Mở bài truyện ngắn "Làng" - Kim Lân
Mở bài truyện ngắn "Làng" - Kim Lân
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 1
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 2
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 3
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 4
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 5
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 6
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 7
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 8
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 9
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 10
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 11
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 12
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 13
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 14
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 15
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 16
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 17
- Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 18
Mở bài truyện ngắn "Làng" - Kim Lân được VnDoc tổng hợp gồm những mở bài mẫu đặc sắc, ngắn gọn. Mời các bạn cùng tham khảo!
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 1
Nhà văn Kim Lân là một cây bút chuyên viết truyện ngắn. Có sở trường ở thể loại mà qua một lát cắt, có thể nhìn thấy "vòng đời thảo mộc cả trăm năm", Kim Lân cũng luôn viết bằng những trải nghiệm thực tế. Chính vì vậy, nhà văn thường viết về đời sống của những người dân quê mà ông gắn bó. “Làng” là tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân. Chia sẻ về tác phẩm này, Kim Lân từng nói: "Lão Hai chính là tôi. Viết đi viết lại hình như cuối cùng câu chuyện chính là mình." Truyện ngắn thể hiện tình yêu nước giản dị mà nồng nàn của người nông dân Việt Nam.
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 2
Trong tác phẩm “Lòng yêu nước”, nhà văn Ê - li - a Ê - ren -bua đã viết: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Quả thực, tình yêu nước - thứ tình cảm thiêng liêng, trân quý nhất của mỗi con người lại được bồi đắp ngay từ những điều giản dị, bình thường trong đời sống. Đọc tác phẩm “Làng” của nhà văn Kim Lân, ta càng thấm thía chân lí ấy. Tác phẩm đã là khúc hát ân tình ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc của những con người Việt Nam chân chất.
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 3
Nhà thơ Tố Hữu từng nói: “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học”. Hiện thực đời sống luôn là mảnh đất màu mỡ để các tác giả gieo cây bút, làm nảy nở những hạt mầm văn chương. Một tác phẩm văn học có giá trị chính là tác phẩm biết khởi phát từ những tình cảm thật, con người thật và hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Với nhà văn Kim Lân - nhà văn “một lòng đi về với đất, với người”, gắn bó với cái “thuần hậu nguyên thủy” thì điều này được thể hiện rất rõ ở truyện ngắn “Làng”.
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 4
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta” . Truyền thống yêu nước đó dường như đã thấm nhuần vào mỗi con người Việt Nam và trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tạo nghệ thuật. Đọc tác phẩm “Làng” của nhà văn Kim Lân, ta thấy ông đã khắc họa được tình yêu nước của những người nông dân Việt Nam thông qua nhân vật ông Hai.
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 5
"Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước"
( "Đất nước" - Nguyễn Khoa Điềm).
Quả thực, soi chiếu vào chặng đường phát triển của văn học Việt Nam, có biết bao tác phẩm đã viết về những người anh hùng lịch sử đã ghi danh với núi sông, được nhân dân nhớ ơn và ngưỡng mộ. Thế nhưng, đất nước thiêng liêng và yêu quý vô ngần của ta còn được xây dựng bởi bàn tay của biết bao con người "Không ai nhớ mặt đặt tên". Nhà văn Kim Lân - "nhà văn của những kiếp người bé mọn" đã đưa những con người "Giản dị và bình tâm" ấy vào trong trang sách, khiến hình ảnh người nông dân ở làng quê Việt trở thành tượng đài rực rỡ về lòng yêu nước. Điều này được thể hiện rất rõ qua nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng".
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 6
Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài sinh năm 1920, quê ở Bắc Ninh. Là nhà văn chuyên viết truyện ngắn, ông đã có sáng tác đăng báo từ trước Cách mạng tháng Tám. Am hiểu sâu sắc, gắn bó với nông dân và nông thôn, Kim Lân hầu như chỉ viết về sinh hoạt nông thôn và cảnh ngộ người nông dân. Truyện ngắn Làng là một trong những truyện ngắn hay nhất của Kim Lân được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1948). Đây là một tác phẩm độc đáo viết về lòng yêu nước của ông Hai, lòng yêu nước này xuất phát từ tình yêu quê hương, yêu nàng sâu sắc của ông. Tình cảm và ý nghĩa này đã trở thành phổ biến ở mỗi người nông dân Việt Nam ta trong những ngày đầu chống Pháp.
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 7
Từ xưa đến nay, người Việt Nam ta luôn được biết đến là một quốc gia với tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc vô cùng to lớn. Chính tinh thần đó đã giúp ta đạt thắng lợi trước nhiều kẻ thù lớn và giành lại nền độc lập dân tộc cho nước nhà sau nhiều ngày tháng chiến đấu gian khổ. Và lòng yêu nước từ lâu đã đi vào thơ văn với nhiều khía cạnh khai thác khác nhau từ tình cảm đến tinh thần chiến đấu trên mọi mặt trận. Trong đó nếu thật thiếu sót nếu ta không nhắc đến truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân ca ngợi lòng yêu nước, trung thành với Đảng và nhà nước mà nhân vật ông Hai làm đại diện.
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 8
Người nông dân nghèo Việt Nam tuy họ giản dị, chất phác nhưng ở họ vẫn luôn toát lên nhiều vẻ đẹp thanh cao, khác lạ vô cùng đáng quý, đáng trân trọng. Thấy được những vẻ đẹp đó nên từ lâu người nông dân đã đi vào thơ văn của bao tác giả và có được những thành công vang dội. Được mệnh danh là nhà văn của nông thôn và người nông dân, Kim Lân đã có nhiều tác phẩm thành công và nổi tiếng ở đề tài này. Một trong số những tác phẩm ấn tượng nhất của ông mà ta không thể không nhắc đến chính là truyện ngắn Làng.
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 9
Tình yêu quê hương gắn bó với quê hương từ xưa đến nay luôn được người Việt Nam ta giữ gìn và phát huy. Nhưng rộng hơn, lòng yêu nước vẫn chiếm ngự phần lớn trái tim. Trong thời chiến, nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân là một điển hình cho đức tính này. Ông dù rất yêu làng nhưng khi nghe tin làng theo giặc, ông kiên quyết từ bỏ làng để theo nước, theo kháng chiến. Có thể thấy ở ông Hai tồn tại nhiều đức tính tốt đẹp mà ta cần phải học hỏi.
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 10
Kim Lân là một nhà văn gắn bó máu thịt với những người nông dân nghèo, những kiếp người chịu nhiều khốn khổ bần cùng. Ông cũng là một văn nhân có trái tim yêu nước son sắt, một tấm lòng thiết tha với dân tộc. Bởi vậy mà những sáng tác của ông thường viết về những người nông dân có lòng yêu nước, yêu cách mạng sâu sắc. Thông qua nhân vật ông Hai, truyện ngắn "Làng" của Kim Lân đã khắc hoạ sinh động chân dung một người nông dân chân chính với tình yêu làng, yêu quê hương tha thiết và sự gắn bó máu thịt với bộ đội cụ Hồ, điều đó được thể hiện rõ qua nhân vật ông Hai.
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 11
Nhà văn Kim Lân sinh năm 1920 tại quê hương Bắc Ninh, vùng đất nổi tiếng với những con người mến khách và làn điệu quan họ thân thương. Đó cũng là một vùng quê nổi tiếng với truyền thống cách mạng, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Sự trải nghiệm cùng những gắn bó sâu sắc với người dân quê đã giúp Kim Lân có nhiều am hiểu đời sống và tâm lí của những người nông dân, đây cũng là thi liệu để ông viết nên những tác phẩm đặc sắc. Một trong những truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân viết về người nông dân là “Làng”. "Làng" của Kim Lân được coi là một đỉnh cao của văn học yêu nước lúc bấy giờ. Tác phẩm đã tạo nên một tiếng nói về tình yêu nước sâu sắc, bất hủ, tựa một bản nhạc viết về lòng thủy chung với quê hương, với cách mạng của người nông dân Việt Nam.
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 12
Tinh thần yêu nước của dân tộc là một truyền thống quý báu tự bao đời. Tình yêu nước không chỉ sục sôi trong trái tim mỗi con người Việt Nam mà còn được biểu hiện đầy cụ thể, xúc động trong những áng thơ văn. Tiêu biểu cho dòng văn học yêu nước là những tên tuổi lớn như Nam Cao, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật,... Và không thể không nhắc tới nhà văn Kim Lân qua truyện ngắn "Làng", một câu chuyện sâu sắc viết về tình người với tình quê, về nhân dân với dân tộc đầy cảm động.
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 13
Viết về đề tài người nông dân Việt Nam có rất nhiều tác phẩm thành công, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng những đọc giả yêu văn học. Có thể kể đến như tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, truyện ngắn Chí Phèo, Lão Hạc của nhà văn Nam Cao, hay truyện ngắn "Làng" của tác giả Kim Lân. Mỗi tác phẩm là vô vàn những dấu ấn về nhân vật, về sự kiện, về những thành công nghệ thuật, về tài năng của những người sáng tạo. Truyện ngắn được viết vào năm 1948, trong những năm tháng của thời kì chống Pháp đã khơi dậy tình yêu nước, củng cố thêm niềm tin cho mỗi con người Việt Nam vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại, vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 14
Với người nông dân Việt Nam, có lẽ không có thứ tình cảm nào tự nhiên hơn tình yêu đất nước. Tình yêu ấy nhẹ nhàng thấm vào máu thịt qua tình cảm dành cho người thân, làng xóm, quê hương. Nó tưởng như xa xôi nhưng lại thật gần gũi, giản dị. Thấu hiểu những điều đó, nhà văn Kim Lân đã có một thiên truyện thật hay viết về tình yêu quê hương đất nước của người nông dân: “Làng”. Diễn biến tâm trạng nhân vật chính của tác phẩm - nhân vật ông Hai là một thành công lớn của tác giả khi viết về đề tài yêu nước.
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 15
Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân là một tác phẩm đặc sắc thể hiện tình yêu của người nông dân đối với quê hương, đất nước mình trong kháng chiến chống Pháp một cách cảm động. Làm nên thành công của tác phẩm không thể không nhắc đến nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn. Diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai trong tác phẩm khi nghe tin làng Dầu của mình theo giặc được thể hiện một cách sinh động đã thể hiện điều đó.
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 16
Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 đã xây dựng thành công hình ảnh những con người Việt Nam kiên cường, bất khuất với một tinh yêu quê hương đất nước tha thiết, sâu nặng. Bên cạnh hình ảnh những chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên mặt trận còn có những con người hi sinh lặng thầm nơi hậu phương đế góp phần vào thắng lơi của kháng chiến. Đó là những người nông dân có lòng yêu nước thiết tha, bình dị, sâu sắc. Truyện ngắn Làng của Kim Lân đã xây dựng thành công hình ảnh nhân vật ông Hai - một người nông dân chân chất nhưng mang nặng tình yêu làng và lòng yêu quê hương, có tinh thần kháng chiến mạnh mẽ.
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 17
Người ta đã viết rất nhiều về cái làng Việt Nam xưa kia, từ kho tàng đồ sộ ca dao tục ngữ, những khảo cứu phong tục, tập quán, những phóng sự việc làm... cho đến những tiểu thuyết mà cái làng gói trọn số phận của nhiều nhân vật. Làng, đó khộng phải chỉ là một đơn vị hành chính, địa lí, mà đó là tất cả cuộc sống xã hội đối với người nông dân xưa, ở đó có tất cả những gì gắn bó với họ, làm nên cuộc đời họ... Làng, đó là khái niệm đầu tiên và có lẽ cuối cùng của họ về hai tiếng “quê hương”.
Mở bài Làng - Kim Lân mẫu 18
“Làng” của nhà văn Kim Lân là một truyện ngắn đặc sắc về chủ đề tình yêu quê hương đất nước của người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Nhân vật chính của tác phẩm - ông Hai – chẳng những là một người nông dân chất phác, hồn hậu như bao người nông dân khác mà còn là một người có tình yêu làng quê, đất nước thật đặc biệt.
-----------------------------------------------------------
Bên cạnh tài liệu trên, mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Mở bài kết bài Văn 9, Soạn văn 9, Văn mẫu lớp 9. Chúc các bạn học tập thật tốt!