Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tấm Cám

Để học tốt Ngữ văn lớp 10, các bạn học sinh hãy tham khảo tài liệu: Tấm Cám, với nội dung truyện đã được VnDoc.com tổng hợp đầy đủ sẽ giúp các bạn học sinh soạn bài lớp 10, tóm tắt, phân tích một cách hay hơn. Qua đó chắc chắn các bạn học sinh sẽ học tốt Ngữ văn lớp 10. VnDoc.com mời các bạn học sinh tham khảo tài liệu: Tấm Cám.

Tấm Cám

Ngày xửa ngày xưa, có 2 chị em cùng cha khác mẹ là Tấm và Cám. Khi cha qua đời Tấm sống với mẹ kế là mẹ của Cám.

Bà dì ghẻ của Tấm là một con người độc ác, ngày nào cũng bắt Tấm phải làm tất cả mọi công việc ở trong nhà còn Cám thì bà ta không bắt làm gì nên suốt ngày chơi bời lêu lổng.

Một hôm bà dì ghẻ của Tấm sai 2 chị em Tấm và Cám đi ra đồng mò cua bắt cá. Bà ta có dặn: “Trong 2 đứa ngươi hễ đứa nào mà mò được nhiều cua bắt được nhiều cá thì ta sẽ có thưởng”. Bản chất Tấm là con người chăm chỉ siêng năng cho nên Tấm bắt được nhiều cá hơn Cám, Cám thì lười biếng không chịu làm việc bao giờ quen rồi cho nên không bắt được con cá nào cả.

Trên đường trở về nhà Cám đã nghĩ mọi cách để lừa gạt Tấm. Đi qua ngang một cái ao Cám liền bảo với Tấm:

- Chị Tấm ơi chị Tấm. Đầu chị lấm, chị tắm ao sâu kẻo về mẹ mắng.

Tấm là con người thật thà nên đã tin lời cô em gái ngay. Tấm để giỏ cá trên bờ nhờ Cám coi hộ và lội xuống dưới bờ ao để gội đầu. Ở trên bờ Cám đã lấy toàn bộ cá trong giỏ của Tấm trút vào giỏ của mình và vội chạy về nhà trước Tấm. Khi Tấm gội đầu xong, bước lên bờ xem thì giỏ cá đã không còn một con cá nào. Tấm ngồi xuống khóc nức nở, Bụt thấy vậy liền hiện lên hỏi:

- Tại sao con lại khóc.

Tấm kể rõ đầu đuôi câu chuyện của mình cho Bụt nghe, Bụt liền nói:

- Thôi đừng khóc nữa con hãy nín đi, ở trong giỏ còn 1 con cá bống. Con mang về thả xuống dưới giếng để nuôi, mỗi ngày con mang một ít cơm thừa cho cá ăn và nhớ gọi: “Bống bống bang bang, Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.

Nói xong Bụt hóa phép và biến mất. Tấm nghe theo lời của Bụt dặn dò mang Bống về thả xuống dưới giếng để nuôi. Ngày ngày Tấm đều nhịn ăn dành ra một chút cơm để nuôi Bống. Bống càng ngày càng lớn nhanh, người với cá quen nhau.

Cám thấy Tấm hàng ngày đều mang cơm ra giếng để thả nên Cám đã sinh nghi và rình theo Tấm. Cám theo dõi và phát hiện được nên đã về mách lại cho mẹ biết.

Đến sáng ngày hôm sau bà dì ghẻ của Tấm sai Tấm dắt trâu đi chăn tít đồng xa, bà ta đã mật ngọt dặn Tấm:

- Tấm ơi, ở làng mình cấm chăn trâu ở đồng. Con hãy dắt trâu ra cánh đồng cỏ ở xa để cho trâu ăn, con đừng cho trâu ăn đồng làng kẻo làng bắt mất trâu

Tấm không biết rằng mẹ con nhà Cám đang âm mưu một ý định thâm độc nên cô vẫn dắt trâu đi chăn nơi đồng xa. Đoạn Tấm vừa dắt trâu ra đồng, hai mẹ con nhà Cám chạy ngay ra giếng gọi Bống như Tấm vẫn gọi hàng ngày. Thấy tiếng gọi quen thuộc, Bống ngoi lên khỏi mặt nước. Chỉ chờ có thế, hai mẹ con nhà Cám dùng lưới tóm Bống lên bờ để giết thịt.

Trời cũng đã tối sẩm, Bống dắt trâu trở về nhà. Sau khi ăn cơm xong, Tấm mang chút cơm cho Bống và ra giếng gọi. Nhưng gọi mãi, gọi mãi vẫn tiếng gọi như thường lệ mà vẫn không thấy Bống đâu. Biết là mẹ con Cám đã bắt Bống ăn thịt rồi, Tấm ngồi xuống thềm giếng khóc nức nở. Thấy Tấm lại khóc, Bụt hiện lên hỏi:

- Tại sao con khóc?

Tấm kể lại sự tình của mình cho Bụt nghe, nghe xong Bụt bảo:

- Thôi con hãy nín đi!, ta sẽ giúp con. Giờ con hãy về nhà lấy xương của Bống rồi cho vào 4 chiếc hũ và đem nó chôn xuống dưới 4 chân giường của con. Rồi sau này để làm gì thì con sẽ hiểu.

Nghe lời Bụt dặn, Tấm về nhà tìm xương của Bống. Nhưng vì mẹ con Cám đã cố tình giấu biệt nên Tấm tìm mãi vẫn không thấy đâu. Bỗng có một con gà nói:

- Cục ta cục tác! Cho ta nắm thóc, ta bới xương cho.

Tấm chạy vào lấy cho con gà trống một nắm thóc, con gà chạy vào trong bếp và bới ra toàn bộ xương của bống mà mẹ con nhà Cám chôn vùi. Làm theo lời Bụt dặn, Tấm lượm toàn bộ số xương bống cho vào 4 chiếc hũ và chôn dưới chân giường.

Một thời gian sau, trong nước tổ chức hội, nhà vua cho phép dân chúng thoải mái vui chơi linh đình, nhà nào nhà nấy trong làng cũng nô nức đi chơi hội, trai gái trong làng thì rồng rắn nhau đi. Thấy Tấm cũng muốn đi chơi hội, mụ dì ghẻ nguýt dài một cái, mụ lấy ra một đấu thóc đem trộn với một đấu gạo rồi bảo Tấm:

- Con à, chịu khó nhặt xong cho dì chỗ gạo này rồi con muốn đi chơi thì dì sẽ cho đi. Nhớ phải nhặt xong không là dì về chưa thấy xong là dì đánh đòn con đấy.

Thế là hai mẹ con nhà Cám lên đường đi chơi hội, để lại Tấm ở nhà hùi hũi nhặt thóc một mình. Tấm đành nín nhịn ngồi nhặt số thóc mà dì ghẻ đưa cho, nhưng nhặt mãi Tấm thấy không biết bao giờ mới nhặt xong hết chỗ thóc này. Biết rằng mình sẽ không được đi chơi hội, Tấm ngồi khóc.

Bụt thấy vậy lại hiện lên hỏi Tấm:

- Vì sao con khóc?

Tấm trả lời Bụt:

- Dạ thưa, dì ghẻ bắt con nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo rồi mới được đi chơi hội. Nhưng con nhặt xong thì hội tan mất rồi Bụt ạ!

Bụt bảo Tấm:

- Con đừng lo lắng, giờ con hãy mang thúng thóc ra đặt ở giữa sân nhà, ta sẽ bảo chim sẻ bay xuống nhặt giúp con.

Tấm lo lắng bảo Bụt:

- Dạ, nhưng ngộ nhỡ chim sẻ ăn mất thóc của con thì dì con về sẽ đánh đòn con Bụt ạ!

Bụt đáp:

- Con yên tâm, con hãy nói:

“Rặt rặt (con chim sẻ) xuống nhặt cho tao

in mất hạt nào thì tao đánh chết”

Tấm vừa dứt lời, lập tức có một đàn chim sẻ sà xuống giúp đỡ tấm. Chẳng mấy chốc Tấm đã hoàn thành công việc mà mụ dì ghẻ độc ác giao cho. Nhưng mặc dù công việc đã xong, đến lúc có thể đi chơi hội được rồi thì Tấm bỗng dưng lại ngồi khóc. Bụt thấy thế lại hiện ra hỏi:

- Tại sao con khóc?

Tấm nói:

- Bụt ơi, quần áo con rách rưới thế này thì làm sao đi chơi hội được Bụt ạ!

Bụt nói:

- Giờ con hãy làm theo lời ta, vào nhà đào 4 chiếc hũ mà con đã chôn xương bống ở dưới chân giường. Con sẽ có đủ quần áo để đi hội.

Tấm vâng lời Bụt vào phòng đào hũ lên. Quả không hết ngạc nhiên khi hũ thứ nhất là một cái áo mớ ba, một cái áo xống lụa, một cái yếm lụa điều và một cái khăn nhiễu Đào, hũ thứ hai đựng một đôi giầy thêu rất đẹp, hũ thứ 3 có một con ngựa nhỏ xíu, khi đặt con ngựa xuống đất thì bỗng chốc nó biến thành ngựa thật, còn hũ cuối cùng thì là một bộ yên cương xinh xắn.

Tấm vui mừng lắm, vội đi tắm gội, thay quần áo đẹp rồi lên ngựa đi chơi hội. Ngựa phóng một lúc đã tới kinh thành nhưng chẳng may trên đường đi, khi ngựa phóng qua một chỗ lội, Tấm đánh rơi một chiếc giầy xuống mà không kịp nhặt. Khi ngựa dừng lại ở đám hội, Tấm lấy một chiếc khăn gói chiếc giầy còn lại và chen vào biển người.

Giữa lúc ấy, đoàn xe xa giá (đoàn xe hộ tống nhà vua) đi tới chỗ lội tấm đánh rơi giầy. Hai con voi ngự đầu đàn tới đó thì cắm ngà xuống đất kêu rống lên không chịu tiến bước. Thấy lạ nhà vua sai quân lính đi tới xem thử, sau một hồi tìm kiếm thì một người lính đã tìm được một chiếc giầy nhỏ nhỏ xinh xinh mà Tấm đã sơ ý đánh rơi. Nhà vua ngắm nghía chiếc giầy không chán mắt, vua nghĩ “chà một chiếc giầy thêu thật đẹp, chắc hẳn người mang chiếc giầy này nhan sắc tuyệt trần.”

Nhà vua ban lệnh cho tất cả đàn bà con gái đi chơi hội thử giầy, hễ ai ướm vừa chiếc giầy này nhà vua sẽ lấy người con gái đó làm vợ. Đám hội lại càng thêm náo nhiệt khi các bà, các cô chen nhau tới thử giầy, ai cũng muốn được trở thành vợ của nhà vua. Nhưng chiếc giầy quá nhỏ, không một ai đi vừa và mẹ con nhà Cám cũng trong số đó. Khi Cám và dì ghẻ vừa bước ra khỏi lầu thì Cám nhìn thấy Tấm. Thấy thế Cám mách mẹ:

- Mẹ ơi, Chị Tấm cũng đi thử giầy kìa!

Dì ghẻ bĩu môi:

- Con nỡm, chuông khánh còn chẳng ăn ai nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre!

Nhưng khi Tấm đặt chân và chiếc giầy thì vừa như in, Tấm lấy chiếc giầy còn lại trong chiếc khăn đi vào thì hai chiếc giầy giống nhau như đúc. Quân lính hò reo vui mừng, ngay lập tức nhà vua cho một đoàn tỳ nữ rước nàng vào cung. Hai mẹ con nhà Cám nhìn Tấm bước lên kiệu với vẻ mặt bàng hoàng và ánh mặt chất chứa sự ghen tị.

Đến ngày giỗ cha, Tấm xin phép nhà vua về nhà. Thấy Tấm trở về, mẹ con nhà cám lập mưu giết Tấm. Mụ gì ghẻ bảo:

- Con mặc dù giờ đây đã là thân ngọc ngà mà vẫn nhớ ngày giỗ cha đúng là một người con hiếu thảo, giờ con hãy trèo lên cây cau hái xuống một buồng để mẹ đặt lên cúng cha con.

Tấm vâng lời trèo lên cây, vì công việc này trước tấm đã làm rất nhiều nên chỉ trong chốc lát Tấm đã lên tới ngọn cây. Ở dưới gốc, mụ gì ghẻ cầm dao đốn gốc. Thấy cây rung chuyển Tấm nói vọng xuống hỏi dì:

- Dì làm gì dưới gốc cây thế?

Mụ dì ghẻ đáp:

- Gốc cây lắm kiến, dì đuổi bớt chúng kẻo chúng bò lên đốt con.

Mụ càng lúc càng đốn nhanh, Tấm chưa kịp xé cau thì cây đã đổ. Cây đổ, Tấm ngã xuống ao và chết. Mụ dì ghẻ mang toàn bộ quần áo Tấm mặc cho Cám rồi đưa vào cung vua. Gặp vua mụ nói:

- Con bé là một đứa con gái ngoan ngoãn hiếu thảo, chẳng may trèo cau hái xuống cúng cha thì bị ngã. Lúc hấp hối, con bé nói là đưa em Cám vào phục vụ nhà vua thay chị.

Nhà vua vô cùng đau xót nhưng không nói một lời, vua nghĩ thôi thì cứ thuận theo ý nguyện cuối cùng của người vợ.

Tấm chết hóa thân thành một con chim Vàng Anh bay về tận hoàng thành. Một ngày, Cám đang giặt đồ cho vua ngoài sân thì con chim Vàng Anh đậu trên cành cất tiếng hót: “Giặt áo chồng tao thì giặt cho sạch. Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào rách áo chồng tao”.

Nghe tiếng chim hót Cám tái mặt. Vàng Anh hàng ngày theo nhà vua hót rất vui tai, hễ vua đi đâu là Vàng Anh lại đi theo tới đó. Thấy chim quyến luyến theo mình nhà vua bảo:

- Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh chui vào tay áo.

Chim Vàng Anh bay tới đậu trên tay vua rồi chui vào tay áo. Kể từ khi đó nhà vua quyến luyến chim không rời, vua còn cho làm hẳn một chiếc lồng bằng vàng cho chim ở. Nói đến Cám thì vua không màng gì và chỉ coi như một người hầu hạ.

Cám trong mình tức tối, chạy tới hỏi ý kiến của mẹ. Bà mẹ bảo Cám tìm cách bắt chim làm thịt rồi nói dối vua sau. Cám nghe theo âm mưu của bà mẹ, nhân lúc vua đi vắng bắt Vàng Anh để mổ thịt, còn lông chim Cám đem chôn ở góc vườn.

Thấy mất Vàng Anh, vua hỏi Cám thì Cám đáp:

- Thiếp thèm ăn thịt chim nên đã mạn phép giết thịt ăn mất rồi.

Nhà vua rất tức giận nhưng không nói gì cả. Lông chim Vàng Anh lại hóa ra hai cây đào, khi vua ra chơi vườn ngự thì thấy cành lá cây sà xuống che thành vòng như hai cái lọng. Kể từ khi đó, vua hàng ngày ra đây mắc võng nằm nghỉ ngơi.

Cám thấy vậy lại chạy về mách mẹ. Bà ta bảo:

- Con hãy lựa thời cơ sai người chặt hai cây xoan đào nó làm khung cửi.

Thế là nhân một ngày mưa bão, Cám lập tức sai người chặt cây. Khi trở về thấy cây bị đốn hạ, vua hỏi Cám thì Cám đáp:

- Cây bị đổ vì bão lớn, thiếp sai người đem chúng làm thành chiếc khung cửi để hàng ngày dệt áo cho bệ hạ.

Nhưng khi khung cửi được đóng xong, Cám ngồi vào dệt thì lúc nào cũng nghe thấy tiếng khung cửi rủa mình:

“Cót ca cót két

Lấy tranh chồng chị

Chị khoét mắt ra”

Cám lại sợ hãi chạy về mách mẹ, bà ta bảo Cám:

- Con đốt chiếc khung cửi đi rồi lấy tro tới một nơi thật xa mà vứt.

Về tới hoàng cung, Cám làm theo lời mẹ mình. Cám đem chiếc khung cửi đi đốt và lấy tro đi đổ ở lề đường cách xa hoàng cung. Chính tại nơi đó lại mọc lên một cây thị cành lá xum xuê. Nhưng cây chỉ có một quả duy nhất thơm ngát một vùng. Một hôm có một bà cụ đi ngang qua ngồi nghỉ dưới gốc thị, thấy thị thơm bà nói:

- Thị ơi, thị rụng bị bà, bà để bà ngửi chứ bà không ăn.

Bà lão vừa dứt lời, quả thị rơi vào bị. Bà lão đem thị về ngắm nghía và ngửi mùi thơm. Hàng ngày bà lão đi chợ, từ trong quả thị hiện ra một cô Tấm giúp bà dọn dẹp, thổi cơm, hái rau ở vườn nấu canh giúp bà. Xong xuôi, Tấm lại chui vào quả thị. Bà lão thấy ngạc nhiên khi lần nào đi làm về, nhà cửa đều rất sạch sẽ gọn gàng, cơm canh đã tươm tất. Một hôm bà giả bộ đi chợ nhưng ra tới cổng, bà quay trở vào nép sau cánh cửa để xem chuyện lạ này ra sao.

Vẫn như mọi hôm, nghĩ bà đi chợ rồi nên Tấm từ quả thị chui ra dọn dẹp. Bà lão tới ôm chầm lấy Tấm rồi xé đi vỏ thị. Kể từ khi đó Tấm không phải giấu mình nữa, Tấm ở với bà và giúp bà làm lụng. Bà lão có Tấm giúp nên bà mở một quán nước nhỏ ven đường để bán cho khách đi qua. Tấm rất giỏi têm trầu nên quán càng ngày càng đông khách, ai cũng muốn dừng lại uống chén nước và ăn trầu Tấm têm.

Một ngày nọ, nhà vua vi hành đi ngang qua thấy quán nước đông người nên dừng chân uống nước. Thấy miếng trầu têm hình cánh phượng, nhà vua thấy giống trầu vợ mình têm nên hỏi bà lão:

- Bà cho con hỏi, trầu này ai têm mà đẹp vậy?

Bà lão đáp:

- Trầu này là con gái bà têm, cũng vì trầu đẹp và ngon nên quán bà mới đông khách thế này đấy con.

Nhà vua nói:

- Miếng trầu này cách têm giống như người vợ đã mất của con, bà có thể cho con gặp con gái bà được không?

Bà lão gọi Tấm ra. Khi Tấm vừa xuất hiện, vua nhận ra vợ mình. Mừng quá hai vợ chồng ôm chầm lấy nhau, vua lập tức cho người mang kiệu rước nàng về cung.

Cám Thấy Tấm trở về và được vua yêu thương như xưa, thì nó không khỏi sợ hãi một hôm, Cám hỏi chị:

- Chị Tấm ơi, chị Tấm! Chị làm thế nào mà da chị lại trắng thế?

Tấm đáp:

- Nhờ chị tắm bằng nước sôi đó em.

Tưởng thật, Cám cho người đun một nồi nước sôi thật to rồi bảo dội lên người. Cám chết, Tấm cho người đem xác Cám làm thành mắm bỏ vào chĩnh gửi cho mụ dì ghẻ, nói là quà của con gái gửi biếu. Mẹ Cám tưởng quà con gái gửi về nên lấy mắm ra ăn, bữa nào bà ta cũng tấm tắc khen ngon. Một con quạ từ đâu bay tới đậu trên nóc nhà kêu rằng:

- Ngon ngỏn ngòn ngon! Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng.

Bà dì ghẻ tức lắm vì tự dưng có con quạ ở đâu tới quấy nhiễu, bà ta chửi mắng ầm ĩ rồi vác sào đuổi quạ. Nhưng đến ngày ăn gần hết mắm, dòm vào chĩnh, bà ta mới thấy đầu lâu của con mình. Sốc quá, bà dì ghẻ lăn đùng ra chết.

I. Đôi nét về tác phẩm Tấm Cám

1. Truyện cổ tích là gì?

Truyện cổ tích là những truyện truyền miệng dân gian kể lại những câu chuyện tưởng tượng xoay quanh một số nhân vật quen thuộc như nhân vật tài giỏi, nhân vật dũng sĩ, người mồ côi, người em út, người con riêng, người nghèo khổ, người có hình dạng xấu xí, người thông minh, người ngốc nghếch và cả những câu chuyện kể về các con vật nói năng và hoạt động như con người.

Truyện cổ tích được chia thành 3 loại: cổ tích về loài vật, cổ tích thần kì, cổ tích sinh hoạt.

Truyện cổ tích thể hiện ước mơ cháy bỏng của nhân dân lao động về hạnh phúc gia đình, về lẽ công bằng xã hội, về phẩm chất và năng lực tuyệt vời của con người.

2. Hoàn cảnh ra đời Tấm Cám

Truyện Tấm Cám thuộc loại cổ tích thần kì. Kiểu truyện Tấm Cám phổ biến ở nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới.

3. Bố cục Tấm Cám

- Phần 1 (từ đầu đến “Tấm bước lên kiệu trước con mắt ngạc nhiên và hằn học của mẹ con Cám”): Thân phận và con đường đến với hạnh phúc của Tấm.

- Phần 2 (tiếp đó đến “truyền cho quân hầu đưa kiệu rước Tấm về cung”): Con đường đấu tranh và giữ hạnh phúc của Tấm.

- Phần 3 (còn lại): Hành động trả thù của Tấm.

4. Tóm tắt Tấm Cám

Tóm tắt truyện Tấm Cám mẫu 1

Mẹ mất sớm, cha lấy vợ mới, sau khi cha mất, Tấm ở với dì ghẻ và Cám. Mẹ con Cám luôn bắt nạt, hành hạ Tấm. Khi Tấm và Cám cùng đi bắt cá, Cám đã lừa Tấm lấy hết cá, đến con cá bống cuối cùng Tấm nuôi mẹ con Cám cũng giết và ăn thịt. Trong một lần nhà vua mở hội, dì ghẻ đã lấy thóc gạo trộn lẫn với nhau và bắt Tấm ngồi nhặt xong thóc ra thóc, gạo ra gạo thì mới được đi. Nhưng nhờ Bụt giúp đỡ, thóc gạo đã nhặt xong và Tấm cũng có quần áo mới đi trẩy hội. Trên đường đi, Tấm làm rơi một chiếc giày, nhà vua nhặt được và thông báo ai đi vừa thì vua sẽ lấy làm vợ. Tấm trở thành vợ vua, sau đó bị mẹ con Cám giết hại nhiều lần, Tấm hóa thân thành chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị. Sau nhiều lần hồi sinh, Tấm cũng trở lại hình dáng ban đầu và sống với bà cụ bán nước. Cuối cùng, sau nhiều lần nhà vua đã tìm được Tấm và hai người sống hạnh phúc bên nhau, Cám và dì ghẻ bị phạt vì tội ác của mình.

Tóm tắt truyện Tấm Cám mẫu 2

Tấm là cô gái hiền lành, chăm chỉ, mẹ cha mất sớm, phải ở với mẹ con dì ghẻ. Tấm bị Cám, con gái của dì ghẻ lừa lấy hết giỏ tép. Bụt hiện lên cho Tấm cá bống làm bạn, nhưng mẹ con Cám cũng lừa ăn thịt mất Bống. Bụt giúp Tấm tìm và chôn xương bống. Ngày hội, mẹ con Cám bắt Tấm nhặt thóc gạo, không cho đi dự. Bụt hiện lên giúp và chỉ cho Tấm cách có quần áo đẹp đi dự hội. Tấm đánh rơi chiếc giày, vua nhặt được và nhờ đó cô được chọn làm hoàng hậu. Ngày giỗ cha, Tấm về trèo hái cau, bị dì ghẻ chặt cây, Tấm ngã xuống ao chết đuối, biến thành chim vàng anh. Cám thế chân chị trong cung vua. Chim vàng anh quấn qu‎ýt bên vua, bị Cám giết thịt, lông chim lại biến thành cây xoan đào che mát cho vua. Cám chặt xoan đào, đóng khung cửi, bị khung cửi mắng, liền đốt khung, vứt tro ven đường. Từ đống tro tàn, một cây thị mọc lên, thị chín, rơi vào bị của bà lão hàng nước. Ngày ngày, Tấm chui ra từ quả thị, giúp bà hàng nước dọn dẹp nhà cửa và nấu cơm nước. Bà cụ xé vỏ thị, Tấm trở lại làm người sống cùng bà lão. Nhà vua đi qua, nghỉ chân tại hàng nước, nhận ra miếng trầu têm cánh phượng của Tấm. Tấm được đón trở lại cung làm hoàng hậu. Cám bị Tấm trừng trị, dì ghẻ cũng lăn ra chết theo con. Tấm sống cuộc sống hạnh phúc suốt đời.

Xem thêm các bài tóm tắt khác: Tóm tắt truyện Tấm Cám

4. Giá trị nội dung và nghệ thuật truyện Tấm Cám

nội dung: Sự biến hóa của Tấm thể hiện sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của kẻ ác. Đây là sức mạnh của cái thiện chiến thắng cái ác qua cuộc đấu tranh không khoan nhượng đến cùng. Chiến thắng ấy thể hiện niềm tin của nhân dân về sự chiến thắng của cái thiện với cái ác, tinh thần lạc quan và ước mơ về một xã hội công bằng.

Nghệ thuật:

- Cốt truyện li kì, hấp dẫn với những mâu thuẫn, xung đột ngày càng quyết liệt.

- Xây dựng nhân vật theo hai tuyến đối lập.

- Sử dụng các yếu tố, chi tiết tưởng tượng kì ảo

II. Dàn ý phân tích Tấm Cám

Dàn ý Đóng vai Tấm kể lại chuyện Tấm Cám

1. Mở bài

Giới thiệu câu chuyện bằng lời của nhân vật Tấm: tôi sinh ra trong một gia đình bình thường nhưng cuộc đời tôi đã phải trải qua nhiều câu chuyện đau buồn.

2. Thân bài

a. Cảnh ngộ

Mẹ mất sớm, cha lấy vợ hai đẻ được một người em tên là Cám rồi cũng mất sau đó. Tôi sống cùng dì và em.

Hằng ngày tôi phải làm việc vất vả từ sáng đến tối và bị mẹ con họ bắt nạt, ức hiếp nhưng đành cam chịu.

b. Câu chuyện con cá bống

Một hôm dì treo thưởng ai bắt được nhiều cá bống hơn sẽ được yếm đào, tôi làm việc quần quật nhưng cuối cùng bị Cám lừa lấy hết cá của mình, chỉ để sót lại 1 con cá bống.

Tôi đem cá về thả xuống giếng và nuôi nấng nó nhưng cuối cùng bị dì và Cám ở nhà giết thịt lúc tôi đi làm.

Tôi đau buồn thì được Bụt hiện ra và mách tôi đi tìm xương cá rồi mang đi chôn, tôi nghe lời làm theo.

c. Khi nhà vua mở hội

Mẹ co Cám không cho tôi đi xem hội, bắt tôi ở nhà nhặt gạo với thóc ra. Tôi buồn bã, Bụt hiện lên, giúp tôi nhặt và nói tôi đào xương cá bống lên để lấy quần áo đẹp đi dự hội.

Trên đường đi do vội vã nên tôi đã đánh rơi chiếc giày, nào ngờ nhà vua nhặt được và lệnh ai đi vừa chiếc giày đó sẽ lấy về làm vợ. Mọi người nô nức thử giày trong đó có cả Cám nhưng chiếc giày ấy chỉ vừa chân tôi và tôi được làm Hoàng hậu.

d. Sau khi làm hoàng hậu

Tôi có cuộc sống hạnh phúc, sung túc hơn.

Một hôm tôi về giỗ cha thì bị Cám lừa trèo cây hái cau sau đó chặt gốc để tôi chết và vào cung thay tôi làm hoàng hậu.

May mắn thay, tôi luôn được Bụt giúp đỡ, năm lần bảy lượt bị Cám giết hại, tôi biến thành chim vàng anh, cây xoan, khung cửi và cuối cùng là cây thị rồi ở cùng với bà lão nghèo hằng ngày giúp bà làm việc nhà.

Một hôm nhà vua đi qua nhìn thấy miếng trầu nhận ra tôi là người têm nên đã đón tôi về cung. Tại đây tôi đã trừng trị mẹ con Cám thích đáng và trở về cuộc sống hạnh phúc của mình.

3. Kết bài

Khái quát lại giá trị của câu chuyện.

Dàn ý phân tích truyện cổ tích Tấm Cám

I. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về thể loại truyện cổ tích và đặc trưng của cổ tích thần kì.

- Giới thiệu khái quát về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện cổ tích Tấm Cám: Tấm Cám thuộc truyện cổ tích thần kì. Truyện kể về thân phận, con đường đi đến, đấu tranh và giữ gìn hạnh phúc của Tấm, qua đó thể hiện niềm tin của nhân dân về chiến thắng của cái thiện với cái ác và ước mơ về công lí xã hội.

II. Thân bài

1. Thân phận và con đường đi đến hạnh phúc của Tấm

a) Thân phận của Tấm

- Số phận của Tấm:

+ Mẹ chết khi còn nhỏ tuổi

+ Cha chết, Tấm ở với dì ghẻ - là mẹ đẻ của Cám

+ Tấm vất vả làm việc suốt ngày đêm

→ Hoàn cảnh đáng thương, côi cút, cô đơn. Đồng thời, cô cũng là cô gái hiền dịu và khát khao được vui chơi, hạnh phúc.

- Bản chất của mẫu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám

+ Mâu thuẫn gia đình: mâu thuẫn giữa Tấm và Cám, mâu thuẫn giữa Tấm và dì ghẻ

→ Trong hai mâu thuẫn trên, mâu thuẫn giữa Tấm và Cám là mâu thuẫn xuyên suốt toàn truyện, liên tục và ngày càng quyết liệt. Còn mâu thuẫn giữa Tấm và dì ghẻ đóng vai trò phụ trợ, bổ sung.

+ Mâu thuẫn xã hội: Tấm là hiện thân của cái thiện, hiền lành, lương thiện. Còn mẹ con Cám là hiện thân của cái ác, cái xấu. Do đó, mâu thuẫn giữa Tấm với mẹ con Cám xét đến cùng là mâu thuẫn giữa cái thiện với cái ác.

b) Con đường đến với hạnh phúc của Tấm

- Đi bắt tép: Tấm chăm chỉ xúc đầy giỏ, Cám lừa Tấm trút hết giỏ cá và nhận phần thưởng. Tấm khóc, Bụt hiện lên và cho Tấm cá bống.

- Mẹ con Cám gạt Tấm đi chăn trâu ở đồng xa, giết cá bống để ăn thịt. Tấm khóc. Bụt hiện lên bảo Tấm cho xương cá đựng vào bốn chiếc lọ chôn ở bốn chân giường.

- Đi trẩy hội, Dì ghẻ trộn thóc lẫn gạo, bắt Tấm nhặt không cho đi trẩy hội. Tấm khóc. Bụt hiện lên, sai một đàn chim sẻ xuống nhặt giúp

- Tấm không có quần áo đẹp mặc đi hội. Tấm tủi thân khóc. Bụt hiện lên cho Tấm quần áo, khăn, giày, xe ngựa. Tấm đến gặp vua, đánh rơi chiếc hài và may mắn trở thành hoàng hậu.

→ Mâu thuẫn chủ yếu xoay quanh hơn thua về vật chất và tinh thần. Tấm bị mẹ con Cám cướp đoạt trắng trợn công sức lao động, phần thưởng, niềm vui tinh thần. Tấm luôn thụ động, không tự giải quyết được mâu thuẫn mà phải nhờ vào Bụt.

⇒ Tấm nhờ chăm chỉ, lương thiện mà được Bụt giúp đỡ, từ cô gái mồ côi nghèo trở thành hoàng hậu. Con đường tìm đến hạnh phúc của Tấm dù có nhiều khó khăn, trắc trở nhưng cuối cùng, Tấm đã tìm được hạnh phúc cho bản thân mình. Đó cũng là con đường đến với hạnh phúc của các nhân vật lương thiện trong truyện cổ tích Việt Nam nói chung, truyện cổ tích thế giới nói riêng.

2. Con đường đấu tranh giành lấy hạnh phúc của Tấm

- Ngày giỗ bố, Tấm về nhà trèo lên cây cau, gì ghẻ chặt gốc cây, Tấm chết hóa thành chim vàng anh. Cám được đưa vào cung thay Tấm.

- Chim vàng anh bay vào cung, báo hiệu sự có mặt của mình bằng lời cảnh cáo đanh thép: “Giặt áo chồng tao/ thì giặt cho sạch/ phơi áo chồng tao/phơi lao phơi sào/ chớ phơi bờ rào/ rách áo chồng tao”, hai mẹ con Cám bắt chim vàng anh, ăn thịt.

- Tấm tiếp tục hóa thân vào cây xoan đào và tuyên chiến trực tiếp với hai mẹ con Cám: “Kẽo cà kẽo kẹt/ lấy tranh chồng chị/ chị khoét mắt ra”. Hai mẹ con Cám đốt khung cửi.

- Từ đống tro tàn, Tấm tiếp tục hóa thân vào quả thị, Tấm trở lại với cuộc đời.

- Tấm hóa thành quả thị, ngày ngày chui ra quét dọn, nấu cơm cho bà hàng nước, sau đó gặp lại nhà vua và trở về làm hoàng hậu. Mẹ con Cám ngỡ ngàng và chết một cách thảm khốc

→ Mâu thuẫn xung đột ngày càng quyết liệt, dữ dội. Tấm luôn trong thế chủ động, đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt. Tấm không còn khóc, không còn Bụt giúp đỡ, những lần hóa thân của Tấm cho thấy sự chiến đấu không khoan nhượng, sức sống mãnh liệt không thể tiêu diệt của cái thiện.

⇒ Tấm từ một cô gái nhu mì, thụ động ngày càng trở nên chủ động đấu tranh để giữ hạnh phúc của mình. Sự chiến thắng của Tấm là sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác.

3. Hành động trả thù của Tấm

- Tấm trở về cung, trở lại làm hoàng hậu, ngày càng trở nên xinh đẹp.

- Cám muốn xinh đẹp như chị, Tấm chỉ cách cho Cám, bảo Cám xuống hố sâu rồi dội nước sôi vào hố. Mụ gì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết.

⇒ Hành động trả thù của Tấm là đích đáng, phù hợp với quá trình đấu tranh của Tấm, vì mẹ con cám đã nhiều lần hại Tấm hòng tiêu diệt Tấm đến cùng, không cho Tấm con đường sống. Tấm phải trả thù thì mới có thể tồn tại. Mặt khác, hành động trả thù của Tấm phù hợp với quan niệm của nhân dân về sự chiến thắng cuối cùng của cái thiện với cái ác bởi mâu thuẫn của Tấm và mẹ con Cám không còn là mâu thuẫn gia đình mà là mâu thuẫn xã hội, là mâu thuẫn giữa thiện và ác, giữa người bóc lột và người bị bóc lột. Tấm trả thù là để đòi lại quyền sống, quyền làm người.

4. Nghệ thuật

- Cốt truyện li kì, hấp dẫn với những mâu thuẫn, xung đột ngày càng quyết liệt.

- Xây dựng nhân vật theo hai tuyến đối lập.

- Sử dụng các yếu tố, chi tiết tưởng tượng kì ảo

III. Kết bài

- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện cổ tích Tấm Cám

- Mở rộng vấn đề: Tấm Cám nằm trang kiểu chuyện dân gian quen thuộc, phổ biến ở nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới, song Tấm Cám là câu chuyện đậm chất Việt Nam.

Tài liệu liên quan đến bài Tấm Cám

Văn mẫu lớp 10: Đóng vai Cám và kể lại câu chuyện Tấm Cám

Văn mẫu lớp 10: Kể lại truyện Tấm Cám theo lời của nhân vật Tấm

Văn mẫu lớp 10: Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay

Giáo án Ngữ văn 10 tuần 7: Tấm Cám

Trắc nghiệm Ngữ văn lớp 10: Bài - Tấm Cám

Lời bài hát: Bống Bống Bang Bang

Chia sẻ, đánh giá bài viết
12
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Tác giả - Tác phẩm Ngữ Văn 10

    Xem thêm