Top 7 đề thi tuyển sinh vào lớp 6 môn Tiếng Việt có đáp án

Top 7 đề thi tuyển sinh vào lớp 6 môn Tiếng Việt có đáp án là tài liệu do VnDoc biên soạn dành cho các em học sinh cùng các bậc phụ huynh tham khảo cho con em mình ôn luyện, chuẩn bị kiến thức cho kì thi tuyển sinh vào lớp 6 sắp tới đạt hiệu quả cao. Mời thầy cô cùng các em học sinh tham khảo.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Để giao lưu và dễ dàng chia sẻ các tài liệu học tập hay lớp 6 để chuẩn bị cho năm học mới, mời các bạn tham gia nhóm facebook Tài liệu học tập lớp 6.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc. Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép với mục đích thương mại.

Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt năm học 2021-2022 - Đề 1

Phần 1. Trắc nghiệm (2 điểm)

Khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng.

1. Trong các câu sau, câu nào không chứa cặp từ trái nghĩa? (0,25 điểm)

A. Bán anh em xa mua láng giềng gần.

B. Chân cứng đá mềm.

C. Môi hở răng lạnh.

D. Yêu trẻ, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi cho.

2. Từ chân nào sau đây được dùng theo nghĩa chuyển? (0,25 điểm)

A. Hùng phải nghỉ học sáng nay vì bị đau chân.

B. Dì Mai đang đeo giày vào chân cho em bé.

C. Cô Hoa đang tập duỗi thẳng chân trong tiết học yoga.

D. Sau buổi họp, Tú đã được giữ một chân trong đội tuyển bóng đá.

3. Câu nào dưới đây dấu gạch chéo (/) đã được dùng để phân tách chủ ngữ và vị ngữ? (0,25 điểm)

A. Mùa hè/, trời bắt đầu sáng từ lúc mới 5 giờ.

B. Em/ thức dậy từ lúc 5 giờ sáng.

C. Dì Mai chở em bé đến trường mẫu giáo/ rồi mới đi làm.

D. Chú Hùng đang là/ công nhân ở nhà máy giấy.

4. Hai câu thơ sau đây đã sử dụng biện pháp tu từ gì? (0,25 điểm)

Hàng bưởi
Đu đưa
Bế lũ con
Đầu tròn
Trọc lốc...

(Mưa - Trần Đăng Khoa)

A. So sánh

B. Ẩn dụ

C. Nhân hóa

D. Không sử dụng

5. Dòng nào sau đây chỉ chứa các từ ghép tổng hợp? (0,25 điểm)

A. Nấu nướng, học hành, ăn ngủ, áo quần

B. Xe cộ, hoa quả, bánh chưng, ốc sên

C. Tàu thuyền, xe đạp, thầy cô, ghế gỗ

D. Bạn bè, đi đứng, ăn uống, quần đùi

6. Câu nào sau đây không phải là câu cầu khiến? (0,25 điểm)

A. Các em hãy mở sách giáo khoa ra!

B. Hùng ơi, mở cửa sổ ra đi cậu!

C. Em không được hái bông hoa đó!

D. Bầu trời hôm nay đẹp quá!

7. Từ nào sau đây không phải là từ ghép? (0,25 điểm)

A. Mùa xuân

B. Chim sẻ

C. Mùa màng

D. Cắt giấy

8. Các vế trong câu ghép sau có mối quan hệ ý nghĩa gì với nhau: “Trời càng lạnh lẽo, thì người đi đường càng ít đi vào buổi tối”. (0,25 điểm)

A. Quan hệ nguyên nhân - kết quả

B. Quan hệ tăng tiến

C. Quan hệ giả thiết - kết quả

D. Quan hệ tương phản

Phần 2. Tự luận (8 điểm)

Câu 1. (1 điểm) Cho đoạn thơ sau:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ…

(Viếng lăng Bác - Viễn Phương)

Em hãy tìm các động từ, tính từ, danh từ có trong đoạn thơ và điền vào bảng sau:

Danh từ

Động từ

Tính từ

 

 

 

Câu 2. (1 điểm) Em hãy phân tích cấu tạo của các câu sau đây và cho biết câu đó thuộc kiểu câu gì.

a. Mỗi ngày, dì Nhi đều thức dậy từ sớm để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà.

b. Lũ trẻ vội vàng chạy trở về lớp học vì chúng nghe thấy tiếng trống vang lên dồn dập từ phía phòng bảo vệ.

Câu 3. (1 điểm) Đọc bài thơ sau và cho biết, bài thơ đã sử dụng biện pháp tu từ nào. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Cơn giông bỗng cuộn giữa làng
Bờ ao lở. Gốc cây bàng cũng nghiêng
Quả bòng chết chẳng chịu chìm
Ao con mà sóng nổi lên bạc đầu…

(Cơn giông - Trần Đăng Khoa)

Câu 4. (5 điểm) Em hãy miêu tả lại sân trường mình vào giờ ra chơi.

Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt năm học 2021-2022 - Đề 2

Phần 1. Trắc nghiệm (2 điểm)

Những ngày mới (trích)

[1] Chăm chú vào công việc đang làm, Tân không để ý gì đến cảnh vật chung quanh. Chàng cũng không thấy mệt nữa, tuy ánh nắng chiếu trên lưng nóng rát, và mồ hôi từng giọt nhỏ ở trên trán xuống. Tân chú ý đưa cái hái cho nhanh nhẹn, mỗi lần bông lúa rung động chạm vào mặt, vào người, mùi lúa chín thơm phảng phất lẫn với mùi rạ ướt mới cắt. Mùi thơm đó làm cho chàng say sưa như men rượu. Tân lại cố hết sức gặt, chỉ lo không theo kịp hàng những người thợ khác.

[2] Cắt được mấy lượm lúa, Tân thấy cánh tay mỏi rã rời. Chàng tưởng không thể nào gặt được nữa. Tuy cố hết sức nhưng chàng cũng chưa theo kịp bọn thợ gặt. Cứ đi được vài bước, Tân lại phải dừng lại để thở.

theo Thạch Lam

Em hãy khoanh tròn vào các chữ cái đứng trước câu trả lời đúng

1. Nhân vật chính trong bài đọc là ai? (0,25 điểm)

A. Tân

B. Ruộng lúa

C. Cụ già

D. Mùi lúa chín

2. Lúc Tân đang gặt lúa, thời tiết có đặc điểm gì? (0,25 điểm)

A. Trời rét buốt

B. Ánh nắng ấm áp

C. Ánh nắng nóng rát

C. Trời âm u, mát mẻ

3. Mùi thơm của lúa chín đem đến cho Tân cảm giác gì? (0,25 điểm)

A. Khó chịu

B. Thư giãn

C. Say sưa

D. Mệt mỏi

4. Điều gì xảy ra sau khi Tân cắt được mấy lượm lúa? (0,25 điểm)

A. Anh cảm thấy khỏe như chưa bắt đầu gặt lúa

B. Trời bỗng nổi cơn dông nên mọi người phải tìm chỗ trú

C. Tân có việc gấp phải đi ra đình làng

D. Tân thấy cánh tay mỏi rã rời

5. Câu văn “Mùi thơm đó làm cho chàng say sưa như men rượu” đã sử dụng biện pháp tu từ gì? (0,25 điểm)

A. So sánh

B. Nhân hóa

C. Ẩn dụ

D. Hoán dụ

6. Bài đọc có tất cả bao nhiêu từ láy? (0,25 điểm)

A. 3 từ láy

B. 4 từ láy

C. 5 từ láy

D. 6 từ láy

7. Câu văn “Chàng tưởng không thể nào gặt được nữa” thuộc kiểu câu gì? (0,25 điểm)

A. Câu cảm thán

B. Câu cầu khiến

C. Câu nghi vấn

D. Câu trần thuật

8. Câu văn “Tuy cố hết sức nhưng chàng cũng chưa theo kịp bọn thợ gặt” có sử dụng cặp quan hệ từ biểu thị quan hệ gì? (0,25 điểm)

A. Quan hệ nguyên nhân - kết quả

B. Quan hệ tăng tiến

C. Quan hệ giả thiết - kết quả

D. Quan hệ tương phản

Phần 2. Tự luận (8 điểm)

Câu 1. (1,5 điểm)

Em hãy tìm và phân tích cấu tạo của các câu ghép có trong đoạn [1] của bài đọc ở Phần 1.

Câu 2. (1,5 điểm)

Cho câu thơ sau:

Áo nâu cùng với áo xanh
Nông thôn cùng với thị thành đứng lên.

Em hãy chỉ ra biện pháp tu từ có trong câu thơ trên, và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Câu 3. (5 điểm)

Em hãy miêu tả lại một cơn mưa rào mà mình đã từng được chứng kiến.

Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt năm học 2021-2022 - Đề 3

Phần 1. Trắc nghiệm (2 điểm)

Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng:

1. (0,25 điểm) Các vế trong câu ghép sau đây có mối quan hệ ý nghĩa gì với nhau:

“Khi tiếng ve kêu râm ran trên khắp các nẻo đường thì mùa hè đã thực sự về đến thành phố”.

A. Quan hệ điều kiện - kết quả

B. Quan hệ tương phản

C. Quan hệ nguyên nhân - kết quả

D. Quan hệ tăng tiến

2. (0,25 điểm) Từ nào sau đây không phải là từ ghép tổng hợp?

A. Sông nước

B. Chạy nhảy

C. Đá bóng

D. Ăn ngủ

3. (0,25 điểm) Câu nào sau đây không phải là câu cầu khiến?

A. Em hãy đóng cửa sổ lại đi!

B. Ôi, em hãy dừng hành động đó lại ngay!

C. Bát cháo này ngon tuyệt!

D. Tất cả mở sách giáo khoa trang 41!

4. (0,25 điểm) Dòng nào sau đây chỉ gồm các từ láy?

A. Xinh xắn, lấp lánh, nóng nảy, giận dữ

B. Tươi tắn, mộc mạc, độc đáo, tủm tỉm

C. Róc rách, lỉnh kỉnh, bình chọn, lắt léo

D. Học hành, lững thững, long lanh, phong phanh

5. (0,25 điểm) Câu văn dưới đây đã sử dụng biện pháp tu từ nào?

“Gọi là kênh Bọ Mắt vì ở đó tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt, đen như hạt vừng, chúng cứ bay theo thuyền từng bầy như những đám mây nhỏ, ta bị nó đốt vào da thịt chỗ nào là chỗ đó ngứa ngáy nổi mẩn đỏ tấy lên”.

A. Nhân hóa

B. Ẩn dụ

C. So sánh

D. Hoán dụ

6. (0,25 điểm) Câu nào dưới đây đã dùng dấu gạch chéo [/] để phân tách chủ ngữ và vị ngữ?

A. Từ xa/, tiếng gà trống gáy sớm đã vang lên, đánh thức mọi người khỏi giấc ngủ say.

B. Từ xa, tiếng gà trống/ gáy sớm đã vang lên, đánh thức mọi người khỏi giấc ngủ say.

C. Từ xa, tiếng gà trống gáy sớm/ đã vang lên, đánh thức mọi người khỏi giấc ngủ say.

D. Từ xa, tiếng gà trống gáy sớm đã vang lên/, đánh thức mọi người khỏi giấc ngủ say.

7. (0,25 điểm) Từ “mắt” nào sau đây được dùng theo nghĩa chuyển?

A. Đôi mắt bé Na tròn xoe và đen nhánh như hạt nhãn lồng.

B. Ngoài vườn, những trái na đã bắt đầu mở mắt.

C. Mẹ đưa Hà đi cắt kính, vì mắt em bị cận thị.

D. Tú đang tập tự nhỏ thuốc nhỏ mắt cho mình.

8. (0,25 điểm) Trong các câu sau, câu nào không chứa các cặp từ trái nghĩa?

A. Lên thác xuống ghềnh

B. Thất bại là mẹ thành công

C. Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo

D. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.

Phần 2. Tự luận (8 điểm)

Câu 1. (1 điểm)

Cho đoạn văn sau:

Giời chớm hè. Cây cối um tùm. Cả làng thơm. Cây hoa lan nở hoa trắng xoá. Hoa giẻ từng chùm mảnh dẻ. Hoa móng rồng bụ bẫm thơm như mùi mít chín ở góc vườn ông Tuyên. Ong vàng, ong vò vẽ, ong mật đánh lộn nhau để hút mật ở hoa. Chúng đuổi cả bướm. Bướm hiền lành bỏ chỗ lao xao. Từng đàn rủ nhau lặng lẽ bay đi.

(trích Lao xao - Duy Khán)

a. Em hãy tìm ra các từ ghép và từ láy có trong đoạn văn trên.

b. Em hãy xếp các từ ghép vừa tìm được thành hai nhóm: từ ghép tổng hợp và từ ghép phân loại.

Câu 2. (1 điểm)

Em hãy phân tích cấu tạo của các câu ghép sau. Và cho biết các vế trong các câu ghép được nối với nhau bằng cách nào.

a. Khi ánh mặt trời bắt đầu rực rỡ, thì mấy chú mèo mướp cũng đủng đỉnh nhảy lên mái nhà, sung sướng nằm sưởi nắng.

b. Bài toán khó quá, Lan loay hoay mãi mà vẫn chưa giải được.

Câu 3. (1 điểm)

Cho khổ thơ sau:

Mẹ đất nuôi cây
Dì mưa tiếp nước
Cậu nắng từng ngày
Ủ cành ấm áp.

(trích Cây xanh - Nguyễn Lãm Thắng)

Em hãy chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ trên và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Câu 4. (1 điểm)

Em hãy viết tiếp vào chỗ trống để tạo thành câu ghép hoàn chỉnh.

a. …………………… nên Hùng phải mang vở xuống hỏi bố.

b. Trời mấy hôm nay trở rét buốt, ……………………

c. Ánh nắng ấm áp chiếu xuống khoảng sân nhỏ phía trước nhà ……………………

Câu 5. (4 điểm)

Em hãy viết một bài văn tả lại dòng sông trên quê hương em.

Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt năm học 2021-2022 - Đề 4

Phần 1. Trắc nghiệm (2 điểm)

Đọc thầm văn bản sau:

Đột nhiên vào một buổi, những đám mây lớn đen xịt, lổm ngổm vần vũ đầy trời. Gió nam giật mãi, bỗng mát lạnh hơi nước. Đằng xa miên man rạt rào khua động. Mưa đã xuống bên kia sông.

Gió càng điên đảo trong cành cây. Ngoài đường cái, người chạy táo tác. Trẻ con la ơi ới. Có lẽ sắp được xem mưa, các chú bé thích quá kêu rối rít. Cùng chung với chúng tôi một nỗi vui ngơ ngẩn, mấy con chó cũng nhảy cỡn, day xích ống, ăng ẳng sủa.

(trích Cỏ dại - Tô Hoài)

Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng

1. Bài văn trên miêu tả khung cảnh ngôi làng vào thời điểm nào? (0,25 điểm)

A. Khi sắp có mưa rào

B. Khi đang có mưa rào

C. Khi mưa rào vừa tạnh

D. Khi rất lâu chưa có mưa rào

2. Từ nào sau đây được dùng để miêu tả đặc điểm của những đám mây? (0,25 điểm)

A. Đen ngòm

B. Đen đặc

C. Đen xịt

D. Đen thui

3. Từ “giật” trong câu “Gió nam giật mãi, bỗng mát lạnh hơi nước” có nghĩa là gì? (0,25 điểm)

A. Miêu tả cơn gió thổi chậm rãi nhưng cường độ mạnh

B. Miêu tả cơn gió thổi nhanh, mạnh và dứt khoát

C. Miêu tả cơn gió thổi nhanh nhưng yếu, không dứt khoát

D. Miêu tả cơn gió thổi chậm, nhưng mạnh và dứt khoát

4. Câu nào sau đây dấu gạch chéo [/] được dùng để phân tách chủ ngữ và vị ngữ? (0,25 điểm)

A. Ngoài đường/ cái, người chạy táo tác.

B. Ngoài đường cái/, người chạy táo tác.

C. Ngoài đường cái, người/ chạy táo tác.

D. Ngoài đường cái, người chạy/ táo tác.

5. Vì sao các chú bé lại thích đến kêu lên rối rít? (0,25 điểm)

A. Vì sắp được ăn kem

B. Vì sắp được đi chơi

C. Vì sắp được đi học

D. Vì sắp được xem mưa

6. Câu “Gió càng điên đảo trong cành cây” đã sử dụng biện pháp tu từ gì? (0,25 điểm)

A. Nhân hóa

B. Ẩn dụ

C. Hoán dụ

D. Không sử dụng

7. Đoạn trích đã sử dụng bao nhiêu từ láy? (0,25 điểm)

A. 8 từ láy

B. 9 từ láy

C. 10 từ láy

D. 11 từ láy

8. Câu văn “Ngoài đường cái, người chạy táo tác” thuộc kiểu câu gì? (0,25 điểm)

A. Câu nghi vấn

B. Câu cảm thán

C. Câu cầu khiến

D. Câu trần thuật

Phần 2. Tự luận (8 điểm)

Câu 1. (2 điểm)

Cho đoạn văn sau:

(1) Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. (2) Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. (3) Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận.

(trích Sông nước Cà Mau - Đoàn Giỏi)

a. Phân tích cấu tạo các câu văn trong đoạn văn trên, và cho biết các câu đó thuộc kiểu câu nào. (1 điểm)

b. Em hãy chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn trên và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó. (1 điểm)

Câu 2. (1 điểm)

a. Em hãy đặt một câu ghép gồm có 3 vế câu (3 cụm chủ vị). (0,5 điểm)

b. Em hãy đặt một câu ghép có sử dụng cặp quan hệ từ chỉ quan hệ tăng tiến. (0,5 điểm)

Câu 3. (5 điểm)

Em hãy miêu tả lại cô giáo hoặc thầy giáo mà mình yêu quý.

Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt năm học 2021-2022 - Đề 5

Phần 1. Trắc nghiệm (2 điểm)

Đọc thầm văn bản sau:

Ngoài cửa sổ bấy giờ những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt - cái giống hoa ngay khi mới nở, màu sắc đã nhợt nhạt.

Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông. Và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá, như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ.

(trích Bến quê - Nguyễn Minh Châu)

Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng

1. (0,25 điểm) Trong bài đọc đã nhắc đến dòng sông nào?

A. Sông Hàn

B. Sông Hương

C. Sông Hồng

D. Sông Cầu

2. (0,25 điểm) Những bông hoa bằng lăng từ khi mới nở đã có đặc điểm gì?

A. Có màu sắc rực rỡ

B. Màu sắc đậm dần sau khi nở

C. Màu sắc nhạt dần sau khi nở

D. Có màu sắc nhợt nhạt

3. (0,25 điểm) Dòng sông Hồng có màu gì vào những ngày đầu thu?

A. Đỏ nhạt

B. Hồng nhạt

C. Tím nhạt

D. Xanh nhạt

4. (0,25 điểm) Dòng nào sau đây gồm những màu sắc đã được nhắc đến trong bài đọc?

A. Tím nhạt, vàng thau, xanh non

B. Đỏ nhạt, vàng cam, xanh non

C. Đỏ nhạt, vàng thau, xanh non

D. Đỏ nhạt, vàng cam, xanh thẫm

5. (0,25 điểm) Dòng nào sau đây dấu gạch chéo [/] đã được dùng để ngăn cách chủ ngữ và vị ngữ?

A. Vòm/ trời cũng như cao hơn

B. Vòm trời/ cũng như cao hơn

C. Vòm trời cũng/ như cao hơn

D. Vòm trời cũng như/ cao hơn

6. (0,25 điểm) Từ nào đồng nghĩ với từ in đậm trong câu “Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông”?

A. Nhanh nhẹn

B. Chầm chậm

C. Xinh xắn

D. Mạnh mẽ

7. (0,25 điểm) Câu “Ngoài cửa sổ bấy giờ những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt - cái giống hoa ngay khi mới nở, màu sắc đã nhợt nhạt” thuộc kiểu câu gì?

A. Câu cảm thán

B. Câu nghi vấn

C. Câu cầu khiến

D. Câu trần thuật

8. (0,25 điểm) Chủ ngữ của câu “Ngoài cửa sổ bấy giờ những bông hoa bằng lăng đã thưa thớt - cái giống hoa ngay khi mới nở, màu sắc đã nhợt nhạt” là gì?

A. Ngoài cửa sổ

B. Ngoài cửa sổ bấy giờ

C. Những bông hoa

D. Những bông hoa bằng lăng

Phần 2. Tự luận (8 điểm)

Câu 1. (1 điểm)

Cho đoạn văn sau:

(1) Đêm hôm ấy trời tối đen như mực. (2) Muôn ngôi sao đang run rẩy trên tầng không. (3) Về phía xa, cánh rừng mai đã loang loáng phơi một màu trắng sữa. (4) Một mùi hương nhẹ ướp thơm cả khí trời. (5) Cơn gió lạnh thoảng trong rừng thông nghe mơ màng như bản đàn mới dạo.

(trích Một đêm xuân - Thanh Tịnh)

a. (0,25 điểm) Câu (1) thuộc kiểu câu gì?

b. (0,25 điểm) Phân tích cấu tạo câu (3)

c. (0,5 điểm) Xác định biện pháp tu từ đã được sử dụng ở câu (5) và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Câu 2. (1 điểm)

Viết tiếp vế câu còn lại vào chỗ trống để hoàn thành các câu ghép sau:

a. Trên bục giảng, thầy giáo đang say sưa giảng bài, …………………

b. …………………, còn cu Tí thì đã ngủ ngoan ở trong chiếc nôi xinh xắn.

c. ………………… dù trời vẫn còn rét lắm.

d. Nước trên sông ngày một dâng cao hơn, …………………

Câu 3. (1 điểm)

Cho đoạn thơ sau:

Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…

(trích Bên kia sông đuống - Hoàng Cầm)

a. (0,5 điểm) Em hãy tìm các từ ghép có trong đoạn thơ trên.

b. (0,5 điểm) Đặt một câu ghép với 1 trong các từ ghép đã tìm được ở câu a.

Câu 4. (5 điểm)

Em hãy tả lại một loài động vật mà mình yêu quý.

Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt năm học 2021-2022 - Đề 6

Phần 1. Trắc nghiệm (2 điểm)

Xuân về

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.

Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trảy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô.

(theo Nguyễn Bính)

1. (0,25 điểm) Bài thơ trên được viết theo thể thơ gì?

A. Thơ bảy chữ

B. Thơ tám chữ

C. Thơ lục bát

D. Thơ năm chữ

2. (0,25 điểm) Bài thơ miêu tả khung cảnh vào thời điểm nào trong năm?

A. Khi mùa đông về

B. Khi mùa xuân về

C. Khi mùa hè về

D. Khi mùa thu về

3. (0,25 điểm) Trong vườn, các loài hoa nào đã rơi rụng?

A. Hoa bưởi, hoa mai

B. Hoa mai, hoa đào

C. Hoa đào, hoa cam

D. Hoa cam, hoa bưởi

4. (0,25 điểm) Bài thơ có sử dụng bao nhiêu từ láy?

A. 1 từ

B. 2 từ

C. 3 từ

D. 4 từ

5. (0,25 điểm) Câu thơ “Gậy trúc dắt bà già tóc bạc” đã sử dụng biện pháp tu từ gì?

A. So sánh

B. Ẩn dụ

C. Nhân hóa

D. Hoán dụ

6. (0,25 điểm) Em hiểu cụm từ “việc đồng” nghĩa là gì?

A. Công việc ngoài đồng ruộng

B. Công việc ở trong bếp

C. Công việc ở trên sông hồ

D. Công việc ở trong vườn

7. (0,25 điểm) Từ nào đồng nghĩa với từ in đậm trong câu thơ “Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng”?

A. Thoang thoảng

B. Mờ nhạt

C. Nồng nàn

D. Nhạt nhòa

8. (0,25 điểm) Em hiểu “lúa thì con gái” nghĩa là gì?

A. Tên giống lúa này là “con gái”

B. Lúa có ngoại hình giống người con gái

C. Lúa đang ở thời điểm tươi xanh, tràn đầy sức sống nhất

D. Lúa đã chín vàng ươm, đẹp như mái tóc người con gái

Phần 2. Tự luận (8 điểm)

Câu 1. (2 điểm)

Cho đoạn văn sau:

(1) Thường thường, vào khoảng đó, trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. (2) Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ra ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. (3) Trên giàn hoa lí, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. (4) Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột.

(theo Vũ Bằng)

a. Em hãy phân tích cấu tạo các câu (1), (3) và cho biết các câu đó thuộc kiểu câu gì?

b. Em hãy chỉ ra các hình ảnh so sánh có xuất hiện trong đoạn văn trên. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh.

Câu 2. (1 điểm)

a. Em hãy tìm 3 tính từ từ chỉ phẩm chất của người học sinh.

b. Chọn 1 trong các từ vừa tìm được và đặt thành 1 câu ghép.

Câu 3. (1 điểm)

Em hãy viết tiếp để hoàn thành các câu ghép sau:

a. …………………………. nhưng chú mèo vẫn ngủ say bên đống tro bếp.

b. Trời mưa ngày càng to hơn ………………………….

Câu 4. (4 điểm)

Em hãy viết bài văn miêu tả lại một loại quả mà em yêu thích nhất vào mùa hè.

Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt năm học 2021-2022 - Đề 7

Phần 1. Trắc nghiệm (2 điểm)

Chiếc rổ may

Thuở bé nhiều hôm tôi bỏ chơi
Cảm thương đứng ngó mẹ tôi ngồi
Vá bên chiếc rổ mùi thơm cũ
Như tấm lòng thơm của mẹ tôi.

Lơ thơ chỉ rối sợi con con;
Những cái kim hư, hột nút mòn
Tằn tiện để dành trong lọ nhỏ;
Vải lành gói ghém mấy khoanh tròn…

(theo Tế Hanh)

Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng

1. (0,25 điểm) Bài thơ trên được viết theo thể thơ gì?

A. Thơ năm chữ

B. Thơ sáu chữ

C. Thơ bảy chữ

D. Thơ tám chữ

2. (0,25 điểm) Nhiều hôm nhân vật trữ tình đã bỏ chơi để làm gì?

A. Để học bài

B. Để ngủ trưa

C. Để nấu cơm

D. Để xem mẹ

3. (0,25 điểm) Những từ nào sau đây được dùng để miêu tả đặc điểm của các dụng cụ may vá của mẹ?

A. Hư, mòn

B. Cảm thương

C. Lơ thơ

D. Tằn tiện

4. (0,25 điểm) Đâu là cặp từ trái nghĩa đã xuất hiện ở trong bài thơ?

A. Cũ - mới

B. Thơm - thối

C. Hư - lành

D. Bé - lớn

5. (0,25 điểm) Bài thơ có sử dụng tất cả bao nhiêu từ láy?

A. 2 từ láy

B. 3 từ láy

C. 4 từ láy

D. 5 từ láy

6. (0,25 điểm) Hai câu thơ dưới đây đã sử dụng biện pháp tu từ nào?

“Vá bên chiếc rổ mùi thơm cũ
Như tấm lòng thơm của mẹ tôi.”

A. Nhân hóa

B. Ẩn dụ

C. Hoán dụ

D. So sánh

7. (0,25 điểm) Chủ ngữ của câu thơ “Thuở bé nhiều hôm tôi bỏ chơi” là gì?

A. Thuở bé

B. Nhiều hôm

C. Nhiều hôm tôi

D. Tôi

8. (0,25 điểm) Từ nào đồng nghĩa với từ in đậm trong câu “Cảm thương đứng ngó mẹ tôi ngồi”?

A. nghĩ

B. nhìn

C. ngủ

D. ngóng

Phần 2. Tự luận (8 điểm)

Câu 1. (1 điểm)

Cho câu văn sau:

Cứ mỗi lần chúng tôi reo hò, huýt còi ầm ĩ chạy lên đồi là hai cây phong khổng lồ lại nghiêng ngả đung đưa như muốn chào mời chúng tôi đến với bóng râm mát rượi và tiếng lá xào xạc dịu hiền.

(theo Ai-ma-tốp)

a. Em hãy phân tích cấu tạo của câu văn trên.

b. Câu văn trên đã sử dụng biện pháp tu từ nào, hãy chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Câu 2. (0.5 điểm)

Viết tiếp vế câu còn lại vào chỗ trống để hoàn thành các câu ghép sau:

a. Chú gà trống dậy từ sớm, cất tiếng gáy gọi ông mặt trời, ……………….

b. ………………. nên em đành phải đi bộ đến trường một mình..

Câu 3. (0,5 điểm)

Cho câu văn sau:

Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt.

(theo Nguyên Hồng)

Em hãy phân tích cấu tạo của câu văn trên và cho biết đó là kiểu câu gì?

Câu 4. (1 điểm)

Cho đoạn thơ sau:

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng...

(theo Tế Hanh)

a. Em hãy tìm các từ láy có trong đoạn thơ.

b. Đặt 1 câu ghép có sử dụng 1 trong các từ láy em vừa tìm được, có sử dụng cặp quan hệ từ theo quan hệ điều kiện - kết quả.

Câu 5. (5 điểm)

Em hãy miêu tả một cuốn sách mà mình yêu thích nhất.

Để xem trọn bộ đáp án của 7 đề thi trên, mời các bạn tải tài liệu về máy!

--------------------------------------------------------------------------------------

Ngoài tài liệu Top 7 đề thi tuyển sinh vào lớp 6 môn Tiếng Việt có đáp án trên, chúng tôi còn biên soạn và sưu tầm nhiều đề thi học kì 1 lớp 6 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh. Hy vọng rằng tài liệu lớp 6 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các em đạt kết quả học tập tốt.

Đánh giá bài viết
11 7.173
Sắp xếp theo

Thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt

Xem thêm