Thuyết minh về Biển Hồ
Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Biển Hồ
Văn mẫu lớp 9: Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Biển Hồ được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay lớp 9 cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Tài liệu giúp các em nắm được các ý chính cần triển khai trong bài, từ đó học tốt Văn 9 hơn.
Dàn ý Thuyết minh về Biển Hồ mẫu 1
* Mở bài:
– Giới thiệu danh lam thắng cảnh Biển Hồ.
– Biển Hồ được ví là “lá phổi xanh”, “viên ngọc quý” cung cấp nước sạch cho thành phố Pleiku. Biển Hồ cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, khám phá.
* Thân bài:
a) Giới thiệu khái quát:
– Vị trí địa lí, địa chỉ: Biển Hồ là hồ nước ngọt tự nhiên nằm ở xã Biển Hồ, cách thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, 7 km về phía Tây Bắc, trên độ cao khoảng 800 mét so với mực nước biển.
– Diện tích: Biển Hồ gồm 2 hồ nước thông nhau, được bao bọc bởi rừng thông, núi non xanh biếc tạo thành bức tranh thủy mạc lung linh, huyền ảo. Ở giữa Biển Hồ có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ giúp cho khách tham quan ngắm được toàn cảnh Biển Hồ. Biển Hồ có hình dạng giống bầu dục, độ sâu thấp nhất của nó là 12m và có thể lên tới 19m. Tuy nhiên, con số này thay đổi khi mỗi lần đo lại, có thể dao động từ 15 đến 18m. Diện tích biển Hồ rộng khoảng 228 ha, nhưng sau mỗi trận mưa lớn, nó có thể mở rộng lên gần 400 ha.
– Phương tiện di chuyển đến đó: Biển hồ gần quốc lộ 14 và quốc lộ 19 nên rất thuận tiện cho khách đến tham quan đi bằng xe
– Khung cảnh xung quanh: Với những rừng thông xanh rỉ rào đẹp như tranh vẽ, những ngọn núi cao sừng sững chứa đựng biết bao nhiêu điều kì bí của đại ngàn, những di vật, những trầm tích minh chứng cho một nền văn minh lâu đời. Từ những cảnh đẹp mơ màng bao trùm khung cảnh nơi đây đến sự bình yên của một hồ nước rộng lớn đã chinh phục lòng người khiến nhiều du khách xao xuyến, kích động trước vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng.
b) Giới thiệu về lịch sử hình thành:
– Thời gian xây dựng, nguồn gốc hình thành:
+ Đây là dấu tích của một miệng núi lửa đã tắt từ lâu, Biển Hồ có diện tích mặt nước khoảng 240 ha, với sức chứa khoảng 23 triệu m3 nước, là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho toàn thành phố Pleiku. Dưới góc nhìn di sản, Biển Hồ gắn với các giá trị tiêu biểu từ những huyền tích kỳ bí đến những giá trị khảo cổ học, cảnh quan, địa mạo và những đặc trưng văn hóa trong cuộc sống của cộng đồng dân cư tại chỗ.
+Từ năm 2018, UBND thành phố Pleiku đã bàn giao Khu Di tích lịch sử-văn hóa Biển Hồ cho đơn vị quản lý là Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Pleiku. Ngày 30/11/2018, tỉnh Gia Lai cho tái phục chế lại tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá cẩm thạch trắng, cao 15m. Biển Hồ trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh sinh thái do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Pleiku quản lý. Từ khi có thêm tượng phật Quán Thế Âm được phục chế, lượng du khách đổ về tham quan Biển Hồ nhiều hơn vì nó còn liên quan đến vấn đề tâm linh của người dân.
– Ý nghĩa tên gọi hoặc tên gọi khác: Biển Hồ, hay còn gọi là hồ T’Nưng, nằm tại thành phố Pleiku, Gia Lai, thực chất là miệng của một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động hàng trăm triệu năm trước.
–Câu chuyện liên quan đến Biển Hồ: Truyện kể về một làng người Jrai Hdrung vào một năm bị hạn hán khắp vùng, trâu, bò bị dịch bệnh chết hết, họ đành sai người bắt con nai trong rừng thay cho trâu, bò làm vật hiến sinh trong lễ cúng yàng: “Kết thúc lễ cúng, mỗi người được chia một phần thịt và bắt đầu ăn uống. Vừa lúc ấy, mặt đất rung chuyển, một trận động đất lớn lầm cho đất sụp xuống, nước dâng lên chôn vùi cả làng. Từ đó người Jrai không dám làm thịt thú rừng để cúng nữa”.
Hoặc xoay quanh câu chuyện yă Chao nuôi con lợn trắng và việc phá vỡ lời thề của yă Chao “Nếu tôi ăn thịt này thì đất sẽ động, Ia Nueng sẽ sụp lở”. Khi lũ làng mổ lợn trắng mừng nhà rông mới và mang thịt chia cho các bếp, “vì quá thương cháu, bà đành lấy một miếng thịt nhỏ nướng cho nó ăn. Do yă Chao không giữ đúng lời thề nên ông trời nổi giận, trong chốc lát bỗng nhiên trời đất, núi rừng rung chuyển, Ia Nueng sụp xuống biến thành hồ…”.
Cũng có chuyện kể rằng Tơ Nưng là tên 1 làng cổ trong huyền thoại, dân làng sống yên vui, hòa thuận lâu đời thì bỗng môt hôm ngọn núi lửa ập đến vùi lấp làng, những người còn sống khóc thương nước mắt chảy thành suối các suối đổ về thành hồ.
c) Giới thiệu về kiến trúc, cảnh vật
– Cấu trúc khi nhìn từ xa: Với diện tích mặt nước khoảng 230ha và độ sâu trung bình lên đến 19m, du khách khi tới đây có thể dễ dàng chứng kiến vẻ đẹp mênh mông và sự rộng lớn của mặt hồ tuyệt vời này, một cảnh tượng thật sự tuyệt vời khiến trái tim không ít người cảm thấy xúc động với hành trình thú vị này.
– Chi tiết:
+ Nhờ vị trí thuận lợi và hệ thống giao thông phát triển, nơi này rất thuận tiện cho du khách thăm quan. Vẻ đẹp độc đáo và sức hút mạnh mẽ tại đây sẽ mang lại cho người chiêm ngưỡng cảm giác bình yên và khó phai đi.
+ Với hình thái hình bầu dục và vai trò quan trọng, nguồn nước từ hồ này cung cấp cho toàn bộ Pleiku và phục vụ tưới tiêu cây công nghiệp tại đây. Điều này khiến cho nhiều người trân trọng và yêu quý Biển Hồ Gia Lai hơn, đánh giá cao giá trị mà nơi này mang lại.
+ Bao bọc xung quanh biển hồ là hàng ngàn những hàng cây phủ sắc xanh lục trên nền biển xanh dương. Con đường nhỏ hẹp nằm ở giữa chia biển hồ thành hai nửa, vô cùng bằng phẳng. Hai bên đường là hàng cây cao, càng đi về phía trước con đường dần thu nhỏ lại.
d) Ý nghĩa về lịch sử, văn hóa của danh lam thắng cảnh đó đối với:
– Địa phương: Biển Hồ Gia Lai mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho địa phương qua những lượt khách đổ về bởi sự thu hút hấp dẫn của cảnh sắc nơi đây hay qua việc bán cá hoặc tạo các loại hình câu cá cho du khách cũng như người dân bản địa, cung cấp nguồn lợi thực phẩm, hải sản cho những người dân bản địa đông thời là nguồn cấp nước chủ yếu cho người dân thành phố Pleiku.
– Đất nước: Từ khi có thêm tượng phật Quán Thế Âm được phục chế, lượng du khách đổ về tham quan Biển Hồ nhiều hơn vì nó còn liên quan đến vấn đề tâm linh của người dân. Mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách đến đây tham quan, ngắm cảnh và chiêm ngưỡng tượng phật. Mỗi mùa Biển Hồ lại có một điểm thú vị khác nhau. Mùa khô nước vơi, để lộ những dải đất bazan màu mỡ, nơi nhiều loài chim quý đến kiếm ăn. Mùa mưa nước dâng cao, tạo sóng lớn vỗ bờ như sóng biển. Dịp Tết Nguyên Đán là thời điểm đẹp nhất trong năm để ngắm Biển Hồ.
Kết bài
– Chiều xuống, hoàng hôn trên Biển Hồ cũng là điểm níu chân du khách bởi ánh mặt trời xuyên qua các tán thông tạo khung cảnh lãng mạn, khó quên của núi rừng Tây Nguyên. Biển Hồ là hồ tự nhiên, hoang sơ và thơ mộng, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, được đánh giá là hồ tự nhiên đẹp nhất ở Tây Nguyên.
Dàn ý Thuyết minh về Biển Hồ mẫu 2
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào danh lam thắng cảnh cần thuyết minh: Biển Hồ ở Gia Lai.
2. Thân bài
a. Khái quát chung
Biển Hồ là hồ nước ngọt tự nhiên nằm ở xã Biển Hồ, cách thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, 7 km về phía Tây Bắc, trên độ cao khoảng 800 mét so với mực nước biển.
Biển Hồ thực chất là miệng của một ngọn núi lửa nhưng đã ngưng hoạt động hàng trăm triệu năm, tuy nhiên theo dân gian biển Hồ lại gắn liền với một câu chuyện buồn bi thương ở đất Gia Lai.
Biển Hồ gồm 2 hồ nước thông nhau, được bao bọc bởi rừng thông, núi non xanh biếc tạo thành bức tranh thủy mạc lung linh, huyền ảo.
b. Thuyết minh chi tiết
Hình dạng của biển Hồ khá giống hình bầu dục, mực nước biển hồ thấp nhất là 12m, cao nhất có thể lên tới 19m.
Bao bọc xung quanh biển hồ là hàng ngàn những hàng cây phủ sắc xanh lục trên nền biển xanh dương.
Con đường nhỏ hẹp nằm ở giữa chia biển hồ thành hai nửa, vô cùng bằng phẳng. Hai bên đường là hàng cây cao, càng đi về phía trước con đường dần thu nhỏ lại.
Biển Hồ Gia Lai mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho địa phương qua những lượt khách đổ về bởi sự thu hút hấp dẫn của cảnh sắc nơi đây hay qua việc bán cá hoặc tạo các loại hình câu cá cho du khách cũng như người dân bản địa, cung cấp nguồn lợi thực phẩm, hải sản cho những người dân bản địa đông thời là nguồn cấp nước chủ yếu cho người dân thành phố Pleiku.
3. Kết bài
Khái quát lại giá trị, ý nghĩa của Biển Hồ đối với người dân Gia Lai nói riêng và Việt Nam nói chung.
Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Biển Hồ mẫu 1
Mỗi khi nhắc đến du lịch Gia Lai, người ta thường nghĩ ngay đến “Đôi mắt Pleiku-Biển Hồ đầy”. Biển Hồ còn được người bản địa gọi là Ia Nueng hoặc hồ T’nưng là một hồ nước ngọt nằm cách thành phố Pleiku 7 km về phía Tây Bắc, có độ cao khoảng 800 mét so với mực nước biển. Nguồn nước Biển Hồ được gìn giữ vệ sinh nghiêm ngặt, vì đây là hồ nước ngọt cung cấp nước cho thành phố Pleiku.
Biển Hồ gồm 2 hồ chứa nước thông nhau, rộng gần 300 ha, nước trong xanh màu ngọc bích, nằm giữa một vùng núi cao, có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ tạo cho khách tham quan có thể nhìn được toàn cảnh Biển Hồ. Con đường xuống Biển Hồ uốn lượn đẹp như tranh vẽ, hai bên ngút ngàn thông xanh mát mắt. Nơi cuối đường là các bậc tam cấp bằng đá dẫn khách tham quan chiêm ngưỡng sự thơ mộng của Biển Hồ. Nơi đây trước kia là đài vọng để du khách ngắm Biển Hồ.
Ngày 30/11/2018, tỉnh Gia Lai cho tái phục chế lại tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá cẩm thạch trắng, cao 15m. Biển Hồ trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh sinh thái do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Pleiku quản lý. Ông Nguyễn Xuân Ánh, người trông coi khu tượng phật Quán Thế Âm Bồ Tát trong khuôn viên Biển Hồ, cho biết: Trước đây, Biển Hồ đã có nhiều khách du lịch ghé thăm.
Từ khi có thêm tượng phật Quán Thế Âm được phục chế, lượng du khách đổ về tham quan Biển Hồ nhiều hơn vì nó còn liên quan đến vấn đề tâm linh của người dân. Mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách đến đây tham quan, ngắm cảnh và chiêm ngưỡng tượng phật. Mỗi mùa Biển Hồ lại có một điểm thú vị khác nhau. Mùa khô nước vơi, để lộ những dải đất bazan màu mỡ, nơi nhiều loài chim quý đến kiếm ăn. Mùa mưa nước dâng cao, tạo sóng lớn vỗ bờ như sóng biển. Dịp Tết Nguyên Đán là thời điểm đẹp nhất trong năm để ngắm Biển Hồ.
Chiều xuống, hoàng hôn trên Biển Hồ cũng là điểm níu chân du khách bởi ánh mặt trời xuyên qua các tán thông tạo khung cảnh lãng mạn, khó quên của núi rừng Tây Nguyên. Biển Hồ là hồ tự nhiên, hoang sơ và thơ mộng, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, được đánh giá là hồ tự nhiên đẹp nhất ở Tây Nguyên.
Thuyết minh về Biển Hồ mẫu 2
Con đường dẫn xuống hồ đẹp như tranh, hai bên là những rặng thông xanh ngắt. Cuối con đường, leo lên các bậc tam cấp bằng đá, du khách sẽ đặt chân vào ngôi nhà lồng rất thơ mộng được xây trên một đồi cao ăn ra lòng hồ. Nước hồ quanh năm đầy ắp, xanh trong có thể nhìn rõ từng đàn cá bơi lội dưới nước. Hồ có độ sâu từ 20 đến 40m. Ðây là vựa cá, hàng năm cung cấp cho Pleiku hàng trăm tấn cá. Những chiếc thuyền độc mộc lướt trên mặt hồ thật êm ả.
Phong cảnh xung quanh hồ thật ngoạn mục, từ những cây cối và các loài hoa khoe sắc ven hồ, ong bướm dập dìu tiếng hót của các loài chim lảnh lót mỗi buổi sớm mai. Kế đó là những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi uốn lượn trập trùng... Những chiếc thuyền độc mộc lướt trên mặt nước.
Giữa mùa nắng nóng oi nồng mà ở đây rất dễ chịu: không khí trong lành và mát rượi. Đứng trước hồ nước mênh mông không khỏi nhớ đến câu thơ “Ngọn gió nóng qua sông thành ngọn gió mát”. Quả thực, biển hồ đã hấp thụ những cơn gió nóng nực để đem đến cho vùng đất cao nguyên bao la những cơn gió mát lành. Đây không chỉ là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước cho cây trồng và vật nuôi cho một vùng rộng lớn mà còn cung cấp cho dân trong vùng hàng trăm tấn cá, tôm…mỗi năm. Nguồn lợi tự nhiên mà biển hồ mang lại vô cùng to lớn và quan trọng, nhất là đối với vùng cao nguyên ở độ cao gần ngàn mét so với mặt biển và hiếm nước. biển hồ với nhiều góc độ nổi lên như một viên ngọc bích giữa mênh mông đất đỏ Tây Nguyên.
Biển hồ gần quốc lộ 14 và quốc lộ 19 nên rất thuận tiện cho khách đến tham quan. Đứng bên hồ, du khách có thể phóng tầm mắt để nhìn bao quát cả một vùng: đây là những quả đồi đất đỏ badan, những đồi chè, những đồi cà phê trĩu quả. Kia là thành phố Pleiku - phố núi cao, phố núi đầy sương. Xa xa là những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi uốn lượn trập trùng. Du khách còn gặp ở đây những ngôi nhà rông cao vút.
Trong vòng bán kính 6km về hướng nam là núi Hàm Rồng. Hàm Rồng là dương, dương từ khí núi, hiên ngang như tấm bình phong chắn gió. Ngược lại, biển hồ cũng là miệng một núi lửa nhưng khác là âm sâu xuống lòng đất. Các nhà khảo cổ học đã thám sát, thăm dò và khai mở trang sử từ lòng đất này cho chúng ta biết về văn hóa biển hồ - nền văn hóa đặc sắc thời tiền sử…
Biển hồ Tơ Nưng được ví như hạt ngọc của Pleiku, của cả Tây Nguyên và là một điểm du lịch quan trọng của tỉnh.
Thuyết minh về Biển Hồ mẫu 3
Con đường với hai hàng thông ba lá cổ thụ dẫn vào Biển Hồ (còn gọi là hồ Tơ Nưng) như thơ mộng hơn vào tiết cuối thu. Trời se lạnh. Mặt hồ xanh trong màu ngọc bích, phẳng như một tấm gương không tì vết. Điểm xuyết trong màu xanh bạt ngàn của rừng thông ven hồ là những thảm hoa dã quỳ khoe sắc vàng rực rỡ, in bóng lung linh xuống mặt nước.
Trong khung cảnh lung linh ấy còn gì tuyệt hơn trên chiếc thuyền độc mộc đi một vòng quanh hồ, đưa máy lên chộp ngay những khoảnh khắc thiên nhiên không dễ bắt gặp lần thứ hai giữa biển nước bao quanh là trùng trùng núi cao.
Đêm xuống bên ánh lửa bập bùng, vừa nếm ngụm rượu cần ở làng Brel, nghe già làng kể những truyền thuyết huyền bí về Biển Hồ, đối với người trai đất Bắc như tôi điều gì còn có thể tuyệt hơn. Có nhiều phiên bản được truyền miệng về Biển Hồ, nhưng câu chuyện của già làng Brel nghe buồn man mác.
Đó là câu chuyện Biển Hồ từng là buôn làng sầm uất với những dòng suối trong veo. Ngày ngày tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã khắp núi rừng. Rồi một năm nọ, trâu bò cả làng đều chết. Dân làng cho là Giàng (Trời) ghét bỏ nên cùng tộc trưởng vào rừng săn bắt nai đem về làm lễ cúng.
Lễ xong, mọi người đang vui say bỗng mặt đất rung chuyển mạnh làm sụp đổ cả làng xuống vực sâu, nước tràn mênh mông, không một ai sống sót. Riêng có vợ chồng Mạc Mây đi thăm bà con ở xa nên tránh được tai nạn thảm khốc. Họ xem hồ Tơ Nưng là chứng tích của một sự kiện bi thảm khó quên được.
Bỏ qua câu chuyện bi thảm kia để đến với những đồi chè trải dài tít tắp không kém gì cao nguyên Mộc Châu hay những vườn cà phê trĩu quả mới cảm nhận được sự trù phú của vùng đất đỏ bazan này. Ở đây có hàng thông cổ thụ lãng mạn mà nhạc sĩ Nguyễn Cường đã mô tả hàng thông xanh trong đôi mắt em trong bài hát nổi tiếng Đôi mắt Pleiku. Con đường thông sâu hun hút với những thân cây xù xì dẫn lối vào những đồi chè xanh mướt thật sự là không gian lý tưởng cho những chuyến du ngoạn ngắn ngày.
Về đây mới biết không chỉ Buôn Ma Thuột mới có cà phê ngon. Cà phê ở đây cũng là đặc sản. Mùa này về Gia Lai đang là những ngày cuối thu hoạch cà phê, du khách có thể xin phép chủ vườn tham quan, trải nghiệm một ngày lao động với những người hái thuê cà phê tứ xứ. Sau đó chắc chắn bạn sẽ được nhâm nhi ly cà phê đậm đặc nguyên chất, có vị đắng xen lẫn vị chua thanh quyến rũ ở cuống họng…
Rời Biển Hồ, rời Pleiku mà câu hát của Nguyễn Cường vẫn bên tai: “Em đẹp thế Pleiku ơi...”, và một câu hỏi nữa cũng cứ lởn vởn: “Sao có quá ít du khách về đây thế?
Thuyết minh về danh lam thắng cảnh Biển Hồ mẫu 4
Việt Nam ta luôn được thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho nhiều món quà của tạo hóa. Những con sông, vịnh, biển lớn dưới bàn tay của tạo hóa mà mang những nét đẹp riêng biệt, thơ mộng mà trữ tình nên thơ như vịnh Hạ Long, Tràng An,……
Trong số đó phải kể đến một vẻ đẹp thiên nhiên giữa lòng miền Trung là biển hồ Gia Lai. Biển Hồ hay còn gọi là hồ T’Nưng, nằm trên địa bàn thành phố Pleiku, Gia Lai, tuy được gọi là biển nhưng nơi đây lại là môi trường nước ngọt, được công nhận là di tích danh thắng của Việt Nam. Được biết, biển Hồ thực chất là miệng của một ngọn núi lửa nhưng đã ngưng hoạt động hàng trăm triệu năm, tuy nhiên theo dân gian biển Hồ lại gắn liền với một câu chuyện buồn bi thương ở đất Gia Lai.
Chuyện kể rằng trước kia biển Hồ là một vùng đất có buôn làng sinh sống, đông đúc tuy nhiên khi họ đang ăn uống linh đình sau khi làm lễ cầu thần Giàng phù hộ cho dân làng thì gặp động đất, sụt lở mạnh, nước tràn về khiến cả dân làng chìm trong biển nước, chỉ có một cặp vợ chồng may mắn thoát được, cảnh báo tình trạng buôn làng mình với người dân khu vực xung quanh. Từ một buôn làng sầm uất sau sự việc ấy mà trở nên vắng lặng đến lạ thường, có lẽ vì thế mà cảnh vật biển hồ có gì đó man mác buồn, sâu thẳm.
Hình dạng của biển Hồ khá giống hình bầu dục, mực nước biển hồ thấp nhất là 12m, cao nhất có thể lên tới 19m. Tuy nhiên con số này không cố định khi mỗi lần đo lại cho ra những con số khác nhau như 15 – 18m, rộng 228 ha nhưng nơi đây sau các trận mưa lớn có thể rộng tới gần 400 ha.
Bao bọc xung quanh biển hồ là hàng ngàn những hàng cây phủ sắc xanh lục trên nền biển xanh dương, thêm những tia nắng chiều tà thì quanh cảnh biển hồ hiện lên càng thơ mộng, trữ tình mà lãng mạn hơn.
Con đường nhỏ hẹp nằm ở giữa chia biển hồ thành hai nửa, vô cùng bằng phẳng hai bên đường là hàng cây cao, càng đi về phía trước con đường dần thu nhỏ lại, ở phía cuối có một điểm dừng chân, đưa tầm mắt của du khách chiêm ngưỡng đầy đủ cảnh sắc nơi đây.
Với làn nước xanh biếc mềm mại nhịp nhàng cùng những vùng cây xanh lúc gần lúc xa,in bóng xuống mặt nước tận hưởng bầu không khí man mát dịu nhẹ, thả lỏng tâm hồn hòa vào cái nhẹ nhàng, trầm lắng mà nên thơ của biển hồ.
Đặc biệt, cũng như các vùng biển khác, màu nước biển ở đây được thay đổi theo từng buổi, nhưng thực chất nước biển hồ không có màu vì thế khi có hay không khúc xạ ánh sáng mặt trời nơi đây lại mang một màu sắc hài hòa khác biệt.
Vào buổi sáng, nước biển hồ mang theo cái sắc xanh của bầu trời, cái trắng tinh khôi của những đám mây lơ lửng hòa cùng hình ảnh của những rặng cây. Đến buổi trưa, khi mặt trời lên cao, sắc xanh ấy còn phủ thêm nét vàng óng trải dài như một bức tranh thiên nhiên mà người họa sĩ là tạo hóa.
Hoàng hôn xuống, lúc này mặt nước hồ dần có màu xanh thẫm, vương một chút nắng chiều tà yếu ớt, ít ỏi còn sót lại như đang luyến tiếc khi phải chia xa. Khi màn đêm buông xuống, mặt biển hòa vào với bóng tối, khoác chiếc áo màu đen có in hình ánh trăng vàng chóe.
Lúc này, không khí biển hồ trở nên náo nhiệt, tưng bừng với âm thanh của những chú chim, côn trùng, đặc biệt vào mùa hè nơi đây râm ran tiếng hát của những chú ve sầu cả ngày lẫn đêm tạo nên những bản nhạc không lời không tên mà hay đến lạ.
Hệ sinh thái nơi đây rất phong phú đa dạng khi có những loài ở trên không là những loài chim bói cá, kơ túc, cuốc đen, kơ vông, trắc la, chơ rao,…. hay những loài lele, ngỗng trời vừa sống trên cạn, dưới nước hoặc có thể bay trên không như loài ngỗng trời, dưới nước với nhiều loài sinh vật biển nước ngọt cá chép, cá trắm, cá trôi, cá đá, cá niềng, cá chày, rùa, ba ba, lươn,.. Đặc biệt nơi đây nổi tiếng với loài cá chép thân dài và vàng óng quý hiếm không phải ai cũng bắt gặp hoặc câu được loại cá này.
Có thể nói, biển hồ Gia Lai chiếm giữ một vị trí quan trọng với người dân Pleiku nói chung và đất Gia Lai nói riêng về cả đời sống vật chất và tinh thần con người.
Về vật chất, biển hồ Gia Lai mang lại nguồn lợi nhuận cho địa phương qua những lượt khách đổ về bởi sự thu hút hấp dẫn của cảnh sắc nơi đây hay qua việc bán cá hoặc tạo các loại hình câu cá cho du khách cũng như người dân bản địa, cung cấp nguồn lợi thực phẩm, hải sản cho những người dân bản địa đông thời là nguồn cấp nước chủ yếu cho người dân thành phố Pleiku. Với đời sống tinh thần, biển hồ Gia Lai đã gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ người Gia Lai, là mảnh ghép và là điểm đặc sắc không thể thiếu khi nói đến Gia Lai.
Mặc dù vậy, biển hồ Gia Lai vẫn chưa được đầu tư và phát triển nhiều nên lượng khách đến thăm không quá nhiều không cân xứng với một nơi sông nước hữu tình thơ mộng, mang vẻ đẹp rất riêng, độc đáo như vậy.
Nói chung, biển Hồ Gia Lai tổng thể là một bức tranh đa chiều với những đường nét chân thực, và là một bức tranh độc nhất vô nhị, ta không thể bắt gặp được cảnh vật nơi đây ở bất cứ đâu. Trong tương lai, nếu biển Hồ Gia Lai được đầu tư, phát triển phù hợp.
Biển hồ chắc chắn sẽ là một địa điểm du lịch không thể thiếu khi đến Việt Nam, đồng thời khi đến với nơi đây du khách có thể hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa, đời sống sinh hoạt của người dân Gia Lai.