Đề thi ĐGCL lớp 12 lần 1 môn Văn THPT chuyên KHTN Hà Nội năm 2021

Mời các bạn tham khảo Đề thi ĐGCL lớp 12 lần 1 môn Văn THPT chuyên KHTN Hà Nội năm 2021 do VnDoc sưu tầm và đăng tải sau đây. Đề thi thử Văn THPT Quốc gia bao gồm 2 phần: đọc hiểu và làm văn với thời gian làm bài 120 phút. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các em học sinh ôn luyện và thử sức, chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới đạt kết quả cao.

Tham khảo thêm: Bộ đề ôn thi THPT Quốc gia năm 2021 môn Ngữ văn

Đề thi thử Văn THPT Quốc gia 2021 trường chuyên KHTN Hà Nội

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN          ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN 1

TRƯỜNG THPT CHUYÊN                                          NĂM 2020 - 2021

KHOA HỌC TỰ NHIÊN                                                   MÔN: VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Thái độ làm việc mới dẫn tới thành công chứ không phải thông minh.

Các nhà khoa học đã chứng minh: Thái độ làm việc mới là yếu tố tiên quyết dẫn tới thành công trong công việc chứ không phải là mức độ thông minh.

Nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà tâm lí học Carol Dweck tại Đại học Stanford, người đã dành nhiều năm nghiên cứu mối liên hệ giữa thái độ và hiệu quả công việc.

Trong nghiên cứu lần này, bà đã đưa ra kết luận rằng thái độ làm việc có thể được dùng để dự đoán sự thành công, chứ khẩg phải là chỉ số IQ.

Thái độ của con người thuộc một trong hai trạng thái cốt lõi: vhận thức cố định , (fixed windset) và nhận thức phát triển (growth mind).

Đối với nhận thức cố định, bạn tin rằng bạn là ai và bạn không thể thay đổi. Do đó khi đối mặt với những thử thách mới, bạn sẽ cảm thấy rằng mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát của bạn, từ đó dẫn tới cảm giác tuyệt vọng và bị choảng ngợp.

Những người có nhận thức phát triển lại tin rằng họ có thể cải thiện bằng sự nỗ lực. Họ làm việc hiệu quả hơn những người có nhận thức cố định ngay cả khi có chỉ số IQ thấp hơn. Họ chủ động nắm bắt thử thách, xem nó như một cơ hội để học được những thứ mới.

Người ta thường nghĩ rằng có khả năng, có sự thông minh sẽ truyền cảm hứng cho sự tự tin. Điều đó chỉ đứng đối với công việc diễn ra một cách suôn sẻ Yếu tố quyết định trong cuộc sống là cách bạn xử lý những thất bại và thách thức. Những người có nhận thức phát triển sẽ dang rộng vòng tay để chào đón sự thất bại.

Theo giáo sư Dweck, sự thành công trong cuộc đời phụ thuộc vào cách bạn đối mặt với thất bại. Vậy người có nhận thức phát triển nghĩ gì về sự thất bại ?

Bà cho biết: Sự thất bại là một dữ liệu, chúng ta đặt tên nó là thất bại và hơn nữa, nó còn nói với chúng ta rằng: “Cách làm này không được. Và tôi là người giải quyết vấn đề, do đó tôi sẽ cố gắng làm một cái gì đó khác hơn."

(Trích Thái độ làm việc mới dẫn tới thành công chứ không phải thông minh, www.vietnamnet.vn,18/9/2015)

Câu 1: (NB) Xác định phương thức biểu đạt của văn bản.

Câu 2: (TH) Theo bài viết, đâu là yếu tố tiên quyết dẫn tới thành công?

Câu 3: (TH) Theo nhà tâm lý học Carol Dweck, thái độ nhìn nhận cuộc sống của người có nhận thức cố định và người có nhận thức phát triển khác nhau ra sao?

Câu 4: (VD) Anh/chị có đồng tình với ý kiến của Carol Dweck khi bà cho rằng: “sự thành công trong cuộc đời phụ thuộc vào cách bạn đối mặt với thất bại” hay không? Vì sao?

II. LÀM VĂN

Câu 1: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến cho rằng: Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của con người là thái độ khi phải đối mặt với những thử thách của cuộc sống.

Câu 2: Trình bày cảm nhận của anh/ chị về những khát vọng của người con gái trong tình yêu được thể hiện qua đoạn thơ sau:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thể

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

(Trích Sóng - Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam 2015, tr.154)

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn trường chuyên KHTN Hà Nội

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

Phương pháp: Vận dụng những kiến thức về các phương thức biểu đạt đã học: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận.

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2

Phương pháp: Đọc, tìm ý.

Cách giải:

Theo bài viết, yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công là thái độ làm việc chứ không phải là thông minh.

Câu 3

Phương pháp: Đọc, tìm ý, phân tích, lý giải.

Cách giải:

Theo Carol Dweck, sự khác nhau trong thái độ nhìn nhận cuộc sống của người có nhận thức cố định và nhận thức phát triển là:

- Người có nhận thức cố định tin rằng mình không thể thay đổi. Do đó khi đối mặt với những thử thách mới, họ sẽ cảm thấy rằng mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát của bạn, từ đó dẫn tới cảm giác tuyệt vọng và bị choáng ngợp.

- Người có nhận thức phát triển lại tin rằng họ có thể cải thiện bằng sự nỗ lực. Họ làm việc hiệu quả hơn những người có nhận thức cố định ngay cả khi có chỉ số IQ thấp hơn. Họ chủ động nắm bắt thử thách, xem nó như một cơ hội để học được những thứ mới.

Câu 4

Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.

Cách giải:

Học sinh trình bày ý kiến của bản thân. Lý giải hợp lý.

Gợi ý:

Đồng tình với quan điểm trên vì:

- Thất bại là mẹ của thành công. Trong cuộc sống, có rất ít trường hợp thành công mà không phải trải qua những thất bại.

- Khi đối mặt với thất bại, những người biết nỗ lực đứng dậy và đi tiếp, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc thì mới có thể đi đến thành công.

- Tuy nhiên, để đến được thành công còn cần có nhiều yếu tố khác nữa (kiến thức, kĩ năng, sự năng động sáng tạo...)

II. LÀM VĂN

Câu 1

Phương pháp:

- Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của con người là thái độ khi phải đối mặt với những thử thách của cuộc sống.

- Phân tích, lí giải, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu:

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

a. Nêu vấn đề:

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của con người là thái độ khi phải đối mặt với những thử thách của cuộc sống.

b. Phân tích:

* Giải thích:

- Thái độ khi phải đối mặt với những thử thách của cuộc sống là cách nhìn nhận, đánh giá về công việc, nhiệm vụ mà con người cần phải vượt qua, chủ yếu đó là những yêu cầu ở mức độ cao, không hề đơn giản và dễ dàng.

- Có rất nhiều yếu tố để mỗi người đi tới sự thành công: kiến thức, trí tuệ, kĩ năng, sự may mắn. Tuy nhiên, thái độ tích cực có ý nghĩa quan trọng, thậm chí quyết định.

- Biểu hiện của thái độ đối với những thử thách khá phong phú: tin tưởng, lạc quan, nhìn thấy cơ hội tốt, coi đó là trải nghiệm quý giá, … Bên cạnh đó có những người hay suy nghĩ tiêu cực, bế tắc, bi quan,…

* Bàn luận:

- Thái độ tích cực giúp con người có thêm động lực, để phát hiện, tìm hiểu, giải quyết vấn đề, vận dụng được nhiều kiến thức và kỹ năng.

- Thái độ tiêu cực trong đánh giá nhiệm vụ khiến người ta bi quan, chán nản, hành động một cách đối phó, không cố gắng hết mình, thậm chí không đi vào giải quyết vấn đề mà chấp nhận thất bại.

- Trong suốt quá trình làm việc, những người có thái độ tích cực sẽ luôn cố gắng, nỗ lực và sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu. Đối với họ, thất bại cũng mang đến nhiều bài học hữu ích.

* Liên hệ bản thân:

- Mỗi người cần tích cực học tập, tích lũy và trau dồi tri thức, kĩ năng trong cuộc sống để năng lực của bản thân được nâng cao, có khả năng giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. Không nên lưu giữ những cảm giác về sự thất vọng, thất bại; mà nên suy nghĩ một cách lạc quan về kết quả.

- Cần xác định mục đích, niềm đam mê trong cuộc sống của mình và không ngừng nỗ lực để hoàn thành mục tiêu ấy.

c. Đánh giá, mở rộng:

Câu 2

Phương pháp:

- Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về những khát vọng của người con gái trong tình yêu được thể hiện qua đoạn thơ.

- Biểu cảm, bình luận, phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

I. Mở bài

- Giới thiệu một số nét tiêu biểu về tác giả Xuân Quỳnh: Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu của thơ Việt Nam hiện đại. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một người phụ nữ vừa giàu tình cảm yêu thương, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn mãnh liệt, da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường.

- Nêu khái quát chung về tác phẩm “Sóng”: Sóng là bài thơ được sáng tác năm 1967 nhân chuyến đi công tác về vùng biển Diên Điền (Thái Bình). Bài thơ in trong tập Hoa dọc chiến hào. Sóng là bài thơ tình tiêu biểu cho phong cách thơ tình yêu của Xuân Quỳnh. Sóng là hình ảnh ẩn dụ đa nghĩa, gợi lên vẻ đẹp phong phú trong tâm hồn người con gái đang yêu.

- Khái quát nội dung của đoạn trích: Đoạn trích thể hiện những cảm nhận của nhà thơ về đặc tính của sóng cùng những khát vọng của người con gái khi yêu.

II. Thân bài

1. Khổ 1: “Dữ dội và dịu êm…Sóng tìm ra tận bể”

+ Bằng việc sử dụng bút pháp miêu tả với nhiều từ láy, sóng trước hết được thể hiện qua những trạng thái đối cực: dữ dội – dịu êm, ồn ào – lặng lẽ. Đây là những biểu hiện thường thấy của những con sóng ngoài biển khơi, lúc biển động do phong ba, sóng dữ dội, ồn ào; khi trời yên biển lặng, sóng dịu êm, lặng lẽ. Sự đối lập ấy đôi khi thật rõ ràng, có thể dự báo trước, nhưng cũng nhiều lúc thật khó đoán, thất thường và hết sức bất ngờ.

-> Mượn hình tượng sóng, người phụ nữ đang yêu trong bài thơ đang tự nhận thức về những biến động trong lòng mình, đang chân thành bộc bạch mà không hề giấu giếm những trạng thái tâm lí, tình cảm vừa phong phú vừa phức tạp của một tâm hồn đang khát khao yêu đương: lúc giận dữ, hờn ghen; khi dịu hiền, sâu lắng.

+ Ở hai câu thơ sau, với bút pháp tự sự, sử dụng hình ảnh biểu tượng (sông, bể) và giọng thơ mang tính khẳng định, Xuân Quỳnh cho thấy sóng hiện lên thật mạnh mẽ trong hành động vượt thoát khỏi thế giới chật hẹp và thiếu sự đồng cảm để tìm ra biển rộng bao la, tìm đến với môi trường đích thực của nó. Nói cách khác, qua hai câu thơ này, nhà thơ đã mạnh dạn bộc lộ một quan niệm mới mẻ, hiện đại về tình yêu của người phụ nữ. Nếu “Sông không hiểu nổi mình” thì “sóng” dứt khoát từ bỏ nơi trật hẹp ấy để “tìm ra tận bể”, để đến với cái bao la, khoáng đạt. Các từ ngữ “không hiểu nổi”, “tìm ra tận” mang ý nghĩa nhấn mạnh khát vọng mãnh liệt của sóng, cũng là của tình yêu. Khác với người phụ nữ xưa, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh đã đến với tình yêu một cách chủ động, đầy tự tin, khát khao tìm đến với một tâm hồn đồng điệu, có thể thấu hiểu, sẻ chia, tìm đến một khung trời tình yêu cao cả, bao dung.

2. Khổ 2: “Ôi con sóng ngày xưa... Bồi hồi trong ngực trẻ”

Có thể nói, hành trình “tìm ra tận bể” của sóng cũng là hành trình tự nhận thức chính mình của người phụ nữ, nhận thức giá trị đích thực của tình yêu.

+ Nếu như ở khổ 1, sóng được miêu tả trong chiều rộng của không gian thì đến khổ thơ này, sóng lại được miêu tả trong chiều dài của thời gian. Đứng trước biển, Xuân Quỳnh cảm nhận rõ nét cái vĩnh hằng, bất diệt của sóng: Ôi con sóng ngày xưa- Và ngày sau vẫn thế. Giọng thơ cảm thán cùng với những từ chỉ thời gian “ngày xưa, ngày sau, vẫn thế” cho thấy hàng ngàn, hàng triệu năm qua, những con sóng ngoài biển khơi đã, đang và sẽ còn chuyển động.

+ Cũng như sóng, “nỗi khát vọng tình yêu” mãi mãi là niềm khao khát cháy bỏng, “bồi hồi” trong trái tim con người, nhất là tuổi trẻ. Bao nhiêu thế kỉ qua, con người đã đến với tình yêu, đã sống mà không thể thiếu tình yêu và sẽ còn yêu chừng nào còn tồn tại. Xuân Quỳnh khẳng định một chân lí: khát vọng tình yêu là vĩnh viễn, nó không chỉ tồn tại trong tâm hồn con người, đặc biệt là tuổi trẻ mà còn khiến người ta trở lại, tái sinh như con sóng biển ào lên rồi lại tan ra hòa nhập vào biển cả mãi mãi. Cũng như còn biển thì còn sóng, còn con người thì tình yêu còn mãi.

3. Khổ 3, 4: “Trước muôn trùng sóng bể. Khi nào ta yêu nhau”

+ Ở khổ thơ này, nhân vật “em” đã trực tiếp xuất hiện, đối diện với muôn trùng sóng biển, với bao la đất trời, em đã nghĩ về biển lớn tình yêu của mình: “Trước muôn ... lên”. Biện pháp điệp từ và điệp cấu trúc câu “em nghĩ về” cùng những câu hỏi dồn dập: “Từ khi nào sóng lên? Gió bắt đầu từ đâu? Khi nào ta yêu nhau?” đã diễn tả sự trăn trở, khắc khoải của em khi nghĩ về tình yêu.

+ Khi tình yêu đến, như một lẽ tự nhiên, thường tình, con người luôn có nhu cầu tìm hiểu, cắt nghĩa. Xuân Quỳnh đã mượn sóng để cắt nghĩa tình yêu: “Sóng bắt đầu từ gió. Gió bắt đầu từ đâu?”. Tuy nhiên quy luật của thiên nhiên, đất trời còn có thể lý giải được bằng những tri thức, sự hiểu biết nhưng cội nguồn của tình yêu thì không thể nào định nghĩa được một cách rõ ràng. Bởi lẽ tình yêu thuộc về những cung bậc cảm xúc, nó là những rung động hết sức phong phú của mỗi tâm hồn. Nhà thơ chỉ còn biết thú nhận sự bất lực của mình một cách rất đáng yêu: Em cũng không biết nữa - Khi nào ta yêu nhau. Hai câu thơ có cấu trúc đảo (đáp trước, hỏi sau) đã diễn tả thật thành công sự bối rối và cả niềm hạnh phúc của người phụ nữ khi yêu.

III. Kết bài:

- Hình tượng sóng và em có sự đồng điệu, song hành. Nhân vật trữ tình là “em” mang dấu ấn riêng và tâm hồn, phong cách tác giả.

- Bằng sự thấu hiểu, đồng cảm của “người trong cuộc”, Xuân Quỳnh đã khám phá, thể hiện một cách chân thực và sâu sắc về thế giới tâm hồn của người con gái trong tình yêu.

.............................

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Đề thi ĐGCL lớp 12 lần 1 môn Văn THPT chuyên KHTN Hà Nội năm 2021. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12... được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.

Đánh giá bài viết
1 610
Sắp xếp theo

    Thi THPT Quốc gia môn Văn

    Xem thêm