy thì vẫn luôn có một động lực giúp họ vượt qua, đó là tình yêu gia đình, vợ chồng, con cái.

+++ Am cu ly xe:

++++ Số lượng nhân vật: Một già, một trẻ, một ông một cháu và một hòn đá to nặng.

++++ Cách khắc họa đặc điểm nhân vật: Được khắc họa qua hành động và cảm xúc là chủ yếu, đối thoại có nhưng rất ít => Thể hiện tình thế khó nói của hai ông cháu: ông thì chờ đợi khách trong bóng tối, cháu thì hiểu rõ tình thế bi đát của hai ông cháu nhưng vẫn muốn làm ông vui.

++++ Vẻ đẹp nhân vật: Dù trong tận cùng khốn khổ họ vẫn yêu thương nhau không chân thành không toan tính vụ lợi.

++ Ngôn ngữ, lời văn:

+++ Người ngựa, ngựa người: Ngôn ngữ đối thoại gần với lời ăn tiếng nói đời thường, ngôn ngữ độc thoại chân chất mộc mạc đúng với bản chất của người bình dân.

+++ Am cu ly xe: Ngôn ngữ giàu tính biểu cảm, đánh thức xúc động trong lòng độc giả.

- Đánh giá chung về sự tương đồng, khác biệt giữa hai đoạn trích truyện và khẳng định giá trị độc đáo của mỗi tác phẩm:

+ Cả hai cùng phơi bày hiện thực Việt Nam trước Cách mạng, một truyện nhanh gấp, một truyện lắng sâu.

+ Cả hai nhà văn đều cúi xuống những số phận nghèo khổ, bé mọn, yếu đuối trong xã hội để trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của họ, để khẳng định: dù bị đẩy đến tận cùng của sự thống khổ, những người cu ly vẫn luôn sáng ngời nhân cách, luôn yêu thương, trân trọng hạnh phúc gia đình,...

* Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc đánh giá các tác phẩm truyện khi đặt chúng trong tương quan so sánh.

Cuộc sống hôm nay, chẳng còn những cu ly xe nhưng đó đây vẫn còn những kiếp người mong manh, nhỏ bé, cùng cực. Tiếng yêu thương của Nguyễn Công Hoan và Thanh Tịnh qua hai trích đoạn nói riêng, hai tác phẩm nói chung đã gọi dậy trong mỗi chúng ta biết bao xót xa, thương cảm. Và chúng ta vẫn luôn tin, tin rằng ngày mai ánh dương sẽ lại chiếu sáng những phận đời tăm tối.

1,0

d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

- Đảm bảo cấu trúc: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

- Triển khai ít nhất được hai luận điểm để làm rõ vấn đề nghị luận.

- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

1,5

đ. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,5

Tổng điểm

10,0

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi học kì 1 lớp 12

    Xem thêm