Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ
Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ tổng hợp lý thuyết cần ghi nhớ kèm bài tập vận dụng được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải. Hi vọng tài liệu này sẽ giúp các em học tốt phần Tiếng Việt, Tập làm văn Ngữ văn 10.
Lý thuyết và bài tập Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ
A. KIẾN THỨC CẦN NHỚ
1. Xét ví dụ sau:
- Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!
- Cụ bán rồi?
- Bán rồi? Họ vừa bắt xong.
Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước, tôi muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc. Bây giờ thì tôi không xót năm quyển sách của tôi quá như trước nữa. Tôi chỉ ái ngại cho lão Hạc. Tôi hỏi cho có chuyện:
- Thế nó cho bắt à?
Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...
(Trích Lão Hạc của Nam Cao)
+ Hoạt động giao tiếp của văn bản trên diễn ra giữa hai nhân vật đó là ông giáo và Lão Hạc. Hai người có quan hệ gần gũi, thân thiết với nhau
+ Trong hoạt động giao tiếp trên, lão Hạc là người nói, ông giáo là người nghe. Xét về địa vị xã hội, ông giáo là vai trên, lão Hạc là vai dưới, xét về tuổi tác, lão Hạc vai trên, ông giáo vai dưới. Trong hoạt động giao tiếp, ông giáo và lão Hạc đã lần lượt đổi vai cho nhau. Đầu tiên, lão Hạc thông báo về việc bán chó, sau đó ông giáo hỏi lại, rồi lão Hạc lại tiếp tục kể chi tiết sự việc. Khi kể chuyện bán chó, lão Hạc đã khóc và tỏ ra đau đớn, dằn vặt, ông giáo lắng nghe và tỏ ra ái ngại cho lão Hạc
+ Hoàn cảnh diễn ra hoạt động giao tiếp (hoàn cảnh giao tiếp): Lão Hạc lâm vào cảnh cùng túng, nghèo khổ, phải bán đi cậu Vàng – người bạn duy nhất của lão và là kỉ vật con trai lão để lại. Sau khi bán cậu Vàng, lão Hạc đau khổ, day dứt và đến chia sẻ cho ông giáo.
+ Hoạt động giao tiếp trên hướng vào nội dung lão Hạc kể với ông giáo sự việc bán chó của mình. Mục đích để ông giáo cùng chia sẻ nỗi buồn, sự đau xót, dằn vặt của lão Hạc khi phải bán đi người bạn tri kỉ, đồng thời cũng là cách để lão Hạc bày tỏ nỗi lòng của mình
2. Kết luận
a. Khái niệm:
Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ là hoạt động trao đổi thông tin của con người trong xã hội, được tiến hành chủ yếu bằng phương tiện ngôn ngữ nhằm mục đích về nhận thức, về tình cảm, về hành động,...
b. Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ gồm có 2 quá trình
- Tạo lập văn bản (do người nói, người viết thực hiện)
- Lĩnh hội văn bản (do người nghe, người đọc thực hiện)
→ Hai quá trình này diễn ra trong quan hệ tương tác với nhau
c. Các nhân tố giao tiếp:
Nhân vật giao tiếp: Ai nói, ai viết, với với ai, viết cho ai?
Hoàn cảnh giao tiếp: Nói, viết trong hoàn cảnh nào, ở đâu, khi nào?
Nội dung giao tiếp: Nói, viết cái gì, về cái gì?
Mục đích giao tiếp: Nói, viết để làm gì, nhằm mục đích gì?
Phương tiện và cách thức giao tiếp: Nói viết như thế nào, bằng phương tiện gì?
B. LUYỆN TẬP CỦNG CỐ
1. Phân tích các nhân tố giao tiếp trong câu ca dao dưới đây theo câu hỏi
Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng:
- Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?
a. Nhân vật giao tiếp ở đây là những người như thế nào?
b. Hoạt động giao tiếp diễn ra vào thời điểm nào? Thời điểm đó thường thích hợp với những cuộc trò chuyện như thế nào?
c. Nhân vật “anh” nói về điều gì? Nhằm mục đích gì?
d. Cách nói của “anh” có phù hợp với nội dung và mục đích giao tiếp không?
Trả lời:
a. Nhân vật giao tiếp trong bài ca dao trên là một chàng trai và một cô gái. Cả hai đểu còn trẻ tuổi.
b. Thời điểm diễn ra hoạt động giao tiếp: “Đêm trăng thanh”. Đây là thời điểm thích hợp để chuyện trò, tâm tình của các đôi nam nữ.
c. Nhân vật “anh” nói về các nội dung:
- Dùng hình ảnh “Tre non đủ lá”, “đan sàng” để dẫn dắt để ngỏ lời với cô gái. (Tre non đủ lá: ý muốn hỏi cô gái đã trưởng thành, chín chắn chưa. “Đan sàng” có thể kết duyên cùng chàng trai được không?” đó là nội dung mà chàng trai thể hiện trong cuộc giao tiếp, với mục đích ngỏ ý tế nhị.
- Mục đích: ngỏ ý, tỏ tình với cô gái (lời nói mang nghĩa hàm ẩn: con người đã trưởng thành, đã đủ lớn khôn, có nên suy nghĩ đến chuyện kết duyên hay chưa?).
d. Cách nói của chàng trai rất tế nhị, nhẹ nhàng, lịch sự, chàng trai đã đưa được các thông tin cần thiết, phù hợp với đối tượng là cô gái mà anh có tình ý. Vì thế, cách nói của nhân vật “anh” rất phù hợp với nội dung và mục đích giao tiếp.
2. Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi
Một canh…hai canh…lại ba canh
Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh
(Không ngủ được – Hồ Chí Minh)
Xác định nhân vật giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp, nội dung giao tiếp, mục đích giao tiếp, phương tiện và cách thức giao tiếp trong văn bản trên?
Trả lời:
- Nhân vật giao tiếp: Bác Hồ đang nói với chính lòng mình vì thế Bác vừa là người nói đồng thời cũng là người nghe.
- Hoàn cảnh giao tiếp: Khi đất nước còn đang dưới ách đô hộ,vận mệnh dân tộc còn đang bị đe dọa thì Bác lại bị giam cầm trong tù ngục, vì thế Bác lo lắng, trăn trở cho đất nước mà không ngủ được
- Nội dung giao tiếp: Nói về việc Bác không ngủ
- Mục đích giao tiếp: Thể hiện sự băn khoăn, trằn trọc, lo lắng cho vận mệnh đất nước của Bác
- Phương tiện, cách thức giao tiếp: Thông qua việc sáng tác thơ
3. Đọc đoạn hội thoại giữa Tấm và dì ghẻ trong truyện Tấm Cám
Nghĩ ra được một mưu, mụ dì ghẻ bảo Tấm :
- Trước đây con quen trèo cau, con hãy trèo xé lấy một buồng để cúng bố.
Tấm vâng lời trèo lên cây cau. Lúc lên đến sát buồng thì ở dưới dì ghẻ cầm dao đẵn gốc. Thấy cây rung chuyển, Tấm hỏi:
- Dì làm gì dưới gốc cây thế ?
- Gốc cau lắm kiến, dì đuổi kiến cho nó khỏi lên đốt con.
Nhưng Tấm chưa kịp xé cau thì cây đã đổ, Tấm ngã lộn cổ xuống ao, chết.
(Tấm Cám)
Phân tích sự thay phiên vai giao tiếp, mục đích nói và cách nói của từng ngưòi trong đoạn hội thoại trên.
Trả lời:
- Trong hoạt động giao tiếp trên, Tấm và dì ghẻ đóng vai trò vừa là người nói vừa là người nghe. Hai người có sự luân phiên lượt lời trong hành động nói của mình:
+ Trước hết là lời của dì ghẻ lừa Tấm trèo lên cây cau, lúc này dì ghẻ trong vai người nói, Tấm là người nghe
+ Sau đó Tấm hỏi lại dì ghẻ vì thấy gốc cau bị rung lúc này Tấm là người nói, dì ghẻ là người nghe.
+ Cuối cùng là lời dì ghẻ nói với Tấm để che đậy hành động tội ác của mình. Dì ghẻ là người nói, Tấm là người nghe.
- Mục đích giao tiếp: Lời nói của mụ dì ghẻ thể hiện mục đích thâm độc với những thủ đoạn để lừa gạt, hãm hại Tấm. Tấm thật thà, hiền hậu tin theo lời dì ghẻ.
Các tài liệu liên quan:
- Soạn bài lớp 10: Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ
- Soạn văn 10 bài: Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ
- Văn bản
Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Đề thi học kì 1 lớp 10, Soạn văn lớp 10 ngắn gọn, Soạn bài lớp 10, Học tốt Ngữ văn 10, Tài liệu học tập lớp 10 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.