Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 3: Tập đọc - Lòng dân (tiếp theo)

Giáo án Tiếng việt lớp 5

Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 3: Tập đọc - Lòng dân (tiếp theo) là bộ giáo án chuẩn kiến thức, kỹ năng giúp các em học sinh hiểu được diễn biến tiếp câu chuyện Lòng dân. Biết cách đọc diễn cảm vở kịch và phần vai. Mời các thầy cô cùng tham khảo giảng dạy.

Tập đọc

Lòng dân (Tiếp theo)

I. Mục tiêu

1. Biết đọc đúng phần tiếp của vở kịch. Cụ thể:

- Đọc đúng các tiếng có âm, vần và thanh điệu dễ lẫn do ảnh hưởng của phát âm địa phương. Biết ngắt giọng, đủ để phân biệt tên nhân vật với lời nói của nhân vật; đọc đúng ngữ điệu các câu kể, câu hỏi, câu khiến, câu cảm trong bài.

- Giọng đọc thay đổi linh hoạt, hợp với tính cách từng nhân vật, hợp với tình huống căng thẳng, đầy kịch tính của vở kịch. Biết đọc diễn cảm đoạn kịch theo cách phân vai.

2. Đọc hiểu

- Hiểu các từ ngữ trong bài.

- Hiểu được nội dung, ý nghĩa của vở kịch: Ca ngợi mẹ con dì Năm dũng cảm mưu trí trong cuộc đấu trí để lừa giặc, cứu cán bộ cách mạng. Vở kịch nói lên tấm lòng sắt son của người dân Nam Bộ đối với cách mạng.

II. Đồ dùng dạy - học

- Tranh minh họa bài đọc trong SGK (phóng to).

- Một vài vật dùng để trang phục cho HS đóng kịch. Ví dụ: khăn rằn (cho dì Năm), áo bà ba nông dân (cho chú cán bộ), gậy (thay cho súng)...

III. Các hoạt động dạy - học

Hoạt động dạy

Hoạt động học

A. Kiểm tra bài cũ

- Gọi một nhóm HS đọc phân vai bài tập đọc Lòng dân mà các em đã được học hôm trước và trả lời câu hỏi về nội dung bài đọc.

- Nhận xét và cho điểm HS.

- HS thực hiện yêu cầu của GV.

B. Dạy bài mới

1. Giới thiệu bài

- Trong đoạn kịch trước chúng ta thấy dì Năm rất dũng cảm mưu trí trong việc đấu tranh với địch để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng. Vậy câu chuyện tiếp tục thế nào, hôm nay chúng ta cùng học tiếp phần hai của trích đoạn vở kịch Lòng dân.

- HS lắng nghe.

- GV ghi tên bài lên bảng.

2. Hướng dẫn luyện đọc và tìm hiểu bài

a) Luyện đọc đúng

- GV yêu cầu một HS đọc toàn bài.

- Một HS đọc bài. Cả lớp theo dõi đọc thầm trong SGK.

- GV hướng dẫn HS nhận biết các đoạn để luyện đọc.

- HS nhận biết các đoạn để luyện đọc.

* Đoạn 1: Từ đầu đến lời chú cán bộ (Để tui đi lấy.)

* Đoạn 2: Từ lời cai (Để chị này đi lấy) đến lời cai (Thôi, trói lại dẫn đi).

* Đoạn 3: Còn lại.

- GV gọi HS tiếp nối nhau đọc bài.

- Ba HS nối tiếp nhau đọc bài. Mỗi HS đọc một đoạn của bài.

- GV chú ý sửa lỗi phát âm, ngắt giọng cho từng HS (nếu có). GV có thể ghi bảng những từ ngữ HS hay phát âm sai để luyện đọc cho HS.

- HS phát âm lại các tiếng còn đọc sai hoặc luyện đọc các tiếng GV ghi trên bảng lớp (nếu có).

- Gọi HS nối tiếp nhau đọc bài lần 2.

- Ba HS đọc nối tiếp bài lần 2, mỗi HS đọc một đoạn của bài. Cả lớp đọc thầm theo dõi và nhận xét bạn đọc.

- GV yêu cầu một HS đọc các từ được chú giải trong SGK.

- GV hỏi HS nêu thêm những từ mà các em chưa hiểu nghĩa, tổ chức cho các em tự giải nghĩa cho nhau hoặc giải nghĩa các từ mà các em không biết.

- Một HS đọc to các từ được chú giải. Cả lớp theo dõi trong SGK.

- HS có thể nêu thêm các từ mà các em chưa hiểu nghĩa, các em có thể trao đổi để giải nghĩa cho nhau hoặc nghe GV giải nghĩa.

- Yêu cầu HS đọc nối tiếp bài lần 3.

- HS đọc nối tiếp bài lần 3, mỗi HS đọc một đoạn của bài. Cả lớp đọc thầm theo dõi và nhận xét bạn đọc.

- GV đọc diễn cảm màn kịch: giọng đọc rõ ràng, rành mạch (đủ phân biệt các nhân vật, tên nhân vật với lời nói của nhân vật ấy). Đổi giọng, hạ giọng khi đọc những chú thích trong ngoặc đơn nói về thái độ, hành động của nhân vật. Đọc phân biệt lời nói của từng nhân vật:

+ Giọng cai và lính: khi dịu giọng mua chuộc, dụ dỗ; lúc hống hách; lúc ngọt ngào xin ăn.

+ Giọng An: thật thà, hồn nhiên.

+ Giọng dì Năm và cán bộ: tự nhiên, bình tĩnh.

b) Tìm hiểu bài

- GV yêu cầu HS đọc thầm đoạn 1 thảo luận theo nhóm đôi và trả lời câu hỏi: An đã làm cho bọn giặc mừng hụt như thế nào?

- HS thực hiện theo yêu cầu của GV và trả lời: Khi bọn giặc dọa và hỏi chú cán bộ có phải là tía của An không, An trả lời không phải làm bọn chúng hí hửng tưởng dọa được An. Nào ngờ, An thông minh, giải thích cho chúng biết đấy là ba chứ không phải là tía, khiến bọn chúng mừng hụt nên vô cùng tức tối. Kịch tính ở đây là sự đấu trí bằng từ đồng nghĩa sắc sảo của bé An.

- Yêu cầu HS đọc thầm đoạn còn lại và trả lời câu hỏi: Những chi tiết nào có trong bài cho thấy dì Năm ứng xử rất thông minh?

- Dì Năm rất thông minh sắc sảo. Thằng Cai hỏi giấy (căn cước) chú cán bộ. Chúng mở trói cho dì Năm để dì vào buồng lấy. Dì tìm cách trì hoãn nói vọng ra hỏi: "Ba nó để chỗ nào?". Dì trả lời "chưa thấy" khi chú cán bộ hỏi: "Có không má thằng An?". Khi chú bộ đội bị tên Cai và lính toan trói dẫn đi, đó là lúc kịch tính lên đến đỉnh điểm thì dì nói như reo lên: "Đây rồi nè. Mấy cậu coi. Làng này ai hổng biết Lâm Văn Nên, 31 tuổi, con ông Dừa." Rồi dì Năm đưa giấy cho cai, cai chuyển cho lính đọc. Dì Năm nói to cốt để cho chú cán bộ khai đúng tên mình đúng như tên trong giấy: "Lâm Văn Nên, ba mốt tuổi, con ông...". Việc làm của dì đã khiến bọn địch không nghi ngờ gì được đành phải đổi giọng ngọt ngào gạ xin ăn.

- Qua nhân vật dì Năm và cậu bé An đã nói lên điều gì về tấm lòng của người dân Nam Bộ đối với cách mạng?

- Người dân Nam Bộ giàu lòng yêu nước, gắn bó thủy chung với cách mạng. Họ là những người dũng cảm, mưu trí, thông minh, sẵn sàng hi sinh thân mình để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng.

- Vì sao vở kịch lại đặt tên là Lòng dân?

- Vì vở kịch thể hiện tấm lòng của người dân với cách mạng. Người dân tin yêu các mạng, sẵn sàng xả thân bảo vệ cán bộ cách mạng. Lòng dân là chỗ dựa vững chắc nhất cho cách mạng.

c) Luyện đọc diễn cảm

- GV yêu cầu ba HS đọc nối tiếp diễn cảm từng đoạn của bài. HS cả lớp theo dõi và tìm ra giọng đọc diễn cảm của bài.

- Ba HS đọc nối tiếp diễn cảm ba đoạn của bài. Cả lớp theo dõi, nhận xét bạn đọc và tìm cách đọc (như đã hướng dẫn ở phần luyện đọc).

- Yêu cầu HS luyện đọc theo cách phân vai cả bài theo nhóm sáu, như sau:

Người dẫn chuyện, dì Năm, An, chú cán bộ, cai, lính. Chú ý: Vai người dẫn chuyện chỉ đọc những chữ trong ngoặc đơn giới thiệu thái độ, của chỉ, hành động... của nhân vật, tên nhân vật.

- HS nhận biết nhóm của mình và luyện đọc phân vai trong nhóm theo hướng dẫn của GV.

- Gọi các nhóm đọc phân vai trước lớp.

- Ba nhóm đọc bài theo cách phân vai. Cả lớp theo dõi nhận xét bạn đọc.

- Tổ chức cho HS thi đóng kịch (toàn bộ đoạn kịch).

- Hai tốp HS thi đóng kịch theo yêu cầu của GV.

- GV và cả lớp nhận xét tuyên dương các nhóm đóng kịch trước lớp.

- HS thực hiện theo yêu cầu của GV.

3. Củng cố, dặn dò

- Vở kịch này nói lên điều gì?

- Vở kịch nói lên tấm lòng sắt son của người dân đối với cách mạng.

- GV nhận xét giờ học, dặn HS về nhà tiếp tục luyện đọc đoạn kịch và đọc trước bài tập đọc tuần tới.

- HS lắng nghe, ghi nhớ về nhà thực hiện theo yêu cầu của GV.

Đánh giá bài viết
9 2.650
Sắp xếp theo

Giáo án điện tử Tiếng việt 5

Xem thêm