Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Nguyễn Tất Thành năm 2023 - 2024
Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Nguyễn Tất Thành năm 2023 - 2024 có đáp án chi tiết. Nội dung đề thi cho các em học sinh tham khảo ôn luyện, nắm được cấu trúc đề thi, chuẩn bị kiến thức cho kì thi tuyển sinh vào lớp 6 trường Chuyên năm học mới đạt hiệu quả cao. Mời thầy cô cùng các em học sinh tham khảo.
>> Xem thêm: Đề thi vào lớp 6 môn Toán trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội
Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Nguyễn Tất Thành
1. Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt năm 2023
BÀI KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC
TUYỂN SINH VÀO LỚP 6 TRƯỜNG THCS VÀ THPT NGUYỄN TẤT THÀNH
Môn: TIẾNG VIỆT
Thời gian làm bài: 45 phút
Câu 1 (2,0 điểm)
Đọc các đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
(1) Còn hàng chục mét mới tới nơi để sầu riêng, hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi. Sầu riêng thơm mùi thơm của mít chịn quyện với hương bưởi, béo cái béo của trứng gà, ngọt cái vị của mật ong già hạn. Hương vị quyến rũ đến kì lạ.
(Mai Văn Tạo, Sầu riêng)
(2) Gió tây lướt thướt qua rừng, quyển hương thảo quả đi, rải theo triền núi, đưa hương thảo quả ngọt lựng, thơm nồng vào những thôn xóm Chín San. Gió thơm. Cây cỏ thơm. Đất trời thơm. Người đi từ rừng thảo quả về, hương thơm đậm ủ ấp trong từng nếp áo, nếp khăn.
(Theo Ma Văn Kháng, Mùa thảo quả)
(3) Nắng bốc hương hoa tràm thơm ngây ngất. Gió đưa mùi hương ngọt lan xa, phảng phất khắp rừng.
(Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam)
a. Loài hoa, quả nào khiến cho gió, cây cỏ, đất trời và con người đều thấm đẫm hương thơm?
A. Sầu riêng
B. Bưởi
C. Thảo quả
D. Tràm
b. Vì sao tác giả lại cho rằng hương vị của sầu riêng quyến rũ đến kì lạ?
A. Vì hương sầu riêng thơm ngào ngạt, xông vào cánh mũi
B. Vì vị sầu riêng vừa ngọt vừa béo
C. Vì mùi thơm của sầu riêng bay rất xa và đọng lại rất lâu
D. Vì hương vị của sầu riêng là sự tổng hòa của nhiều hương vị đặc sắc khác nhau
c. Khi miêu tả mùi hương, ba đoạn trích trên có điểm chung là gì?
A. Đều tả hương thơm của các loài hoa đang nở rộ
B. Đều tả hương thơm đậm, lan tỏa trong không gian
C. Đều tả hương thơm của các loại quả có vị ngọt
D. Đều tả hương thơm chỉ có trong rừng phương Nam
d. Có thể thay từ “phảng phất” trong câu thứ hai của đoạn (3) bằng từ nào?
Câu 2 (2,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau, trả lời câu hỏi và thực hiện yêu cầu:
(1) Sau vài phút, một em nói:
- (2) Bầu trời xanh như mặt nước mệt mỏi trong ao.
- (3) Vì sao mặt nước lại mệt mỏi? – (4) Tôi hỏi lại.
- (5) Thưa thầy, mùa hè, nước dạo chơi cùng những làn sóng. (6) Mùa thu, nó mệt và đứng lại với màu xanh nhạt.
(Theo Xu-khôm-lin-xki, Bầu trời mùa thu)
a. Dấu hai chấm trong câu (1) được dùng để làm gì?
b. Trong câu (6), đại từ “nó” được dùng để thay thế cho từ nào?
c. Ghi lại 5 quan hệ từ có trong đoạn trích
d. Xếp các câu (2), (3), (5) và (6) vào bảng phân loại sau:
Câu kể | Câu hỏi |
Câu số ………………………………. | Câu số ………………………………. |
Câu 3: (1,0 điểm)
Điền “chung” hoặc “trung” vào chỗ trống để tạo từ:
………… cư
…………. tâm
…………. gian
………….. kết
………….. thành
………….. bình
………….. thủy
…………. khảo
Câu 4 (1,5 điểm)
Đọc câu văn sau, trả lời câu hỏi và thực hiện yêu cầu:
Một dải mây mỏng, mềm mại như một dải lụa trắng dài vô tận ôm ấp, quấn ngang các chỏm núi đầy quyến luyến, bịn rịn.
a. Chủ ngữ của câu văn trên là gì?
A. Một dải mây
B. Một dải mây mỏng
C. Một dải mây mỏng, mềm mại như một dải lụa trắng
D. Một dải mây mỏng, mềm mại như một dải lụa trắng dài vô tận
b. Chỉ ra phép so sánh được sử dụng trong câu văn trên và nêu tác dụng của nó.
Câu 5 (0,5 điểm)
Điền vào chỗ trống từ trái nghĩa với từ in đậm để hoàn thành đoạn văn:
Dù khi bạn cười hay khi bạn …………, khi bạn vui hay ………….., khi bạn thành công hay …………….………….., tôi vẫn luôn ở bên và nắm chặt tay bạn. Hãy nhớ rằng dù hạnh phúc hay …………………………., chúng ta cũng sẽ cùng tiến về phía trước.
Câu 6 (3,0 điểm)
Sách là người bạn thân thiết của chúng ta. Sách mang đến sự hiểu biết và nuôi dưỡng những ước mơ, cảm xúc tốt đẹp cho mỗi người.
Trong số những cuốn sách đã đọc, em thích nhất cuốn nào? Hãy viết một bức thư (khoảng 12 câu) cho một người bạn để giới thiệu về cuốn sách đó và nói rõ lí do vì sao em thích.
(Thí sinh không kí tên dưới bức thư)
-- Hết --
Đáp án:
Câu 1 (2,0 điểm)
Đọc các đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
(1) Còn hàng chục mét mới tới nơi để sầu riêng, hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi. Sầu riêng thơm mùi thơm của mít chịn quyện với hương bưởi, béo cái béo của trứng gà, ngọt cái vị của mật ong già hạn. Hương vị quyến rũ đến kì lạ.
(Mai Văn Tạo, Sầu riêng)
(2) Gió tây lướt thướt qua rừng, quyển hương thảo quả đi, rải theo triền núi, đưa hương thảo quả ngọt lựng, thơm nồng vào những thôn xóm Chín San. Gió thơm. Cây cỏ thơm. Đất trời thơm. Người đi từ rừng thảo quả về, hương thơm đậm ủ ấp trong từng nếp áo, nếp khăn.
(Theo Ma Văn Kháng, Mùa thảo quả)
(3) Nắng bốc hương hoa tràm thơm ngây ngất. Gió đưa mùi hương ngọt lan xa, phảng phất khắp rừng.
(Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam)
a. Loài hoa, quả nào khiến cho gió, cây cỏ, đất trời và con người đều thấm đẫm hương thơm?
A. Sầu riêng
B. Bưởi
C. Thảo quả
D. Tràm
Lời giải:
=> Loài hoa, quả khiến cho gió, cây cỏ, đất trời và con người đều thấm đẫm hương thơm là thảo quả
Chọn C.
b. Vì sao tác giả lại cho rằng hương vị của sầu riêng quyến rũ đến kì lạ?
A. Vì hương sầu riêng thơm ngào ngạt, xông vào cánh mũi
B. Vì vị sầu riêng vừa ngọt vừa béo
C. Vì mùi thơm của sầu riêng bay rất xa và đọng lại rất lâu
D. Vì hương vị của sầu riêng là sự tổng hòa của nhiều hương vị đặc sắc khác nhau
Lời giải:
Tác giả cho rằng hương vị sầu riêng quyến rũ đến kì lạ vì nó là sự tổng hòa của nhiều hương vị đặc sắc khác nhau.
Chọn D.
c. Khi miêu tả mùi hương, ba đoạn trích trên có điểm chung là gì?
A. Đều tả hương thơm của các loài hoa đang nở rộ
B. Đều tả hương thơm đậm, lan tỏa trong không gian
C. Đều tả hương thơm của các loại quả có vị ngọt
D. Đều tả hương thơm chỉ có trong rừng phương Nam
Lời giải:
Điểm chung của 3 đoạn văn là đều tả hương thơm đậm, lan tỏa trong không gian.
Chọn B
d. Có thể thay từ “phảng phất” trong câu thứ hai của đoạn (3) bằng từ nào?
Lời giải:
Từ ngữ có thể thay thế cho “phảng phất” trong đoạn (3) là từ thoang thoảng
Câu 2 (2,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau, trả lời câu hỏi và thực hiện yêu cầu:
(1) Sau vài phút, một em nói:
- (2) Bầu trời xanh như mặt nước mệt mỏi trong ao.
- (3) Vì sao mặt nước lại mệt mỏi? – (4) Tôi hỏi lại.
- (5) Thưa thầy, mùa hè, nước dạo chơi cùng những làn sóng. (6) Mùa thu, nó mệt và đứng lại với màu xanh nhạt.
(Theo Xu-khôm-lin-xki, Bầu trời mùa thu)
a. Dấu hai chấm trong câu (1) được dùng để báo hiệu/đánh dấu bộ phận câu đứng sau nó là lời nói của một nhân vật.
b. Trong câu (6), đại từ “nó” được dùng để thay thế cho từ nước.
c. 5 quan hệ từ có trong đoạn trích: như, trong, cùng, và, với
d. Xếp các câu (2), (3), (5) và (6) vào bảng phân loại sau:
Câu kể | Câu hỏi |
Câu số (2), (5), (6) | Câu số (3) |
Câu 3: (1,0 điểm)
Điền “chung” hoặc “trung” vào chỗ trống để tạo từ:
Chung cư
Trung tâm
Trung gian
Chung kết
Trung thành
Trung bình
Chung thủy
Chung khảo
Câu 4 (1,5 điểm)
Đọc câu văn sau, trả lời câu hỏi và thực hiện yêu cầu:
Một dải mây mỏng, mềm mại như một dải lụa trắng dài vô tận ôm ấp, quấn ngang các chỏm núi đầy quyến luyến, bịn rịn.
a. Chủ ngữ của câu văn trên là gì?
A. Một dải mây
B. Một dải mây mỏng
C. Một dải mây mỏng, mềm mại như một dải lụa trắng
D. Một dải mây mỏng, mềm mại như một dải lụa trắng dài vô tận
Lời giải:
Chủ ngữ của câu này là “Một dải mây mỏng, mềm mại như một dải lụa trắng dài vô tận”
Chọn D.
b. Chỉ ra phép so sánh được sử dụng trong câu văn trên và nêu tác dụng của nó.
Lời giải:
- Phép so sánh trong đoạn văn: Một dải mây mỏng, mềm mại như một dải lụa trắng dài vô tận.
- Tác dụng của phép so sánh:
+ Thể hiện sự quan sát tinh tế của người viết
+ Làm cho câu văn trở nên sinh động, giàu hình ảnh
+ Giúp người đọc hìn hdung rõ nét màu sắc, độ mỏng và sự mềm mại của dải mây
Câu 5 (0,5 điểm)
Điền vào chỗ trống từ trái nghĩa với từ in đậm để hoàn thành đoạn văn:
Dù khi bạn cười hay khi bạn khóc, khi bạn vui hay buồn, khi bạn thành công hay thất bại tôi vẫn luôn ở bên và nắm chặt tay bạn. Hãy nhớ rằng dù hạnh phúc hay khổ đau/đau khổ/bất hạnh, chúng ta cũng sẽ cùng tiến về phía trước.
Câu 6 (3,0 điểm)
Sách là người bạn thân thiết của chúng ta. Sách mang đến sự hiểu biết và nuôi dưỡng những ước mơ, cảm xúc tốt đẹp cho mỗi người.
Trong số những cuốn sách đã đọc, em thích nhất cuốn nào? Hãy viết một bức thư (khoảng 12 câu) cho một người bạn để giới thiệu về cuốn sách đó và nói rõ lí do vì sao em thích.
(Thí sinh không kí tên dưới bức thư)
Bức thư cần đảm bảo được các ý sau
* Về hình thức:
- Đảm bảo hình thức của một bức thư (có ngày, tháng, năm; lời chào mở đầu và chào kết)
- Dung lượng: khoảng 12 câu
- Không mắc lỗi chính tả, lỗi câu, từ
* Về nội dung:
- Giới thiệu bao quát về cuốn sách (tên sách, tác giả, đề tài/chủ đề của sách…)
- Trình bày những lí do yêu thích cuốn sách và sắp xếp theo trình tự hợp lí; nêu rõ những nét đặc sắc về nội dung và hình thức của cuốn sách (có một số câu giải thích hoặc dẫn chứng đi kèm)
- Nêu tình cảm, cảm xúc về cuốn sách hoặc đưa ra lời khuyên cho bạn: nên tìm đọc cuốn sách.
2. Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt năm 2022
Đề thi ngày 05/06/2022
Câu 1. Đọc đoạn văn sau:
(1) “Niềm tự hào chính đáng của chúng ta trong nền văn hóa Đông Sơn chính là bộ sưu tập trống đồng hết sức phong phú (...) Nổi bật trên hoa văn trống đồng là hình ảnh con người hòa với thiên nhiên. Con người lao động cầm vũ khí bảo vệ quê hương và tưng bừng nhảy múa mừng chiến công hay cảm tạ thần linh, ... Đó là con người thuần hậu, hiền hòa, mang tính nhân bản sâu sắc. Bên cạnh và xung quanh con người đầy ý thức làm chủ ấy là những cánh cò bay lả bay la, những chim Lạc, chim Hồng, những đàn cá lội tung tăng...”
(Trống đồng Đông Sơn – Theo Nguyễn Văn Huyên)
(2) “Từ những ngày còn ít tuổi, tôi đã thích những tranh lợn, gà, chuột, ếch, tranh cây dừa, tranh tố nữ của làng Hồ. Mỗi lẫn Tết đến, đứng trước những cái chiếu bày tranh làng Hồ giải trên các lề phố Hà Nội, lòng tôi thấm thía một nỗi biết ơn đối với những người nghệ sĩ tạo hình của nhân dân. Họ đã đem vào cuộc sống một cách nhìn thuần phác, càng ngắm càng thấy đậm đà, lành mạnh, hóm hỉnh và tươi vui.”
(Tranh làng Hồ - Nguyễn Tuân)
(3) “Từ những năm 30 của thế kỉ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành chiếc áo tân thời. Chiếc áo tân thời là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách phương Tây hiện đại, trẻ trung.”
(Tà áo dài Việt Nam – Theo Trần Ngọc Thêm)
a. Nối sự vật ở cột A với thông tin ở cột B cho phù hợp:
A | B | |
(1) Trống đồng Đông Sơn | (a) Kết hợp hài hòa giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách phương Tây hiện đại, trẻ trung | |
(2) Tranh làng Hồ | (b) Làm nổi bật con người thuần hậu, hiền hòa, mang tính nhân bản sâu sắc trên hoa văn | |
(3) Tà áo dài Việt Nam | (c) Thể hiện cách nhìn thuần phác, càng ngắm càng ly đậm đà, lành mạnh, hóm hỉnh và tươi vui. |
Đáp án: 1 nối với b, 2 nối với c, 3 nối với a
b. Ba sự vật được giới thiệu trong đoạn văn trên có điểm gì chung? Khoanh vào chữ cái trước đáp án đúng:
A. Đều là tác phẩm thuộc nghệ thuật tạo hình
B. Đều là nhạc cụ cổ truyền Việt Nam
C. Đều là biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ
D. Đều là sản phẩm của văn hóa truyền thống dân tộc
Đáp án: D
c. Viết một câu bộc lộ cảm xúc của em về một trong ba sự vật được giới thiệu ở trên.
Gợi ý: Học sinh cần đọc một câu cảm, câu cảm đó có thể bộc lộ cảm xúc trầm trồ, thán phục của em trước chiếc áo dài hay trống đồng hay tranh làng Hồ.
Ví dụ: Ôi những bức tranh làng Hồ mới đẹp làm sao!
Trong câu trên, từ “làm sao” đã bộc lộ sự trầm trồ, thán phục những bức tranh làng Hồ đẹp đẽ.
Câu 2. (1 điểm) Gạch dưới từ ngữ đúng chính tả trong các cặp sau:
(1) bánh chưng/ bánh trưng
(2) tranh dành/ tranh giành
(3) giày vò dày vò
(4) đen sì/ đen xì
(5) hoạch họe/ hoạnh họe
(6) xuất sắc /xuất xắc
(7) nghuệch ngoạc/ nguệch ngoạc
(8) ăn nên làm ra/ ăn lên làm ra
Đáp án: Gạch dưới từ ngữ đúng chính tả trong các cặp sau:
(1) bánh chưng/ bánh trưng
(2) tranh dành/ tranh giành
(3) giày vò/ dày vò
(4) đen sì/ đen xì
(5) hoạch họe/ hoạnh họe
(6) xuất sắc / xuất xắc
(7) nghuệch ngoạc/ nguệch ngoạc
(8) ăn nên làm ra/ ăn lên làm ra
Câu 3. Khoanh vào một từ trong dãy từ sau theo yêu cầu:
a.Từ không cùng nhóm về cấu tạo: xanh um, mát rượi, tươi tốt, hoa phượng.
b. Từ không cùng nhóm về nghĩa: bình đẳng, bình tâm, bình thản, điềm nhiên.
Đáp án: a. Khoanh vào “tươi tốt”
b. Khoanh vào “bình đẳng”
Câu 4. (1 điểm)
Đọc câu sau và điền thông tin phù hợp vào chỗ trống:
(1): Dưới lũy tre xanh, bò nằm ngẫm nghĩ.
(2) Em bé đã biết bò.
(3) Chiếc xe hạch bò lên dốc.
a. Từ “bò” trong câu số 1 thuộc loại.....
b. Quan hệ giữa các từ “bò” trong các câu trên là đồng âm hay nhiều nghĩa?
- Từ bò trong câu số (1) và số (2)........
- Từ bò trong câu số (2) và số (3)........
Đáp án: (1): Dưới lũy tre xanh, bò nằm ngẫm nghĩ.
(2) Em bé đã biết bò.
(3) Chiếc xe hạch bò lên dốc.
a. Từ “bò” trong câu số 1 thuộc loại danh từ
b. Quan hệ giữa các từ “bò” trong các câu trên là đồng âm hay nhiều nghĩa?
- Từ bò trong câu số (1) và số (2) là đồng âm
- Từ bò trong câu số (2) và số (3) là nhiều nghĩa
Câu 5. (1.5 điểm)
(1) Bức tranh thứ nhất về một hồ nước tĩnh lặng.
(2) Bên cạnh thác nước, một con chim mẹ đang làm tổ trong bụi cây.
(3) Nhà vua càng ngắm bức tranh thứ hai ông càng thấm thía: bình yên thực sự là ở trong chính tâm hồn mỗi người.
(4) Bức tranh thứ hai vẽ cảnh một ngọn núi cao và một thác nước dữ dội.
(5) Mặc dù thác nước gào thét nhưng chim mẹ vẫn đậu yên bình trong tổ.
(6) Ngày xưa, một nhà vua nọ tổ chức một cuộc thi vẽ tranh về cảnh yên bình nhất và ông đã chọn được hai bức tranh.
a. Sắp xếp các câu theo trật tự hợp lí........
b. Phân loại câu (2), (3), (6) vào 2 nhóm hợp lí:
Câu đơn | Câu ghép |
Câu số | Câu số |
Đáp án
a. Sắp xếp các câu theo trật tự hợp lí: (6) - (1) -(4) -(2) -(5) -(3)
b. Phân loại câu (2), (3), (6) vào 2 nhóm hợp lí:
Câu đơn | Câu ghép |
Câu số 2 | Câu số 3, 6 |
Câu 6. (0.5 điểm)
Và khi tu hú gọi mùa vải chín và ve râm ran dàn đồng ca mùa hạ, hoa phượng như đón lấy đủ sắc thắm hoa gạo, hoa vông, bồng bềnh cháy rực suốt hè.
(Cuộc chạy tiếp sức của sắc đỏ - Theo Phạm Lê Châu)
Khoanh vào chữ cái đáp án nêu đúng bộ phận chủ ngữ của câu trên:
A. tu hú
B. ve
C. hoa phượng
D. hoa phượng như đón lấy đủ sắc thắm hoa gạo, hoa vông
Đáp án: Học sinh khoanh vào C.
Câu 7. (1,0 điểm) Chỉ ra và nêu ngắn gọn tác dụng của phép nhân hóa được sử dụng trong câu văn ở câu 6.
Gợi ý: Câu 6 có 3 hình ảnh nhân hóa: tu hú gọi mùa vải chín, ve râm ran dàn đồng ca mùa hạ, hoa phượng như đón lấy đủ sắc thắm hoa gạo, hoa vông.
Đề thi chỉ cho các con 4 dòng để viết nên con không cần giới thiệu phép nhân hóa vào nêu luôn các tác dụng của phép nhân hóa.
Phép nhân hóa trong câu 6 gợi tả cây cối, vạn vật thật sống động có hồn: tu hú như một con người đang giục giã những trái vải chín đỏ, ve như những ca sĩ hòa tấu bản đồng ca báo hè về và hoa phượng giống như họa sĩ đang đón nhận những sắc màu để vẽ nên bức tranh mùa hạ. Nhờ phép nhân hóa, câu văn hay hơn, sinh động hơn.
Câu 8. (3,0 điểm) Mùa hè đến rồi! Sau chuỗi ngày ở nhà vì dịch bệnh COVID-19, em mơ ước được đi đâu? Lên núi ngắm cảnh mây trời, làng bản trong sương; xuống biển hòa mình cùng làn nước trong xanh và chạy chân trần trên cát hay trở về làng quê với cánh đồng lúa chín vàng óng ả....?
Viết đoạn văn (khoảng 10 câu) miêu tả một cảnh thiên nhiên mà em mơ ước được đến khám phá trong mùa hè này.
Gợi ý:
- Đề bài yêu cầu viết đoạn văn, học sinh không được viết bài văn. (nếu gặp lỗi ngày chắc bị trừ 0.5 đến 0.75 điểm/3 điểm).
- Đề bài yêu cầu tả cảnh thiên nhiên mà em mơ ước được đến và khám phá trong mùa hè này, các con có thể thoải mái chọn cảnh: cảnh núi, cảnh rừng, cảnh biển, cảnh sông, hồ, cảnh làng quê, cánh đồng lúa...Các con có thể nêu tên địa điểm muốn đến hoặc không nêu tên địa điểm cũng được. Lưu ý: không tả cảnh nhân tạo vì đều bài có ghi là cảnh thiên nhiên.
- Cần đảm bảo viết đúng số câu đề bài yêu cầu (khoảng 10 câu)
3. Đề ôn thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 6
TRƯỜNG THCS NGUYỄN TẤT THÀNH – HÀ NỘI
PHẦN I:
Câu 1: Khi miêu tả màu vàng của hoa cải, tác giả Phạm Đức viết:
“Màu hoa ánh nắng cô đúc lại, như vô vàn cánh bướm bé xíu đậu chấp chới khắp cành. Màu vàng ấy là tiếng nói của đất vườn, là lấp lánh những giọt mồ hôi của biết bao tháng ngày đọng lại.”
(Trích văn bản Hoa vàng – NXB Kim Đồng, 1994)
a. Giải thích nghĩa của từ “đọng” trong câu văn: “Màu vàng ấy là tiếng nói của đất vườn, là lấp lánh những giọt mồ hôi của biết bao tháng ngày đọng lại”.
b. Dựa vào nghĩa của từ “đọng” trong câu văn vừa giải thích ở trên, hãy đặt một câu văn với từ “đọng” có nghĩa tương tự.
c. Chỉ ra biện pháp nghệ thuật tác giả Phạm Đức đã sử dụng trong đoạn văn trên.
Câu 2: Cho câu: “Trầu xòe màu lá xanh của mình, như những bàn tay mở, che mát cho thân Cau, giữ hơi ấm cho gốc rễ Cau.”
(Trích văn bản Trầu Cau của Phạm Đức)
a. Thêm vào câu văn trên một trạng ngữ chỉ địa điểm và một trạng ngữ chỉ thời gian.
b. Câu văn trên gợi cho em suy nghĩ gì về tình cảm của Trầu dành cho Cau?
PHẦN II: Học sinh lựa chọn một trong hai câu sau:
Câu 1: Dự buổi lễ tổng kết năm học vừa qua, mẹ em rất phấn khởi về thành tích học xuất sắc và sự trưởng thành của con mình. Hãy miêu tả gương mặt rạng rỡ của mẹ em lúc đó.
Câu 2: Viết lại bài thơ sau thành một bài văn xuôi:
Khói chiều
Chiều chiều từ mái rạ vàng
Xanh rờn ngọn khói nhẹ nhàng bay lên
Chăn trâu ngoài bãi bé nhìn
Biết là bếp lửa bà nhen chiều chiều
Nghe thơm ngậy bát canh riêu
Với nồi cơm ủ cạnh niêu tép đầy...
Khói ơi, vươn nhẹ lên mây
Khói đừng bay quẩn làm cay mắt bà!...
(Hoàng Tá – Tuyển tập truyện và thơ)
Đáp án Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt
Câu 1:
a. Từ “đọng” trong câu văn của đề bài ý chỉ kết quả, sự tích tụ, lưu giữ lại.
b. Đặt một câu có từ “đọng” chỉ ý tích tụ, lưu giữ:
- Dưới ánh nắng mặt trời rực rỡ, những giọt sương còn đọng lại trên cỏ như càng long lanh hơn.
c. Trong văn bản Hoa vàng, khi miêu tả màu vàng của hoa cải, tác giả Phạm Đức đã sử dụng biện pháp so sánh.
Câu 2:
a. Thêm trạng ngữ:
- Trạng ngữ chỉ địa điểm có thể thêm vào câu văn:
Trong vườn, Trầu xòe màu lá xanh của mình, như những bàn tay mở, che mát cho thân Cau, giữ hơi ấm cho gốc rễ Cau.
- Trạng ngữ chỉ thời gian có thể thêm vào câu văn:
Suốt mùa hè, Trầu xòe màu lá xanh của mình, như những bàn tay mở, che mát cho thân Cau, giữ hơi ấm cho gốc rễ Cau.
b. Câu văn trên gợi cho em suy nghĩ về tình cảm thân thiết gắn bó giữa Trầu và Cau. Tình cảm ấy như tình bạn bè khăng khít, tình mẫu tử thiêng liêng và tình thân gần gũi, chúng luôn che chở, yêu thương và lo lắng cho nhau.
PHẦN II:
Câu 1: (Gợi ý)
- Nội dung: Cần miêu tả chi tiết gương mặt, đường nét và thần thái biểu lộ sự vui mừng, hạnh phúc và đầy tự hào của người mẹ trước sự trưởng thành và kết quả học tập tốt của con mình. Có
thể xen kẽ với miêu tả sơ lược buổi lễ tổng kết năm học, không khí phấn khởi chung của các bạn học sinh và các bậc phụ huynh khác.
- Hình thức:
+ Bài văn cần trình bày bố cục đủ ba phần, rõ ràng và rành mạch.
+ Câu văn có cảm xúc, giàu hình ảnh.
+ Câu văn cần đúng ngữ pháp, giọng văn lưu loát, trôi chảy.
Mẫu:
Hạnh phúc được tạo nên từ nhiều mảnh ghép của cuộc sống. Có những khoảnh khắc chớp nhoáng, những mảnh ghép rất nhỏ bé thôi lại tôn lên những gam màu ý nghĩa. Hình ảnh mẹ khi em đạt điểm tốt chính là khoảnh khắc kỳ diệu đó đối với em.
Trong hành trình khôn lớn, em đã không ít lần làm mẹ phiền lòng. Thời gian mải chơi, lơ là học tập khiến kết quả trên lớp tụt dần. Dù mẹ không mắng chửi khắt khe nhưng em vẫn nhận ra nỗi buồn quẩn quanh trong đôi mắt của mẹ. Em giật mình nhận ra và âm thầm tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng sửa lại lỗi lầm ấy. Em cố gắng, kiên trì từng ngày. Có những lúc mệt mỏi, mất đi tự tin, em dường như muốn bỏ cuộc. Nhưng sự quan tâm, niềm tin của mẹ nhanh chóng đánh tan suy nghĩ đó.
Cuối cùng, kết quả xứng đáng đã thuộc về em. Em đạt được điểm tốt. Kỳ thi cuối kỳ, em xuất sắc ở cả ba môn thi. Cầm bài thi với điểm 10 đỏ chót môn Toán, Anh trên tay và điểm 9 rực rỡ bài thi môn Ngữ Văn, lòng em vui sướng đến khó tả. Em cẩn thận cất bài vào túi, trống tan trường vừa điểm là nhanh chóng đạp xe về nhà.
Trong ánh nắng vàng gay gắt, hình ảnh mẹ hiện ra trong tầm mắt em. Em ngoan ngoãn cất lời chào mẹ rồi khoe ngay ba bài thi đạt thành tích tốt của mình. Mẹ đang dở tay trên bếp, thấy em đưa giấy ra, ánh mắt mẹ ban đầu hơi lo lắng. Có lẽ mẹ lo em lại mắc phải lỗi sai nào khác. Mẹ lau tay vào khăn sạch, thấy niềm vui khó che giấu trên khuôn mặt em, nét mặt mẹ dường như giãn ra đôi chút. Đôi bàn gầy gầy,nhỏ nhắn của mẹ đỡ lấy bài thi của em. Mẹ đưa mắt lướt nhanh qua những trang giấy, từ ngỡ ngàng, ngạc nhiên, ánh mắt ấy bừng sáng lên niềm tự hào to lớn. Đôi mắt mẹ cong cong lại như vầng trăng lưỡi liềm, đôi mắt ấy giống như biết cười. Khuôn mặt mẹ rực rỡ, tươi sáng hẳn lên, niềm lo lắng đã biến đi đâu mất. Mẹ nở một nụ cười, vui vẻ, hài lòng và ân cần, tự hào nói với em: “Con gái mẹ giỏi lắm. Mẹ rất tự hào về con. Mẹ tự hào vì con đã cố gắng, cố gắng hết sức để chiến thắng bản thân mình”.
Rồi mẹ dang rộng vòng tay ôm em vào lòng, nhẹ nhàng vỗ về mái tóc em. Một lát sau, như sực nhớ ra điều gì, mẹ vội vã đi vào bếp, nói sẽ nấu cho em thật nhiều món ngon. Bóng dáng thân thương của mẹ khuất dần sau cửa bếp, nhưng giọng nói và nụ cười vui vẻ, hài lòng của mẹ vẫn hiện diện đâu đây. Niềm vui của hai mẹ con lan tỏa cả căn nhà, mang hương vị ngọt ngào mát rượi, xua tan đi cái nắng nóng oi ả của mùa hè.
Chỉ một thời gian không lâu sau đó, những món ăn bắt mắt lần lượt được mẹ bưng ra, xếp ngay ngắn trên mâm. Bữa cơm trưa hơi muộn, nhưng vui vẻ và ngon đến kỳ lạ. Nụ cười vẫn chưa tắt trên khuôn mặt mẹ. Mẹ chăm chút gắp cho em từng món, từng món. Bát cơm đầy ụ lên như một ngọn núi nho nhỏ. Ngọn núi ấy là tất cả tình yêu thương của mẹ. Vừa ăn cơm, mẹ vừa nhẹ nhàng dặn dò, động viên em cố gắng hơn, cố gắng cho tương lai của mình. Mẹ nói bố mẹ luôn ủng hộ và đồng hành bên cạnh em. Lời nói ấy đem theo cả một sức mạnh lớn lao, lặng lẽ truyền cho em động lựng và cố gắng. Cơn gió hiếm hoi lùa qua khe cửa, giọng mẹ đều đều mà thấm thía.
Thời gian qua đi, em luôn nỗ lực đạt nhiều điểm tốt hơn nữa nhưng hình ảnh mẹ khi ấy vẫn mãi in sâu trong trái tim em. Những phút giây mỏi mệt, yếu lòng, hình ảnh mẹ trong hạnh phúc và tự hào ấy đã tiếp thêm sức mạnh, là điểm tựa để em kiên trì. Mẹ là may mắn, là yêu thương và là cả chỗ dựa vững chắc của cuộc đời em.
Câu 2:
- Nội dung: Cần miêu tả được hình ảnh mái nhà nhỏ có khói chiều bay lên trong hoàng hôn để hình dung bóng dáng gần gũi quen thuộc của người bà đang cặm cụi nhóm lửa chuẩn bị cho bữa cơm tối bên bếp lửa ấm áp và thân thương. Hình dung ra hương vị ngon lành quen thuộc và thân thương của bữa cơm gia đình. Qua đó, đồng thời bày tỏ được những tình cảm yêu thương tha thiết với bà.
- Hình thức:
+ Bài văn cần trình bày bố cục đủ ba phần, rõ ràng và rành mạch.
+ Văn cần có hình ảnh biểu lộ được cảm xúc của người viết.
+ Câu văn đúng ngữ pháp, hành văn lưu loát, trôi chảy.
Đề thi theo cấu trúc thi vào trường Nguyễn Tất Thành bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, cấu trúc đề thi bám sát chương trình học từ cơ bản đến nâng cao cho các em học sinh tham khảo nắm được nội dung đề thi ôn tập ôn thi vào lớp 6.