Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Những bài văn cảm thụ lớp 5

Cảm thụ văn học lớp 5

Những bài văn cảm thụ lớp 5 dưới đây sẽ giúp các em học sinh lớp 5 học môn Tiếng Việt tốt hơn. Tài liệu văn mẫu lớp 5 này sẽ giúp các em rèn luyện khả năng diễn đạt, có nhiều ý tưởng khi làm văn miêu tả với các đề bài quen thuộc như: tả cánh đồng lúa, tả con đường từ nhà đến trường... Các bài văn miêu tả chân thực, diễn đạt mạch lạc sẽ là tài liệu hữu ích dành cho quý thầy cô, quý phụ huynh và các em học sinh.

Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 5, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 5 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 5. Và để chuẩn bị cho chương trình học lớp 6, các thầy cô và các em tham khảo: Nhóm Tài liệu học tập lớp 6. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.

Đề văn cảm thụ lớp 5

Đề 1: Trong bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có viết:

Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ

Em ngủ ngoan em đừng làm lưng mẹ mỏi

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.

Hãy nêu những suy nghĩ của em về hình ảnh mặt trời được diễn tả trong hai câu cuối của đoạn thơ trên.

Gợi ý: Hình ảnh "mặt trời" được diễn tả trong hai câu cuối của đoạn thơ với hai ý nghĩa khác nhau.

Ở câu Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi, hình ảnh "mặt trời" gợi cho ta nghĩ đến nguồn ánh sáng và những tia nắng ấm giúp cho cây bắp lớn lên, hạt bắp thêm chắc mẩy. Vì vậy có thể nói đó là "mặt trời của bắp".

Ở câu Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng, hình ảnh "mặt trời" gợi cho ta liên tưởng đến em bé (người con) đang nằm trên lưng mẹ.

Em bé được mẹ che chở bằng tình yêu thương. Em bé là niềm hy vọng lớn lao và đẹp đẽ của người mẹ. Vì vậy có thể nói: em là "mặt trời của mẹ".

Đề 2:

"Ôi! Lòng Bác vậy cứ thương ta.

Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Như dòng sông chảy lặng phù sa"

("Theo chân Bác" - Tố Hữu)

Đoạn thơ trên có hình ảnh nào đẹp gây xúc động nhất với em vì sao?

* Tham khảo: Hình ảnh "dòng sông chảy nặng phù sa" là hình ảnh đpẹ và gây xúc động nhất bởi nó được dùng để so sánh với tấm lòng yêu thương quên mình vì dân vì nước của Bác. Dòng sông quê hương mang nặng phù sa hay tấm lòng của Bác lúc nào cũng chứa chan tình yêu thương dành cho mỗi chúng ta. Bác chia sẻ tình thương cho tất cả mọi người, cho cỏ cây hoa lá mà chẳng nghĩ đến riêng mình. Dòng sông cũng vậy cứ chảy mãi chảy mãi, đem đến cho đôi bờ những hạt phù sa đỏ hồng để làm nên hạt gạo, làm nên cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đoạn thơ là sự thể hiện tình cảm kính yêu, sự biết ơn của tác giả nói riêng và của nhân dân ta nói chung đối với Bác Hồ kính yêu.

Đề 3: Trong bài Cô giáo với mùa thu, nhà thơ Vũ Hạnh Thắm có viết:

Cô giáo đưa mùa thu

Đến với những quả vàng chín mọng

Một mùa thu hy vọng

Tiếng chim ca ríu rít sân trường.

Em hãy ghi lại một vài dòng suy nghĩ của em về hình ảnh Cô giáo và mùa thu được gợi ra từ đoạn thơ trên.

Gợi ý:

Hình ảnh cô giáo thật hiền từ, dịu dàng nên ngỡ như đã đưa được mùa thu mát mẻ đến với những quả vàng chín mọng. Đó là mùa thu đầy hy vọng một tương lai đẹp đẽ với tiếng học trò nô đùa ở sân trường , ríu rít như bầy chim non...

Đề 3.1: Đọc bài thơ sau của tác giả Cao Xuân Sơn:

Cả nhà đi học

Đưa con đến lớp mỗi ngày

Như con mẹ cũng "thưa thầy", "chào cô"

Chiều qua bố đón tình cờ

Con nghe bố cũng "chào cô", "thưa thầy"...

Cả nhà đi học vui thay

Hèn chi điểm xấu buồn lây cả nhà

Hèn chi điểm mười hôm qua

Nhà mình như thể được... ba điểm mười.

Em cảm nhận được niềm vui đi học của cả nhà qua khổ thơ thứ hai trong bài thơ trên như thế nào?

Gợi ý: Niềm vui đi học của cả nhà được diễn tả qua khổ thơ thứ hai thật hồn nhiên và đáng yêu. Khi cả nhà đều đi học, đều là học trò của các thầy giáo, cô giáo thì ai cũng được chia sẽ niềm vui, nỗi buồn trong học tập. Khi có "điểm xấu" thì "buồn lây cả nhà". Khi được "điểm mười" thì niềm vui cũng được nhân lên. Kết quả học tập tốt đã thật sự làm cho cả nhà sung sướng và hạnh phúc...

Đề 4:

Bóng mây

Hôm nay trời nóng như nung

Mẹ em đi cấy phơi lưng cả ngày

Ước gì em hóa đám mây

Em che cho mẹ suốt ngày bóng râm

Đọc bài thơ trên em thấy được những nét gì đẹp về tình cảm của người con đối với mẹ?

Đề 5: Đọc đoạn thơ dưới đây trong bài Khi mẹ vắng nhà của nhà thơ Trần Đăng Khoa, em có những suy nghĩ gì về câu trả lời của tác giả đối với mẹ?

Mẹ bảo em: Dạo này ngoan thế!

- Không, mẹ ơi! Con đã ngoan đâu!

Áo mẹ mưa bạc màu

Đầu mẹ nắng cháy tóc

Mẹ ngày đêm khó nhọc

Con chưa ngoan, chưa ngoan!

Gợi ý: Câu trả lời của tác giả đối với mẹ trong đoạn thơ cho ta thấy: người con chưa thể yên lòng nhận lời khen của mẹ, bởi vì sự cố gắng chăm sóc của con dù to lớn đến đâu cũng không thể sánh bằng công sức khó nhọc của mẹ dành cho con. Một khi mẹ vẫn còn ngày đêm vất vả, khó nhọc:

Áo mẹ mưa bạc màu

Đầu mẹ nắng cháy tóc

Tác giả luôn cảm thấy mình "chưa ngoan" vì chưa đến đáp được công ơn trời biển của mẹ. Qua câu trả lời, qua những suy nghĩ của tác giả, đã cho ta thấy tình cảm yêu thương và lòng hiếu thảo của người con đối với mẹ kính yêu của mình.

Đề 6: Kết thúc bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão, Nhà thơ Đặng Hiển viết:

Thế rồi cơn bão qua

Bầu trời xanh trở lại

Mẹ về như nắng mới

Sáng ấm cả gian nhà

Theo em, hình ảnh nào đã làm nên vẻ đẹp của đoạn thơ trên? Vì sao?

Gợi ý: Hình ảnh "Mẹ về như nắng mới. Sáng ấm cả gian nhà" đã làm nên vẻ đẹp của đoạn thơ trên. Đó chính là hình ảnh gây ấn tượng đẹp trong lòng người đọc và nêu bật được ý nghĩa bài thơ "Mẹ vắng nhà ngày bão". Người mẹ trở về nhà khi cơn bão đã qua được so sánh với hình ảnh "nắng mới" hiện ra khi bầu trời xanh trở lại sau cơn bão. Sự so sánh đó giúp ta hiểu được một điều sâu sắc: mẹ cần thiết cho cả gia đình chẳng khác nào ánh nắng cần thiết cho sự sống! Chính vì vậy, khi người mẹ trở về, cả gian nhà trở nên "sáng ấm" bởi tình yêu thương đẹp đẽ. Vai trò của mẹ trong gia đình thật quan trọng và đáng quý biết bao nhiêu!

Đề 7: Trong bài Hành trình của bầy ong, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết:

Chắt chiu vị ngọt mùi hương

Lặng thầm thay những con đường ong bay.

Trải qua mưa nắng vơi đầy

Men trời đất đủ làm say đất trời.

Bầy ong giữ hộ cho người

Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày.

Em hiểu nội dung bốn dòng thơ đầu nói gì? Hai dòng thơ cuối giúp em cảm nhận được ý nghĩa gì sâu sắc và đẹp đẽ?

Gợi ý:

- Nội dung 4 dòng thơ đầu cho ta thấy được: bầy ong lao động rất cần cù, thầm lặng qua ngày tháng để chắt chiu trong “vị ngọt”, “mùi hương” của các loài hoa, làm nên giọt mật thưm ngon. Trải qua gian lao vất vả (mưa nắng vơi đầy), bầy ong làm nên thứ “men” của trời đất để làm “say” cả đất trời. Qua đó tác giả cho ta thấy rõ thành quả lao động của bầy ong có giá trị to lớn biết bao!

- Ý nghĩa sâu sắc và đẹp đẽ của hai dòng thơ cuối: Nhờ có những giọt mật ong tinh túy, bầy ong đã giữ lại được cho con người cả thời gian và vẻ đẹp, đó là điều thật kì diệu mà không ai làm nổi!

Tham khảo: Qua hai đong thơ, ta thấy công việc của bầy ong có ý nghĩa thật đẹp đẽ: Bầy ong rong ruổi khắp nơi để tìm hoa, hút nhụy, mang về làm thành những giọt mật thơm ngon. Những giọt mật ong được làm nên bởi sự kết tinh từ hương thơm, vị ngọt của những bông hoa. Do vậy, khi thưởng thức mật ong, dù hoa đã tàn phai theo thời gian nhưng con người vẫn cảm thấy những mùa hoa được “Giữ lại” trong hương vị ngọt của mật ong. Có thể nói: Bầy ong đã giữ gìn được vẽ đẹp của thiên nhiên để ban tặng cho con người, làm cho cuộc sống của con người thêm hạnh phúc.

Đề 8: Theo em, điệp ngữ trông trong bài ca dao Đi cấy đã có tác dụng nhấn mạnh được ý nghĩa gì sâu sắc?

Người ta đi cấy lấy công

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.

Trông trời, trông đất, trông mây

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.

Trông cho chân cứng đã mềm

Trời êm bể lặng mới yên tấm lòng.

Gợi ý: Điệp ngữ trông cá tác dụng nhấn mạnh được ý nghĩa sâu sắc: người đi cấy phải luôn tính toán, lo lắng, mong mỏi rất nhiều điều để công việc đạt kết quả tốt và bản thân được yên lòng…

Đề 9: Đoạn thơ

“Vì con mẹ khổ đủ điều

Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn

Con mong mẹ khoẻ dần dần

Ngày ăn ngon miệng đêm nằm ngủ ngon

Rồi ra đọc sách cấy cày

Mẹ là đất nước tháng ngày của con”.

“Mẹ ốm” Trần Đăng Khoa

Theo em, hình ảnh nào góp phần nhiều nhất làm nên cái hay của đoạn thơ trên! Vì sao?

Gợi ý:

+ Hình ảnh “Mẹ là đất nước, tháng ngày của con” góp phần làm nên cái hay của đoạn thơ.

+ Nghệ thuật so sánh “Mẹ - Đất nước, tháng ngày”

+ Hình ảnh “Đất nước” “tháng ngày” cho thấy trong suy nghĩ của người con mẹ là tất cả những gì vĩ đại, lớn lao và cao quý không bao giờ thiếu được với mỗi con người.

+ Thấy được tình yêu thương lòng biết ơn vô hạn của con cái đối với mẹ.

+ Tình cảm của bản thân: Thấm thía công ơn của mẹ

Đề 10: “Tôi lục tìm hết túi nọ túi kia, không có tiền, không có đồng hồ, không có cả một chiếc khăn tay. Trên người tôi chẳng có tài sản gì. Người ăn xin vẫn đợi tôi. Tay vẫn chìa ra run lẩy bẩy”.

Tôi chẳng biết làm cách nào. Tôi nắm chặt lấy bàn tay run rẩy kia.

- Ông đừng giận cháu, cháu không có để cho ông cả”

(“Người ăn xin” – Tuốc-Ghê-Nhép”).

Trình bày suy nghĩ của con về nhân vật cậu bé được miêu tả trong đoạn văn trên.

Gợi ý:

Hành động“Lục tìm hết túi nọ túi kia”

“Nắm chặt lấy bàn tay run rẩy”

+ Lời nói: “Ông đừng giận cháu …”

Cậu bé là một con người có tấm lòng nhân hậu thương cảm và muốn giúp đỡ ông lão ăn xin nghèo khổ dù ông lão và cậu là hai con người ở hai hoàn cảnh khác nhau.

- Ý nghĩa: Ca ngợi những con người giàu lòng nhân ái.

- Cảm xúc của bản thân: yêu quý – cảm phục – học tập.

Đề 11: Đoạn thơ:

“Nòi tre đâu chịu mọc cong

Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường

Lưng trần phơi nắng phơi sương

Có manh áo cộc tre nhường cho con”

“Tre Việt Nam” Nguyễn Duy

Đoạn thơ trên có những hình ảnh nào đẹp. Nêu ý nghĩa đẹp đẽ của những hình ảnh đó.

Gợi ý: Hình ảnh măng tre “nhọn như chông”: Cho thấy sự kiêu hãnh, hiên ngang, bất khuất, bản chất ngay thẳng, khảng khái của “nòi tre” nghệ thuật so sánh.

+ Hình ảnh “lưng trần phơi nắng phơi sương” gợi sự dãi dầu, chịu đựng mọi khó khăn của tre.

+ Hình ảnh “manh áo cộc tre nhường cho con” gợi sự liên tưởng đến sự che chở, hy sinh tất cả vì măng non của trẻ.

+ Thông qua những phẩm chất đáng quý của tre đến ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam: Kiên cường bất khuất, ngay thẳng chịu thương chịu khó thể hiện tình yêu và lòng tự hào của nhà thơ đối với tre Việt Nam dân tộc Việt Nam.

+ Cảm xúc của bản thân: Yêu quý và tự hào

Đề 12: “Năm qua đi, tháng qua đi

Tre già măng mọc có gì lạ đâu

Mai sau

Mai sau

Mai sau

Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”.

“Tre Việt Nam” – Nguyễn Du

Em hãy cho biết những câu thơ trên nhằm khẳng định điều gì ? Cách diễn đạt của nhà thờ có gì độc đáo nhằm góp phần khẳng định điều đó.

Gợi ý:

+ Nghệ thuật: điệp từ “Mai sau”

“xanh” 3 lần

+ Điệp từ “Mai sau” nhắc lại 3 lần thể hiện rất đẹp sự kế tiếp tre già - măng mọc đồng thời gợi cảm xúc về không gian và thời gian như mở ra vô tận tạo cho ý thơ bay bổng.

Điệp từ “xanh” (3 lần) gợi sức sống mãnh liệt, vĩnh cửu của màu sắc của trẻ.

Nghệ thuật (…) đã góp phần khẳng định sự trường tồn, sự sống mãnh liệt của tre Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

+ Cảm xúc: yêu quý và tự hào về nòi tre Việt Nam về dân tộc Việt Nam.

Đề 13: Đoạn thơ

“Dòng sông mới điệu làm sao

Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha

Trưa về trời rộng bao la

áo xanh sông mặc như là mới may”

“Dòng sông mặc áo” Nguyễn Trọng Tạo

Nghệ thuật nào được sử dụng trong đoạn thơ trên? nghệ thuật đó có tác dụng gì trong việc miêu tả vẻ đẹp của dòng sông quê hương.

Gợi ý:

+ Nghệ thuật nhân hoá lồng dùng hình ảnh gợi tả “điệu” “mặc áo lụa đào thướt tha” “áo xanh sông mặc”.

+ Tác dụng: Gợi sự biến đổi kỳ diệu màu sắc của dòng sông theo thời gian nhằm miêu tả vẻ đẹp độc đáo của dòng sông quê hương – dòng sông đẹp như nàng thiếu nữ điệu đà thích làm duyên làm dáng.

+ Thể hiện tình yêu tha thiết của tác giả với dòng sông quê hương.

+ Cảm xúc của bản thân.

Đề 14: Bài thơ “Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.

“Ngắm Trăng” Hồ Chí Minh

Trình bày cảm nhận của em về bài thơ trên.

Gợi ý

Đoạn văn tham khảo: Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, người còn là một nhà thơ tài ba. Bác đã viết rất nhiều bài thơ hay, ý mỗi bài thơ Bác viết đều ngắn, ý thơ mộc mạc dễ hiểu và rất sâu sắc. “Ngắm trăng” là một bài thơ Bác viết trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch. Bài thơ mang nét đẹp của con người Bác: Bác là người yêu thiên nhiên vì thế trước cảnh đẹp của đêm trăng Bác vẫn “khó hững hờ” dù trong tù, chân tay bị cùm bị trói, chẳng có rượu, hoa để thưởng thức. “Trong tù… hững hờ”

Và cách ngắm trăng của Bác thật khác thường:

“Người ngắm… ngắm nhà thơ”

Nghệ thuật nhân hoá trăng “nhóm”, “ngắm” sử dụng rất khéo léo khiến ta cảm thấy dường như trăng không còn là vật mà đã trở thành người bạn tri âm, tri kỷ của Bác và dưới ánh mắt của trăng Bác không còn là người tù mà là một nhà thơ tao nhã.

Bài thơ “Ngắm trăng” là sự thể hiện tâm hồn trong sáng, phong thái thanh tao, ung dung tự tại của Bác đồng thời cũng thể hiện tình yêu trăng, yêu thiên nhiên của Bác.

Đề 15:

“Bên này là núi uy nghiêm

Bên kia là cánh đồng liền chân mây

Xóm làng xanh mát bóng cây

Sông xa trắng cánh, buồm bay lưng trời”

“Quê em” Trần Đăng Khoa

Cảnh quê hương hiện lên trong bài thơ trên đẹp như thế nào ? Nêu cảm nhận của em khi đọc bài thơ trên.

Gợi ý: Cần nêu được

+ Nghệ thuật:

  • Dùng hình ảnh gợi tả núi “uy nghiêm”; cánh đồng “liền chây mây” “xanh mát”.
  • Đảo ngữ: “Xanh mát bóng cây”, “Trắng cánh buồm”

Nội dung: Cảnh quê hương đẹp, thơ mộng, thanh bình, yên ả, sơn thuỷ hữu tình – thể hiện tình cảm, sự gắn bó, tự hào của tác giả với quê hương.

Bộc lộ được cảm xúc của bản thân (hiểu biết hơn về vẻ đẹp riêng biệt của các vùng quê, yêu và thêm tự hào về đất nước tươi đẹp, trù phú).

Đề 16: Em hãy nêu cảm nhận của mình khi đọc bài thơ sau:

Sau làn mưa bụi tháng ba

Luỹ tre xém đỏ như là lửa thiêu

Nền trời rừng rực sáng treo

Tưởng như ngựa sắt sớm chiều vẫn bay.

(“Tháng ba” – Trần Đăng Khoa)

Gợi ý : Nghệ thuật dùng hình ảnh gợi tả luỹ tre “xém đỏ” nền trời “rừng rực”

+ So sánh: “Cỏ cây xem đỏ như là lửa thiêu

+ Liên tưởng: Hình ảnh ngựa Thánh Gióng

+ Nội dung: Cảnh sắc tươi đẹp, huy hoàng tráng lệ của quê hương vào tháng ba.

Đề 18: “Mùa xuân hoa nở đẹp tươi

Bướm con, bướm mẹ ra chơi hoa hồng

Bướm mẹ hút mật đầu bông

Bướm con đùa với nụ hồng đỏ tươi”.

“Mùa xuân – mùa hè” – Trần Đăng Khoa

Nêu cảm nhận của con khi đọc đoạn thơ trên?.

Gợi ý: Cần nêu được

+ Nghệ thuật dùng từ gợi tả “đẹp tươi” “đỏ tươi”, nhân hoá: “ra chơi” “đùa” Cảnh đẹp tươi tắn, sống động của vườn hoa mùa xuân.

Đề 19:

Lên thăm nhà Bác hôm nay

Trắng ngần hoa huệ hương bay dịu hiền

Tưởng trong truyện cổ, cảnh tiên

Nhà sàn mát mẻ kề bên mặt hồ”

“Lên thăm nhà Bác” Hằng Phương

Cảnh nhà Bác qua cảm nhận của nhà thơ có những nét đẹp gì ? Em hãy trình bày rõ.

Đề 20 : “Mùa xuân đi dạo ngoài đồng như ba chú trẻ tuổi. Chỉ cần bà chủ đó liếc nhìn xuống cái khe là con suối lập tức bắt đầu chảy róc rách, tràn trề. Mùa xuân tiến bước đều mỗi bước lại làm những con suối reo to hơn…” “Chiếc nhẫn bằng thép” – Pantôpxki

Nội dung chính của đoạn văn trên là gì? Nghệ thuật nào đã làm nổi bật cái hay cái đẹp của đoạn văn?

Gợi ý: Cần nêu được

+ Nghệ thuật nhân hoá: “liếc, dạo, bước”

So sánh “Mùa xuân … như bà chủ trẻ tuổi”

+ Nội dung: Vẻ đẹp của cảnh giao mùa của nước Nga xinh đẹp.

Đề 21:

“…Lời ru có gió mùa thu

Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về.

Những ngôi sao thức ngoài kia

Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.

Đêm nay con ngủ giấc tròn

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.”

(Trích Mẹ- Trần Quốc Minh)

Theo em hình ảnh nào góp phần nhiều nhất làm nên cái hay của đoạn thơ trên? Vì sao?

Bài làm:

Theo em, hình ảnh “ngọn gió” trong câu “Mẹ là ngọn gió của con suốt đời” đã góp phần nhiều nhất làm nên cái hay của đoạn thơ trên. Hình ảnh đó cho ta thấy người mẹ giống như ngọn gió thổi cho con mát, ru cho con ngủ và đi vào giấc mơ. Ngọn gió ấy thổi cho con mát suốt cả cuộc đời, như là mẹ đã luôn làm việc cực nhọc để nuôi con khôn lớn, mong con sung sướng và hạnh phúc. Sự so sánh đẹp đẽ và sâu sắc cho ta thấm thía hơn về tình mẹ con, làm cho đoạn thơ thêm hay hơn.

Đề 22:

Hãy chỉ ra cái đúng và cái hay của sự so sánh trong mỗi câu thơ sau:

a. Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan.

(Hồ Chí Minh)

b. Bà như quả ngọt chín rồi

Càng thêm tuổi tác, càng tươi lòng vàng.

(Võ Thanh An)

Bài làm:

Cái đúng của sự so sánh ở câu thơ trên vì “trẻ em” giống như “búp trên cành”- đều là những sự vật còn tươi non, đang phát triển. Hay là vì hình ảnh đưa ra làm chuẩn để so sánh (búp trên cành) gợi sự suy nghĩ, liên tưởng đẹp và giàu ý nghĩa về “trẻ em”: tác giả muốn nói trẻ em luôn đầy sức sống, non tơ, chứa chan niềm hy vọng…

Cái đúng của sự so sánh ở câu thơ “Bà như quả ngọt chín rồi

Càng thêm tuổi tác, càng tươi lòng vàng” vì: “bà” sống đã lâu, tuổi đã cao, giống như “quả ngọt chín rồi”- đều phát triển đến độ già dặn, có giá trị cao. Hay vì hình ảnh đưa ra làm chuẩn để so sánh (quả ngọt chín rồi) gợi sự suy nghĩ, liên tưởng đẹp và giàu ý nghĩa về “bà”: có tấm lòng thơm thảo, đáng quý; có ích lợi cho cuộc đời, đáng nâng niu và trân trọng….

Đề 23: Trong bài Việt Nam thân yêu, nhà thơ Nguyễn Đình Thi có viết

“Việt Nam đất nước ta ơi!

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.

Cánh cò bay lả dập dờn,

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.”

Nêu những cảm nhận của em khi đọc đoạn thơ trên.

Bài làm:

Đoạn thơ bộc lộ cảm xúc dạt dào của tác giả trước những vẻ đẹp bình dị trên đất nước Việt Nam thân yêu. Hình ảnh “biển lúa” rộng mênh mông gợi cho ta niềm tự hào về sự giàu đẹp, trù phú của quê hương. Hình ảnh “Cánh cò bay lả dập dờn” gợi vẻ nên thơ, xao xuyến mọi tấm lòng. Đất nước còn mang niềm tự hào với vẻ đẹp hùng vĩ của “đỉnh Trường Sơn” cao vòi vọi sớm chiều mây phủ. Đoạn thơ đã giúp ta cảm nhận được tình cảm thiết tha yêu quý và tự hào về đất nước của tác giả Nguyễn Đình Thi.

Đề 24: Trong bài Hạt gạo làng ta, nhà thơ Trần Đăng Khoa có viết

Hạt gạo làng ta

Có bão tháng bảy

Có mưa tháng ba

Giọt mồ hôi sa

Có mưa tháng sáu

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy…

Em hiểu đoạn thơ trên như thế nào? Hình ảnh đối lập trong đoạn thơ gợi cho em những suy nghí gì?

Bài làm: Hạt gạo của làng quê ta đã từng phải trải qua biết bao khó khăn thử thách to lớn của thiên nhiên: nào là bão thàng bảy, nào là mưa tháng ba… Hạt gạo còn được làm ra từ những giọt mồ hôi của người mẹ hiền trên cánh đồng nắng lửa: “Giọt mồ hôi sa/ Có mưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy…” . Hình ảnh đối lập ở hai dòng thơ cuối (“Cua ngoi lên bờ/Mẹ em xuống cấy” gợi cho ta nghĩ đến sự vất vả, gian truân của người mẹ khó có gì so sánh nổi. Qua đó chúng ta càng cảm nhận sâu sắc được nỗi vất vả của người mẹ để làm ra hạt gạo và chúng ta lại càng thêm yêu thương mẹ biết bao nhiêu!

Đề 25: Kết thúc bài Hành trình của bầy ong, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết:

Bầy ong giữ hộ cho người

Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày

Qua hai dòng thơ trên, em hiểu được công việc của bầy ong có ý nghĩa gì đẹp?

Bài làm: Qua hai đong thơ, ta thấy công việc của bầy ong có ý nghĩa thật đẹp đẽ: Bầy ong rong ruổi khắp nơi để tìm hoa, hút nhụy, mang về làm thành những giọt mật thơm ngon. Những giọt mật ong được làm nên bởi sự kết tinh từ hương thơm, vị ngọt của những bông hoa. Do vậy, khi thưởng thức mật ong, dù hoa đã tàn phai theo thời gian nhưng con người vẫn cảm thấy những mùa hoa được “Giữ lại” trong hương vị ngọt của mật ong. Có thể nói: Bầy ong đã giữ gìn được vẽ đẹp của thiên nhiên để ban tặng cho con người, làm cho cuộc sống của con người thêm hạnh phúc.

Đề 26: Ca ngợi cuộc sống cao đẹp của Bác Hồ, trong bài thơ Bác ơi! nhà thơ Tố Hữu có viết: Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già.

Đoạn thơ trên đã giúp em hiểu được những nét đẹp gì trong cuộc sống của Bác Hồ kính yêu?

Bài làm: Đoạn thơ trên cho thấy những nét đẹp trong cuộc sống của Bác Hồ kính yêu đó là cuộc sống gần gũi với tất cả mọi người như trời đất của ta, cuộc sống tràn đầy tình yêu thương đến từng ngọn lúa, mỗi cành hoa. Cảm động nhất là cuộc sống của Bác luôn vì hạnh phúc của con người. Bác hy sinh cả đời mình vì cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho mỗi đời nô lệ, vì niềm vui và hạnh phúc cho tất cả mọi người, đúng như tác giả đã viết: “Sữa để em thơ, lụa tặng già”.

Tham khảo tài liệu học tập lớp 5 khác:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
708
9 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Phạm Anh Vũ
    Phạm Anh Vũ

    tàm tạm

    Thích Phản hồi 09:51 18/02
    • Nhi Nguyen
      Nhi Nguyen

      hay lắm ạ🥰👋

      Thích Phản hồi 07:50 03/06
      • Hoàng Thúy
        Hoàng Thúy

        🤞hay lắm ạ

        Thích Phản hồi 15:17 01/08
        • Ngọc Võ
          Ngọc Võ

          Hay lắm ạ!👍

          Thích Phản hồi 22/04/21
          • Nùn:D
            Nùn:D

            hay :D


            Thích Phản hồi 27/05/21
            • Nguyễn Cao Kỳ Duyen
              Nguyễn Cao Kỳ Duyen

              hay


              Thích Phản hồi 05/02/22
              • hằng nguyễn
                hằng nguyễn

                😊

                Thích Phản hồi 31/08/22
                • giang dzang
                  giang dzang

                  Hay lắm👍

                  Thích Phản hồi 20/02/23
                  • Trinh Nguyen
                    Trinh Nguyen

                    dc

                    Thích Phản hồi 31/05/23
                    🖼️

                    Gợi ý cho bạn

                    Xem thêm
                    🖼️

                    Tiếng Việt lớp 5 Sách mới

                    Xem thêm