Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường Đông Du, TP.HCM năm học 2015 - 2016
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Đông Du, TP.HCM năm học 2015 - 2016 là tài liệu tham khảo được Vndoc.com sưu tầm, giúp bạn củng cố kiến thức Văn học lớp 12 học kì 1 để chuẩn bị cho kì thi học kì 1 năm học 2016 - 2017 sắp tới. Mời các bạn tham khảo.
Đề kiểm tra văn học trung đại Việt Nam lớp 12 trường Cầu Ngang A, Trà Vinh năm 2015
SỞ GD & ĐT TP.HCM TRƯỜNG THCS, THPT ĐÔNG DU | ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2015 - 2016 MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 12 Thời gian làm bài: 90 phút |
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 3:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
("Đất nước"- Nguyễn Đình Thi, Ngữ văn 12, tập mộ, tr.125)
Câu 1. (0,5 điểm)
Nêu nội dung đoạn thơ. Đoạn thơ được viết theo thể thơ gì?
Câu 2. (0,5 điểm)
Đoạn thơ có sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ. Hãy xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ đó.
Câu 3. (0,5 điểm)
Hãy ghi lại cảm xúc của nhà thơ mà em cảm nhận được qua đoạn thơ trên.
Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 4 đến Câu 6:
Tháng 4-2009, một cô sinh viên người Hàn Quốc đã viết thư cho Tuổi Trẻ thể hiện sự "không hiểu nổi" về việc chẳng thấy những người đến cangtin của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) khi đó chịu xếp hàng.
Ngay lập tức diễn đàn về văn hóa xếp hàng được mở ra, nhiều người thấy chuyện kỳ cục đó và đã có một vài nơi người ta biết xếp hàng.
Nhưng hơn bốn năm sau, việc xếp hàng đang khiến nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là trào lưu, qua từng đợt rồi đâu lại vào đó. Đến những nơi công cộng hiện nay, nỗi sợ hãi vô hình của nhiều người vẫn là cảnh chen lấn, giành chỗ.
Một nhà báo sống tại Pháp có thẻ VIP khi đi máy bay kể lại cảnh "ấn tượng" tại một số sân bay ở VN: "Mặc dù được ưu tiên không phải xếp hàng làm thủ tục nhưng cảnh chen lấn thiếu ý thức từ những vị khách VIP cũng luôn xảy ra. Có lần tôi làm thủ tục ở quầy, chỉ có vài khách đang đợi đến lượt. Vậy mà một ông từ đâu xộc tới chen vào trước chỗ tôi đứng với vẻ mặt tỉnh queo. Cô nhân viên phải nhắc nhở anh ta mới chịu lùi xuống xếp hàng. Nhưng thái độ thì không có gì là mắc cỡ. Có vẻ như đó là thói quen của vị khách VIP này...
(Đâu rồi, chuyện tử tế? Nguyễn Nghĩa, http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre, ngày 4/12/2014)
Câu 4. (0,25 điểm)
Vấn đề xã hội nào được đề cập trong đoạn văn?
Câu 5. (0,25 điểm)
Anh/chị hãy đề xuất những biện pháp để nâng cao ý thức văn hóa ngày nay.
Câu 6. (1,0 điểm)
Thậm chí có người còn cảm thấy băn khoăn với suy nghĩ tử tế chỉ có thiệt thòi, có người thì xem những chuyện không tử tế chẳng liên quan gì đến mình, chuyện thiếu tử tế lại nhiều hơn...
Anh/Chị suy nghĩ như thế nào về điều đó. Trả lời trong một đoạn văn khoảng 7-10 câu.
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
Đọc mẩu chuyện sau:
"Có một con kiến đang tha chiếc lá trên lưng. Chiếc lá lớn hơn con kiến gấp nhiều lần. Đang bò, kiến gặp phải một vết nứt khá lớn trên nền xi măng. Nó dừng lại giây lát, đặt chiếc lá ngang qua vết nứt, rồi vượt qua bằng cách bò lên trên chiếc lá. Đến bờ bên kia con kiến lại tiếp tục tha chiếc lá và tiếp tục cuộc hành trình".
(Theo Hạt giống tâm hồn 5 - Ý nghĩa cuộc sống)
Bằng một bài văn nghị luận khoảng 600 từ, hãy trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa mẩu chuyện trên.
Câu 2. (4,0 điểm)
Cảm nhận về đoạn thơ sau:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuơi về phương Bắc
Dâu ngược về pương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh- một phương.
(Trích " Sóng" - Xuân Quỳnh - Sách Ngữ văn 12 tập I- trang 119)
Qua bài thơ trên, trình bày suy nghĩ của anh/chị về tình yêu của giới trẻ hiện nay.
----------------Hết-------------------
Học sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 12
SỞ GD & ĐT TP.HCM TRƯỜNG THCS, THPT ĐÔNG DU | ĐÁP ÁN ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2015 - 2016 MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 12 Thời gian làm bài: 90 phút |
Phần 1
Câu 1 (0,5 điểm)
- Nội dung chính của đoạn thơ: Đoạn thơ thể hiện niềm vui lớn về quyền làm chủ đất nước, niềm tự hào về tinh thần bất khuất của con người Viện Nam. (0,25 điểm)
- Thể thơ: Tự do (0.25 điểm)
- Lưu ý khi chấm:Học sinh có thể có nhiều cách trả lời khác nhau, miễn đúng ý là cho điểm
Câu 2 (0,5 điểm)
- Điệp ngữ: "đây là của chúng ta" (0,25 điểm)
- Tác dụng: Khẳng định, nhấn mạnh quyền làm chủ đất nước của dân tộc ta. (0,25 điểm)
- Lưu ý khi chấm:
- Xác định được điệp ngữ: (0,25 điểm)
- - Tác dụng: (0,25 điểm)
Câu 3 (0,5 điểm)
Cảm xúc của nhà thơ: Yêu mến, tự hào về đất nước. (0,5 điểm)
Câu 4 (0,25 điểm)
Vấn đề xã hội nào được đề cập trong đoạn văn: Văn hóa xếp hàng....
Câu 5 (0,25 điểm)
- Đề xuất những biện pháp để nâng cao ý thức văn hóa ngày nay (0,25 điểm)
- Lưu ý khi chấm: Học sinh có thể có nhiều cách trả lời khác nhau, miễn đúng ý là cho điểm
Câu 6 (1,0 điểm)
1.Yêu cầu nội dung
- Cần trình bày được những ý sau:
- Tạo lập được đoạn văn, đảm bảo logic về ý.
- Cần đưa ra được những biện pháp cơ bản để sử sống tử tế:
- Diễn đạt sáng rõ, đúng chính tả
2. Yêu cầu hình thức: Viết 1 đoạn (7 - 10 câu)
- Viết 1 đoạn (độ dài không vượt quá yêu cầu)
- Viết 2 đoạn: Tối đa 0,5 điểm
- Không thụt vào, không viết hoa đầu đoạn: chỉ cho 0,5 điểm
- Viết từ 10 - 12 câu: vẫn cho 1,0 điểm
- Viết quá ngắn (5 - 7 câu) hoặc quá dài (15 câu trở lên): 0,75 điểm
- Viết 3 - 5 câu: 0,5 điểm 1,0
- Lưu ý khi chấm:
- Viết được đoạn văn, trình bày được một số ý, nhưng chưa thật đầy đủ, sâu sắc: 0,75 điểm
- Chỉ viết được 1 vài câu, ý sơ sài: 0,25 điểm
- Viết sai lạc nội dung: 0 điểm
Phần II.
Câu 1. (3,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp...
2. Yêu cầu về kiến thức
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng lí lẽ và dẫn chứng phải hợp lí ; cần làm rõ được các ý chính sau :
a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận (0,5 điểm)
b. Thân bài:
- Tìm hiểu ý nghĩa câu chuyện: (0,5 điểm)
- Chiếc lá và vết nứt: Biểu tượng cho những khó khăn, vất vả, trở ngại, những biến cố có thể xảy ra đến với con người bất kì lúc nào.
- Con kiến dừng lại trong chốc lát để suy nghĩ và nó quyết định đặt ngang chiếc lá qua vết nứt, rồi vượt qua bằng cách bò lên trên chiếc lá...: Biểu tượng cho con người biết chấp nhận thử thách, biết kiên trì, sáng tạo, dũng cảm vượt qua bằng chính khả năng của mình.
- => Câu chuyện ngắn gọn nhưng hàm chứa bao ý nghĩa lớn lao về cuộc sống. Con người cần phải có ý chí, nghị lực, thông minh, sáng tạo và bản lĩnh mạnh dạn đối mặt với khó khăn gian khổ, học cách sống đối đầu và dũng cảm; học cách vươn lên bằng nghị lực và niềm tin.
- Suy nghĩ về ý nghĩa câu chuyện: Phân tích, bàn luận vấn đề: (1,0 điểm)
- Khẳng định câu chuyện có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc đối với mỗi người trong cuộc đời:
- Những khó khăn, trở ngại vẫn thường xảy ra trong cuộc sống, luôn vượt khỏi toan tính và dự định của con người. Vì vậy mỗi người cần phải dũng cảm đối mặt, chấp nhận thử thách để đứng vững, phải hình thành cho mình nghị lực, niềm tin, sự kiên trì, sáng tạo để vượt qua.
- Khi đứng trước thử thách cuộc đời cần bình tĩnh, linh hoạt, nhậy bén tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.
- Khó khăn, gian khổ cũng là điều kiện thử thách và tôi luyện ý chí, là cơ hội để mỗi người khẳng định mình. Vượt qua nó, con người sẽ trưởng thành hơn, sống có ý nghĩa hơn.
- Dẫn chứng: (làm sáng tỏ bằng những dẫn chứng tiêu biểu cụ thể, xác đáng như: Thầy Nguyễn Ngọc Kí, danh họa Lê-ô-na Đơ-vanh-xi, những anh thương binh tàn nhưng không phế, nhân dân Việt Nam chống kẻ thù xâm lược... ).
- Phê phán: (0,5 điểm)
- Không phải bất cứ ai cũng có thái độ tích cực để vượt qua sóng gió cuộc đời. Có người nhanh chóng bi quan, chán nản; có người than vãn, buông xuôi; có người ỷ lại, hèn nhát, chấp nhận, đầu hàng, đổ lỗi cho số phận.... cho dù những khó khăn ấy chưa phải là tất cả (Dẫn chứng).
- Ta cần phê phán những người có lối sống đó.
c. Kết bài: (0,5 điểm)
- Khẳng định vấn đề và rút ra bài học cuộc sống:
- Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng, cũng thuận buồm xuôi gió. Khó khăn, thử thách, sóng gió có thể nổi lên bất cứ lúc nào. Đó là qui tất yếu của cuộc sống mà con người phải đối mặt.
- Phải có ý thức sống và phấn đấu, không được đàu hàng, không được gục ngã mà can đảm đối đầu, khắc phục nó để tạo nên thành quả cho cuộc đời.
- Liên hệ bản thân: Cần phải rèn luyện ý chí, nghị lực, lạc quan, hi vọng và có niềm tin vào cuộc sống. Cần nhất là thái độ sống của mình trước mọi thử thách của cuộc đời.
d. Lưu ý khi chấm bài:
- Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài, nhưng Thân bài chưa biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề (Thân bài chỉ có một đoạn.): Tối đa: 2,0 điểm
- Viết một đoạn: Tối đa: 1,0 điểm
Câu 2. Cảm nhận về khổ thơ 5, 6 của bài thơ "Sóng" (Xuân Quỳnh)
1. Yêu cầu về kĩ năng
Biết cách làm bài văn nghị luận về một tác phẩm thơ, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
2.Yêu cầu về nội dung:
- Đề bài có 2 yêu cầu:
- Cảm nhận đoạn thơ (bố cục đầy đủ)
- Suy nghĩ về tình yêu của giới trẻ hiện nay
- Trên cơ sở những hiểu biết về bài thơ "Sóng" – Xuân Quỳnh, học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau :
a. Mở bài. (0,5 điểm)
- Giới thiệu được tác giả, nêu được đoạn trích.
- Trích thơ.
- Lưu ý khi chấm: Không trích thơ - 0,25 điểm
b. Thân bài
- Cảm nhận chung (tựa đề, ...) (0,5 điểm)
- Cảm nhận đoạn thơ: Trình bày được những ý chính sau:
- Thể hiện một tình yêu sôi nổi, mãnh liệt, một nỗi nhớ da diết (chiếm lĩnh cả thời gian và không gian; chiều rộng và chiều sâu): Con sóng dưới lòng sâu/ con sóng trên mặt nước.... Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức.... (0,75 điểm)
- Luôn hướng về một tình yêu thủy chung son sắt: Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh - một phương. (0,5 điểm)
- Nghệ thuật: Thơ năm chữ, ẩn dụ, đối, điệp, lặp cú pháp, tiết tấu, nhịp điệu.... (0,25 điểm)
- Suy nghĩ về tình yêu của giới trẻ hiện nay: (Lưu ý: Học sinh phát biểu dài – ngắn tùy theo sức viết, miễn đúng ý là cho điểm) (1,0 điểm)
- Lưu ý khi chấm bài:
- Phần thân bài, học sinh có thể cảm nhận sơ sài nhưng vẫn đảm bảo thao tác (có trích thơ, không sai nội dung): 1,5 điểm
- Nghệ thuật có thể tách riêng, có thể cảm nhận trong lúc phân tích
- Nếu thiếu phần suy nghĩ về tình yêu của giới trẻ hiện nay: phải trừ 1,0 điểm
- Không tách riêng để viết phần suy nghĩ này: - 0.25 điểm
- Chỉ viết 1 - 2 dòng: 0.5 điểm
c. Kết bài (0,5 điểm)
- Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu- một tình yêu hiện đại, mới mẻ nhưng vẫn không tách rời truyền thống.
- Thể thơ năm chữ với nhịp điệu linh hoạt, nhịp nhàng gợi âm vang của sóng; ngôn từ giản dị, trong sàng, hình ảnh thơ giàu sức gợi
d. Lưu ý khi chấm bài:
- Không nên quan trọng hóa độ dài bài viết, nhưng phải đảm bảo bố cục nghị luận văn học.
- Nếu học sinh tỏ ra hiểu đề, có thể cảm nhận còn sơ sài (hiểu được nội dung, có phân tích nghệ thuật), có nêu suy nghĩ về về tình yêu của giới trẻ hiện nay: Tối đa 2,5 điểm
- Bố cục:
- Chỉ 2 phần: Thiếu phần nào trừ điểm phần đó
- Viết một đoạn: Chỉ cho 1,0 điểm
- Phân tích mà không trích thơ
- Ở mở bài: - 0,25 điểm
- Trong thân bài: Cho tối đa 2,0 điểm
- Mở bài có trích thơ, thân bài không trích thơ: nếu phân tích được: Tối đa 2,5 điểm
- Sử dụng các dấu câu (sai qui cách) ở đầu đoạn: Tối đa 1,0 điểm