Thuyết minh về cây chè

Thuyết minh về cây chè - Ngữ văn lớp 9

Thuyết minh về cây chè cho các bạn học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các bạn học sinh cùng tham khảo.

Nội dung trong bài

Dàn ý thuyết minh về cây chè

Bài tham khảo 1 Thuyết minh về cây chè

Bài tham khảo 2 Thuyết minh về cây chè

Bài tham khảo 1 Thuyết minh về cây chè

Chè xanh là một loại cây rất gần gũi trong đời sống con người. Đã từ lâu lắm rồi, nước chè trở thành một phần không thể thiếu trong những cuộc trò chuyện của người Việt, trở thành một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc ta.

Nhiều nhà khoa học cho rằng cây chè có nguồn gốc từ vùng Đông Á và Đông Nam Á. Còn theo truyền thuyết, người đầu tiên phát hiện ra cây trà là vua Thần Nông, vào khoảng năm 2730 trước CN. Cây chè đã được khám phá và phát triển từ đó. Về sau, các tu sĩ Phật giáo trong quá trình truyền giáo đã đem cây chè sang Ấn Độ và Nhật Bản. Dần dần, các thương gia đã đưa trà sang châu Âu và hình thành "văn hóa trà" trên khắp thế giới, mang nét đặc thù của từng dân tộc.

Cây chè chỉ có một thân chính, từ thân chính đó phân ra các cành nhánh. Người ta chia thân chè ra làm 3 loại: thân gỗ, thân nhỡ và thân bụi. Thân và cành chè tạo nên khung tán của cây chè. Trên cây chè có hai loại mầm: mầm sinh dưỡng và mầm sinh thực, mầm sinh dưỡng phát triển thành cành lá, mầm sinh thực phát triển thành nụ hoa và quả. Búp chè là đoạn non của một cành chè, gồm có tôm và hai hoặc ba lá non. Lá chè mọc cách trên cành, mỗi đốt có một lá, gân lá nổi lên rất rõ. Lá chè lúc mới mọc có màu xanh non, khi già hơn thì có màu xanh đậm. Rễ chè thuộc họ rễ cọc.

Chè là loại cây có rất nhiều công dụng. Chè thường được hái vào lúc sáng sớm, cả lá chè tươi hoặc xao khô đều có thể làm nước uống rất tốt. Uống chè giúp kích khích hệ thần kinh, giảm buồn ngủ, mát tim bổ phổi nên được rất nhiều người ưa chuộng. Ngoài ra, chè còn rất hữu dụng trong việc làm giảm bệnh ung thư, huyết áp, làm đẹp da, giảm stress. Trà là thủ tục trong nhiều nghi lễ truyền thống, trà đạo là nét đẹp văn hóa ở nhiều quốc gia. Chè cũng là một mặt hàng xuất khẩu rất có giá trị. Tuy nhiên, cũng có một số lưu ý khi uống trà. Người cao tuổi chỉ nên uống trà ở mức độ vừa phải. Người ăn chay và người gầy không nên thường xuyên uống trà. Đặc biệt, chúng ta không nên uống trà lúc đói. Với những người thần kinh nhạy cảm, khó ngủ thì không nên uống trà vào buổi tối, vì chất cafein trong chè xanh sẽ gây kích thích làm mất ngủ.

Chè thường được trồng ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Khí hậu ẩm ướt và nhiều nắng ấm là hai yếu tố chính. Chè đặc biệt phù hợp với loại đất tốt, sâu chua và thóa nước nên hay được trồng nhiều ở những vùng trung du hoặc miền núi. Một số nơi trồng chè nổi tiếng ở nước ta như: Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Đà Lạt (Lâm Đồng), Pleiku (Gia Lai)... Những vùng này là nơi trồng chè cho năng suất cao trong cả nước, không những thế, nó còn thu hút khách du lịch đến thăm quan, chụp ảnh vì cảnh thiên nhiên đẹp và hùng vĩ.

Mùa hè là thời điểm tốt và thuận lợi để cây chè sinh trưởng và phát triển. Đây cũng là thời điểm cây chè ra búp nhiều nhất, vì vậy cần thu hái kịp thời cho đúng thời vụ, nếu không chè sẽ bị quá lứa dẫn đến giảm chất lượng. Chè thường được thu hoạch vào sáng sớm, lúc này, những tia nắng mặt trời mới bắt đầu ló rạng, những búp chè còn đọng nguyên sương đêm trong lành, tinh khiết của đất trời. Những đồi chè trải dài bát ngát đến tận chân trời còn tạo cảm hứng cho rất nhiều nhà văn, nhà thơ, đi vào thơ ca nhạc họa.

Cây chè đã có nguồn gốc từ lâu đời và sẽ còn nguyên giá trị dù hôm nay hay mai sau. Chè sẽ mãi đóng một vị trí đặc biệt trong cuộc sống tinh thần của người Việt.

Bài tham khảo 2 Thuyết minh về cây chè

“Chắt chiu vị ngọt cho đời

Từ hương của đất bao người say mê.

Chè xanh ngan ngát đồng quê

Bàn tay em hái đem về vò, sao.”

Màu lá xanh, mùi ngan ngát ấy là màu, là hương của chè xanh. Đi dọc địa hình đất nước, ta bắt gặp những cánh rừng bạt ngàn, những đồng lúa chín ngát, những vườn cây um tùm tốt tươi, và ta còn thấy những rừng chè phủ xanh đồi núi.

Cây chè, hay cây trà là loài cây có xuất xứ từ Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á. Cho đến ngày nay, cây chè đã trở nên phổ biến và được trồng trọt ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt. Ở Việt Nam, Tân Cương Thái Nguyên, Mộc Châu Sơn La, Đà Lạt Lâm Đồng,… là những vùng trồng nhiều chè nổi tiếng và cho năng suất chè cao nhất trong cả nước.

Cây chè có một thân chính, có thể là thân gỗ, thân bán gỗ hoặc thân bụi. Từ thân, nhiều cành nhỏ khác mọc ra tạo thành tán chè. Mầm chè có hai loại là sinh dưỡng và sinh thực, mầm sinh dưỡng thì cho cành và lá, mầm sinh thực cho quả và hoa. Chè là cây có rễ cọc ăn sâu xuống lòng đất, hút nước và muối khoáng để nuôi lớn cây. Lá chè thuôn theo hình bầu dục nhọn hai đầu. Khi còn non, lá có màu xanh lục nhạt, đây là thời kì lá chè được thu hoạch để sản xuất. Khi về già, lá ngả sang màu xanh thẫm. Chè thường được trồng ở trên độ cao khoảng một nghìn năm trăm mét bởi ở độ cao này, chè phát triển chậm, tích được nhiều hương vị của nắng, gió và không khí của vùng núi cao mát lành. Vì vậy nên mới có những đồi chè xanh tốt, những rừng chè phủ xanh từng ngọn núi.

Chè có giá trị nhất là ở lá non. Quy trình chế biến ra chè khô thường có bảy bước. Đầu tiên là hái chè. Một năm có ba vụ chè, là vụ xuân vào tháng ba tháng bốn, vụ hè thu vào tháng năm đến tháng chín, vụ thu đông từ tháng mười đến tháng mười hai. Lá chè được hái sau đó được phơi mỏng để cho khô sương và thoát hết khí ẩm ở lá trong quá trình vận chuyển, giai đoạn này gọi là làm héo chè. Tiếp theo, chè sẽ được cho vào tôn quay, gọi là ốp chè-dệt men chè. Sau đó, chè được loại bỏ những phần bị nát vụn và rồi tiến hành vò chè. Bước tiếp là làm khô chè trong tôn quay, sau đó chè được đổ ra nong nia cho lên hương. Giai đoạn cuối cùng là đóng gói và đưa chè ra thị trường tiêu thụ. Chè thường được làm thủ công bởi bàn tay con người với sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc hiện đại.

Chè xanh là loại cây quen thuộc và nó cũng là tên của thức uống vô cùng phổ biến tại Việt Nam. Trong các phiên chợ, nhiều khi ta cũng bắt gặp những người bán lá chè tươi, bán thành từng cành để người mua về tự hãm. Trong các gia đình của Việt Nam, cũng không khó để xin một cốc chè xanh. Thường thì người ta sử dụng chè khô thay cho chè tươi bởi dễ pha hơn và được bán rộng rãi hơn. Lá chè cũng là một loại thuốc Đông y hỗ trợ điều trị các bệnh như hen suyễn, bệnh tim mạch vành, nhiệt miệng, … Trà xanh là loại nước uống có rất nhiều công dụng, góp phần ngăn ngừa bệnh ung thư, diệt khuẩn và là loại nước được các chị em yêu thức là công dụng làm đẹp da và hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều chè thì có thể dẫn đến nhiều căn bệnh, gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể người sử dụng như mất ngủ, khó tiêu, uống chè cùng với thuốc có thể gây rối loạn tiêu hóa, … Những đồi bạt ngàn cây chè xanh còn là điểm thăm quan của nhiều du khách từ mọi miền, là những điểm du lịch tự nhiên hút khách, được nhiều người chọn làm nơi chụp ảnh kỉ niệm. Cây chè cũng là cây đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho quốc gia bởi giá trị xuất khẩu và tiềm năng phát triển của chúng, đặc biệt là chè búp Tân Cương, Thái Nguyên rất nổi tiếng bởi hương vị độc đáo, đáp ứng nhu cầu thưởng trà của nhiều người.

Chè là loại cây rất phổ biến nhưng cũng rất độc đáo, là hình ảnh đặc trưng cho vùng núi đồi xa xôi Việt Nam. Không chỉ là thức uống mà chè còn có nhiều giá trị đời sống khác, là nét phác hoạ không thể thiếu trong bức tranh đất nước trời Nam.

Mời các bạn tham khảo bài văn thuyết minh dưới đây

Thuyết minh về di tích lịch sử Bến Nhà Rồng

Ngữ văn lớp 9: Thuyết minh về Dinh Độc Lập

Ngữ văn lớp 9: Thuyết minh về con chó nhà em

Đánh giá bài viết
12 5.805
Sắp xếp theo

    Soạn Văn 9 - Văn 9

    Xem thêm