Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội

Chúng tôi xin giới thiệu bài Những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Chủ nghĩa xã hội khoa học để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Bài: Những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội

Khi nghiên cứu về hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học rất quan tâm dự báo những đặc trưng của từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn đầu (giai đoạn thấp) của xã hội cộng sản nhằm định hướng phát triển cho phong trào công nhân quốc tế. Những đặc trưng cơ bản của giai đoạn đầu, phản ánh bản chất và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội từng bước được bộc lộ đầy đủ cùng với quá trình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Căn cứ vào những dự báo của C.Mác và Ph.Ăngghen và những quan điểm của V.I.Lênin về chủ nghĩa xã hội ở nước Nga xô - viết, có thể khái quát những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội như sau:

Một là, chủ nghĩa xã hội giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện.

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, khi dự báo về xã hội tương lai, xã hội cộng sản chủ nghĩa, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Thay cho xã hội tư bản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của tất cả mọi người”; khi đó “con người, cuối cùng làm chủ tồn tại xã hội của chính mình, thì cũng do đó làm chủ tự nhiên, làm chủ cả bản thân mình trở thành người tự do”.. Đây là sự khác biệt về chất giữa hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa so với các hình thái kinh tế - xã hội ra đời trước, thể hiện ở bản chất nhân văn, nhân đạo, vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đương nhiên, để đạt được mục tiêu tổng quát đó, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, cách mạng xã hội chủ nghĩa phải tiến hành triệt để, trước hết là giải phóng giai cấp, xóa bỏ tình trạng giai cấp này bóc lột, áp bức giai cấp kia, và một khi tình trạng người áp bức, bọc lột người bị xóa bỏ thì tình trạng dân tộc này đi bóc lột dân tộc khác cũng bị xóa bỏ”.

V.I.Lênin, trong điều kiện mới của đời sống chính trị - xã hội thế giới đầu thế kỷ XX, đồng thời từ thực tiễn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga xô-viết đã cho rằng, mục đích cao nhất, cuối cùng của những cải tạo xã hội chủ nghĩa là thực hiện nguyên tắc: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu: “khi bắt đầu những cải tạo xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải đặt rõ cái mục đích mà những cải tạo xã hội chủ nghĩa đó rút cục nhằm tới, cụ thể là thiết lập một xã hội cộng sản chủ nghĩa, một xã hội không chỉ hạn chế ở việc tước đoạt các công xưởng, nhà máy, ruộng đất và tư liệu sản xuất, không chỉ hạn chế ở việc kiểm kê, kiểm soát một cách chặt chẽ việc sản xuất và phân phối sản phẩm, mà còn đi xa hơn nữa, đi tới việc thực hiện nguyên tắc: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Vì thế cái tên gọi “Đảng Cộng sản là duy nhất chính xác về mặt khoa học” V.I.Lênin cũng khẳng định mục đích cao cả của chủ nghĩa xã hội cần đạt đến là xóa bỏ sự phân chia xã hội thành giai cấp, biến tất cả thành viên trong xã hội thành người lao động, tiêu diệt cơ sở của mọi tình trạng người bóc lột người. V.I.Lênin còn chỉ rõ trong quá trình phấn đấu để đạt mục đích cao cả đó, giai cấp công nhân, chính Đảng Cộng sản phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ của các giai đoạn khác nhau, trong đó có mục đích, nhiệm vụ cụ thể của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội - tạo ra các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật và đời sống tinh thần để thiết lập xã hội cộng sản.

Hai là, chủ nghĩa xã hội là xã hội do nhân dân lao động làm chủ

Đây là đặc trưng thể hiện thuộc tính bản chất của chủ nghĩa xã hội, xã hội vì con người và do con người; nhân dân mà nòng cốt là nhân dân lao động là chủ thể của xã hội thực hiện quyền làm chủ ngày càng rộng rãi và đầy đủ trong quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Chủ nghĩa xã hội là một chế độ chính trị dân chủ, nhà nước xã hội chủ nghĩa với hệ thống pháp luật và hệ thống tổ chức ngày càng ngày càng hoàn thiện sẽ quản lý xã hội ngày càng hiệu quả . C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “… bước thứ nhất trong cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị là giành lấy dân chủ”. V.I.Lênin, từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết đã coi chính quyền Xô viết là một kiểu Nhà nước chuyên chính vô sản, một chế độ dân chủ ưu việt gấp triệu lần so với chế độ dân chủ tư sản: “Chế độ dân chủ vô sản so với bất kỳ chế độ dân chủ tư sản nào cũng dân chủ hơn gấp triệu lần; chính quyền Xô viết so với nước cộng hòa dân chủ nhất thì cũng gấp triệu lần”.

Ba là, chủ nghĩa xã hội có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu

Đây là đặc trưng về phương diện kinh tế của chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội là giải phóng con người trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, mà xét đến cùng là trình độ phát triển cao của lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa xã hội là xã hội có nền kinh tế phát triển cao, với lực lượng sản xuất hiện đại, quan hệ sản xuất dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, được tổ chức quản lý có hiệu quả, năng suất lao động cao và phân phối chủ yếu theo lao động. V.I.Lênin cho rằng: “từ chủ nghĩa tư bản, nhân loại chỉ có thể tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, nghĩa là chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất và chế độ phân phối theo lao động của mỗi người”.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội, theo Ph.Ăngghen không thể ngay lập tức thủ tiêu chế độ tư hữu. Trả lời câu hỏi: Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không? Ph.Ăngghen dứt khoát cho rằng: “Không, không thể được cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng nền kinh tế công hữu. Cho nên cuộc cách mạng của giai cấp vô sản đang có tất cả những triệu chứng là sắp nổ ra, sẽ chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần dần, và chỉ khi nào đã tạo nên một khối lượng tư liệu cần thiết cho việc cải tạo đó là khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu”.

Cùng với việc từng bước xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, để nâng cao năng suất lao động cầ n phải tổ chức lao động theo một trình độ cao hơn, tổ chức chặt chẽ và kỷ luật lao động nghiêm., nghĩa là phải tạo ra quan hệ sản xuất tiến bộ, thích ứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. V.I. Lệnin cho rằng: “thiết lập một chế độ xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản, nghĩa là nâng cao năng suất lao động và do đó (và nhằm mục đích đó) phải tổ chức lao động theo một trình độ cao hơn”.

Đối với những nước chưa trải qua chủ nghĩa tư bản di lên chủ nghĩa xã hội, để phát triển lực lượng sản xuất , nâng cao năng suất lao động, V.I.Lênin chỉ rõ tất yếu phải “bắc những chiếc cầu nhỏ vững chắc” xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà nước: “Trong một nước tiểu nông, trước hết các đồng chí phải bắc những chiếc cầu nhỏ vững chắc, đi xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội”. “dưới chính quyền xô- viết thì chủ nghĩa tư bản nhà nước sẽ có thể là ¾ chủ nghĩa xã hội”. Đồng thời, V.I.Lênin chỉ rõ, những nước chưa trải qua chủ nghĩa tư bản di lên chủ nghĩa xã hội cần thiết phải học hỏi kinh nghiệm tử các nước phát triển theo cách thức: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: Chính quyền xô-viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơ-rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ etc. etc. + + = ∑ (tổng số) = chủ nghĩa xã hội”.

Bốn là, chủ nghĩa xã hội có nhà nước kiểu mới mang bản chất giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích, quyền lực và ý chí của nhân dân lao động.

Các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đã khẳng định trong chủ nghĩa xã hội phải thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản, nhà nước kiểu mới mang bản chất của giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích, quyền lực và ý chí của nhân dân lao động.

Theo V.I.Lênin, chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản là một chính quyền do giai cấp vô sản giành được và duy trì bằng bạo lực đối với giai cấp tư sản. Chính quyền đó chính là nhà nước kiểu mới thực hiện dân chủ cho tuyệt đại đa số nhân dân và trấn áp bằng vũ lực bọn bóc lột, bọn áp bức nhân dân, thực chất của sự biến đổi của chế độ dân chủ trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản. Nhà nước vô sản, theo V.I.Lênin phải là một công cụ, một phương tiện; đồng thời, là một biểu hiện tập trung trình độ dân chủ của nhân dân lao động, phản ánh trình độ nhân dân tham gia vào mọi công việc của nhà nước, quần chúng nhân dân thực sự tham gia vào từng bước của cuộc sống và đóng vai trò tích cực trong việc quản lý. Cũng theo V.I.Lênin, Nhà nước xô - viết sẽ tập hợp, lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, tổ chức đời sống xã hội vì con người và cho con người. Nhà nước chuyên chính vô sản đồng thời với việc mở rộng rất nhiều chế độ dân chủ - lần đầu tiên biến thành chế độ dân chủ cho người nghèo, chế độ dân chủ cho nhân dân chứ không phải cho bọn nhà giàu - chuyên chính vô sản còn thực hành một loạt biện pháp hạn chế quyền tự do đối với bọn áp bức, bọn bóc lột, bọn tư bản.

Năm là, chủ nghĩa xã hội có nền văn hóa phát triển cao, kế thừa và phát huy những giá trị của văn hóa dân tộc và tinh hoa văn nhân loại.

Tính ưu việt, sự ổn định và phát triển của chế độ xã hội chủ nghĩa không chỉ thể hiện ở lĩnh vực kinh tế, chính trị mà còn ở lĩnh vực văn hóa - tinh thần của xã hội. Trong chủ nghĩa xã hội, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, mục tiêu, động lực của phát triển xã hội, trọng tâm là phát triển kinh tế; văn hóa đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh con người, biến con người thành con người chân, thiện mỹ.

V.I.Lênin, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga xô - viết đã luận giải sâu sắc về “văn hóa vô sản” - nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, rằng, chỉ có xây dựng được nền văn hóa vô sản mới giải quyết được mọi vấn đề từ kinh tế, chính trị đến xã hội, con người. Người khẳng định: “…nếu không hiểu rõ rằng chỉ có sự hiểu biết chính xác về nền văn hóa được sáng tạo ra trong toàn bộ quá trình phát triển của loài người và việc cải tạo nền văn hóa đó mới có thể xây dựng được nền văn hóa vô sản thì chúng ta không giải quyết được vấn đề”. Đồng thời, V.I.Lênin cũng cho rằng, trong xã hội xã hội chủ nghĩa, những người cộng sản sẽ làm giàu tri thức của mình bằng tổng hợp các tri thức, văn hóa mà loài người đã tạo ra: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”. Do vậy, quá trình xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa phải biết kế thừa những giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn nhân loại, đồng thời, cần chống tư tưởng, văn hóa phi vô sản, trái với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của loài người, trái với phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ sáu, chủ nghĩa xã hội bảo đảm bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc và có quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.

Vấn đề giai cấp và dân tộc, xây dựng một cộng đồng dân tộc, giai cấp bình đẳng, đoàn kết, hợp tác, hữu nghị với nhân dân các nước trên thế giới luôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạch định và thực thi chiến lược phát triển của mỗi dân tộc và mỗi quốc gia. Theo quan điểm của các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học, vấn đề giai cấp và dân tộc có quan hệ biện chứng, bởi vậy, giải quyết vấn đề dân tộc, giai cấp trong chủ nghĩa xã hội có vị trí đặc biệt quan trọng và phải tuân thủ nguyên tắc: “xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng bị xóa bỏ”. Phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, trong điều kiện cụ thể ở nước Nga, V.I.Lênin, trong Cương lĩnh về vấn đề dân tộc trong chủ nghĩa xã hội đã chỉ ra những nội dung có tính nguyên tắc để giải quyết vấn đề dân tộc: “Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng; các dân tộc được quyền tự quyết; liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc lại. Đó là Cương lĩnh dân tộc mà chủ nghĩa Mác, kinh nghiệm toàn thế giới và kinh nghiệm của nước Nga dạy cho công nhân”.

Giải quyết vấn đề dân tộc theo Cương lĩnh của V.I.Lênin, trong chủ nghĩa xã hội, cộng đồng dân tộc, giai cấp bình đẳng, đoàn kết và hợp tác trên cơ sở cơ sở chính trị - pháp lý, đặc biệt là cơ sở kinh tế- xã hội và văn hóa sẽ từng bước xây dựng củng cố và phát triển. Đây là sự khác biệt căn bản về việc giải quyết vấn đề dân tộc theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin và quan điểm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi hoặc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. V.I.Lênin khẳng định: “… chỉ có chế độ xô - viết là chế độ có thể thật sự đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc, bằng cách thực hiện trước hết sự đoàn kết tất cả những người vô sản, rồi đến toàn thể quần chúng lao động, trong việc đấu tranh chống giai cấp tư sản”.

Chủ nghĩa xã hội, với bản chất tốt đẹp do con người, vì con người luôn là bảo đảm cho các dân tộc bình đẳng, đoàn kết và hợp tác hữu nghị; đồng thời có quan hệ với nhân dân tất cả các nước trên thế giới. Tất nhiên, để xây dựng cộng đồng bình đẳng, đoàn kết và có quan hệ hợp tác, hữu nghị với nhân dân tất cả các nước trên thế giới, điều kiện chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản, theo V.I.Lênin cần thiết phải có sự liên minh và sự thống nhất của giai cấp vô sản và toàn thể quần chúng cần lao thuộc tất cả các nước và các dân tộc trên toàn thế giới: “Không có sự cố gắng tự nguyện tiến tới sự liên minh và sự thống nhất của giai cấp vô sản, rồi sau nữa, của toàn thể quần chúng cần lao thuộc tất cả các nước và các dân tộc trên toàn thế giới, thì không thể chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản được”. Trong “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” văn kiện về giải quyết vấn đề dân tộc trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản, V. I. Lê-nin chỉ rõ: “Trọng tâm trong toàn bộ chính sách của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa là cần phải đưa giai cấp vô sản và quần chúng lao động tất cả các dân tộc và các nước lại gần nhau trong cuộc đấu tranh cách mạng chung để lật đổ địa chủ và tư sản. Bởi vì, chỉ có sự gắn bó như thế mới bảo đảm cho thắng lợi đối với chủ nghĩa tư bản, không có thắng lợi đó thì không thể tiêu diệt được ách áp bức dân tộc và sự bất bình đẳng”. Đó cũng là cơ sở để Người đưa ra khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”.

Bảo đảm bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc và có quan hệ hợp tác, hữu nghị với nhân dân tất cả các nước trên thế giới, chủ nghĩa xã hội mở rộng được ảnh hưởng và góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội về chủ nghĩa xã hội giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện, chủ nghĩa xã hội có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm