Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Thuyết minh về cảnh đẹp Đà Nẵng

Thuyết minh về cảnh đẹp thành phố Đà Nẵng

VnDoc.com gửi tới các bạn bài văn mẫu thuyết minh về cảnh đẹp ở thành phố Đà Nẵng - thành phố được mệnh danh là đáng sống nhất Việt Nam. Bài viết gồm 3 bài văn mẫu với các địa điểm: Ngũ Hành Sơn, Cầu Rồng, Cầu tình yêu. Hi vọng bài viết sẽ giúp các bạn có thêm tư liệu tham khảo để viết bài văn thuyết minh. Mời bạn đọc cùng tham khảo.

Mẫu số 1 - Ngũ Hành Sơn

Được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, Đà Nẵng không chỉ làm con người say mê bởi khí hậu, ẩm thực, con người mà còn bởi những danh lam thắng cảnh vô cùng đẹp đẽ. Trong đó, nơi được gọi là “Nam Thiên danh thắng” trứ danh - quần thể Ngũ Hành Sơn là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng nhất thành phố này.

Ngũ Hành Sơn là quần thể gồm sáu ngọn núi mọc gần nhau, quy tụ những vẻ đẹp không chỉ từ thiên nhiên mà còn phảng phất tâm linh, mang đến cho du khách tham quan hành trình thật khó quên. Địa chỉ Ngũ Hành Sơn nằm ở số 81 đường Huyền Trân Công chúa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Đây là khu vực có vị trí địa lí hết sức thuận lợi, cách trung tâm thành phố khoảng 8km.

Theo truyền thuyết của người Chăm, thuở xa xưa có một lão ngư sống giữa bãi cát mênh mông bên bờ biển. Một hôm, lão ngư thấy một con giao long rất lớn đến đây đẻ trứng. Bỗng từ đâu một con rùa vàng hiện lên, tự xưng là thần Kim Quy, đào cát vùi quả trứng xuống, rồi giao cho ông lão một cái móng chân của mình, và dạy cách trông coi trứng rồng. Nhờ có móng rùa thần, mà ngư ông đã ngăn chặn được diều hâu và các loài thú dữ đến xâm phạm nơi ấp trứng. Sau đó, quả trứng ngày một lớn dần. Cho đến một hôm, trứng nở ra một thiếu nữ xinh đẹp , và vỏ trứng tách thành năm mảnh, trở thành năm ngọn: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn. Vua Chăm nghe được câu chuyện ấy liền cưới thiếu nữ làm vợ, còn Thần Kim Quy thì chở ông lão lên trời

Mỗi ngọn núi mang một vẻ đẹp riêng biệt về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, hang động, chùa chiền bên trong. Trong các ngọn núi, Thủy Sơn là hòn lớn nhất và cũng kiều diễm nhất. Núi cao 106m, có 3 ngọn ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao (Tam Thai). Đây là nơi tập trung nhiều hang động, chùa chiền nhất. Thượng Thai là ngọn núi cao nhất, nằm ở phía Tây Bắc của Thủy Sơn. Ở tòa này có những công trình kiến trúc đồ sộ như chùa Tam Thai, Tam Tôn, Từ Tâm; khu Hành Cung, Vọng Giang Đài, động Hoa Nghiêm,… Trung Thai thấp hơn một chút, nằm ở phía Nam của Thủy Sơn. Ở đây có những kỳ quan thiên nhiên như Cổng Vân Căn Nguyệt Quật, động Vân Thông, động Thiên Long và động Thiên Phước Địa,… với khung cảnh hết sức huyền bí. Hạ Thai là ngọn núi thấp nhất nằm ở phía Đông của Thủy Sơn, ở đây có chùa Linh Ứng, tháp Xá Lợi, Vọng Hải Đài và động Tàng Chơn,… nhận được nhiều sự chú ý của khách du lịch. Trên Thủy Sơn còn có hai di vật cổ cực kỳ quý báu là tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật nằm ở động Hoa Nghiêm và tấm Kim bài hình quả tim lửa còn lưu giữ bút tích của nhà vua Minh Mạng ban tặng cho chùa Tam Thai.

Kim Sơn ở phía bắc 2 ngọn Hỏa Sơn, phía bắc đường Sư Vạn Hạnh, phía nam ngọn Thổ Sơn. Hình dáng núi trông như một quả chuông úp sấp, nằm giữa Hỏa Sơn và Thổ Sơn, và bên cạnh dòng sông Trường nối dài với sông Hàn. Ngày nay dòng sông Trường đã bị bồi lấp một phần thành đồng ruộng và ao hồ. Nằm tựa lưng vào ngọn núi này là ngôi chùa Quan Âm cổ kính với động Quan Âm huyền bí.

Mộc Sơn nằm ở hướng Đông Nam, nằm song song với núi Thủy Sơn. Tuy cái tên gắn với từ “Mộc” nhưng cây cối ở ngọn núi này không nhiều. Trong lịch sử khi xưa có ghi lại, núi này là một hòn kỳ vĩ, sườn núi dựng đứng, những chồng đá trắng nhỏ nhô lên tua tủa trông rất sống động và oai hùng. Về sau, theo sự biến chuyển của thời gian, sườn núi nơi phía Bắc và phía Nam bị đào xới quá nhiều nên nhìn Mộc Sơn như một bức tranh bị phá hủy, lồi lõm không đồng đều.

Hỏa Sơn nằm ở phía Tây Nam đối diện với hòn Kim Sơn, bên trái đường Sư Vạn Hạnh. Trong lịch sử xưa có ghi chép con sông Cổ Cò chạy dọc theo phía Nam của Hỏa Sơn nhưng ngày nay chỉ còn lại một dải nước nhỏ hẹp.Nhưng dù sao cũng có núi có sông hợp thành bức tranh phong cảnh hữu tình.

Nằm ở phía Tây Bắc, Thổ Sơn là ngọn núi thấp nhất trong Ngũ Hành Sơn nhưng có cũng là ngọn núi dài nhất. Từ xa nhìn lại, Thổ Sơn như con rồng nằm dài trên bãi cát, ngọn núi này có hai tầng lô nhô với những hòn đá trên đỉnh, nhiều nhất là ở sườn phía Đông. Trong những câu chuyện ngày xưa, Thổ Sơn vốn là nơi địa linh nhân kiệt, người Chăm đã chọn nơi đây là đồn trú. Hiện giờ vẫn còn lưu giữ những dấu tích của kiến trúc Chăm pa. Nơi chân núi của Thổ Sơn có ngôi chùa Long Hoa cùng Huệ Quang và một địa đạo nào đó.

Ngoài các dấu ấn văn hoá lịch sử còn in đậm trong các hang động, và trên mỗi công trình chùa, tháp đầu ở các thế kỷ trước, như mộ mẹ tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan (em gái vua Minh Mạng), bút tích sắc phong quốc tự còn lưu giữ tại chùa Tam Thai của triều Nguyễn, v.v;...ở đây còn có các di tích lịch sử đấu tranh của nhân dân Việt như Địa đạo núi đá Chồng, hang Bà Tho, núi Kim Sơn, hang Âm Phủ, v.v....

Ngũ Hành Sơn là quần thể núi non tuyệt đẹp tại Đà thành. Với khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hệ thống hang động huyền bí và những ngôi chùa linh thiêng, danh thắng này đã trở thành nơi để thương để nhớ sâu đậm trong lòng du khách ghé thăm.

Mẫu số 2 - Cầu Rồng Đà Nẵng

Nhắc đến Đà Nẵng có lẽ mọi người đều nghĩ tới hình ảnh cầu Rồng - biểu thượng của thành phố, biểu tượng kiến trúc mới trong thời kì hội nhập. Cây cầu được xây dựng theo kiểu kiến trúc mang hình dạng một con Rồng thời Lý như vươn mình bay ra biển lớn, một ý tưởng vô cùng ý nghĩa thể hiện khát vọng ngày càng phát triển lớn mạnh của thành phố Đà Nẵng và còn tượng trưng cho nghệ thuật kiến trúc mới của Đà Nẵng.

Đúng như tên gọi, cầu Rồng có thiết kế theo hình dạng một con rồng với chiều dài 666m, rộng 37.5m bắc qua sông Hàn. Đây là cây cầu thứ 6 bắc qua dòng sông Hàn, gồm 5 nhịp chính, 3 nhịp dẫn và 6 làn xe chạy, mỗi làn 3.75m cùng 2 làn đường đi bộ. Cây cầu có kết cấu nhịp thép độc đáo nhất từ trước đến nay với hình dáng một con rồng dài 568m, nặng lên đến gần 9.000 tấn. Trong đó, phần đầu rồng dài 18,24m, nặng 194,1 tấn; phần thân rồng dài 530m, nặng 8.405,1 tấn; phần đuôi rồng dài 19,37m, nặng 183,9 tấn; phần vảy rồng 118,9 tấn.Ngoài ra, cây cầu còn được xây dựng khá công phu khi trang bị một hệ thống chiếu sáng gồm tổng cộng 15.000 bóng đèn LED. Cầu Rồng được thông xe lần đầu vào ngày 29 tháng Ba năm 2013 nhân dịp kỉ niệm 38 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Thiết kế của cầu Rồng gắn liền với những bước tiến trong lịch sử của nghệ thuật kiến trúc mới của thành phố Đà Nẵng. Đó là kết quả của một cuộc thi thiết kế giữa những kiến trúc sư có tên tuổi để tìm ra thiết kế đặc biệt nhất cho cây cầu. Hai kiến trúc sư đến từ Mỹ với thiết kế con rồng đang bay đã giành chiến thắng.

Ngoài những ấn tượng về kiến trúc, cầu Rồng Đà Nẵng còn được thiết kế với công năng đặc biệt, đó là có thể phun lửa và phun nước. Vào 9 giờ tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, “Rồng” sẽ phun lửa, phun mưa bằng công nghệ hiện đại, khiến cho sông Hàn thêm phần sống động, thu hút. Lửa sẽ được phun trước với 2 lượt, mỗi lượt 9 lần; và tiếp theo sau là phun nước với 3 lượt, mỗi lượt 1 lần. Để ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của cầu Rồng lúc phun lửa, phun nước, ngoài việc đến đúng giờ chúng ta nên chọn được những vị trí đắc địa nhất. Du khách có thể đứng xem từ trên cầu Rồng bởi trước khi có bàn trình diễn các phương tiện tạm thời bị cấm đi qua cầu. Tuy nhiên, nên đứng xa đầu của cầu vì khi phun nước sẽ dễ bị dính nước. Đường Trần Hưng Đạo, đường Bạch Đằng cũng là những con đường được nhiều người lựa chọn “cắm chân” để ngắm trọn vẹn từng nét đẹp của cầu Rồng khi phun nước, lửa.

Với hình dáng con rồng vươn mình ra biển cùng khả năng phun lửa và nước, cầu Rồng được đánh giá là cây cầu có kiến trúc độc đáo, đẹp, hài hòa với cảnh quan xung quanh, phục vụ đắc lực nhu cầu đi lại và tham quan của nhân dân Đà Nẵng và du khách thập phương, góp phần khẳng định vị thế của thành phố Đà Nẵng là Trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch của thành phố ngày càng phát triển.

Mẫu số 3 - Cầu Tình yêu

Tọa lạc ngay giữa trung tâm, tuy không có lịch sử lâu đời như các cây cầu khác bắc qua sông Hàn, cầu Tình yêu vẫn là điểm đến thu hút du khách, đặc biệt là những cặp đôi trẻ tuổi bởi vẻ đẹp rất mực nên thơ, lãng mạn.

Cầu tình yêu Đà Nẵng nằm ở phía Đông của sông Hàn, đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Cây cầu được hoạt động từ năm 2015, năm giữa cầu Rồng và cầu sông Hàn - vị trí đắc địa, nơi có thể ngắm nhìn rất nhiều phong cảnh đẹp và nổi tiếng của thành phố.

Lấy cảm hứng từ những cây cầu tình yêu nổi tiếng như Ý, Pháp, Nga, Đức,… cầu tình yêu ở Đà Nẵng trở thành nơi minh chứng, hẹn ước của đôi lứa. Những ổ khóa trên cầu tình yêu thể hiện cho tình cảm bền chặt, vĩnh cửu. Vào thời gian đầu khi cây cầu mới được đưa vào hoạt động, chủ đầu tư đã tặng 200 ổ khóa tình yêu cho các bạn trẻ, và số lượng khóa này đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các bạn trẻ. Hàng trăm chiếc khóa đã được móc vào cầu khi cây Cầu Tình Yêu Đà Nẵng bắt đầu đi vào hoạt động. Khóa tình yêu, được khởi xướng từ Ý hoặc Pháp, cách đây khoảng một thập kỷ trước. Sau đó được nhiều nước du nhập, trong đó có Việt Nam. Nhiều cặp đôi đã đến, tự khắc, viết tên mình lên những ổ khóa. Đó cũng là lí do nơi đây rất thu hút khách tham quan, nhất là giới trẻ và các cặp đôi.

Cầu Tình Yêu Đà Nẵng có chiều dài là 68m, rộng 6m, lối đi trên cầu rộng 2m. Cây cầu được thiết kế hệt như một dải lụa mềm mại. Không giống với nhiều cây cầu khác, công trình này chỉ kéo dài từ bờ đến giữa sông Hàn. Tuy vậy, người dân ở đây vẫn ưu ái gọi là cầu.

Điều gây ấn tượng mạnh của cây cầu này là cách thiết kế vừa cổ điển, vừa hiện đại. Để tăng thêm sự lãng mạn và ý nghĩa của những câu chuyện tình yêu, mỗi cột đèn lông trên cầu được tạo thành những hình trái tim. Hai bên lối đi có phần lan can bọc bằng sắt, trên đó trang trí bằng nhiều hình cong uốn lượn, có cả những hoa văn cá chép hóa rồng cách điệu rất tinh tế. Ngoài ra ở đây cũng có tượng cá chép hóa rộng tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng. Với người dân Đà Nẵng, đó không chỉ là biểu tượng tâm linh mà còn như lời nhắc nhở, thông điệp rằng con người nơi đây sẽ luôn hướng đến cuộc sống văn minh, hiện đại nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Trên cầu tình yêu còn có một du thuyền mang tên Hạnh Phúc, được thiết kế dựa trên cảm hứng của bộ phim Titanic.

Cầu tình yêu đã trở thành điểm đến hấp dẫn, hơi hẹn ước của biết bao đôi lứa, trở thành biểu tượng tình yêu đẹp đẽ nơi thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Đây là địa điểm du lịch lãng mạn, nên thơ mà chúng ta nên ghé thăm.

---------------------------------------------------------------

Trên đây VnDoc.com đã gửi tới các bạn bài viết văn mẫu thuyết minh về cảnh đẹp ở thành phố Đà Nẵng - thành phố được mệnh danh là đáng sống nhất Việt Nam. Hi vọng bài viết sẽ giúp các bạn có thêm tư liệu tham khảo, học tốt hơn môn Ngữ văn 9. Các bạn có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 9.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 9 Sách mới

    Xem thêm