Bộ đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt lớp 5 Chân trời sáng tạo năm 2024 - 2025
Bộ đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt lớp 5 Chân trời sáng tạo năm 2024 - 2025 dưới đây là tài liệu ôn tập giúp các em ôn luyện các kĩ năng làm bài kiểm tra để chuẩn bị cho kì thi giữa học kì 2 lớp 5. Bộ 05 Đề thi giữa kì 2 lớp 5 này có đáp án soạn theo Thông tư 27, bám sát kiến thức trong SGK tập 2.
05 đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt lớp 5 Chân trời sáng tạo có đáp án
Đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt lớp 5 CTST - Đề số 1
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Điều kì diệu của mùa đông
Cây Bàng cuối phố xòe ra tán cây rộng như một cái ô xanh, đẹp như bàn tay trẻ con, vẫy đùa trong gió. Nó vừa nở những bông hoa trắng xanh, nhỏ li ti như ngàn ngôi sao lấp ló sau chùm lá. Lá Non hỏi cây mẹ:
– Con có thể thành hoa không hả mẹ?
– Ồ không ! – Cây Bàng đu đưa tán lá – Con là lá xanh của mẹ, con làm nên tán cây che nắng cho người.
– Nhưng con thích màu đỏ rực cơ!
– Mỗi vật có một sắc màu và ý nghĩa riêng con ạ.
Lá Non im lặng, nó thầm mong hoá thành chiếc lá đỏ. Mong ước của Lá Non, Cây Bàng biết. Dòng nhựa theo cành chảy vào lá, vào quả, vào hoa… giúp cây thấu hiểu hết.
Cây Bàng lặng lẽ thu hết những chùm nắng hè chói chang vào thân mình, có lúc, cây cảm thấy như sắp bốc cháy. Rễ cây vội đâm sâu vào lòng đất tìm mạch nước mát hối hả đưa lên lá cành. Cây Bàng mong làm nên điều kì diệu…
Thu đến. Muôn lá cây chuyển sang sắc vàng. Cây Bàng cần mẫn truyền lên những chiếc lá nguồn sống chắt chiu từ nắng lửa mùa hè và dòng nước ngọt của lòng đất. Thân cây sạm màu, khô cứng, gốc sần sùi, nứt nẻ…
Đông tới. Cây cối trơ cành, rụng lá. Mưa phùn mang cái lạnh thấu xương… Nhưng kia! Một màu đỏ rực rỡ bừng lên trên cây Bàng: mỗi chiếc lá như một cánh hoa đỏ màu nắng mang trong mình dòng nước mát ngọt từ lòng đất.
– Mẹ ơi!… – Chiếc lá thầm thì điều gì đó với Cây Bàng.
(Theo Quỳnh Trâm)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1. Hoa bàng được so sánh với sự vật nào?
A. Ngôi sao
B. Chùm lá
C. Lá non
D. Bàn tay trẻ con
Câu 2. Lá Non thầm mong ước điều gì?
A. Hoá thành một chiếc lá vàng.
B. Hoá thành một bông hoa đỏ rực.
C. Hoá thành bông hoa bàng.
D. Hoá thành một chiếc lá đỏ.
Câu 3. Vì sao Cây Bàng nói "Mỗi vật có một sắc màu và ý nghĩa riêng con ạ."?
A. Vì mỗi loài cây đều có màu sắc khác nhau.
B. Vì mỗi vật trong thiên nhiên có vai trò riêng.
C. Vì lá Non muốn thay đổi màu sắc.
D. Vì Cây Bàng thích màu đỏ.
Câu 4. Theo em, sắc đỏ của mỗi chiếc lá bàng mùa đông được tạo bởi những gì?
A. Những tán lá bàng xanh che nắng cho bao người.
B. Mưa phùn và sương sớm, cái lạnh thấu xương của mùa đông.
C. Những chùm nắng hè chói chang và dòng nước mát ngọt trong lòng đất.
D. Những bông hoa trắng xanh, ngàn ngôi sao lấp ló sau chùm lá.
Câu 5. Em hiểu từ chắt chiu trong câu “Cây Bàng cần mẫn truyền lên những chiếc lá nguồn sống chắt chiu từ nắng lửa mùa hè và dòng nước ngọt của lòng đất.” như thế nào?
A. Để dành được rất nhiều.
B. Để dành và mang cho đi.
C. Cho đi từng chút, từng chút.
D. Dành dụm cẩn thận từng tí một.
Câu 6. Đóng vai chiếc lá, viết 2 câu về những điều chiếc lá nói với Cây Bàng khi đạt được điều mong ước?
Câu 7. Xác định và nêu tác dụng của điệp từ, điệp ngữ trong đoạn thơ sau:
Tôi đạp vỡ màu nâu
Bầu trời trong quả trứng
Bỗng thấy nhiều gió lộng
Bỗng thấy nhiều nắng reo
Bỗng tôi thấy thương yêu
Tôi biết là có mẹ.
(Xuân Quỳnh)
Câu 8. Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì?
Cây Bàng vừa nở những bông hoa trắng xanh li ti như ngàn ngôi sao lấp ló sau chùm lá. Lá Non hỏi cây mẹ:
– Con có thể thành hoa không hả mẹ?
A. Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.
B. Đánh dấu các ý liệt kê.
C. Nối các từ ngữ trong một liên danh.
D. Đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích.
Câu 9. Trong câu ghép “Lá Non im lặng, nó thầm mong hoá thành chiếc lá đỏ.” có mấy vế câu? Các vế câu được nối với nhau bằng cách nào?
A. Một vế câu. Nối với nhau bằng cách ........................................................................
B. Hai vế câu. Nối với nhau bằng cách..........................................................................
C. Ba vế câu. Nối với nhau bằng cách...........................................................................
D. Bốn vế câu. Nối với nhau bằng cách.........................................................................
Câu 10. Đặt một câu ghép có sử dụng cặp kết từ “Vì … nên…”.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Em hãy viết bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý.
Đáp án:
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
II. Đọc thầm văn bản sau:
Câu 1.
Đáp án A.
Câu 2.
Đáp án D.
Câu 3.
Đáp án B.
Câu 4.
Đáp án C.
Câu 5.
Đáp án D.
Câu 6.
Mẹ ơi! Con thực sự trở thành hoa rồi, con đã có màu đỏ yêu thích, cảm ơn mẹ. Con rất biết ơn những gì mẹ làm cho con, mọi thứ … mọi thứ mẹ đều hi sinh vì con, con biết hết những gì mẹ đã làm để cho con có màu sắc rực rỡ này. Cảm ơn mẹ đã lắng nghe ước mơ xa vời ấy của con, con yêu mẹ lắm!
Câu 7.
- Điệp từ “bỗng” trong đoạn thơ lặp lại ba lần.
- Tác dụng: nhấn mạnh niềm vui của chú gà con vì được ra khỏi quả trứng, sự tươi đẹp của thiên nhiên mà chú gà con quan sát được.
Câu 8.
Dấu gạch ngang trong câu có tác dụng đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.
Đáp án A.
Câu 9.
Trong câu ghép có hai vế câu. Nối với nhau bằng dấu phẩy.
Đáp án B.
Câu 10.
Vì em học bài chăm chỉ nên em đã đạt điểm cao trong bài kiểm tra.
B. Kiểm tra viết
Dàn ý :
1. Mở bài: Giới thiệu về người hàng xóm
2. Thân bài:
a. Tả ngoại hình và tính tình người hàng xóm:
- Tả về ngoại hình:
+ Tuổi tác
+ Dáng người: cao, gầy, mảnh khảnh, …
+ Trang phục: mặc những bộ đồ giản dị như áo thun và quần tây,…
+ Khuôn mặt; vuông vắn, tròn trịa,..
+ Mái tóc: hoa râm, mượt mà, gọn gàng,….
+ Đôi mắt: tròn xoe, đen láy, long lanh,…
+ Mũi: cao, thẳng, dọc dừa,…
+ Đặc điểm nổi bật
- Tả về tính tình:
+ Yêu thương gia đình và mọi người xung quanh
+ Đối xử với mọi người rất thân thiện và hiền hòa
+ Luôn giúp đỡ mọi người trong bất kì công việc gì
b. Tả về hoạt động của chú:
- Công việc
- Ngoài giờ đi làm thì chăm sóc vườn rau
- Giúp mọi người xung quanh
- Vui tính và thân thiện
3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về người hàng xóm
Bài tham khảo 1:
Bà Thùy là hàng xóm sống ở cạnh nhà em. Buổi chiều lúc đi học về, em thường sang nhà bà ấy chơi, trong lúc chờ bố mẹ đi làm về.
Bà Thùy là giáo viên đã về hưu. Năm nay bà cũng đã hơn 60 tuổi rồi. Bà cao khoảng 1m50, với dáng người hơi mập mạp. Bà có nước da trắng hồng hào, khỏe mạnh. Tuy đã có tuổi, nhưng da của bà mới chỉ hơi nhăn một chút thôi. Khuôn mặt của bà nhìn rất nghiêm túc. Với đôi mắt đen, hàng lông mày đậm thường hay cau lại. Chiếc miệng thường mím chặt, ít khi mỉm cười. Vẻ ngoài ấy, khiến nhiều đứa trẻ trong xóm cảm thấy sợ hãi. Lúc đầu em cũng vậy, nhưng sau khi tiếp xúc với bà, em cảm nhân được ở bà Thùy một trái tim ấm áp, giàu tình yêu thương. Tuy bà rất ít cười, nhưng bà luôn bao dung cho em, sẵn sàng lắng nghe những câu hỏi của em và nghiêm túc trả lời. Tuy đã hơn 60 tuổi, nhưng bà Thùy vẫn có một mái tóc đen óng, bởi bà đã đi nhuộm đen cho mái tóc, vì vậy trông bà có phần trẻ hơn tuổi. Ở nhà, bà thường mặc những bộ trang phục đơn giản, với tông màu nhã nhặn. Mỗi khi có sự kiện đặc biệt, bà sẽ mặc áo dài, trông đẹp lắm. Hằng ngày, cứ mỗi buổi chiều khi em sang nhà bà ngồi đợi bố mẹ. Bà sẽ dẫn em cùng ra chăm vườn hoa rực rỡ sắc màu. Vừa làm, bà vừa lắng nghe những câu chuyện ở lớp mà em kể. Rồi bà mời em ăn những chiếc bánh, mứt do chính tay bà làm. Ngồi cạnh bà, em cảm giác như đang ngồi cạnh một người bạn thân thiết vậy.
Em quý bà Thùy lắm. Em mong sao, bà ấy lúc nào cũng khỏe mạnh và sống lâu thật lâu. Để mỗi chiều em lại được sang thăm bà, cùng bà trò chuyện thật vui.
Bài tham khảo 2 :
Dân gian có câu "Bán anh em xa, mua láng giềng gần". Những người tuy xa lạ nhưng luôn gắn bó, chan hòa tình làng nghĩa xóm là những người rất đáng trân trọng. Trong đó, em rất yêu quý bác Tâm.
Nhà em ở trong một con ngõ nhỏ nên các nhà cứ quây quần lại với nhau, ngày nào cũng gặp gỡ chạm mặt nhau vài lần. Bác Tâm là hàng xóm đối diện nhà em từ khi em sinh ra. Giờ chỉ còn bác với bác trai còn hai đứa con đều đã lập gia đình ra ở riêng. Năm nay bác cũng ngoài năm mươi. Bác có dáng người nhỏ, mảnh khảnh. Bác bảo ngày xưa cuộc sống vất vả quá, làm việc quần quật, miếng ăn không có nên còm cõi vậy. Nhưng nhờ tập thể dục thường xuyên nên bác vẫn giữ được cơ thể khỏe mạnh. Nước da của bác cũng ngăm ngăm cộng thêm với thời gian nên nó cũng chẳng còn mịn màng mà đã dần có sự lão hóa của tuổi tác. Gương mặt bác trái xoan nhưng ẩn chứa gì đó nét khắc khổ. Gò má cao và hốc mắt sâu, sự trải đời hiện rõ trên từng đường nét. Bác không có hàm răng đều tăm tắp nhưng điều đó chẳng làm giảm đi sự rạng rỡ trong nụ cười của bác. Khi bác cười, dù ở khóe mắt xuất hiện những vết chân chim nhưng thần thái lại càng tươi trẻ ra. Hai bên má lấm tấm những tàn nhang nhưng em thấy bác càng duyên dáng hơn với chúng. Đôi mắt có phần mờ đục và hơi đỏ. Bác cũng rất hay bị đau mắt, có thể do công việc mưu sinh của bác phải tiếp xúc nhiều cát bụi. Mái tóc của bác dài đến ngang lưng thường được búi gọn sau gáy bằng một chiếc cặp dù đã cũ kỹ nhưng đó là món quà con gái đã tặng bác từ lâu. Mái tóc ấy cũng đã điểm nhiều sợi bạc. Bàn tay bác nhìn có vẻ gầy guộc với các ngón tay dài xương xẩu nhưng chính bàn tay ấy đã nuôi nấng hai anh chị nên người và đến giờ vẫn từng ngày vun vén và chăm lo cho chồng của bác. Bàn tay đó là vẻ đẹp của tình yêu thương và đức hi sinh. Sở dĩ em yêu quý bác như ruột thịt, thương cả dáng hình bác là bởi bác đã giúp đỡ gia đình em khi mới chuyển đến- bố em đã kể cho em nghe. Và cùng với gia đình, bác cũng chứng kiến năm tháng em lớn lên, thậm chí bác trông nom em nhiều lần khi còn bé, lúc bố mẹ em có việc và dạy em rất nhiều điều hay lẽ phải.
Đúng như cái tên đẹp đẽ của bác, bác Tâm đã sống bằng tất cả tấm lòng mình. Ở bác có rất nhiều đức tính em trân trọng và cảm phục!
Đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt lớp 5 CTST - Đề số 2
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Những dòng sông
Sông là mạch máu của Trái Đất, mang nguồn sống cho hàng triệu sinh vật và con người. Mỗi dòng sông đều có câu chuyện riêng, từ nguồn phát sinh cho đến khi chảy ra biển. Chúng không chỉ là dòng nước đơn thuần mà còn là hệ sinh thái phức tạp và sinh động.
Sông Mekong là một trong những dòng sông quan trọng nhất Đông Nam Á. Với chiều dài hơn 4.350 km, con sông này chảy qua 6 quốc gia: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tại đồng bằng sông Cửu Long, Mekong nuôi sống hàng triệu người bằng nguồn thủy sản phong phú và đất canh tác màu mỡ.
Hệ sinh thái sông rất đa dạng. Bên bờ sông, nhiều loài thực vật như cỏ lau, cây đước phát triển mạnh. Trong lòng sông, hàng trăm loài cá sinh sống, từ những con cá nhỏ bé đến cá tra dầu khổng lồ. Một số loài cá di chuyển hàng ngàn km để sinh sản, như loài cá hồi.
Con người từ lâu đã gắn bó mật thiết với sông ngòi. Sông cung cấp nước uống, nước tưới tiêu, là con đường giao thông quan trọng. Nhiều nền văn minh lớn trên thế giới như Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ đều phát triển dọc theo các dòng sông.
Tuy nhiên, ngày nay các dòng sông đang đối mặt với nhiều thách thức. Ô nhiễm, biến đổi khí hậu, việc xây đập thủy điện đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái sông ngòi. Bảo vệ và phục hồi các dòng sông đang trở thành nhiệm vụ quan trọng của nhân loại.
Mỗi dòng sông đều là một câu chuyện sống động, kết nối con người, động thực vật trong một hệ sinh thái phức tạp và kỳ diệu.
(Theo Tạp chí Địa lý trẻ)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1. Sông được ví như gì của Trái Đất?
A. Lá phổi.
B. Mạch máu.
C. Bộ não.
D. Làn da.
Câu 2. Sông Mekong chảy qua bao nhiêu quốc gia?
A. 4 quốc gia.
B. 5 quốc gia.
C. 6 quốc gia.
D. 7 quốc gia.
Câu 3. Theo bài đọc, điều gì khiến sông quan trọng đối với con người?
A. Cung cấp nước uống, nước tưới tiêu và là con đường giao thông.
B. Chỉ để chụp ảnh cảnh đẹp.
C. Dùng để xây dựng nhà cửa.
D. Để nuôi trồng thủy sản.
Câu 4. Loài cá nào được nhắc đến có khả năng di chuyển hàng ngàn km để sinh sản?
A. Cá tra dầu.
B. Cá hồi.
C. Cá mè.
D. Cá chép.
Câu 5. Những nền văn minh lớn nào phát triển dọc theo các dòng sông?
A. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản.
B. Hy Lạp, La Mã, Ai Cập.
C. Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ.
D. Trung Quốc, Ai Cập, Hy Lạp.
Câu 6. Em hãy nêu một số việc em đã làm để bảo vệ nguồn nước.
Câu 7. Xác định và nêu tác dụng của điệp từ, điệp ngữ trong đoạn thơ sau:
“Mồ hôi mà đổ xuống đồng,
Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương.
Mồ hôi mà đổ xuống vườn,
Dâu xanh lá tốt vấn vương tơ tằm.
Mồ hôi mà đổ xuống đầm,
Cá lội phía dưới, rau nằm phía trên”
Câu 8. Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì?
Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam – sự kiện văn hoá quan trọng đối với người yêu thích sách – được tổ chức vào ngày 21 tháng 4 hằng năm.
A. Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.
B. Đánh dấu các ý liệt kê.
C. Nối các từ ngữ trong một liên danh.
D. Đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích.
Câu 9. Từ in đậm trong câu “Con người Việt Nam không chỉ chúng ta nhận biết mà cả thế giới đều thừa nhận là sự thông minh, nhạy bén với cái mới. Bản chất trời phú ấy rất có ích trong xã hội ngày mai mà sự sáng tạo là một yêu cầu hàng đầu”. thay thế cho từ ngữ gì?
A. Cái mạnh của con người Việt Nam
B. Sự thông minh
C. Nhạy bén với cái mới
D. Sự thông minh nhạy bén với cái mới
Câu 10. Đặt một câu ghép giới thiệu về bạn thân em. Trong đó, hai vế câu ghép được nối với nhau bằng một cặp kết từ.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Em hãy viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một lễ hội truyền thống ở quê hương em.
Đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt lớp 5 CTST - Đề số 3
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Một ước mơ
Hồi nhỏ, tôi rất thích đi học và tất cả những gì thuộc về nó: lớp học, bảng đen, sách vở, những người bạn, tiếng giảng bài của thầy cô, ... Và luôn ao ước sẽ có một ngày, tôi tự hào giương cao tấm bằng tốt nghiệp trong niềm vui sướng và ánh mắt mừng vui của mọi người.
Nhưng tôi là con một gia đình nghèo, đông anh em. Tôi phải quyết định nghỉ học và xin làm việc trong một tiệm bánh. Từ đó ước mơ của tôi cũng lụi tàn dần.
Lớn lên, như bao người phụ nữ khác, tôi lấy chồng, sinh con. Tôi quyết tâm không để các con mình thất học, phải sống khổ sở như tôi. Và hai vợ chồng tôi đã làm việc cật lực để nuôi dạy các con thành tài.
Duy chỉ có cô con gái út Lin-đa là có vấn đề. Lin-đa từ nhỏ đã ốm yếu, khó nuôi, nên ít có trường nào nhận dạy bé lâu dài. Không đành lòng nhìn con đi theo vết xe đổ của mình, tôi bắt đầu hỏi thăm và tìm hiểu. Cuối cùng, tôi cũng kiếm được trường, đăng kí không chỉ cho Lin-đa mà còn cho cả tôi cùng học nữa. Tôi muốn ở bên cạnh con, giúp đỡ nó và sâu xa hơn là tiếp tục thực hiện giấc mơ của mình.
Thật là thú vị khi lại được đến trường. Nhưng cũng không dễ dàng chút nào khi ở tuổi 58, tôi phải vừa làm công việc nhà, vừa đánh vật với những con số. Hai mẹ con tôi luôn động viên, an ủi và giúp đỡ nhau trong học tập. Cứ thế cho đến ngày chúng tôi tốt nghiệp.
Thật không ngờ, đến cuối đời, tôi mới được sống cho mình, cho hạnh phúc và ước mơ của mình. Có lẽ hơi trễ một chút nhưng tôi nhận ra một điều: đừng bao giờ chôn vùi những ước mơ! Hãy vững tin rằng, một ngày mai ta sẽ biến chúng thành hiện thực. Không cần phải nhờ vào những điều kì diệu ở đâu xa, mà tất cả những gì ta đạt được hôm nay là do sự phấn đấu không ngừng, và quyết tâm không từ bỏ niềm mơ ước trong lòng mỗi chúng ta. Quả thật, sẽ không bao giờ là quá muộn để bạn bắt đầu một giấc mơ!
(Theo Đặng Thị Hòa)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1. Tác giả trong câu chuyện có ước mơ gì?
A. Được mọi người khen ngợi.
B. Được làm việc trong tiệm bánh.
C. Được đi học và tốt nghiệp.
D. Nuôi dạy các con thành tài.
Câu 2. Dựa vào nội dung bài đọc, hãy xác định những điều dưới đây đúng hay sai. Đúng ghi Đ; sai ghi S:
Thông tin | Trả lời |
Vì gia đình nghèo, đông anh em nên tác giả quyết định đi học để giúp đỡ gia đình. | |
Tác giả quyết tâm lao động cật lực để nuôi dạy các con thành tài. | |
Tác giả muốn ở bên cạnh con, giúp đỡ và tiếp tục thực hiện giấc mơ của mình. | |
Khi tiếp tục đi học, tác giả thấy rất dễ dàng vì đi học rất thú vị. |
Câu 3. Vì sao tác giả lại muốn đi học khi tuổi không còn trẻ nữa?
Câu 4. Những chi tiết nào nói đúng và đủ sự khó khăn của tác giả khi đi học cùng con?
A. Không có trường nào nhận, bắt đầu hỏi thăm và đi tìm hiểu về trường.
B. Tìm trường học cho con, đăng kí cho con và mình cùng học.
C. Ở bên cạnh con, giúp đỡ, động viên con, học bài của mình.
D. An ủi, giúp đỡ con, tuổi cao, vừa làm việc nhà, vừa học bài của mình.
Câu 5. Câu chuyện muốn nói với em điều gì?
A. Đừng bao giờ chôn vùi những ước mơ. Nếu quyết tâm và nỗ lực phấn đấu thì ta sẽ đạt được điều ta mơ ước.
B. Thật hạnh phúc khi ta thực hiện được những ước mơ từ nhỏ của mình.
C. Hãy mơ mộng một chút cho cuộc đời thêm tươi đẹp vì điều đó có thể xảy ra.
D. Hãy vững tin rằng, một ngày mai ước mơ của ta sẽ thành hiện thực.
Câu 6. Cảm nhận của em về người mẹ trong câu chuyện trên.
Câu 7. Trong các câu sau câu nào là câu ghép?
A. Hồi nhỏ, tôi rất thích đi học.
B. Tôi là con một gia đình nghèo, đông anh em.
C. Tôi phải quyết định nghỉ học và tôi xin làm việc trong một tiệm bánh.
D. Hai mẹ con tôi luôn động viên, an ủi và giúp đỡ nhau trong học tập.
Câu 8. Thêm kết từ và vế câu vào chỗ chấm để tạo câu ghép và cho biết các vế câu ghép nối với nhau bằng cách nào?
..................................................................................................... nên tôi được cô giáo khen.
Các vế câu ghép nối với nhau bằng:..........................................................................................
Câu 9. Trong hai câu văn sau: “Hai mẹ con tôi luôn động viên, an ủi và giúp đỡ nhau trong học tập. Cứ thế cho đến ngày chúng tôi tốt nghiệp.” Câu in đậm liên kết với câu đứng trước bằng cách nào?
A. Bằng cách lặp từ ngữ.(Từ ngữ lặp lại là:...........)
B. Bằng cách dùng từ có tác dụng nối. (Từ nối là…………)
C. Bằng cách thay thế từ ngữ. (Từ ngữ ..........….. ở câu 2 thay thế cho.............…………...ở câu 1)
D. Bằng cách lặp từ ngữ và dùng từ ngữ nối. (Từ lặp lại là: ……….; Từ nối là:…)
Câu 10. Trong vai con gái út Lin-da, em hãy viết một câu ghép có sử dụng kết từ nối các vế câu để nói với mẹ trong buổi lễ tốt nghiệp.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Viết bài văn tả một cô giáo mà em yêu quý.
Đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt lớp 5 CTST - Đề số 4
A. Kiểm tra đọc
I. Đọc thành tiếng
GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.
II. Đọc thầm văn bản sau:
Cây đề
Ở một khúc quanh con đê, ngay ngã ba đầu làng, cạnh ngôi đền cổ, có một cây đề. Cây đề như vẫy gọi người xa, như vỗ về kẻ ở bằng màu xanh um tùm cao ngất với vô vàn lá hình tim. Lá đề không mọc ngang như lá đa mà cứ treo nghiêng hờ hững cho gió lách mình qua để rung lên niềm thanh thoát nhẹ nhàng, xao xuyến.
Mùa xuân khi đề ra lộc, hình như chúa xuân đã dát mỏng những tấm đồng điếu thành từng chiếc lá màu đỏ au hơi ánh tím. Phải nắng lên chói chang, lá đề mới xanh óng nuột nà. Cho đến khi đông sang, lá mới ngả màu nâu thẫm trước khi rơi về gốc mẹ lạnh lùng. Những chiếc lá đề cuối cùng còn sót lại vẫn treo nghiêng như để an ủi gốc cây vặn mình trong giá rét. Cho đến khi mưa xuân phủ tấm màn voan mỏng lên cây, lá đề ướt đẫm nước mắt trời không ai biết.
Cây đề thường cổ thụ. Gốc cây đề vừa là gốc vừa là rễ xoắn xuýt vào nhau, sừng sững vượt qua bão bùng mưa nắng bất chấp mọi ganh đua, chẳng màng đến niềm vui thông tục. Đền đài miếu mạo chính là chỗ cho cây đề gửi thân nương hồn như nhà tu hành đắc đạo. Trong tâm khảm người Việt Nam, cây đề không phải là kỷ niệm mà là niềm sùng kính. Đó cũng là cây mà Đức Phật Thích Ca đã ngồi thiền, đã giác ngộ, đã thành Đức Phật Tổ từ trên hai nghìn năm trăm năm nay. Vì thế, nó được chăm chút trong mỗi làng quê từ đời này sang đời khác, vững chắc, trường tồn.
Trên đất Thăng Long thời hiện đại, có biết bao nơi còn lưu giữ bóng đề, một thứ cây cổ tích, trầm tư suy ngẫm, một thứ cây reo reo rung động lòng người bằng muôn vàn trái tim đồng cảm trong gió mơn man. Đó cũng là chút hồn non nước lắng sâu trong mỗi chúng ta chăng?
(Băng Sơn)
Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:
Câu 1. Cây đề được trồng ở đâu?
A. Ở một khúc quanh con đê, ngay ngã ba đầu làng, cạnh ngôi đền cổ.
B. Trong sân của đình làng.
C. Ngoài cổng làng.
D. Trên đường vào làng.
Câu 2. Lá đề có hình gì?
A. Hình tròn
B. Hình tim
C. Hình răng cưa
D. Hình lưỡi liềm
Câu 3. Cây đề ra lộc vào mùa nào?
A. Mùa xuân
B. Mùa hạ
C. Mùa thu
D. Mùa đông
Câu 4. Những màu sắc dùng để miêu tả lá đề là?
A. Đỏ au, ánh tím, xanh óng, nuột nà
B. Đỏ au, ánh tím, xanh óng, vàng ươm
C. Đỏ au, ánh tím, xanh óng, lạnh lùng
D. Đỏ au, ánh tím, xanh óng, nâu thẫm
Câu 5. Gốc cây đề có đặc điểm gì?
A. Có màu nâu thẫm, nhiều rễ
B. Mảnh mai, sần sùi
C. Vừa là gốc vừa là rễ xoắn xuýt vào nhau, sừng sững vượt qua bão bùng mưa nắng
D. Không có thông tin gì
Câu 6. Trong tâm khảm người Việt Nam, cây đề là gì?
A. Kỉ niệm tuổi thơ
B. Người bạn thân thiết
C. Biểu tượng của làng quê
D. Niềm sùng kính
Câu 7. Nội dung chính của bài đọc trên là gì?
Câu 8. Xác định thành phần câu của câu văn dưới đây:
Trong tâm khảm người Việt Nam, cây đề không phải là kỷ niệm mà là niềm sùng kính.
Câu văn trên là câu đơn hay câu ghép?
Câu 9. Cần thêm dấu gạch ngang vào vị trí nào để đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích?
a. "Sáng Chủ nhật, chúng ta có buổi tham quan nông trại. Các em nhớ mang bút và sổ tay để ghi chép, chuẩn bị ý cho bài viết sắp tới nhé!" đó là thông báo của cô giáo chủ nhiệm từ buổi chiều thứ Năm. Lan háo hức lắm. Cô bé thấy thời gian trôi thật chậm, mãi mà không tới Chủ nhật.
b. Hà Nội thủ đô của đất nước Việt Nam có nhiều danh lam thắng cảnh.
Câu 10. Các câu ghép sau nối với nhau bằng cách nào?
a. Trời mưa to, điện bị cúp, nhà tối om.
b. Chị em nấu cơm, kho cá còn em nhặt rau và quét nhà.
B. Kiểm tra viết
Đề bài: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về ngày hội thể thao được tổ chức ở trường em.
Đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt lớp 5 CTST - Đề số 5
A. TIẾNG VIỆT (6,0 điểm)
1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
BÌNH YÊN
Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình yên. Nhiều họa sĩ cố công thể hiện tài năng của mình. Nhà vua ngắm tất cả bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một.
Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là những tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên bầu trời xanh với những đám mây mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh đều cho rằng đây là bức tranh bình yên thật hoàn hảo.
Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở trên là bầu trời giận giữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng yên bình chút nào.
Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang an nhiên đậu trên tổ của mình... Bình yên thật sự.
“Ta chấm bức tranh này!” – Nhà vua công bố - Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa là ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp, ta vẫn thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thực sự của sự bình yên,...
(Theo Hạt giống tâm hồn)
Câu 1 (0,5 điểm). Nhà vua đã treo giải thưởng cho nghệ sĩ vẽ tranh về đề tài gì?
A. Đề tài lịch sử.
B. Đề tài sự huyên náo, tấp nập.
C. Đề tài cô gái đẹp.
D. Đề tài sự bình yên.
Câu 2 (0,5 điểm). Nhà vua phải chọn lấy mấy bức?
A. Hai bức.
B. Ba bức.
C. Một bức.
D. Bốn bức.
Câu 3 (0,5 điểm). Bức tranh thứ nhất vẽ gì?
A. Bức tranh vẽ cảnh làng quê yên bình.
B. Bức tranh vẽ cảnh hồ nước yên ả.
C. Bức tranh vẽ ngọn núi trần trụi.
D. Bức tranh vẽ cảnh sấm chớp.
Câu 4 (0,5 điểm). Bức tranh thứ hai vẽ cảnh gì?
A. Bức tranh vẽ những ngọn núi trần trụi, bầu trời đổ mưa, sấm chớp.
B. Bức tranh vẽ phiên chợ nhộn nhịp.
C. Bức tranh vẽ cảnh mặt hồ yên tĩnh.
D. Cả B và C đều đúng.
2. Luyện từ và câu (4,0 điểm)
Câu 5 (2,0 điểm). Tìm câu ghép trong các đoạn dưới đây và cho biết kết từ nào được dùng để nối các vế câu.
a) Hoa bưởi là hoa cây còn hoa nhài là hoa bụi. Hoa cây có sức sống mạnh mẽ. Hoa bụi có chút gì giản dị hơn. Hương toả từ những cành hoa nhưng hương bưởi và hương nhài chẳng bao giờ lẫn.
(Theo Ngô Văn Phú)
b) Năm nay, vườn của ông tôi được mùa cả hoa lẫn quả. Ôi chao, cây khế sai chi chít những quả chín và giản nhót đỏ mọng những chùm trái ngon lành.
(Vũ Tú Nam)
c) Chiếc xe lao đi khá nhanh mà rất êm. Thỉnh thoảng, xe chạy chậm lại vì vướng những xe phía trước rồi xe lại lướt lên như mũi tên.
(Theo Trần Thanh Địch)
Câu ghép …………………………………………. …………………………………………. |
Kết từ nối các vế câu …………………………………………. …………………………………………. |
Câu 6 (2,0 điểm). Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi.
Tôi đạp vỡ màu nâu
Bầu trời trong quả trứng
Bỗng thấy nhiều gió lộng
Bỗng thấy nhiều nắng reo
Bỗng tôi thấy thương yêu
Tôi biết là có mẹ.
(Xuân Quỳnh)
a)Từ bỗng xuất hiện mấy lần trong đoạn thơ
b) Việc lặp lại nhiều lần từ bỗng có tác dụng gì?
.......................................................................................................…………………
.......................................................................................................…………………
.......................................................................................................…………………
B. TẬP LÀM VĂN (4,0 điểm)
Câu 7 (4,0 điểm). Viết đoạn văn tả người mà em yêu quý.
.......................................................................................................…………………
.......................................................................................................…………………
.......................................................................................................…………………
.......................................................................................................…………………
.......................................................................................................…………………
Trên đây là một phần tài liệu.
Mời các bạn Tải về để lấy trọn Bộ đề thi giữa kì 2 Tiếng Việt lớp 5 Chân trời sáng tạo năm 2024 - 2025 kèm đáp án.