Mở bài Ánh trăng Nguyễn Duy
Mở bài "Ánh trăng" - Nguyễn Duy
- 1. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 1
- 2. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 2
- 3. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 3
- 4. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 4
- 5. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 5
- 6. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 6
- 7. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 7
- 8. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 8
- 9. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 9
- 10. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 10
- 11. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 11
Mở bài bài thơ "Ánh trăng" - Nguyễn Duy gồm 11 mẫu mở bài cho các em tham khảo, dễ dàng vận dụng khi làm các bài văn phân tích, cảm nhận... liên quan tới tác phẩm Ánh trăng.
1. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 1
Hoài Thanh đã nhận xét về thơ Nguyễn Duy: “Thơ Nguyễn Duy đưa ta về một thế giới quen thuộc. Đọc thơ Nguyễn Duy thấy anh hay cảm xúc, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình. Cái điều ở người khác thì có thể chỉ là chuyện thoáng qua thì ở anh, nó lắng sâu và dường như đọng lại…” và “Ánh trăng” là một tác phẩm như thế. Với “Ánh trăng” ta cảm nhận được một ngòi bút sâu sắc, một trái tim tinh tế rung động trước những thay đổi nhỏ bé nhất, và cả một khao khát ước vọng truyền cho mọi người lẽ sống, cách sống trọn vẹn, nghĩa tình.
2. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 2
Ánh trăng dường như trở thành một mối duyên nợ với thi nhân trong nguồn cảm hứng thăng hoa bất tận. Trong cuộc đời cầm bút mỗi người nghệ sĩ, có lẽ ai cũng đã từng bắt gặp ánh trăng “dạo chơi” trong những câu chữ của mình. Nhưng ở mỗi cuộc dạo chơi ấy, hình tượng trăng lại ánh lên một vẻ đẹp rất riêng. Các thi sĩ tìm đến trăng không chỉ để chiêm ngưỡng mà còn để chia sẻ, để tâm sự, để tìm sự đồng điệu của tâm hồn. Thơ Nguyễn Duy cũng đi sâu vào khám phá vẻ đẹp của hình ảnh ánh trăng trong sự gắn bó với con người. Ánh trăng ấy đã tỏa sáng bất diệt, vĩnh hằng trong thi phẩm “Ánh trăng”.
3. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 3
Trăng là nguồn thi cảm bất tận trong thơ văn xưa và nay. Ngày xưa, ta thấy trăng trong những lời ca dao thân thương về chuyện tình đôi lứa, đến với thơ văn trung đại ta biết trăng qua bóng nguyệt- người thương, thơ ca hiện đại mang trăng vào trong thơ cũng đầy tự nhiên, trăng lúc này đã mang màu xúc cảm. Đó là ánh trăng mang nỗi buồn ưu tư buồn, say, nhớ thương trong thơ Hàn Mặc Tử, là ánh trăng bạn bày, tri kỷ trong tiếng thơ Tản Đà, Hồ Chí Minh hay là ánh trăng mang màu lý tưởng trong thơ Chính Hữu. Cũng viết về chủ đề ánh trăng nhưng Nguyễn Duy trong bài thơ Ánh trăng đã mang đến cho ánh trăng vốn quen thuộc một vẻ đẹp hoàn toàn mới lạ, đó không chỉ là vẻ đẹp thuộc tự nhiên nữa mà ánh trăng còn là biểu tượng cho những ân tình thủy chung trong quá khứ.
4. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 4
Nguyễn Duy là một tác giả có hồn thơ nhẹ nhàng, gần gũi , thơ ông với ngôn từ giản dị, tự nhiên nhưng lại chất chứa nhiều nỗi suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người. Hầu hết, những hình tượng nghệ thuật trong thơ ông đều rất chân quê và đầy gợi cảm, đó là bóng mẹ, là con sông quê hương, là cây tre người Việt hay hơi ấm từ ổ rơm,....và không thể thiếu được vầng trăng thiên nhiên. Ánh trăng soi rọi con đường, soi rọi cánh đồng quê, ánh trăng soi rọi bước đường chiến đấu và soi rọi cả những cõi sâu nhất của tâm hồn con người. Bài thơ " Ánh trăng" là một bài thơ viết về trăng vô cùng độc đáo, tác phẩm đã đi vào trái tim người đọc qua bao thế hệ.
5. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 5
Có một nhà thơ từng nói rằng: "Thơ là rượu của thế gian”, bởi vậy mà có biết bao bài thơ đẹp khiến ta mê mẩn, bao bài thơ hay khiến ta say, ta nhớ. Những vần thơ đẹp ấy nó mê hoặc con người không chỉ bởi những nhịp, vần của ngôn từ mà còn bởi những giá trị, ý nghĩa ẩn sau ngôn từ ấy. Tôi cũng đã từng say mê một tác phẩm như thế, nó là thứ rượu ngôn từ khiến tôi khắc khoải, trầm ngâm trong từng nhận thức về lẽ sống, về cuộc đời khi thưởng thức. Đó là tuyệt phẩm được viết nên bởi một con người có trái tim nhiệt huyết và dồi dào sức trẻ Nguyễn Duy với bài thơ "Ánh trăng". Bài thơ được viết vào năm 1978, những ngày sau đất nước thống nhất, ngày mà hoà bình được lặp lại trên quê hương, xứ sở.
6. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 6
Nhắc đến thế hệ những nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ không thể không nhắc đến Nguyễn Duy- một nhà thơ, một nhà hoạt động cách mạng tiêu biểu. Ông là người con của vùng đất địa linh- nhân kiệt Thanh Hoá, là người có nhiều cống hiến cho văn học hiện đại Việt Nam và đạt nhiều giải thưởng lớn về văn học, nghệ thuật của nước nhà. Những tác phẩm chính của ông như Cát trắng, Đường xa, Tình tang, Ánh trăng….gây thương nhớ trong lòng bạn đọc. Đặc biệt, bài thơ "Ánh trăng" trích trong tập thơ cùng tên đã mang đến cho người thưởng thức những cảm xúc khó quên, thức tỉnh mỗi chúng ta về lẽ sống thủy chung ở đời.
7. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 7
Nhà văn Nguyễn Tuân có lần từng nói: “Thơ là mở ra một cái gì mà trước câu thơ trước bài thơ ấy dường như vẫn còn bị phong kín” vì vậy mỗi một sáng tác thơ ca đều phải mở ra một điều gì đấy mới mẻ về tư tưởng về nội dung về nghệ thuật trong tâm trí của người đọc. Nếu Lí Bạch đã từng nâng chén cùng với trăng sáng trên cao để thấm thía nỗi cô đơn mình với bóng là ba, nếu Nguyễn Du đã để vầng trăng là nhân chứng cho mối lương duyên của Thúy Kiều – Kim Trọng, thì chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng coi trăng như một người bạn tri kỷ, thân thiết “Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”. Cũng viết về vầng trăng, hình tượng vốn bấy lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, nhưng bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy vẫn khơi gợi trong tâm hồn của mỗi độc giả những cảm xúc mới mẻ, sâu sắc và nhiều ý nghĩa.
8. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 8
Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng.
Tố Hữu.
Trăng là đề tài muôn thuở của thi ca. Với ánh sáng huyền diệu, với chu kì tròn, khuyết lạ lùng, trăng đã gợi cho các thi nhân cổ kim nhiều ý tưởng sâu xa. Nguyễn Duy là nhà thơ lớn lên từ đồng quê, trăng như một ám ảnh. Rồi xê dịch với thời gian, với không gian, trăng vẫn đeo đuổi nhà thơ và thế là thành thơ, thành triết lí.
9. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 9
Trong văn học trung đại, con người vốn được ví như một “tiểu vũ trụ” trong lòng “đại vũ trụ”. Theo đó, trăng trong văn học trung đại không huyền bí xa lạ như trong truyện cổ dân gian “Nữ thần Mặt Trăng”, cũng không bất biến như trong ca dao dân ca “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già/núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non” của văn học dân gian. Ánh trăng ấy đến với chúng ta thật gần gũi, thân thiết với con người. Mặt khác, ánh trăng theo đúng lý tính của nó là mang đến ánh sáng mát cho con người và xóa tan đi những đêm đen hiu quạnh. Trăng bước vào địa hạt thơ ca đã trở thành một hình tượng nghệ thuật thực sự, được miêu tả khá độc đáo và sắc nét. Và “Ánh trăng” của Nguyễn Duy đã mang đến cho ta sự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính và ngợi ca tấm lòng thủy chung ân tình trong cuộc sống thời bình.
10. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 10
Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vừa mới xuất hiện, Nguyễn Duy đã nổi tiếng với bài “Tre Việt Nam”. Bài “Hơi ấm ổ rơm” của ông đã từng đoạt giải hưởng báo Văn nghệ. “Ánh trăng” cũng là một trong những bài thơ được nhiều độc giả yêu thích bởi tình cảm chân thành, sâu sắc, tứ thơ bất ngờ mới lạ. Qua bài thơ, tác giả đã kín đáo bộc lộ những suy nghĩ, chiêm nghiệm về một lẽ sống cao quý trong cuộc đời của mỗi con người.
11. Mở bài "Ánh trăng" - Mẫu 11
Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Bước ra từ cuộc chiến, hồn thơ Nguyễn Duy lại đau đáu, trăn trở với những miền kí ức xa xưa và ân nghĩa trong kháng chiến thuở nào. Bài thơ “Ánh trăng” thể hiện một phần tâm sự như thế của nhà thơ.