Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Ngữ văn bám sát đề minh họa - Đề 3

Đề thi thử tốt nghiệp THPT Quốc gia 2023 môn Ngữ văn bám sát đề minh họa - Đề 3

Đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Ngữ văn bám sát đề minh họa - Đề 3 được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu ôn thi THPT Quốc gia 2023 sắp tới nhé. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết.

Đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn bám sát đề minh họa

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản:

“August yêu dấu,

Chào mừng con đến thế giới này! Mẹ và bố rất háo hức để xem con sẽ phát triển thành người như thế nào.

[…]

Thế giới có thể là một nơi khắc nghiệt. Đó là lý do chúng ta cần phải dành thời gian ra bên ngoài và chơi đùa.

Con sẽ trở nên bận rộn khi con trưởng thành vì vậy bố hy vọng con sẽ dành thời gian để hít mùi hương của những bông hoa và đặt tất cả những chiếc lá mà con yêu thích vào chiếc làn của con. Bố hy vọng con sẽ đọc các cuốn truyện thiếu nhi yêu thích của bác sĩ Seuss thật nhiều lần để con có thể tự sáng tác những câu chuyện của riêng con. Bố hy vọng con sẽ cưỡi ngựa gỗ trong trò chơi vòng quay cùng với Max cho đến khi con kiểm soát được mọi con ngựa. Bố hy vọng con sẽ chạy nhiều vòng quanh phòng khách và sân nhà như con muốn. Và bố hy vọng con ngủ trưa thật nhiều và là một đứa bé ngủ ngoan. Bố cũng hy vọng trong giấc mơ của con, con có thể nhận thấy rằng bố mẹ yêu con nhiều biết nhường nào.

Tuổi thơ thật diệu kỳ. Con chỉ có thể làm trẻ con một lần duy nhất mà thôi nên đừng lo lắng quá nhiều về tương lai. Hãy để bố mẹ đảm nhận phần lo lắng này và bố mẹ sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để bảo đảm rằng thế giới này là một nơi tốt đẹp hơn dành cho con và tất cả trẻ em trong thế hệ của con.

[…]

Yêu con,

Mẹ và Bố”.

( Trích Bức thư của Zuckerberg viết cho con gái thứ hai - Theo Thanhnien.vn )

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên.

Câu 2: Theo tác giả vì lý do gì mà “chúng ta cần phải dành thời gian ra bên ngoài và chơi đùa”?

Câu 3: Anh/ chị hiểu như thế nào về quan điểm của tác giả “Tuổi thơ thật diệu kỳ. Con chỉ có thể làm trẻ con một lần duy nhất mà thôi nên đừng lo lắng quá nhiều về tương lai”?

Câu 4: Anh/chị hãy nhận xét về người cha trong đoạn trích?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi người để cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp.

Câu 2: (5,0 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau, từ đó nhận xét hồn thơ Quang Dũng được thể hiện trong đoạn trích.

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

(Trích Tây Tiến – Quang Dũng, SGK Ngữ văn 12, tập một, trang 88, NXB GD năm 2008 )

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn bám sát đề minh họa

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

ĐỌC HIỂU

3,0

1

Phong cách ngôn ngữ của văn bản trên là phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

0,75

2

Theo tác giả “chúng ta cần phải dành thời gian ra bên ngoài và chơi đùa” là vì “thế giới có thể là một nơi khắc nghiệt”.

0,75

3

Thí sinh nêu được suy nghĩ về quan điểm của tác giả, có thể theo hướng:

- Tác giả cho rằng tuổi thơ thật đẹp và mỗi người chỉ sống một lần với quãng thời gian đẹp đẽ đó.

- Tác giả khuyên con hãy trân trọng quãng thời gian ngắn ngủi đó và đừng lo lắng quá nhiều về tương lai mà đánh mất đi sự diệu kì của tuổi thơ.

1,0

4

Thí sinh nêu nhận xét về người cha trong đoạn trích, có thể theo hướng:

- - Người cha là một người rất am hiểu về cuộc sống.

- - Người cha là người rất yêu thương con.

- - Người cha là người sống trách nhiệm.

0,5

II

LÀM VĂN

7,0

1

Viết một đoạn văn về trách nhiệm của mỗi người để cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp.

2,0

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo một cách hoặc kết hợp các cách: diễn dịch, quy nạp, móc xích, tổng-phân- hợp; đảm bảo yêu cầu cấu trúc đoạn văn.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Nhận thức được trách nhiệm của mỗi người để cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp.

0,25

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp, triển khai vấn đề theo nhiều cách để làm rõ sức mạnh của tinh thần lạc quan trong cuộc sống; đảm bỏ hợp lý, thuyết phục, phù hợp với đạo đức, pháp luật. Có thể theo hướng:

- Trách nhiệm là là công việc hay nghĩa vụ của mỗi người phải thực hiện hoặc hoàn thành.

- Khi mỗi người có những việc làm cụ thể tích cực thì thế giới sẽ trở thành một nơi tốt đẹp, một nơi không có chiến tranh, khủng bố... Khi mỗi người có hoàn thành nghĩa vụ của bản thân thì thế giới sẽ không có nỗi khổ đau mà chỉ có niềm hạnh phúc.

- Đội quân tình nguyện mũ nồi xanh của Việt Nam đến nhận nhiệm vụ tại Phái bộ Abyei – nằm giữa Sudan và Nam Sudan, với nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, xây dựng cơ sở hạ tầng phái bộ và cơ sở hạ tầng dân sinh sở tại… Đây là lần đầu tiên lực lượng công binh Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế, đánh dấu bước phát triển mới kể từ khi chúng ta chính thức tham gia lực lượng “mũ nồi xanh” vào năm 2014.

- Tuy nhiên, hiện nay, còn nhiều người chưa có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng. Họ thờ ơ vô cảm trước những biến cố của nhân loại. Họ trốn tránh trách nhiệm với cộng đồng thế giới.

- Làm tròn được trách nhiệm của bản thân để thế giới trở nên tốt đẹp, mỗi chúng ta cần:

+ Trang bị cho mình kiến thức về tự nhiên, xã hội, công nghệ thông tin, ngoại ngữ và sử dụng khi cần thiết.

+ Biết đặt lợi ích của nhân loại lên trên lợi ích của cá nhân.

+ Không cổ súy cho chủ nghĩa khủng bố. Lên án những hành vi chống lại quyền con người.

+ Tình nguyện tham gia những hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu nạn, cứu hộ…

- Trách nhiệm của mỗi cá nhân để thế giới trở thành một nơi tốt đẹp là vấn đề mang tính nhân văn. Bản thân mỗi người hãy cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình.

1,0

d. Chính tả, từ ngữ, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ.

0,25

2

Phân tích nội dung và nghệ thuật của đoạn trích, nhận xét hồn thơ Quang Dũng

5,0

a.Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận:

Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Nội dung và nghệ thuật của đoạn trích, nhận xét hồn thơ Quang Dũng

0,5

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách; cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Quang Dũng, tác phẩm Tây Tiến và vấn đề nghị luận

I. - Quang Dũng (1921-1988) tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê ở Hà Tây. Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc. Nhưng Quang Dũng được biết đến nhiều là một nhà thơ. Thơ Quang Dũng hồn hậu, phóng khoáng, lãng mạn và tài hoa khi viết về người lính Tây Tiến. Các tác phẩm chính của nhà thơ gồm Mây đầu ô, Thơ văn Quang Dũng…

- Năm 1947 đơn vị Tây Tiến được thành lập. Nhiệm vụ là phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân Pháp ở Thượng Lào và miền tây Nam Bộ của Việt Nam. Địa bàn hoạt động ở Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa (Việt Nam), Sầm Nưa (Lào), địa bàn rộng lớn, hoang vu, hiểm trở, rừng thiêng nước độc. Thành phần của đơn vị phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên, điều kiện chiến đấu gian khổ, thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy vậy họ vẫn sống rất lạc quan, vẫn giữ cốt cách hào hoa, lãng mạn.

- Năm 1948: Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Tại Phù Lưu Chanh, tác giả viết bài thơ lúc đầu có tên là Nhớ Tây Tiến sau đó đổi thành Tây Tiến.

- Đoạn thơ miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc và sự hi sinh của người lính trên chặng đường hành quân, từ đó thể hiện hồn thơ Quang Dũng

0,5

* Phân tích nội dung đoạn trích.

* Hình ảnh thiên nhiên miền Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội, khắc nghiệt nhưng rất thơ mộng, trữ tình:

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thứớc xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

- Hình ảnh đoàn binh hành quân trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Sài Khao: Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi. Địa danh Sài Khao thuộc địa bàn hoạt động của đơn vị Tây Tiến. Sài Khao là nơi có khí hậu khắc nghiệt, 4 mùa sương mù bao phủ.

+ Hình ảnh nhân hóa sương lấp đoàn quân mỏi là hình ảnh tả thực, sương mù trên đỉnh Sài Khao như vùi lấp đoàn quân mệt mỏi. Hình ảnh đó đã tái hiện một mảng hiện thực chiến tranh; đằng sau hình ảnh những đoàn quân hùng dũng, hăm hở ra trận là những đoàn quân mỏi mệt.

- Hình ảnh thiên nhiên thơ mộng và lãng mạn qua cảm nhận của người lính: Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

+ Giống như Sài Khao, Mường Lát cũng là một địa danh trong địa bàn hoạt động của người lính Tây Tiến. Nhưng khi nhớ về Mường Lát, Quang Dũng lại nhớ về vẻ đẹp thơ mộng của bản mường.

+ Hình ảnh hoa về trong đêm hơi là một hình ảnh đẹp bởi bút pháp lãng mạn của Quang Dũng. Hình ảnh đó gợi một không gian huyền ảo của núi rừng bởi trong không gian, thời gian ấy, mùi hương của những bông hoa rừng lan tỏa ngào ngạt.

+ Trong không gian, thời gian ấy, hình ảnh những đoàn quân, dẫu mỏi mệt đấy nhưng tâm hồn vẫn trẻ trung tươi tắn đang ngây ngất trong mùi hương hoa. Câu thơ hé mở vẻ đẹp hào hoa, lạc quan, yêu đời của người lính.

- Địa hình hiểm trở của miền Tây Bắc:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thứớc xuống

+ Từ láy: khúc khuỷu, thăm thẳm là những từ láy tượng hình được kết hợp với cách ngắt nhịp 4/3 đã giúp người đọc cảm nhận được sự gập ghềnh, ẩn chứa bao bất trắc, hiểm nguy, độ sâu của dốc núi.

+ Hình ảnh nhân hóa súng ngửi trời vừa đặc tả độ cao chót vót của dốc núi - cao đến mức khi người lính lên tới đỉnh núi thì mũi súng gần như chạm vào trờ vừa thể hiện nét tinh nghịch, hồn nhiên, tếu táo của người lính.

+ Phép đối: Ngàn thước lên cao đối với ngàn thước xuống đã tái hiện hình độ cao, chiều sâu, hình sông thế núi trập trùng của địa hình miền núi phía bắc. Phép đối phần nào gợi sự khó nhọc của người lính khi hành quân trên chặng đường gập ghềnh của những con dốc.

->Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội bởi địa hình hiểm trở. So sánh:

Hình khe thế núi gần xa

Đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao

(Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn)

-> Bức tranh dốc đèo hoang vu, hiểm trở, đồng thời gợi hình dung về những cuộc hành quân leo dốc gian khổ.

- Vẻ đẹp thơ mộng của những ngôi nhà sàn chìm trong mưa ở phía Pha Luông: Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

+ Pha Luông là một địa danh thuộc địa bàn hoạt động cuả binh đoàn Tây Tiến, cái tên mang âm hưởng của rừng núi hoang vu và hoang dại.

+ Câu thơ toàn vần B kết hợp với hình ảnh cơn mưa xa khơi là một sự sáng tạo của Quang Dũng. Cơn mưa xa khơi có lẽ là một cơn mưa xối xả, mưa như trút nước, mưa trắng cả một vùng trời. Dưới ngòi bút cuả Quang Dũng, nó trở nên lãng mạn, trữ tình.

->Thiên nhiên Tây Bắc mang vẻ đẹp đối lập hùng vĩ, dữ dội nhưng thơ mộng và trữ tình. Vẻ đẹp đó được cảm nhận qua tâm hồn hào hoa, lãng mạn của người lính Tây Tiến.

* Hình ảnh người lính Tây Tiến hi sinh trong những phút giây mệt mỏi trên chặng đường hành quân gian khổ:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời.

- Từ láy dãi dầu đã lột tả được hết sự mệt mỏi người lính trong sự khốc liệt của cuộc chiến đấu. Từ gục là một động từ miêu tả động thái rất nhanh, biểu thị hình ảnh của người lính không còn sức chịu đựng.

- Hình ảnh người lính Tây Tiến không bước nữa, gục lên súng mũ bỏ quên đời là một hình ảnh bi tráng. Nghệ thuật nói giảm nói tránh đã tả sự hi sinh dũng cảm của người lính. Người lính Tây Tiến hi sinh trên chặng đường hành quân gian khổ vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

-> Ý thơ phảng phất nỗi buồn thương nhưng không hề bi lụy bởi tinh thần Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của thế hệ những người lính Tây Tiến. Quang Dũng bày tỏ sự trân trọng trước tinh thần hi sinh của đồng đội.

* Thiên nhiên lại được khám phá theo chiều thời gian với vẻ hoang dã và đầy hiểm nguy:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

- Hai từ láy chiều chiềuđêm đêm tái hiện những khoảng thời gian dài liên tiếp và vô tận.

- Nghệ thuật nhân hóa: thác gầm thétcọp trêu người giúp người đọc cảm nhận được âm thanh ghê rợn của những con thác dữ nơi thâm sơn cùng cốc và sự hiểm nguy của những người lính trước những con thú dữ săn mồi ban đêm.

-> Thiên nhiên Tây Bắc hoang sơ, huyền bí và hiểm nguy với những chàng trai Hà Nội và với cả chúng ta.

* Nhận xét nghệ thuật

- Thể thơ 7 chữ, thể thơ đó tạo vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại của bài thơ.

- Giọng điệu âm hưởng bi tráng.

- Hàng loạt từ láy tạo hình như các từ khúc khủy, thăm thẳm, hun hút

- Những câu thơ nhiều vần B, cạnh những câu nhiều vần T để khắc họa vẻ đẹp đối lập của thiên nhiên.

- Hình ảnh thơ giàu giá trị biểu cảm: anh bạn dãi dầu, hình ảnh gục lên súng mũ

- Những biện pháp tu từ như nói giảm nói tránh bỏ quên đời, nhân hóa cọp trêu người, đối lập giữa lênxuống

2,0

0,5

* Nhận xét hồn thơ Quang Dũng

- Hồn thơ Quang Dũng hồn hậu, phóng thoáng, lãng mạn, tài hoa khi viết về người lính Tây Tiến.

+ Hồn thơ Quang Dũng hồn hậu bởi những tình cảm chân thành dành cho đồng đội, bởi những từ ngữ mộc mạc giản dị khi miêu tả về người lính Tây Tiến.

+ Hồn thơ Quang Dũng phóng thoáng và lãng mạn khi viết về người lính Tây Tiến, cái phóng thoáng lãng mạn được thể hiện khi người lính hướng đến những lí tưởng sống tốt đẹp.

+ Và hồn thơ Quang Dũng tài hoa bởi ông rất sáng tạo khi sử dụng từ láy tượng hình, sử dụng câu thơ toàn vần Bằng cùng những phép tu từ gợi lên vẻ trang trọng của người lính Tây Tiến.

0,5

d.Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0,25

e.Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc; có ý tưởng riêng về vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ.

0,5

TỔNG ĐIỂM

10

Trên đây VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Đề thi thử THPT Quốc gia 2023 môn Ngữ văn bám sát đề minh họa - Đề 3. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tài liệu tại mục Thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi THPT Quốc gia môn Văn

    Xem thêm