Giải SBT Vật lý 9 bài 22: Tác dụng từ của dòng điện - Từ trường
Giải bài tập SBT Vật lý lớp 9 bài 22
Giải SBT Vật lý lớp 9 bài 22: Tác dụng từ của dòng điện - Từ trường tổng hợp câu hỏi và đáp án cho các câu hỏi trong sách bài tập Vật lý lớp 9, giúp cho quý thầy cô cùng các bạn học sinh lớp 9 dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm những tài liệu hay phục vụ quá trình giảng dạy và học tập môn Vật lý lớp 9. Chúc các em học tốt.
Bài 22.1; 22.2; 22.3; 22.4; 22.5 trang 50 SBT Vật lý 9
22.1 Trong thí nghiệm phát hiện tác dụng từ của dòng điện, dây dẫn AB được bố trí như thế nào?
A. Tạo với kim nam châm một góc bất kì.
B. Song song với kim nam châm.
C. Vuông góc với kim nam châm.
D. Tạo với kim nam châm một góc nhọn.
Trả lời: Chọn B
22.2 Có một số pin để lâu ngày và một đoạn dây dẫn. Nếu không có bóng đèn pin để thử, có cách nào kiểm tra được pin còn điện hay không khi trong tay bạn có một kim nam châm?
Trả lời: Mắc hai đầu dây dẫn vào hai cực của pin cho dòng điện chạy qua dây dẫn. Đưa kim nam châm lại gần dây dẫn. Nếu kim nam châm bị lệch khỏi hướng Nam – Bắc thì pin còn điện.
22.3 Từ trường không tồn tại ở đâu?
A. Xung quanh nam châm.
B. Xung quanh dòng điện.
C. Xung quanh điện tích đứng yên.
D. Xung quanh trái đất.
Trả lời: Chọn C
22.4 Giả sử có một dây dẫn chạy qua nhà. Nếu không dùng dụng cụ đo điện, có cách nào phát hiện được trong dây dẫn có dòng điện chạy qua hay không?
Trả lời: Có thể theo hai cách sau:
1. Cuốn dây thành cuộn. Đặt thanh sắt nhỏ trước cuộn dây đó. Nếu trong dây dẫn có dòng điện thì thanh sắt sẽ bị hút.
2. Đưa một đầu thanh nam châm lại gần dây dẫn căng thẳng, nếu có dòng điện chạy trong dây, dây sẽ bị rung (dao động)
22.5 Dựa vào hiện tượng nào dưới đây mà kết luận rằng dòng điện chạy qua dây dẫn thẳng có từ trường?
A. Dây dẫn hút nam châm lại gần nó.
B. Dây dẫn hút các vụn sắt lại gần nó.
C. Dòng điện làm cho kim nam châm lại gần và song song với nó lệch khỏi hướng Bắc Nam ban đầu.
D. Dòng điện làm cho kim nam châm luôn luôn cùng hướng với dây dẫn.
Trả lời: Chọn C
Bài 22.6; 22.7; 22.8; 22.9 trang 51 SBT Vật lý 9
22.6 Làm thế nào để nhận biết được tại một điểm trong không gian có từ trường?
A. Đặt ở điểm đó một sợi dây dẫn, dây bị nóng lên.
B. Đặt ở đó một kim nam châm, kim bị lệch khỏi hướng Bắc Nam.
C. Đặt ở nơi đó các vụn giấy thì chúng hút về hướng Bắc Nam.
D. Đặt ở nơi đó kim bằng đồng, kim luôn chỉ hướng Bắc Nam.
Chọn B. Để nhận biết được tại một điểm trong không gian có từ trường khi ta đặt ở đó một kim nam châm, kim bị lệch khỏi hướng Bắc Nam.
22.7 Người ta dùng dụng cụ nào để nhận biết từ trường?
A. Dùng ampe kế.
B. Dùng vônkế.
C. Dùng áp kế.
D. Dùng kim nam châm có trục quay.
Chọn D. Người ta dùng kim nam châm có trục quay để nhận biết từ trường.
22.8 Lực do dòng điện tác dụng lên kim nam châm để gần nó được gọi là
A. lực hấp dẫn.
B. lực từ.
C. lực điện.
D. lực điện từ.
Chọn B. Lực do dòng điện tác dụng lên kim nam châm để gần nó được gọi là lực từ.
22.9 Có thể coi một dây dẫn thẳng dài có dòng điện một chiều chạy qua như một nam châm thẳng được không? Vì sao?
A. Có thể, vì dòng điện tác dụng lực từ lên kim nam châm để gần nó.
B. Có thể, vì dòng điện tác dụng lực từ lên vật bằng sắt để gần nó.
C. Không thể, vì dòng điện trong dây dẫn thẳng không hút các vụn sắt về hai đầu dây như hai cực của nam châm thẳng.
D. Không thể, vì dòng điện trong dây dẫn thẳng dài luôn có tác dụng như nhau lên các vụn sắt ở bất kì điểm nào của dây.
Chọn D. Không thể, vì dòng điện trong dây dẫn thẳng dài luôn có tác dụng như nhau lên các vụn sắt ở bất kì điểm nào của dây.
-------------------------------------------------------
Ngoài tài liệu trên, mời các bạn tham khảo thêm Vật lý lớp 9, Giải bài tập Vật Lí 9, Giải VBT Vật lý 9 được cập nhật trên VnDoc để học tốt Lý 9 hơn.