Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích
Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích Nguyễn Du
- Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 1
- Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 2
- Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 3
- Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 4
- Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 5
- Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 6
- Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 7
- Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 8
Mở bài quá dài dễ gây mất cân đối với bài văn, còn nếu mở bài quá ngắn sẽ không diễn đạt được hết ý. Một mở bài hay là mở bài ngắn gọn, súc tích, nêu rõ được nội dung vấn đề và đảm bảo tính sáng tạo. Dưới đây là tổng hợp mẫu Mở bài đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích Nguyễn Du mời các bạn cùng tham khảo
Ngoài ra, VnDoc.com đã thành lập group chia sẻ tài liệu học tập THCS miễn phí trên Facebook: Tài liệu học tập lớp 9. Mời các bạn học sinh tham gia nhóm, để có thể nhận được những tài liệu mới nhất.
Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 1
“Chạnh lòng thương cô Kiều như đời dân tộc
Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên”
(Trích “Đọc Kiều” - Chế Lan Viên)
Những vần thơ xúc động của nhà thơ Chế Lan Viên đã gợi ra cảm nhận sâu sắc về cuộc đời “đoạn trường” đầy rẫy nước mắt, khổ đau của Thúy Kiều - “tấm gương oan khổ” đại diện cho số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Một trong những bi kịch đớn đau mà Thúy Kiều phải gánh chịu chính là rơi vào tay buôn người Mã Giám Sinh. Sau khi biết mình bị chà đạp về nhân phẩm và rơi vào chốn thanh lâu, nàng tiếp tục bị Tú bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích. Trong không gian tù túng đó, nàng không ngừng nhớ về Kim Trọng và lo lắng cho song thân, đồng thời luôn có những dự cảm về tương lai phía trước. Trích đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thuộc phần “Gia biến và lưu lạc” đã tái hiện thành công dòng nội tâm phức tạp đầy rẫy những lo âu của Thúy Kiều.
Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 2
“Trải qua một cuộc bể dâu
Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình
Nổi chìm cuộc sống lênh đênh
Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều”
(Trích “Bài ca xuân 61” - Tố Hữu)
Những câu thơ của tác giả Tố Hữu đã chất chứa niềm đồng cảm sâu sắc đối với số phận bi kịch của Thúy Kiều - người phụ nữ “tài sắc vẹn toàn” nhưng bị xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công đày đọa. Trong chuỗi hành trình mười lăm năm lưu lạc đầy khổ đau, lầu Ngưng Bích là một trong những điểm dừng chân của Thúy Kiều. Sau khi rơi vào tay buôn người Mã Giám Sinh, Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích cùng âm mưu, lời hứa hẹn xảo trá “con hãy thong dong” của Tú bà. Bằng tài năng trong việc sử dụng ngôn từ dân tộc và bút pháp “tả cảnh ngụ tình”, những câu thơ trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã thể hiện rõ diễn biến nội tâm cùng ý thức về nhân phẩm và dự cảm bất an về tương lai phía trước của người con gái đa sầu đa cảm Thúy Kiều
Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 3
“Nguyễn Du là người có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”. Lời nhận định của Mộng Liên Đường chủ nhân - nhà phê bình văn học nổi tiếng thế kỉ XIX đã thể hiện sự ngưỡng mộ, ngợi ca đối với tài năng của Nguyễn Du- đại thi hào dân tộc và sự thành công của tác phẩm “Truyện Kiều”. Trong kiệt tác “Đoạn trường tân thanh”, tác giả Nguyễn Du như hóa thân vào nhân vật để diễn tả những cung bậc cảm xúc sâu thẳm nhất trong tâm hồn người phụ nữ tài hoa nhưng bạc mệnh. Trích đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong số những minh chứng tiêu biểu thể hiện điều này. Bằng ngòi bút nhân đạo và tấm lòng xót thương, đồng cảm sâu sắc, tác giả Nguyễn Du đã tái hiện thành công bức tranh tâm trạng cô đơn, buồn tủi, ngổn ngang trăm mối của Thúy Kiều trong không gian “lầu Ngưng Bích khóa xuân”.
Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 4
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Người buồn cảnh cũng thẫn thờ
Cảnh buồn người cũng ngẩn ngơ ưu sầu”
(Trích “Truyện Kiều” - Nguyễn Du)
Mối tương quan và liên hệ giữa không gian cảnh vật và nội tâm, tâm trạng con người là một trong những nguyên lí nền tảng để đại thi hào Nguyễn Du vận dụng thành công bút pháp “tả cảnh ngụ tình”. Xuyên suốt kiệt tác “Truyện Kiều”, để diễn tả thành công diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều - người con gái “đa sầu, đa cảm”, tác giả đã khai thác những yếu tố từ ngoại cảnh để góp phần tô đậm tâm lí nhân vật. Trích đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” đã thể hiện rõ biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật của nhà thơ thông qua nỗi nhớ nhung đối với Kim Trọng, đối với cha mẹ cùng những dự cảm đầy lo âu, đau buồn của Thúy Kiều.
Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 5
Trong “Truyện Kiều” có nhiều đoạn thơ hay miêu tả nỗi cô đơn, nhớ nhà của Kiều, nhưng không đoạn nào thể hiện được tâm trạng bi đát, bế tắc, đơn côi như đoạn "Kiều ở lầu Ngưng Bích" .
Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 6
Trong phần đầu của “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã dự cảm về số phận nàng Kiều không chỉ ở nhan sắc hơn người, mà còn trực tiếp ở câu thơ: “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”, và quả thật câu thơ đó đã vận vào đời nàng. Gia đình gặp tai biến, cha và em bị bắt, nàng phải bán mình chuộc cha. Không chỉ vậy, còn bị Mã Giám Sinh lừa bán vào lầu xanh. Cuộc đời nàng bắt đầu bước vào chuỗi ngày tăm tối khi bị giam ở lầu Ngưng Bích. Tất cả những điều đó được thể hiện rõ nét trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.
Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 7
Nguyễn Du là một thiên tài văn học, một tác gia văn học tài hoa và lỗi lạc của văn học Việt Nam. Ông được mệnh danh là thi sĩ của các nhà thi sĩ. Truyện Kiều là một tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Du là đỉnh cao chói lọi nhất của nghệ thuật thi ca. Đọc tác phẩm, chúng ta không thể quên được đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích"
Mở bài tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 8
Nguyễn Du là một danh nhân văn hóa, một đại thi hào của dân tộc ta. Ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam ta một kiệt tác của nền văn học Trung đại - tác phẩm “Truyện Kiều”. Ngoài hai giá trị lớn và giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, “Truyện Kiều” còn rất thành công về mặt nghệ thuật. Chỉ xét riêng về nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật và bút pháp tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao chói lọi nhất trong lịch sử bằng trích đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” miêu tả thành công cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Kiều.
Trên đây VnDoc đã hướng dẫn các bạn học sinh Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích, chắc chắn các bạn học sinh đã phần nào hiểu được nội dung tư tưởng tác phẩm, ngoài bài viết này, chúng tôi còn giới thiệu đến các bạn một số bài viết khác trong những bài văn mẫu 9 có liên quan đến tác phẩm như: Phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong tám câu thơ cuối của đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Soạn bài lớp 9: Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Soạn Văn 9: Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều)....các bạn cùng tham khảo.
.......................................................................
Ngoài Mở bài Kiều ở lầu Ngưng Bích. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Mở bài kết bài Văn 9, Soạn văn 9, soạn bài 9 hoặc đề thi học học kì 1 lớp 9, đề thi học học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt