Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh
Chúng tôi xin giới thiệu tới các bạn bài Lý thuyết Ngữ văn 8: Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp ích cho các bạn học sinh cùng quý thầy cô tham khảo để giảng dạy và học tập tốt Ngữ văn lớp 8. Mời các bạn tham khảo chuẩn bị tốt cho bài giảng sắp tới đây.
Bài: Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh
A. Kiến thức cơ bản bài Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh
1. Đoạn văn thuyết minh
- Đoạn văn là một bộ phận của bài văn
- Viết tốt đoạn văn là điều kiện để làm tốt bài văn.
- Đoạn văn thường có 2 câu trở lên được sắp xếp theo thứ tự nhất định.
- Khi viết bài văn thuyết minh, cần xác định các ý lớn, mỗi ý viết thành một đoạn văn.
2. Chú ý khi viết đoạn văn thuyết minh
- Khi viết đoạn văn, cần trình bày rõ ý chủ đề của đoạn, tránh lẫn ý của đoạn văn khác.
- Trong đoạn văn, các ý phải được sắp xếp theo trình tự cấu tạo của sự vật, trình tự nhận thức
+ Từ tổng thể đến bộ phận
+ Từ trong ra ngoài
+ Từ xa đến gần
+ Theo trước – sau, chính – phụ
B. Bài tập vận dụng bài Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh
1. Xác định câu chủ đề trong các đoạn văn sau
a. Nhà thơ Thế Lữ (1907 – 1989) là một trong những nhà thơ hàng đầu của phong trào Thơ mới.Tên khai sinh là Nguyễn Thứ Lễ, sinh tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê quán: làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Tiên Sơn), tỉnh Bắc Ninh.Thuở nhỏ, Thế Lữ học ở Hải Phòng. Năm 1929, học xong bậc Thành chung, ông vào học Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương, sau đó một năm (1930), ông bỏ học. Năm 1932, Thế Lữ bắt đầu tham gia Tự lực văn đoàn và là một trong những cây bút chủ lực của báo Phong hóa, Ngày nay. Năm 1937, ông bắt đầu hoạt động sân khấu, làm diễn viên, đạo diễn, lưu diễn tại các tỉnh miền Trung... và có hoài bão xây dựng nền sân khấu dân tộc. Cách mạng tháng Tám, ông hào hứng chào đón cách mạng, và lên Việt Bắc tham gia kháng chiến.Tác giả đã xuất bản: Mấy vần thơ (thơ, 1935); Vàng và máu (truyện, 1934)...
b. Trâu là động vật thuộc lớp thú có vú. Thân hình của trâu trông vô cùng vạm vỡ. Lông trâu là lông mao, thường có màu đen. Da trâu rất dày và bóng loáng. Hai cái tai như hai cái lá đa, lúc nào cũng ve vẩy để đuổi ruồi, ngoài ra, tai trâu cũng rất thính, giúp trâu nghe ngóng được những tiếng động xung quanh. Mũi trâu ươn ướt, người ta thường luồn sợi dây vào mũi trâu để kéo đi cho dễ. Mắt trâu to tròn như hai hòn bi ve. Trâu cũng giống như bò, thuộc nhóm động vật nhai lại và chỉ có một hàm răng. Việc trâu chỉ có một hàm răng được người xưa lí giải qua câu chuyện “Trí khôn của ta đây”: vì trâu mải cười con hổ bị người nông dân lừa buộc vào gốc cây nên ngã lăn xuống đất, răng đập vào đã, gãy mất một hàm. Đuôi trâu ngắn, có một túm lông ở cuối. Hai cái sừng trên đầu uốn cong hình lưỡi liềm, giúp trâu tự vệ chống lại sự tấn công của kẻ thù. Trâu mỗi năm chỉ đẻ từ 1-2 lứa, mỗi lứa một con. Trâu con mới sinh ra gọi là nghé.
Hướng dẫn làm bài
a. Câu chủ đề: Nhà thơ Thế Lữ (1907 – 1989) là một trong những nhà thơ hàng đầu của phong trào Thơ mới.
b. Câu chủ đề: Trâu là động vật thuộc lớp thú có vú
Bài 2: Sửa lại các đoạn văn thuyết minh sau
Cho tới ngày nay, chiếc áo dài đã được thay đổi rất nhiều. Cổ áo cổ điển cao 4 - 5 cm, khoét hình chữ V trước cổ. Cúc áo là loại cúc bấm, được bố trí cài từ cổ qua vai xuống eo. Ống tay áo may từ vai ôm sát cánh tay dài qua khỏi cổ tay. Cổ áo làm tăng thêm nét đẹp của chiếc cổ cao ba ngấn trắng ngần của người phụ nữ. Phần eo được chít ben làm nổi bật đường cong thon thả của chiếc lưng ong của người phụ nữ. Từ eo, thân áo được xẻ thành hai tà dài đến mắt cá chân.
Hướng dẫn làm bài
Sửa lại: Cho tới ngày nay, chiếc áo dài đã được thay đổi rất nhiều. Cổ áo cổ điển cao 4 - 5 cm, khoét hình chữ V trước cổ. Cổ áo làm tăng thêm nét đẹp của chiếc cổ cao ba ngấn trắng ngần của người phụ nữ. Phần eo được chít ben làm nổi bật đường cong thon thả của chiếc lưng ong của người phụ nữ. Cúc áo là loại cúc bấm, được bố trí cài từ cổ qua vai xuống eo. Từ eo, thân áo được xẻ thành hai tà dài đến mắt cá chân. Ống tay áo may từ vai ôm sát cánh tay dài qua khỏi cổ tay.hân.
Bài 3: Em hãy viết đoạn văn khoảng 7-10 câu giới thiệu một đồ dùng học tập của em.
Bút bi có thể được xem là người bạn thân thiết nhất đối với các bạn học sinh. Bút bi được phát minh bởi nhà báo Hungari Lazo Biro vào những năm 1930.Bút gồm hai bộ phận chính: vỏ bút và ruột bút. Phần vỏ là ống trụ tròn dài từ 14-15 cm được làm bằng nhựa dẻo hoặc nhựa màu, trên thân thường có các thông số ghi ngày, nơi sản xuất. Vỏ có nhiều mẫu mã đẹp, phong phú với các kiểu dáng và màu sắc khác nhau, làm tăng thêm tính thẩm mỹ của cây bút. Bộ phận này dùng để chứa các vật nhỏ bên trong như lò xo, ruột bút,…. Bộ phận thứ hai cũng không kém phần quan trọng là ruột bút, được làm từ nhựa dẻo, chứa mực đặc hoặc mực nước. Ngòi bút là viên bi nhỏ xinh xinh, có đường kính khoảng 0,7 – 1 milimet. Khi ta viết, viên bi lăn đầy mực ra tạo thành những nét chữ. Loại mực dành cho bút này khô rất nhanh. Ngoài ra, đế tạo nên một cây bút bi thì không thể thiếu các vật dụng phụ như lò xo có tác dụng đẩy ngòi viết ra vào, nút bấm, nắp đậy, trên ngoài vỏ có đai để gắn vào túi áo, vở. Bút bi rất bền, đẹp, nhỏ gọn…phù hợp với tất cả mọi người từ học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh, người đi làm…Để bảo quản bút bi, khi không dùng nữa thì chúng ta phải đậy nắp bút, để đúng nơi quy định, tránh rơi vỡ, viết vào vật cứng…
Với nội dung bài Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về khái niệm, đặc điểm hình thức để viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh…
Trên đây VnDoc đã giới thiệu nội dung bài lý thuyết Ngữ văn 8: Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh cho các bạn tham khảo chuẩn bị cho bài học sắp tới. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Lý thuyết môn Ngữ Văn 8, Tác giả - Tác phẩm Ngữ văn 8, Soạn bài lớp 8, Văn mẫu lớp 8, Giải Vở bài tập Ngữ Văn 8, Soạn văn 8 siêu ngắn. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.