Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào
Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào
Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong mọi hoàn cảnh khác nhau: Bên chồng, lúc chồng đi lính, chăm mẹ sóc mẹ hiện hiền lúc ốm đau, chắm sóc bé Đản..thì Vũ Nương hiện lên hình ảnh như nào đó hẳn là điều thắc mắc của bạn đọc, để trả lời các câu hỏi đó hãy cùng tham khảo bài viết Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào? Ở từng hoàn cảnh, Vũ Nương đã bộc lộ những đức tính gì? được VnDoc chia sẻ dưới đây để cùng tìm hiểu nhé
I. Dàn ý Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào
Tác giả khắc họa vẻ đẹp tâm hồn Vũ Nương, đặt nhân vật vào những hoàn cảnh khác nhau để miêu tả
- Trong mối quan hệ vợ chồng trong cuộc sống hằng ngày, nàng không để xảy ra mối bất hòa
- Tiếp đến, tác giả đặt Vũ Nương vào trong tình huống chia li: khi tiễn chồng đi lính, nàng bày tỏ sự thương nhớ, mong chồng bình yên
- Khi vắng chồng, Vũ Nương là một người vợ thủy chung, người mẹ hiền, dâu thảo, hết lòng vì gia đình
+ Chăm sóc bé Đản
+ Lo thuốc thang cho mẹ chồng khi đau ốm, lo ma chay chu đáo khi mẹ chồng mất
- Khi bị nghi oan, Vũ Nương cố thanh minh để chồng hiểu nhưng không được
+ Nàng chọn cái chết để minh oan cho tấm lòng trinh bạch của mình
→ Nhân vật Vũ Nương là người vợ thủy chung, yêu thương chồng con hết mực
- Nhân vật Vũ Nương hiện lên là người phụ nữ hiền thục, một người vợ thủy chung, yêu thương chồng con, phụ nữ coi trọng danh dự, nhân phẩm trong sạch của mình
II. Văn mẫu Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào
1. Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào - Mẫu 1
“Chuyện người con gái Nam Xương” là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Dữ. Lấy đề tài người phụ nữ, tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp và thương cảm cho nỗi đau của những con người tài sắc vẹn toàn mà số phận hẩm hiu. Nhân vật Vũ Nương – trung tâm của tác phẩm được tác giả khai thác trong những hoàn cảnh cụ thể để làm nổi bật phẩm chất tốt đẹp.
Mở đầu, Nguyễn Dữ đã giới thiệu “Vũ Thị Thiết người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp”. Vẻ đẹp ấy được miêu tả ngắn gọn nhưng được chứng thực bằng việc chàng Trương xin với mẹ trăm lạng vàng cưới về.
Cuộc sống gia đình, các mối quan hệ với người thân đã bộc lộ phẩm chất cao đẹp của Vũ Nương hơn cả. Trước hết, trong mối quan hệ vợ chồng, nàng luôn giữ gìn khuôn phép dù chồng nàng đa nghi, phòng ngừa quá mức nhưng gia đình chưa từng xảy ra bất hoà. Cưới nhau chưa được bao lâu, Trương Sinh phải ra trận bởi chàng là con nhà hào phú nhưng thất học nên phải đi lính buổi đầu. Khi tiễn chồng đi, Vũ Nương rót chén rượu đầy mà dặn dò chồng rằng: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi…”. Nàng vô cùng cảm thông và xót xa cho những nỗi gian lao, vất vả mà chồng sẽ phải chịu đựng chốn xa trường. Xa chồng, nàng vẫn là người vợ hết mực chung thuỷ với chồng: “Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết, tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót”. Ngày qua tháng lại, nàng nhớ chồng khôn nguôi. Mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì lòng nàng dường như quặn thắt lại đầy xót xa.
Tiếp đến, đặt trong mối quan hệ với con cái thì Vũ Nương quả thực là người mẹ thương con và nhân hậu hết mực. Sau khi xa chồng vừa đầy tuần thì nàng hạ sinh một đứa con trai, đặt tên là Đản. Nàng trở thành một người mẹ hiền, hết lòng nuôi dạy con cái. Nàng mong muốn bù đắp cho đứa con trai sự thiếu vắng tình cha. Nàng đã chỉ cái bóng trên tường và bảo rằng đó là cha Đản để con có thể cảm nhận hạnh phúc của một mái ấm gia đình toàn vẹn.
Trong mối quan hệ với mẹ chồng, nàng làm tròn đạo hiếu, xứng đáng là người con dâu hiếu thảo vô cùng. Người mẹ chồng cũng vì nhớ con trai mà sinh bệnh nặng. Nàng đã tận tình chăm sóc mẹ chồng già yếu, ốm đau. Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn. Trước khi rời xa cõi đời, bà đã để lại lời trăng trối cuối cùng như một sự cảm tạ và ghi nhận công lao của Vũ Nương đối với gia đình: “Ngắn dài có số, tươi héo bởi trời. Mẹ không phải không muốn đợi chồng con về, mà không gắng ăn miếng cơm miếng cháo đặng cùng vui sum họp…. Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.
Không chỉ thùy mị, nết na, thảo hiền, Vũ Nương còn là người giàu lòng tự trọng. Điều ấy được chứng minh trong hoàn cảnh éo le là Trương Sinh nghi oan cho nàng. Nàng đã tìm mọi cách để chồng hiểu cho tấm lòng thủy chung và trong sạch của mình. Ấy vậy mà, Trương Sinh vẫn bỏ ngoài tai và ghen tuông một cách mù quáng. Hắn "lấy lời nói bóng gió này nọ mà mắng nhiếc nàng, rồi đánh đuổi đi". Thật đau khổ và tủi nhục biết bao! Bị đẩy đến bước đường cùng, Vũ Nương mượn dòng nước Hoàng Giang để rửa nỗi oan nhục. Nàng đã phải chết oan ức nhưng nàng không hề oán trách, hận thù.
Cuối cùng, vẻ đẹp của sự nhân hậu, cao thượng đã hoàn thiện con người Vũ Nương. Khi nghe chàng Phan kể về gia đình, về nhà cửa, nàng vẫn ứa nước mắt ra mà khóc, vẫn nặng lòng thương nhớ chồng con, nhớ nhung quê hương. Nàng quả quyết “ắt có ngày tìm về quê cũ” – chi tiết này cho thấy sự trọng tình nghĩa, không quên đi cội nguồn và gia đình. Sóng ở chốn cung nước an yên và nhàn tản, nàng vẫn khao khát được phục hồi danh dự, mong muốn chàng Trương lập dàn giải oan cho mình ở bến Hoàng Giang. Nàng đã trở về trong lễ giải oan để nói lời tạ từ. Cuộc đời Vũ Nương tuy ngắn ngủi nhưng nàng đã làm tròn bổn phận của người phụ nữ người vợ thủy chung, một người mẹ thương con, một người con dâu hiếu thảo. Và hơn hết, nàng đã sống rất cao quý, chân thành, bảo toàn phẩm giá của mình.
Như vậy, qua những hoàn cảnh trên, ta có thể thấy trọn vẹn vẻ đẹp nhân cách của Vũ Nương. Nàng giống như những bông hoa dại, mỏng manh mà kiên cường. Câu chuyện của Vũ Nương không phải là một trường hợp cá biệt, hiếm thấy mà đại diện cho số phận của rất nhiều con người trong xã hội nam quyền và chiến tranh loạn lạc:
Ngàn lau san sát, cỏ xanh xanh
Sảy nhớ ngày xưa kẻ tiết trinh
Cách trở bấy lâu hằng giữ phận
Hiềm nghi một phút, bỗng vô tình
Hay lòng, phó mặc vầng cao thẳm
Lẻ bóng tìm nơi chốn vắng thanh
Dầu nhẫn ai ai qua đến đấy
Thương nàng hoà lại trách Trương Sinh.
2. Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào - Mẫu 2
Chuyện người con gái Nam Xương là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của Truyền kì mạn lục, một tác phẩm nổi tiếng của tác giả Nguyễn Dữ, truyện ngắn đã thể hiện sự xót thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến xưa, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ. Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Vũ Nương.
Nhân vật Vũ Thị Thiết được Nguyễn Dữ miêu tả trong hai bối cảnh chính, đó là trước khi Trương Sinh đi lính và sau khi Trương Sinh đi lính. Vũ Thị Thiết là một người con gái hiền lành, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp. Do vậy mà chung sống với người chồng đa nghi, ít học như Trương Sinh nàng luôn giữ gìn khuôn phép nên chưa bao giờ để vợ chồng phải đến thất hòa. Tuy nhiên, cuộc sống êm ả chưa bao lâu thì Trương Sinh bị gọi đi lính.
Khi Trương Sinh đi lính, Vũ Nương lại thể hiện được phẩm chất của một người vợ hết lòng yêu thương chồng, một lòng mong chồng bình an trở về. Nàng khuyên chồng phải lấy mình làm trọng, không mong chồng mang về ấm phong hầu mà chỉ mong mang về hai chữ bình yên “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấm phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ mong ngày về mang được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi….”
Khi chồng đi lính, ở nhà Vũ Nương chăm sóc cho con thơ, một lòng hiếu kính với mẹ già, chạy chữa thuốc thang, cầu khấn thần phật, an ủi mẹ chồng bằng những lời ngon ngọt. Vì không muốn con thiếu thốn tình cảm của người cha, Vũ Nương đã chỉ vào bóng mình ở trên tường và nói đó chính là cha của Đản. Qua hành động đó ta lại thấy Vũ Nương là một người mẹ giàu tình yêu thương, hết lòng vì con.
3. Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào - Mẫu 3
Những đức tính, phẩm chất của Vũ Nương được thể hiện trong các mối quan hệ của nàng với những người xung quanh: với hàng xóm láng giềng, với mẹ chồng, với chồng, với con. Phẩm chất ấy được khẳng định trong mọi hoàn cảnh: Trước khi lấy chồng, khi ở bên chồng và khi chồng đi vắng, một mình nuôi mẹ, nuôi con.
Vũ Nương là một người con gái vừa có nhan sắc, vừa thùy mị nết na. Chính vì thế Trương Sinh mới “cảm vì dung hạnh” mà xin cưới nàng về làm vợ. Cũng chính vì thế mà sau này khi chồng nàng mắng nhiếc, nghi ngờ, họ hàng làng xóm mới bênh vực và biện bạch cho nàng.
Trong buổi đưa tiễn chồng đi lính, những lời nàng nói chứng tỏ nàng là người chu toàn, giàu tình cảm và không màng danh lợi: Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên (...) Nhìn trăng soi thành cũ lại sửa soạn áo rét, gửi người xa…
Vũ Nương cũng là một người con dâu hiếu thảo. Khi mẹ chồng ốm, nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật, lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn, khi mẹ chồng mất, nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo hậu như đối với cha mẹ đẻ mình.
Lúc ở bên chồng, Vũ Nương hết lòng “gìn vàng giữ ngọc” không lúc nào để vợ chồng đến mức “thất hòa”. Khi chồng đi xa nàng một mình nuôi con, giữ gìn khuôn phép. Khi gặp chuyện chồng nghi ngờ, nàng chỉ biết khóc mà giãi bày cơ sự. Qua những lời nàng nói có thể thấy nàng là một người vợ hiền thục, trọn vẹn lễ nghĩa, một lòng không oán trách chồng con, chỉ cho rằng tại mình “duyên phận hẩm hiu”. Sau này, khi đã yên ổn sung sướng nơi cung Linh Phi, nàng vẫn một lòng thương nhớ chồng con, mới xin lập đàn giải oan để được sum họp trong chốc lát…
Như vậy, trong các mối quan hệ, trong các hoàn cảnh, chúng ta đều thấy Vũ Nương là một người phụ nữ hiền thục, đoan trang, thủy chung, chu toàn, giàu lòng yêu thương, trọn vẹn đạo nghĩa. Đó là những phẩm chất đáng quý điển hình của người phụ nữ trong xã hội xưa.
4. Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào - Mẫu 4
Vũ Nương là nhân vật trung tâm của truyện. Để khắc hoạ vẻ đẹp tâm hồn của Vũ Nương, tác giả đã đặt nhân vật này vào những hoàn cảnh khác nhau để miêu tả.
Trước hết, tác giả đặt nhân vật vào mối quan hệ vợ chồng trong cuộc sống hằng ngày: "Trương Sinh có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”; trong hoàn cảnh này, Vũ Nương đã "giữ gìn khuôn phép, không từng lần nào vợ chồng phải đến thất hoà".
Tiếp đến, tác giả đặt Vũ Nương vào trong tình huống chia li để nhân vật này bộc lộ tình nghĩa thắm thiết của mình với chồng: "Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. […] Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú! Dù có thư tín nghìn hàng, cũng sợ không có cánh hồng bay bổng.".
Hoàn cảnh thứ ba: xa chồng, nuôi con nhỏ, chăm sóc mẹ già; trong hoàn cảnh này, Vũ Nương là một người vợ thuỷ chung, yêu chồng tha thiết: "Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được.", một người mẹ hiền, dâu thảo, ân cần, hết lòng chăm sóc mẹ chồng lúc ốm đau: "Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn.", thương yêu, lo lắng chu toàn: khi mẹ chồng mất "Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình.".
Một hoàn cảnh quan trọng khác, đó là tình huống Vũ Nương bị chồng nghi oan. Trong tình huống này, khí tiết, phẩm hạnh của Vũ Nương được bộc lộ một cách rõ nét. Chú ý phân tích các lời thoại của Vũ Nương với chồng và lời nói trước khi tự vẫn để thấy được tính cách tốt đẹp của nhân vật này. Qua những lời tự minh oan cho mình, thuyết phục chồng, lời than thở đau đớn vì oan nghiệt, Vũ Nương đã bộc lộ khao khát về tình yêu, hạnh phúc gia đình như thế nào? Tại sao Vũ Nương lại phải trẫm mình tự vẫn? Hành động này cho thấy lòng tự trọng, ý thức giữ gìn danh dự, tiết hạnh ở người phụ nữ này ra sao?
Tóm lại, bằng cách đặt nhân vật vào những hoàn cảnh, tình huống khác nhau, tác giả đã khắc hoạ đậm nét một nhân vật Vũ Nương hiền thục, một người vợ thuỷ chung, yêu thương chồng con hết mực, một người con dâu hiếu thảo, hết lòng vì cha mẹ, gia đình, đồng thời cũng là người phụ nữ coi trọng danh dự, phẩm hạnh, quyết bảo vệ sự trong sạch của mình.
-----------------------------------------------
Ngoài ra, VnDoc.com đã thành lập group chia sẻ tài liệu học tập THCS miễn phí trên Facebook: Tài liệu học tập lớp 9. Mời các bạn học sinh tham gia nhóm, để có thể nhận được những tài liệu mới nhất.
Bài tiếp theo: Phân tích đoạn trích truyện “Chiếc lược ngà” để làm sáng tỏ tình phụ tử thiêng liêng và cao đẹp trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh
Như vậy thông qua bài bạn đọc chắc hẳn đã có câu trả lời Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào mà VnDoc chia sẻ trên đây. Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp ích cho các em học sinh nắm chắc tác phẩm nói chung và nhân vật Vũ Nương nói riêng. Chúc các em học tốt
-------------------------
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 9: Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 9 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 9.
- Cây lau chứng kiến việc nàng Vũ Nương ngồi bên bờ Hoàng Giang than thở một mình rồi tự vẫn
- Suy nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua nhân vật Vũ Nương ở ''Chuyện người con gái Nam Xương'' của Nguyễn Dữ
- Tóm tắt Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ
- Phân tích lòng hiếu thảo của Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương