Kết bài Bếp lửa Bằng Việt

Kết bài Bếp lửa - Bằng Việt được VnDoc sưu tầm và biên soạn, bao gồm những mẫu kết bài hay, ngắn gọn. Mời quý độc giả cùng tham khảo!

1. Kết bài thơ Bếp lửa - Mẫu 1

Gấp lại trang sách, hình ảnh người bà cùng tiếng chim tu hú và mùi khói buổi chiều quê vẫn như in sâu trong tâm trí người đọc. Tiếng thơ của Bằng Việt êm ái tựa như lời ru của mẹ, chuyện kể của bà từ những năm tháng tuổi thơ vọng về. “Bếp lửa” là một dòng hồi tưởng “chờn vờn”, “nồng đượm”, rực sáng mãi không thôi trong lòng những người dù chỉ đến với nó một lần. Một ngọn lửa mãnh liệt như vậy liệu có bao giờ vụt tắt được chăng?

2. Kết bài thơ Bếp lửa - Mẫu 2

Bài thơ đã mang đến cho người đọc thông điệp sâu sắc: "Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người suốt hành trình dài rộng của cuộc đời." Tình yêu thương và lòng biết ơn bà chính là một biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, sự gắn bó với gia đình, quê hương, và đó cũng là sự khởi đầu của tình yêu con người, tình yêu đất nước. Bài thơ như ngọn lửa ấm áp toả sáng và cháy mãi trong tình cảm của người đọc.

3. Kết bài thơ Bếp lửa - Mẫu 3

Nhớ về tuổi thơ của mình, nhà thơ Razun Gamzatop đã nhớ đến người mẹ thân yêu với những việc làm trở lại trong mọi ngày vào sáng sớm, ban trưa và buổi tối, trong cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Cũng là xúc cảm nhớ thường về tuổi thơ và quê hương mình, nhà thơ Bằng Việt hướng về hình bóng người thân yêu nhất – người bà hiền dịu tảo tần. Qua đó, chúng ta càng cảm thấy yêu, càng cảm thấy trần trọng hơn tình cảm đối với gia đình, với quê hương, đất nước:

“Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước

Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà

Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc

Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa.”

4. Kết bài thơ Bếp lửa - Mẫu 4

Những lời thơ ấm áp, đầy tin yêu của Bằng Việt đã thắp lên trong lòng người đọc những cảm xúc tinh tế, chân thật về gia đình và Tổ quốc. “Bếp lửa” đã cho thấy cái mới mẻ, khác lạ trong hồn thơ của ông. Tác phẩm xứng đáng là “tiếng lòng của một người con, một nhà thơ luôn hướng về đất nước với những con người Việt Nam thuần hậu, anh hùng, tình nghĩa”.

5. Kết bài thơ Bếp lửa - Mẫu 5

Tình cảm bà cháu thiêng liêng như con thuyền nhỏ chở đầy ắp những kỉ niệm trên dòng sông tuổi thơ êm đềm mà suốt cuộc đời này người cháu không bao giờ quên được. Từ đó, sức ấm và ánh sáng của tình bà cháu cũng như của bếp lửa đã thật sự lan tỏa toàn bài thơ:

“Đôi mắt càng già càng thấm thía yêu thương

Da dẻ dù khô đi tấm lòng không hẹp lại

Giàu kiên nhẫn bà còn hi vọng mãi

Chỉ mỗi ngày rắn lại ít lời thêm”

6. Kết bài thơ Bếp lửa - Mẫu 6

Theo dòng hồi tưởng của nhà thơ Bằng Việt trong bài thơ Bếp lửa, chúng ta không chỉ cảm nhận được tình cảm bà cháu thiêng liêng, đó là tình cảm gia đình ấm áp mà còn thấy sức mạnh của tình thương. Người cháu nhỏ bé năm nào lớn lên do một tay bà chăm sóc, chở che đã trưởng thành và tình thương của bà cũng trở thành hành trang quan trọng để nâng bước cháu đến những chân trời mới. Tuy nhiên, dù có trưởng thành, dù được đến muôn nơi, được đón nhận những ngọn lửa mới rực rỡ “có lửa trăm nhà. niềm vui trăm ngả” nhưng ngọn lửa ấm áp do bà chắt chiu ấp ủ mỗi sớm mai mãi là ngọn lửa ấp áp, rực sáng nhất trong cuộc đời của người cháu.

7. Kết bài thơ Bếp lửa - Mẫu 7

Thông qua hình ảnh ngọn lửa, tác giả Bằng Việt trong bài thơ Bếp lửa đã có những thổ lộ đầy xúc động về tình thương, sự trân trọng của mình đối với sự chắt chiu, hi sinh của người bà. Bài thơ còn là bản nhạc da diết, xúc động về tình bà cháu trong chiến tranh, tình thương của bà dành cho người cháu nhỏ sáng ngời, rực rỡ như ngọn lửa, tình thương ấy không chỉ xua đi khói lửa chiến tranh, ám ảnh khủng khiếp của nạn đói mà đã mang đến cho tuổi thơ của người cháu những kí ức thực ấm áp, đẹp đẽ: đó là kí ức có bà, là những kỉ niệm đáng nhớ về câu chuyện, bài học, lời dạy bảo đầy thiết tha của bà. Cũng chính tình yêu thương, bao bọc của bà đã nuôi dưỡng ở Bằng Việt ngọn lửa yêu thương, hi vọng. Đây cũng chính là sức mạnh, sức lan tỏa của ngọn lửa tình thương nơi bà được gửi gắm, nuôi dưỡng nơi người cháu.

Kết bài thơ Bếp lửa

8. Kết bài thơ Bếp lửa - Mẫu 8

Bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt không chỉ mang đến cho chúng ta những cảm nhận đẹp đẽ về tình cảm bà cháu mà còn khơi dậy những cảm xúc thân quen, những tình cảm thiết tha, mềm mại nhất dành cho người bà của mình. Tình cảm bà cháu hay tình cảm gia đình đều là những tình cảm thiêng liêng, đáng trân trọng nhất trong cuộc đời mỗi người, với nhà thơ Bằng Việt cũng vậy và đối với mỗi độc giả chúng ta cũng vậy, tình cảm gia đình không chỉ nuôi dưỡng, thắp sáng trong tâm hồn chúng ta những tình cảm tốt đẹp mà còn là cội nguồn của yêu thương, là bến đỗ bình yên, an toàn nhất cho chúng ta vững bước trên đường đời.

9. Kết bài thơ Bếp lửa - Mẫu 9

Qua những dòng hồi ức về tuổi thơ bên bà kết hợp với sự sáng tạo trong bút pháp miêu tả, biểu cảm, Bằng Việt qua bài thơ Bếp lửa đã mang đến cho chúng ta một câu chuyện thật xúc động về tình cảm bà cháu trong chiến tranh. Đặc biệt, qua bài thơ, tác giả còn gửi gắm những triết lí vô cùng sâu sắc: tình cảm gia đình, những kí ức tuổi thơ chính là ngọn lửa ấm áp nhất có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên mỗi chặng đường đời. Trong bài thơ Bếp lửa, tình yêu thương, lòng biết ơn trân trọng người bà của tác giả còn là biểu hiện của tình yêu nước, tấm lòng gắn bó với quê hương.

.......................................................................

Ngoài tài liệu trên, mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết bổ ích khác tại Ngữ văn lớp 9, Văn mẫu lớp 9, Nghị luận xã hội lớp 9. VnDoc rất hạnh phúc khi được trở thành người đồng hành với các bạn trong quá trình học tập. Chúc các bạn đạt được những kết quả như ý!

Đánh giá bài viết
1 2.760
Sắp xếp theo

    Mở bài - Kết bài hay lớp 9

    Xem thêm