Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 bài mở đầu CD
Lý thuyết KHTN lớp 7 bài mở đầu: Phương pháp và kĩ năng trong học tập môn Khoa học tự nhiên được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Khoa học tự nhiên 7 sách Cánh diều. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây.
Bài: Phương pháp và kĩ năng trong học tập môn Khoa học tự nhiên
A. Lý thuyết KHTN 7 bài mở đầu
1.1. Phương pháp tìm hiểu tự nhiên
Bước 1 : Quan sát, đặt câu hỏi nghiên cứu
Quan sát nhận ra tình huống có vấn đề và đặt các câu hỏi tìm hiểu về vấn đề đó.
Bước 2 : Xây dựng giả thuyết
Dựa trên hiểu biết và qua phân tích kết quả quan sát, đưa ra dự đoán (tức là giả thuyết) để trả lời câu hỏi đặt ra ở bước 1.
Bước 3 : Kiểm tra giả thuyết
Làm thí nghiệm để chứng minh dự đoán ở bước 2 đúng hay sai:
- Chuẩn bị các mẫu vật, dụng cụ thí nghiệm
- Lập phương án thí nghiệm
- Tiến hành thí nghiệm theo phương án đã lập
Bước 4 : Phân tích kết quả
- Thực hiện các phép tính cần thiết, lập bảng, xây dựng biểu đồ,...
- Từ việc phân tích kết quả, rút ra kết luận: Giả thuyết được chấp nhận hay bị bác bỏ.
Bước 5 : Viết báo cáo trình bày
- Sử dụng ngôn ngữ, hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng để biểu đạt quá trình và kết quả tìm hiểu tự nhiên.
- Một báo cáo kết quả tìm hiểu tự nhiên thường gồm các nội dung chính như sau:
+ Tên báo cáo: Thể hiện được nội dung cốt lõi của vấn đề tìm hiểu.
+ Tên người thực hiện: Nêu được tên người hoặc nhóm người thực hiện.
+ Mục đích: Nêu được mục đích của hoạt động tìm hiểu.
+ Mẫu vật, dụng cụ và phương pháp: Mô tả được đầy đủ, chi tiết về phương pháp, thiết bị và vật liệu đã dùng.
+ Kết quả và thảo luận: Thể hiện được quá trình và kết quả tìm hiểu bằng chữ viết, hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng,... Giải thích được ý nghĩa của kết quả và gợi ý cho các vấn đề cần tìm hiểu tiếp theo.
+ Kết luận: Phát biểu được các kết luận quan trọng nhất phù hợp với nội dung tìm hiểu.
1.2. Các kỹ năng trong tiến trình tìm hiểu tự nhiên
a. Quan sát
Sử dụng các giác quan để thu thập thông tin về sự vật hoặc hiện tượng.
Ví dụ: Bằng mắt (thị giác) có thể thấy quả cam chín có màu vàng: Bằng mũi (khứu giác) có thể ngửi được mùi hoa hồng rất thơm.
b. Phân loại
Phân nhóm hoặc sắp xếp các sự vật, hiện tượng thành các loại dựa trên thuộc tính hoặc tiêu chí.
Ví dụ: Xếp tất cả các loại quả có kích thước nhất định vào một nhóm
c. Liên hệ
Từ sự việc, hiện tượng này nghĩ đến sự việc, hiện tượng khác dựa trên những mối quan hệ nhất định.
Ví dụ: Thấy quýt trên cây chuyển từ màu xanh sang màu vàng, liên hệ với kinh nghiệm đã có về cam, biết là quýt đang chín.
d. Đo
Sử dụng dụng cụ đo như thước, cân, nhiệt kế,... để mô tả kích thước, khối lượng, nhiệt độ,... của một vật.
Ví dụ: Dùng thước để đo chiều dài mặt bàn bằng đơn vị centimét.
e. Dự đoán
Nếu kết quả của một sự kiện trong tương lai dựa trên một mẫu bằng chứng.
Ví dụ: Dựa trên biểu đồ về sự phát triển của cây trong bốn tuần trước, dự đoán chiều cao của cây trong hai tuần tiếp theo.
1.3. Một số dụng cụ đo
a. Đồng hồ đo thời gian hiện số
- Đồng hồ đo thời gian hiện số là loại dụng cụ đo thời gian có độ chính xác cao, có độ chia nhỏ nhất 0,001s.
- Phạm vi đo: 0,001s- 9999s.
- Đồng hồ đo thời gian hiện số có thể hoạt động như một đồng hồ bấm giây, được điều khiển bằng công tắc hoặc cổng quang điện.
+ Mặt trước đồng hồ có các bộ phận: ô hiển thị thời gian, nút nhấn D để chọn số liệu cần hiển thị, nút nhấn R để xoá dữ liệu đang hiển thị trên ô thời gian, nút nhấn K để chọn kiểu hoạt động của đồng hồ, nút nhấn N để đóng ngắt dòng điện vào nam châm điện.
Hình 2. Mặt trước đồng hồ đo thời gian hiện số
+ Mặt sau đồng hồ có 3 ổ cắm 5 chân A, B, C; dây cắm điện và công tắc nguồn.
Hình 3. Mặt sau đồng hồ đo thời gian hiện số
b. Cổng quang điện
- Cổng quang điện gồm một bộ phận phát tín hiệu (P) và một bộ phận thu tín hiệu (T) từ bộ phận phát chiếu sáng.
Hình 4. Cổng quang điện
- Khi có vật chắn chùm tín hiệu từ bộ phận phát sang bộ phận thu tín hiệu, cổng quang điện sẽ phát ra tín hiệu truyền theo dây dẫn đi vào đồng hồ đo thời gian, điều khiển đồng hồ hoạt động.
Ví dụ: Cách dùng đồng hồ đo thời gian hiện số và cổng quang điện để đo thời gian để đo thời gian vật đi giữa hai vị trí xác định A và B
Hình 5. Thí nghiệm đo thời gian chuyển động của xe giữa hai vị trí
- Nguyên lí đo: Khi cạnh trước của tấm chắn sáng bắt đầu chắn chùm tín hiệu ở cổng quang điện 1, đồng hồ đo thời gian hiện số bắt đầu đo. Đồng hồ ngừng đo khi cạnh trước của tấm chắn sáng bắt đầu chắn chùm tín hiệu ở cổng quang điện 2.
- Cách đo:
+ Cố định cổng quang điện 1 ở vị trí A, cổng quang điện 2 vị trí B.
+ Cắm đầu nối dây của cổng quang điện 1 vào ổ A, đầu nối dây của cổng quang điện 2 vào ổ B của đồng hồ đo thời gian hiện số.
+ Nhấn nút K để chọn kiểu hoạt động là A - B.
+ Cho xe có gắn tấm chắn sáng chuyển động.
+ Đọc số chỉ thời gian xe đi từ cổng quang điện 1 đến cổng quang điện 2 ở ô hiển thị thời gian của đồng hồ đo thời gian hiện số.
1. Quá trình tìm hiểu tự nhiên bao gồm các bước: bước 1. Quan sát, đặt câu hỏi, bước 2. Xây dựng giả thuyết, bước 3. Kiểm tra giả thuyết, bước 4. Phân tích kết quả, bước 5. Viết, trình bày báo cáo. 2. Các kỹ năng trong tiến trình tìm hiểu tự nhiên: quan sát, phân loại; liên hệ (liên kết); đo; dự đoán (dự báo). 3. Một báo cáo kết quả tìm hiểu, khám phá thế giới tự nhiên gồm các phần chính: tên báo cáo, tên người thực hiện, mục đích, mẫu vật, dụng cụ và phương pháp, kết quả và thảo luận, k ết luận 4. Trong phòng thí nghiệm có thể đo thời gian một vật chuyển động bằng đồng hồ đo thời gian hiện số và cổng quang điện. |
B. Bài tập minh họa
Bài 1: Đề xuất và thực hiện một tiến trình tìm hiểu về: “Ảnh hưởng của ánh sáng đến kích thước của quả cà chua”.
Hướng dẫn giải
Bước 1: Quan sát, đặt câu hỏi
- Thông qua quan sát các cây trong vườn, nhận thấy rằng những cây được nhận nhiều ánh sáng Mặt Trời có vẻ phát triển hơn những cây nhận được ít ánh sáng Mặt Trời.
- Đặt câu hỏi: Lượng ánh sáng Mặt Trời mà cây cà chua nhận được có ảnh hưởng đến kích thước của quả cà chua không?
Bước 2: Xây dựng giả thuyết
- Suy luận: Cây cà chua cần ánh sáng Mặt Trời để tạo ra thức ăn thông qua quá trình quang hợp, nhiều ánh sáng hơn nghĩa là nhiều thức ăn hơn.
- Từ đây đưa ra giả thuyết: Cây cà chua nhận được đủ ánh sáng Mặt Trời sẽ phát triển tốt hơn và quả của nó có kích thước lớn hơn quả của cây cà chua không nhận đủ ánh sáng Mặt Trời.
Bước 3: Kiểm tra giả thuyết
- Trồng 10 cây cà chua non có hình dạng, kích thước gần giống nhau vào 10 chậu chứa lượng đất bằng nhau. Để 5 chậu cây ở nơi không có ánh sáng Mặt Trời, 5 chậu cây ở nơi có ánh sáng Mặt Trời. Giữ ẩm đất.
- Khi cây có quả, giữ lại mỗi cây từ 2 đến 3 quả, đo chu vi quả cà chua của cây mỗi ngày.
- Ghi số liệu vào bảng:
Số thứ tự cây cà chua ở nơi không có ánh sáng mặt trời | Chu vi quả cà chua (cm) | ||
Quả số 1 | Quả số 2 | Quả số 3 | |
1 | |||
2 | |||
3 | |||
4 | |||
5 |
Bước 4: Phân tích kết quả
Từ các bảng trên rút ra kết luận quả cà chua ở loại cây nào sẽ có chu vi lớn hơn.
Bước 5: Viết, trình bày báo cáo
Bài 2: Em hãy lựa chọn các dụng cụ đo phù hợp để đo thời gian cho mỗi hoạt động sau và giải thích sự lựa chọn đó.
a) Một người đi xe đạp từ điểm A đến điểm B.
b) Một viên bi sắt chuyển động trên máng nghiêng.
Hướng dẫn giải
a) Dụng cụ đo phù hợp là đồng hồ bấm giây.
b) Dụng cụ đo phù hợp là đồng hồ đo thời gian hiện số và cổng quang điện.
------------------------------------
Chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài Lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 bài mở đầu: Phương pháp và kĩ năng trong học tập môn Khoa học tự nhiên CD trên đây các bạn có thể tham khảo Địa lý 7 Cánh diều và Lịch sử 7 Cánh diều, Công Nghệ 7 CD,...... theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Bộ GD&ĐT ban hành. VnDoc.com liên tục cập nhật Lời giải, đáp án các dạng bài tập Chương trình sách mới cho các bạn cùng tham khảo.