Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 bài 30 CD
Chúng tôi xin giới thiệu bài Lý thuyết KHTN lớp 7 bài 30: Sinh trưởng và phát triển ở thực vật được VnDoc sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Khoa học tự nhiên 7 sách Cánh diều. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.
Bài: Sinh trưởng và phát triển ở thực vật
A. Lý thuyết KHTN 7 bài 30
1.1. Thí nghiệm chứng minh cây sinh trưởng
Chuẩn bị
- Mẫu vật: 5 hạt đậu xanh đã nảy mầm.
- Dụng cụ: 5 cốc đất ẩm, thước đo, ca tưới nước.
Tiến hành
- Bước 1: Trồng vào mỗi cốc 1 hạt đậu xanh đã nảy mầm.
- Bước 2: Để các cốc ngoài ánh sáng, tưới nước hằng ngày.
- Bước 3: Tính từ ngày trồng, cứ ba ngày một lần, đo chiều cao của mỗi cây (từ gốc lên ngọn cây) và ghi chép theo gợi ý bảng 30.1.
Bảng 30.1. Bảng đo chiều cao cây (đơn vị cm)
- Bước 4: So sánh chiều cao của cây qua các lần đo và nhận xét sự sinh trưởng của các cây.
Báo cáo kết quả: Báo cáo theo phiếu báo cáo kết quả thí nghiệm ở bài 20.
=> Kết luận: Từ bảng đo chiều cao của cây cho thấy cây có sự tăng trưởng về chiều cao. Như vậy, có thể kết luận cây có sự sinh trưởng.
1.2. Mô phân sinh
- Sự sinh trưởng ở thực vật diễn ra ở các mô phân sinh.
- Mô phân sinh là nhóm tế bào chưa phân hóa, có khả năng phân chia tạo ra tế bào mới, làm cho cây sinh trưởng.
- Cây Hai lá mầm có các loại mô phân sinh như mô phân sinh đỉnh, mô phân sinh bên.
1.3. Các giai đoạn sinh trưởng và phát triển ở thực vật
- Các loài thực vật khác nhau có các giai đoạn sinh trưởng và phát triển khác nhau.
- Ở thực vật có hoa, quá trình sinh trưởng và phát triển chia thành các giai đoạn cơ bản sau: hạt → hạt nảy mầm → cây mầm → cây con → cây trưởng thành → cây ra hoa → cây tạo quả và hình thành hạt.
- Các giai đoạn sinh trưởng và phát triển ở thực vật nối tiếp nhau, tạo thành vòng đời của cây.
Hình 30.3. Sơ đồ vòng đời của cây cam
1.4. Ứng dụng sinh trưởng và phát triển ở thực vật trong thực tiễn
Ứng dụng hiểu biết về sinh trưởng và phát triển ở thực vật trong thực tiễn:
- Đưa ra các biện pháp kĩ thuật chăm sóc phù hợp, xác định thời điểm thu hoạch,...
Ví dụ: Cung cấp nhiều nước, phân đạm cho cây lúa vào giai đoạn lúa đẻ nhánh và giảm nước, không bón phân đạm vào giai đoạn lúa chín; thu hoạch quả khi vừa chín.
- Điều khiển yếu tố môi trường như nhiệt độ, ánh sáng,... nhằm kích thích ra hoa sớm; tăng hiệu suất tạo quả;...
Ví dụ: Chiếu sáng trên 16 giờ cho hoa lay ơn để có búp to hơn và hoa bên hơn.
- Trồng cây đúng mùa vụ, luân canh.
Ví dụ: Vụ xuân hè chọn trồng cây bí đỏ, cây bí xanh, cây cà chua, cây cà tím, cây họ Đậu; vụ thu đông chọn trồng các cây như súp lơ xanh, su hào, bắp cải, rau cải, xà lách.
- Sử dụng các chất kích thích làm cho cây ra rễ, tăng chiều cao; rút ngắn thời gian sinh trưởng, nhằm tăng năng suất.
Ví dụ: Sử dụng vitamin B1, vitamin B12 hoặc thuốc kích rễ làm cây ra rễ nhanh, phun chất kích thích sinh trưởng cho cây đay làm cây tăng chiều cao gấp đôi.
1. Mô phân sinh là nhóm các tế bào thực vật chưa phân hoá, có khả năng phân chia tạo tế bào mới, làm cho cây sinh trưởng. Cây Hai lá mầm có các loại mô phân sinh như mô phân sinh đỉnh, mô phân sinh bên. 2. Ở thực vật có hoa và có hạt, quá trình sinh trưởng và phát triển bao gồm các giai đoạn: hạt → hạt nảy mầm → cây mầm → cây con → cây trưởng thành → cây ra hoa → cây tạo quả và hình thành hạt. 3. Ứng dụng hiểu biết về sinh trưởng và phát triển của thực vật vào thực tiễn như đưa ra các biện pháp kĩ thuật chăm sóc phù hợp, xác định thời điểm thu hoạch, điều khiển yếu tố môi trường, trồng cây đúng mùa vụ, sử dụng chất kích thích nhằm làm tăng năng suất cây trồng. |
B. Bài tập minh họa
Bài tập 1: Quan sát hình 30.2 và kể tên các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây hoa hướng dương.
Hướng dẫn giải:
- Các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây hoa hướng dương: hạt → hạt nảy mầm → cây mầm → cây con → cây trưởng thành → cây ra hoa → cây tạo hạt.
Bài tập 2: Ứng dụng hiểu biết về các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở thực vật, người ta thường trồng xen canh giữa cây ưa sáng với cây ưa bóng. Nêu lợi ích của việc trồng cây xen canh. Cho ví dụ.
Hướng dẫn giải:
- Lợi ích của việc trồng xen canh giữa cây ưa sáng với cây ưa bóng: Trồng cây xen canh là trồng xen hai hay nhiều loài cây trên một đơn vị diện tích đồng ruộng. Trồng xen canh có nhiều lợi ích, ví dụ: hạn chế cỏ dại, hạn chế sâu bệnh, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, sử dụng tiết kiệm đất,… Đây là biện pháp tốt nhất để đồng thời sử dụng tối ưu các điều kiện đất, ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng trong đất,…
- Ví dụ: Trồng ngô, đậu, bí đỏ. Ngô sẽ mọc cao vượt so với hai loại cây còn lại, khi đậu có tua cuốn sẽ bám vào thân cây ngô, còn bí sẽ lan phủ trên mặt đất, che bóng cho mặt đất và sử dụng ánh sáng xuyên qua tán cây ngô. Mặt đất được che phủ sẽ hạn chế được cỏ dại.
C. Trắc nghiệm KHTN 7 bài 30
------------------------------------
Chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 bài 30: Sinh trưởng và phát triển ở thực vật CD trên đây các bạn có thể tham khảo Địa lý 7 Cánh diều và Lịch sử 7 Cánh diều, Công Nghệ 7 CD,...... theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD&ĐT ban hành. VnDoc.com liên tục cập nhật Lời giải, đáp án các dạng bài tập Chương trình sách mới cho các bạn cùng tham khảo.