Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 bài 35 CD
Chúng tôi xin giới thiệu bài Lý thuyết KHTN lớp 7 bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật được VnDoc sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Khoa học tự nhiên 7 sách Cánh diều. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.
Bài: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật
A. Lý thuyết KHTN 7 bài 35
1.1. Sự thống nhất giữa các hoạt động sống trong cơ thể
- Cơ thể có sự thống nhất trong cấu trúc:
+ Mọi cơ thể đều được cấu tạo từ tế bào.
+ Cơ thể đơn bào được cấu tạo từ một tế bào, các thành phần cấu trúc trong tế bào có sự phối hợp hoạt động với nhau.
+ Cơ thể đa bào gồm nhiều tế bào phân hoá thành các mô, cơ quan khác nhau cùng phối hợp thực hiện tất cả các hoạt động sống của cơ thể.
- Cơ thể có sự thống nhất giữa các hoạt động sống: Trong cơ thể sinh vật, các hoạt động sống tác động qua lại, trong đó, trao đổi chất gắn liền với chuyển hóa năng lượng. Nhờ trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, cơ thể sinh trưởng, phát triển, cảm ứng và sinh sản.
=> Sự thống nhất về cấu trúc và hoạt động sống của cơ thể là biểu hiện cho thấy cơ thể sinh vật là một thể thống nhất.
Hình 35.2. Mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong cơ thể
1.2. Sự thống nhất giữa tế bào với cơ thể và môi trường
- Sự thống nhất giữa tế bào với cơ thể và môi trường là những biểu hiện cho thấy cơ thể sinh vật là một thể thống nhất.
Hình 35.5. Mối quan hệ giữa tế bào, cơ thể và môi trường
+ Mối quan hệ giữa tế bào với cơ thể: Các hoạt động sống ở cấp tế bào là cơ sở cho các hoạt động sống ở cấp cơ thể. Các hoạt động sống ở cấp cơ thể điều khiển các hoạt động sống ở cấp tế bào.
+ Mối quan hệ giữa tế bào với cơ thể và môi trường: Các hoạt động sống trong tế bào bao gồm: trao đổi chất, chuyển hoá năng lượng, cảm ứng làm tế bào lớn lên, phân chia hình thành tế bào mới. Như vậy, các hoạt động sống ở cấp độ tế bào và ở cấp độ cơ thể có mối quan hệ chặt chẽ.
Cơ thể là một thể thống nhất được thể hiện qua: - Sự thống nhất về cấu trúc và hoạt động sống của cơ thể. - Sự thống nhất giữa tế bào với cơ thể và môi trường thông qua các hoạt động sống. |
B. Bài tập minh họa
Bài tập 1: Đọc đoạn thông tin sau và trả lời các câu hỏi.
Hoạt động sống của tế bào biểu hiện ở quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng, lớn lên, phân chia và cảm ứng.
Mỗi tế bào sống trên cơ thể luôn luôn được cung cấp các chất dinh dưỡng. Ở tế bào luôn xảy ra quá trình tổng hợp các hợp chất hữu cơ phức tạp từ những chất đơn giản được hấp thu vào trong tế bào. Đồng thời, trong tế bào cũng luôn xảy ra quá trình phân giải các hợp chất hữu cơ thành những chất đơn giản và giải phóng năng lượng cần thiết cho cơ thể. Tế bào có khả năng lớn lên, sinh sản và cảm ứng. Sự sinh sản của tế bào là khả năng phân chia trực tiếp hoặc gián tiếp để tạo nên những tế bào mới. Sự cảm ứng là khả năng thu nhận và phản ứng trước những kích thích vật lí, hóa học của môi trường quanh tế bào.
Ở cơ thể còn non, các tế bào sinh sản nhanh chóng làm cho cơ thể sinh trưởng và phát triển. Ở cơ thể trưởng thành, quá trình này vẫn tiếp tục nhưng thường chậm lại. Trong quá trình sống, nhiều tế bào chết đi và được thay thế bằng các tế bào mới.
Câu hỏi:
1. Kể tên các hoạt động sống xảy ra trong tế bào. Nêu vai trò của mỗi hoạt động sống đó.
2. Nêu mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong tế bào. Cho ví dụ minh họa.
Hướng dẫn giải:
1. Các hoạt động sống xảy ra trong tế bào và vai trò của mỗi hoạt động sống đó:
Hoạt động sống | Vai trò của hoạt động sống |
Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng | Cung cấp vật chất và năng lượng cho các hoạt động sống khác của tế bào. |
Lớn lên | Giúp tế bào tích lũy vật chất, chuẩn bị cho phân chia. |
Phân chia | Tạo nên những tế bào mới, là cơ sở cho sự sinh trưởng và phát triển của cơ thể. |
Cảm ứng | Thu nhận và phản ứng trước những kích thích vật lí, hóa học của môi trường quanh tế bào đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của tế bào. |
2. Nêu mối quan hệ giữa các hoạt động sống trong tế bào: Các hoạt động sống ở tế bào có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đảm bảo sự thống nhất toàn vẹn cho tế bào tồn tại và phát triển. Trong đó, trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng cung cấp vật chất và năng lượng để tế bào thực hiện các hoạt động sống khác như lớn lên, phân chia, cảm ứng; đồng thời, sự lớn lên, phân chia, cảm ứng cũng có sự ảnh hưởng lẫn nhau và là động lực thúc đẩy sự trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng.
Ví dụ minh họa: Khi chạy bộ, các tế bào cơ hoạt động mạnh để tạo nên sự vận động liên tục của cơ thể. Khi tế bào cơ hoạt động mạnh, nhu cầu năng lượng của tế bào cơ tăng lên kéo theo quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng của tế bào phải tăng lên.
Bài tập 2: Thế giới sinh vật có nhiều cấp tổ chức khác nhau, trong đó, tế bào là cấu trúc nhỏ nhất có biểu hiện đầy đủ tính chất của sự sống. Nếu như tách rời tế bào khỏi cơ thể thì điều gì sẽ xảy ra?
Hướng dẫn giải:
- Cơ thể thực hiện được các hoạt động cơ bản của một sinh vật nhờ đơn vị thực hiện các chức năng của cơ thể là tế bào.
- Tế bào nằm sâu trong cơ thể nên việc thực hiện các hoạt động sống lại được thực hiện qua các cơ quan chuyên trách.
- Tế bào chỉ thực hiện được chức năng của mình khi ở trong một Cơ thể toàn vẹn, nếu tách rời tế bào ra khỏi cơ thể, tế bào ngừng hoạt động, điều này sẽ ảnh hưởng đến cơ quan do các tế bào cấu tạo nên, do đó ảnh hưởng đến các hoạt động sống của cơ thể.
C. Trắc nghiệm KHTN 7 bài 35
------------------------------------
Chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 bài 35: Sự thống nhất về cấu trúc và các hoạt động sống trong cơ thể sinh vật CD trên đây các bạn có thể tham khảo Địa lý 7 Cánh diều và Lịch sử 7 Cánh diều, Công Nghệ 7 CD,...... theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD&ĐT ban hành. VnDoc.com liên tục cập nhật Lời giải, đáp án các dạng bài tập Chương trình sách mới cho các bạn cùng tham khảo.