Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lý thuyết Lịch sử lớp 8 bài 11: Các nước Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX

Lý thuyết Lịch sử lớp 8 bài 11 được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu sẽ giúp các em học sinh nhanh chóng nắm được những nội dung chính trong Sách giáo khoa Lịch sử 8 bài 11: Các nước Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX. Hi vọng, tài liệu này sẽ giúp các em học tốt hơn, đạt kết quả cao trong quá trình học tập.

A. Lý thuyết

I. Quá trình xâm lược của chủ nghĩa thực dân ở các nước Đông Nam Á

Các quốc gia Đông Nam Á có vị trí địa lí quan trọng, giàu tài nguyên nên sớm trở thành đối tượng xâm lược của các nước tư bản phương Tây.

Đông Nam Á là một khu vực khá rộng, bao gồm nhiều nước trên lục địa và hải đảo, diện tích khoảng 4,5 triệu km2, ngày nay có số dân hơn 500 triệu người; các dân tộc có nền văn hóa truyền thống rực rỡ. Đông Nam Á nằm trên đường hàng hải từ Tây sang Đông, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Đây là khu vực giàu tài nguyên: lúa gạo, cây hương liệu, động vật, khoáng sản..., có nguồn nhân công rẻ và thị trường tiêu thụ lớn.

Nhân khi chế độ phong kiến ở các nước Đông Nam Á đang suy yếu, vào nửa sau thế kỉ XIX, các nước tư bản phương Tây đã đẩy mạnh các cuộc chiến tranh xâm chiếm thuộc địa.

Thực dân Anh xâm chiếm Mã Lai, Miến Điện; Pháp chiếm Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào; Tây Ban Nha rồi Mĩ chiếm Phi-líp-pin; Hà Lan và Bồ Đào Nha thôn tính In-đô-nê-xi-a; chỉ có Xiêm thoát khỏi tình trạng là nước thuộc địa.

II. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước Đông Nam Á

Ngay khi bị thực dân phương Tây xâm lược, nhân dân các nước Đông Nam Á đã kiên quyết đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, các cuộc kháng chiến lần lượt thất bại vì lực lượng của bọn xâm lược mạnh, chính quyền phong kiến ở nhiều nước đầu hàng, làm tay sai; cuộc đấu tranh của nhân dân thiếu tổ chức và thiếu lãnh đạo chặt chẽ.

Lý thuyết Lịch sử lớp 8 bài 11

Sau khi thôn tính và biến các nước Đông Nam Á thành thuộc địa. thực dân phương Tây đã tiến hành những chính sách cai trị hà khắc: vơ vét, đàn áp, chia để trị.

Tùy tình hình cụ thể mà mỗi nước thực dân có chính sách cai trị, bóc lột khác nhau, song nhìn chung là vơ vét tài nguyên đưa về chính quốc, không mở mang công nghiệp ở thuộc địa. tăng các loại thuế, mở đồn điền, bốt lính, đàn áp phong trào yêu nước.

Cuộc đấu tranh của nhân dân chống xâm lược giải phóng dân tộc ở các nước Đông Nam Á phát triển liên tục, rộng khắp.

Ở In-đô-nê-xi-a, vào cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, nhiều tổ chức yêu nước của trí thức tư sản tiến bộ ra đời, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Từ sau năm 1905, nhiều tổ chức công đoàn được thành lập và bước đầu truyền bá chủ nghĩa Mác vào In-đô-nê-xi-a.

Năm 1905, công đoàn đầu tiên của công nhân xe lửa được thành lập. Năm 1908, Hội liên hiệp công nhân ln-đô-nê-xi-a ra đời. Tháng 5 - 1920, Đảng Cộng sản In-đô-nê-xi-a thành lập.

Ở Phi-líp-pin, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha diễn ra quyết liệt. Cuộc cách mạng 1896 - 1898 bùng nổ, dẫn tới sự ra đời nước Cộng hòa Phi-líp-pin, nhưng sau đó lại bị đế quốc Mĩ thôn tính.

Mượn cớ "giúp đỡ” nhân dân Phi-líp-pin chống Tây Ban Nha, Mĩ gây ra cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha và sau đó thôn tính nước này. Nhân dân Phi-líp-pin tiếp tục kháng chiến chống Mĩ, song thất bại. Mĩ đưa 70 000 quân đàn áp cuộc đấu tranh của nhân dân Phi-líp-pin, giết hại hơn 60000 người yêu nước. Phong trào giải phóng dân tộc tạm lắng xuống một thời gian, rồi tiếp tục bùng lên.

Ở Cam-pu-chia, ngay sau khi vua Nô-rô-đôm kí hiệp ước thừa nhận nền đô hộ của Pháp năm 1863, nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân đã nổ ra. Điển hình là cuộc khởi nghĩa do A-cha Xoa lãnh đạo ở Ta Keo (1863 - 1866) và cuộc khởi nghĩa dưới sự chỉ huy của nhà sư Pu-côm-bô ở Cra-chê (1866 - 1867).

A-cha Xoa lập căn cứ chống Pháp ở vùng Bảy Núi (Châu Đốc, Việt Nam), liên minh với nghĩa quân Thiên hộ Dương.

Pu-côm-bô xây dựng căn cứ ở Tây Ninh, liên kết với nghĩa quân Trương Quyền, Thiên hộ Dương, được nhân dân Việt Nam giúp đỡ, đã đánh thắng quân Pháp nhiêu trộn.

Ở Lào, đầu thế kỉ XX, nhân dân đã nhiều lần nổi dậy khởi nghĩa chống Pháp. Năm 1901, nhân dân Xa-van-na-khét tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang dưới sự lãnh đạo của Pha-ca-đuốc. Cũng năm đó, một cuộc khởi nghĩa khác đã nổ ra ở cao nguyên Bô-lô-ven, lan sang Việt Nam và kéo dài đến năm 1907 mới bị dập tắt.

Ở Miến Điện, cuộc kháng chiến chống thực dân Anh (1885) đã diễn ra rất anh dũng nhưng cuối cùng bị thất bại. Nghĩa quân phải rút vào rừng sâu.

Ở Việt Nam, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra liên tục và quyết liệt. Bên cạnh phong trào cần vương, làn sóng đấu tranh chống Pháp diễn ra ở khắp nơi, tiêu biểu là phong trào nông dân Yên Thế (1884 - 1913).

Vào đầu thế kỉ XX, do những biến chuyển sâu sắc trong xã hội, phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam mang màu sắc mới.

B. Trắc nghiệm

Câu 1: Mã Lai, Miến Điện trở thành thuộc địa của nước nào?

A. Anh B. Pháp C. Tây Ban Nha D. Hà Lan

Đáp án: A

Giải thích: Trang 63, mục I sgk Lịch Sử 8

Câu 2: Các tổ chức công đoàn được thành lập sớm nhất ở đâu?

A. Phi-líp-pin B. Mã Lai C. Miến Điện D. In-đô-nê-xi-a

Đáp án: D

Giải thích: Trang 65, mục II sgk Lịch Sử 8

Câu 3: Đảng Cộng sản ra đời sớm nhất ở đâu?

A. In-đô-nê-xi-a B. Cam-pu-chia C. Lào D. Việt Nam

Đáp án: A

Giải thích: Trang 65, mục II sgk Lịch Sử 8

Câu 4: Vì sao Thái Lan còn giữ được hình thức độc lập?

A. Nhà nước phong kiến rất mạnh.

B. Thái Lan được Mỹ giúp đỡ.

C. Thái Lan đã bước sang giai đoạn tư bản chủ nghĩa.

D. Chính sách ngoại giao khôn khéo.

Đáp án: D

Giải thích: Lợi dụng mâu thuẫn giữa Anh và Pháp. Cùng với đó là các chính sách ngoai giao vô cùng khéo léo. Thái Lan đã giữ được chủ quyền.

Câu 5: Nét nổi bật về sự phân hóa xã hội ở In-đô-nê-xi-a cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX là gì?

A. Sự hình thành giai cấp vô sản mới.

B. Sự hình thành hai giai cấp công nhân và tư sản.

C. Hình thành quý tộc và tư sản mại bản.

D. Sự đan xen tồn tại nhiều giai cấp tầng lớp trong xã hội.

Đáp án: B

Giải thích: Công nhân và tư sản ra đời là hệ quả của các cuộc cách mạng ở In-đô-nê-xi-a. Các cuộc cách mạng, khởi nghĩa do tư sản lãnh đạo đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia

Câu 6: Chính sách thuộc địa của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á có điểm chung nào nổi bật?

A. Không mở mang công nghiệp ở thuộc địa.

B. Kìm hãm sự phát triển kinh tế thuộc địa.

C. Vơ vét, đàn áp, chia để trị.

D. Tăng thuế, mở đồn điền, bắt lính.

Đáp án: C

Giải thích: Trang 64, mục II sgk Lịch Sử 8

Câu 7: Lào thực sự biến thành thuộc địa của Pháp từ năm nào?

A. 1884 B. 1885 C. 1886 D. 1893

Đáp án: D

Giải thích: Năm 1893, Lào trở thành thuộc địa của Pháp cùng với Việt Nam và Cam-pu-chia.

Câu 8: Trước nguy cơ mất nước và chính sách cai trị khắc nghiệt của chính quyền đô hộ, thái độ của nhân dân Đông Nam Á như thế nào?

A. Nổi dậy khởi nghĩa.

B. Thành lập các tổ chức yêu nước.

C. Đấu tranh chống xâm lược, giải phóng dân tộc.

D. Tiến hành những cuộc đấu tranh vũ trang.

Đáp án: C

Giải thích: Trang 64, mục II sgk Lịch Sử 8

Câu 9: Các nước thực dân phương Tây mở rộng và hoàn thành việc xâm lược các nước Đông Nam Á vào thời gian nào?

A. Đầu thế kỉ XIX

B. Giữa thế kỉ XIX

C. Cuối thế kỉ XIX

D. Đầu thế kỉ XX

Đáp án: B

Giải thích: Trang 63, mục I sgk Lịch Sử 8

Câu 10: Năm 1905, diễn ra sự kiện gì gắn liền với phong trào đấu tranh của công nhân In-đô-nê-xi-a?

A. Hiệp hội công nhân đường sắt được thành lập.

B. Hiệp hội công nhân xe lửa ra đời.

C. Liên minh xã hội dân chủ In-đô-nê-xi-a.

D. Đảng cộng sản In-đô-nê-xi-a ra đời.

Đáp án: A

Giải thích: Trang 65, mục II sgk Lịch Sử 8

Với nội dung bài Các nước Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về quá trình xâm lược của chủ nghĩa thực dân ở các nước Đông Nam Á, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước Đông Nam Á...

Ngoài Lý thuyết Lịch sử lớp 8 bài 11: Các nước Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX đã được VnDoc.com giới thiệu, mời các bạn cùng tham khảo thêm Giải bài tập SGK môn Lịch sử lớp 8, Giải bài tập SBT môn Lịch sử 8 để hoàn thành tốt chương trình học THCS.

Đánh giá bài viết
2 5.206
Sắp xếp theo

    Lý thuyết Lịch sử 8

    Xem thêm