Cảm nhận bài thơ Cáo bệnh bảo mọi người - Thiền Sư Mãn Giác

Cảm nhận bài thơ Cáo bệnh bảo mọi người - Thiền Sư Mãn Giác gồm dàn bài chi tiết và những bài văn mẫu lớp 10 chọn lọc trình bày cảm nhận về bài Cáo bệnh bảo mọi người (Cáo tật thị chúng), sẽ giúp các em hoàn thành bài làm của mình một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất.

1. Dàn bài cảm nhận bài Cáo bệnh bảo mọi người

I. Mở bài

- Cáo tật thị chúng (Cáo bệnh bảo mọi người) là bài kệ duy nhất còn lại của thiền sư Mãn Giác. Theo Thiền uyển tập anh, ngày 30 tháng 11 âm lịch năm 1096, thiền sư Mãn Giác cáo bệnh và làm bài kệ này.

II. Thân bài

a. Quy luật biến đổi của thiên nhiên

- Xuân qua trăm hoa rụng - Xuân đến trăm hoa nở diễn tả quy luật biến đổi của thiên nhiên: cây cối biến đổi theo thời tiết. Thông thường mùa xuân đến thì hoa nở, mùa xuân đí thì hoa rụng. Nhưng bài thơ nói hoa rụng trước rồi hoa nở sau, hàm ý nói về sự tuần hoàn của tự nhiên trong cái nhìn lạc quan của tác giả.

- Hình ảnh xuân và hoa tượng trưng cho thời tiết và cây cối, là cái phần đẹp đẽ, ấm áp, tràn đầy sức sống nhất của thời tiết và cây cối. Trăm hoa rụng, trăm hoa tươi: chữ trăm nói tới quy luật tuần hoàn của tự nhiên, không có ngoại lệ.

b. Quy luật biến đổi của đời người

- Việc đuổi theo nhau qua trước mắt - Cái già hiện tới trên mái đầu diễn tả quy luật biến đổi của đời người. Thời gian trôi qua, con người phải già đi. Mái đầu bạc tượng trưng cho tuổi già là biểu hiện rõ nhất sự biến đổi của con người trước thời gian.

- Tuy nhiên, con người không luân hồi như cây cối. Tuy không nói ra nhưng bài thơ ngầm nêu ra một vấn đề lớn của con người: cái già, cái chết sẽ đến.

c. Hình ảnh "một cành mai"

- Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết - Đêm qua sân trước một cành mai cho thấy điều khác thường ở đây là sự xuất hiện bất ngờ của một cành hoa mai giữa cảnh muôn loài hoa lạc tận khi mùa xuân sắp qua. Hoa mai thường nở vào cuối đông và đầu xuân. Đến cuối xuân là không còn hoa mai nữa, thế mà nhà sư lại thấy hoa mai.

- Cành mai trong bài thơ mang ý nghĩa tượng trưng, thể hiện sức sống mãnh liệt của vạn vật và con người, vượt lên trên sự sống chết, bất chấp mọi biến đổi của thời gian và thời tiết. Ở đây là một cành mai khác, nằm ngoài quy luật của nở, tàn, sống chết. Cành mai tượng trưng cho quy luật tất yếu khác của sự sống, đó là quy luật về sự bất biến. Cành hoa mai (Ở đây là biểu hiện của tính bất biến trong tinh thần nhà thơ.

III. Kết bài

- Tác giả là bậc tu hành giác ngộ lẽ đạo, có thể vượt khỏi vòng luân hồi của pháp tướng, của thế giới hữu tình, khác nào như nhành mai kì diệu kia vẫn cứ nở trong khi muôn hoa rụng hết vào buổi xuân tàn.

- Có thể lời thơ như là một "biểu hiện của sự nhạy cảm đối với sức sống dồi dào luôn luôn khắc phục hoàn cảnh để mà vươn lên..." (Đinh Gia Khánh)

2. Bài văn mẫu cảm nhận về bài Cáo bệnh bảo mọi người

2.1. Bài văn mẫu 1: Cảm nhận bài thơ Cáo bệnh bảo mọi người

Thời gian với lộ trình vô tận mà sự đổi thay là một thuộc tính bất di bất dịch, sự triển chuyển là cơ sở để có sự phát sinh và cả hoại diệt, sự tăng trưởng sinh sôi cũng đồng thời tàn tạ mỏi mòn. Quy luật là như thế và nền tảng của sự sống cũng như vậy. Bài thơ không còn dừng lại ở dấu ấn xưa nay của thi ca là ca ngợi miêu tả thuần túy một vẻ đẹp hay một cảm xúc bay bổng, đôi cánh cảm nhận mang màu sắc trí tuệ đã nâng lên những giá trị mang tính muôn thuở, một thế giới quan và hơn thế nữa nhân sinh quan sống động.

Xuân đi trăm hoa rụng.

Một mệnh đề tưởng bình thường, chẳng có gì cao sâu, nhưng mấy ai cảm nhận và chấp nhận được.Ta vẫn đau lòng khi ai đó mất đi, vẫn hụt hẫng vì một sớm chia lìa hay một chiều tang tóc, ta biết sự đến đi là tất nhiên nhưng vẫn mong cho"thời gian dừng lại" hay "tuổi thơ quay về. Ta vô tình tự mâu thuẫn chí ít là với những hiểu biết cơ bản nhất của chính mình. Ở điểm này, câu thơ đã có giá trị cảnh tỉnh sâu sắc.

Xuân đến trăm hoa nở.

Đây chính là sự tất nhiên mang tính vĩnh hằng. Vốn dĩ xưa nay con người chỉ muốn và mãi muốn thụ hưởng và chấp nhận những gì quy luật mang lại, hợp với chí hướng của mình, do đó mà có tâm lý vui khi xuân về hoa nở, buồn khi đông đến hoang liêu. Đâu biết rằng đông chính là nền tảng để một ngày xuân bừng dậy tinh khôi hào nhoáng. Không có đêm, làm gì có ngày, không có đông làm gì có mùa xuân, hiểu cả về mặt sự đối chiếu làm nổi bật và tính triết lý nền tảng.

Những nỗi đau càng chồng chất nỗi đau khi bên cạnh sự khắc khoải của thịt da, ta lại bồi đắp thêm sự xót xa tiếc nuối hay sợ hãi triền miên, thì tất yếu sự khổ đau càng gấp bội và đáng thương cho ai vẫn mong mỏi một điều không thật đó là trẻ mãi không già, sống hoài không chết,...

Vậy nên hoa nở và hoa rụng chẳng qua là một vòng quay, sự tuần hoàn tất yếu mà với cái nhìn biện chứng, tự nó không mâu thuẫn mà là hai mặt hữu cơ và bổ sung nhau. Và từ sự tổng quan rộng lớn, Thiền sư đã đưa về mảng thời sự tính, đó là thân phận con người, điều mà bất cứ ai cũng phải đối mặt:

Trước mắt sự qua mãi

Trên đầu già đến rồi.

Quy luật của trời đất vốn mang tính lạnh lùng và công bằng đến tuyệt đối. Khổng Lão Trang có quan điểm:

Thiên trường địa cửu hữu thời tận

....

Thiên địa bất nhân...

Bất nhân ở đây chính là không thiên vị, nhân nhượng bất cứ ai, bất cứ điều gì. Đó là quy luật tự nhiên. Rồi một ngày có kẻ sĩ kiêm nhà hiền triết đất Trung Nguyên tiễn đưa bạn đời quá cố về miền vĩnh hằng với khúc Cổ bồn phiêu nhiên vô tư lự!

Bóng câu qua cửa sổ, giấc mộng kê vàng, đời người giấc mộng,... là những ý tứ người ta vẫn thường chỉ về sự đổi thay. Nhưng chẳng có gì nhanh, chẳng có gì chậm, mức độ vẫn bấy nhiêu, chẳng qua do con người áp đặt lên chúng bằng một thứ người ta quen gọi là thời gian tâm lý, do tiếc nuối sự đã qua, do mong mỏi kéo dài những gì tâm đắc:

Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết

Một ván cờ thua ngả bóng chiều

(Vũ Hoàng Chương)

Việc vẫn trôi qua đều đều, người cũng tuần tự già đi. Già bởi đã trải qua thời trai trẻ, và trẻ rồi cũng sẽ già, vết thời gian in đậm trên thân xác mỗi sinh linh, ta không thể chuyển dời, duy tâm ta thì có thể. Ta hiểu được cuộc đời, sống chung với sanh, già, bệnh, chết vô tư như một dòng triển chuyển tất nhiên, ta cứ lạc quan khi tuổi già gõ cửa, có thể làm được quá đi chứ!

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai.

Con người chỉ nắm bắt hiện tượng đang diễn ra, và rồi cố chấp vào những ảnh hóa đó bằng tâm cứng đọng phi biện chứng. Sự cố chấp này chi phối cả thế giới tư duy và màu sắc cảm nhận của chủ thể. Khi Thiền sư nói "đừng bảo..." cũng có nghĩa, Ngài chỉ ra sự phiến diện của tư duy què quặt cố hữu của con người. Đó là những rối rắm nội tại phát sinh từ sự thiếu chân xác trong kiến quan hạn hẹp để rồi bao hệ lụy cũng từ đó phát sinh theo mô thức phản ứng dây chuyền trong thế giới hạt nhân phóng xạ.

Có thể nói câu thơ như một hình thức KHAI (mở), mang lại cái nhìn mới chân xác và thiết thực hơn cho các đối tượng.

Đêm qua sân trước một nhành mai.

Hãy thoát ly sự cố chấp đi, anh sẽ nhìn rõ hơn sự màu nhiệm của cuộc sống. Cành mai hôm nào, nay đã không còn và anh sẽ bảo chẳng có mai. Thiền sư không nói về cành mai cụ thể trong một thời điểm cụ thể đó, Ngài đang nói về cành mai "bất diệt", cành mai bản thể (bản chất, nền tảng). Đây có thể gọi là phần "thị" (chỉ rõ) so với phần "khai" ở trên.

Về phương diện biện chứng học, chẳng có gì biến mất, chẳng có gì tự nhiên xuất hiện, chỉ có sự biến đổi từ dạng này sang dạng khác. Tôi tuy không phải là cha tôi nhưng cha tôi vẫn hiện hữu trong tôi mặc dầu ông ấy đã mất từ lâu, dị mà đồng, đồng mà dị.

Biết rõ sự đổi thay là hiện tượng, sự miên viễn là vĩnh hằng, quy luật là việc của trời đất, tâm lý và thế giới tâm lý là của riêng ta. Sống chung với quy luật của trời đất là biết chấp nhận nó, hòa mình cùng nó trên lộ trình biến diệt vô thường mà ta không thể nào cưỡng lại được .

Một Thiền sư nhận định "Đối trước cái chết, điều khôn ngoan duy nhất mà con người có thể làm được là vui lòng chấp nhận nó". Nhưng để đạt đến cấp độ tâm lý ấy thì thật sự phải có sự chuyển hướng tâm thức thuần thục theo chiều hướng trí tuệ.

Một trong những tiêu chí của Thiền học là thâm nhập được vào thế giới vô thời trong thời gian và vô không trong không gian. Có thể hiểu nôm na là tâm không còn bị chi phối do cố chấp vào những giới hạn thường tình của thời gian và không gian, hai tiêu chuẩn để xác định sự tồn tại của một sự vật, hiện tượng.

Sự an nhiên tự tại trước cái chết (thị tịch) của Thiền sư biểu hiện cao độ, thay vì Ngài là nhân tố đáng thương hại, lại chính là nhân tố chủ động trấn an những đệ tử, những người vẫn đang khỏe mạnh trẻ trung. Đối diện sự ra đi, Ngài vẫn dõng dạc trong những Pháp kệ được Đường thi hóa, vừa mang giá trị nghệ thuật văn học, lại hàm dung triết lý sâu xa. Cả một đời phụng sự Đạo Pháp, trải bao bài thuyết pháp độ sinh, nay, ngay cả trong giờ khắc còn lại ít ỏi trên cõi đời và đang đối diện cái mà con người kinh khiếp nhất (cái chết), Thiền Sư vẫn tự tại biến đó thành bài Pháp cuối cùng của đời mình và đã trở thành bài thơ bất hủ trên thi đàn dân tộc xưa và nay.

2.2. Bài văn mẫu 2: Cảm nghĩ về bài thơ Cáo tật thị chúng

Trong Phật giáo, trước khi lìa bỏ cuộc đời thì các thiền sư thường làm một bài thi kệ, đây là những triết lí mà thiền sư giác ngộ được trong cuộc đời, đồng thời đó cũng là những lời giáo huấn cho chúng đệ tử. Bài thơ “Cáo tật thị chúng” được Mãn Giác Thiền sư sáng tác khi thiền sư đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ đã thể hiện được nhiều triết lí sâu sắc trong cuộc đời.

Trong những câu thơ đầu tiên, Mãn Giác thiền sư đã gợi ra trạng thái của những bông hoa khi tàn tàn – nở:

“Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai”

Dịch:

(Xuân qua trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa cười)

Trong hai câu thơ đầu tiên này chúng ta cảm nhận được sự độc đáo trong cách thể hiện. Bởi chúng ta thường nhắc đến những cái đẹp, những giây phút huy hoàng trước khi nói về sự tàn úa, phôi pha bởi đây là một tâm lí thông thường ở con người, trong chúng ta ai cũng thích những cái đẹp đẽ, hoàn thiện mà không ai muốn nói đến sự phôi pha, chia lìa.

Ở trong hai câu thơ này, Mãn Giác Thiền sư đã nói về sự tàn úa của những bông hoa trước khi nói về sự tươi đẹp, bung nở của những bông hoa. Hai câu thơ đã thể hiện được quy luật của tự nhiên: Xuân đi trăm hoa sẽ tàn úa, phôi pha theo, xuân đến mang đến sự sống cho trăm hoa. Tác giả đã lựa chọn cách nói trái ngược như để nhắn nhủ đến mọi người: xuân đến rồi cũng sẽ đi, đây là quy luật của tự nhiên không thể thay đổi, do vậy con người cần giữ cho mình tâm thế bình thản để đối mặt với nhiều biến động trong cuộc sống. Trong thơ của Xuân Diệu ta cũng bắt gặp quan niệm về sự chảy trôi tuần hoàn của vũ trụ:

“Xuân đương đến nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”

Trở lại với bài thơ, ta có thể thấy con người luôn bị xoay vần bởi những nhịp vận động của cuộc sống, trong cuộc đời của mỗi người có biết bao đổi thay, chính những đổi thay của ngoại cảnh ấy làm cho con người đắm chìm trong nó mà đôi khi quên mất cả bản thân mình.

“Sự nhục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai”

Dịch:

Việc đời ruổi qua trước mắt

Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu

Con người luôn chạy theo những nhịp vận động không ngừng của cuộc sống mà vô tình quên mất chính mình, để khi quay đầu lại thì tuổi già đã đến. Mãn Giác thiền sư như muốn truyền đạt một triết lí: Cần ngừng lại những cuộc rong ruổi theo những danh vọng phù phiếm mà nên lo cho chính bản thân của mình, rèn luyện để có thể sống đạo đức, tình nghĩa hơn.

Không nên đợi tuổi già đến mới lo việc học đạo bởi khi về già đầu óc không còn được minh mẫn, nhanh nhạy như khi còn trẻ nữa, cũng như “không có một tinh thần mạnh mẽ trong một thân thể suy nhược”. Khi về già mới cố gắng thì khó có thể đạt được những mục đích mà mình đề ra, dù có quyết tâm nhưng lực bất tòng tâm.

“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”

Dịch:

(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai)

Có thể có nhiều người sẽ thấy ngỡ ngàng, khó hiểu vì xuân đã tàn mà mai chưa tàn. Ở đây, Mãn Giác thiền sư đã sử dụng ngôn ngữ để truyền tải những triết lí phật giáo đầy sâu sắc. Đây có lẽ không phải là hình ảnh trong thực tế mà nó được dùng để nói về sự giác ngộ, bởi với những người ngộ đạo đã giác ngộ được những chân lí trong cuộc đời thì có thể cảm nhận được cái đẹp, cái vô hình mà bằng nhận thức khách quan khó có thể thấy được.

Hai câu thơ cuối của bài thơ, thiền sư như muốn nhắn nhủ đến chúng đệ tử: không nên lo sợ đến việc sinh tử trong đời, chỉ sợ mỗi người chưa thực sự giác ngộ để nhận thực được hành động và tâm tính của mình. Hãy sống làm sao để những lời nói, hành động đều có thể mang đến niềm vui, hạnh phúc cho bản thân, cho người khác.

Như vậy, bài thơ Cáo tật thị chúng bên cạnh miêu tả những quy luật của tự niên, thiền sư Mãn Giác đã nhắn nhủ nhiều triết lí sâu sắc trong cuộc sống, mang đến cho độc giả nhiều bài học về cuộc đời, về sự sống thực tại.

2.3. Bài văn mẫu 3: Cảm nghĩ về bài thơ Cáo tật thị chúng

Mãn Giác Thiền sư không chỉ là một vị quan triều đình với tài cao, đức độ được nhà vua trọng vọng mà còn là một thi sĩ với những hồn thơ đẹp chứa đựng nhiều ý vị sâu sắc. Bài thơ" Cáo tật thị chúng" đã đóng góp cho thơ dân tộc một tác phẩm bất hủ và giàu giá trị.

"Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai"

Quy luật tự nhiên vốn vẫn vậy, thời gian cứ thế xoay vòng, xuân đi rồi xuân đến là lẽ tự nhiên. Mùa xuân qua thì trăm hoa rụng cành, cây cối từ những chồi non nhú trở nên xanh tươi rồi thu đến, đông về thì rụng lá, trơ trọi giữa đất trời. Khi xuân đến, đất trời lại khoác lên mình một sức sống mới, trăm hoa đua nở, những chồi non của sự sống lại trỗi dậy vươn mình. Hai câu thơ đăng đối tạo nên nhịp điệu liền mạch, "khứ" - "đáo", "bách hoa lạc"- "bách hóa khai" như một sự phát triển và vận động của thời gian và cuộc sống con người, ý đồ của tác giả nhằm cho thấy được quy luật vận động của thiên nhiên. Mùa xuân là vĩnh hằng, thời gian dẫu có trôi đi bao lâu nữa thì nó vẫn tuần hoàn, vẫn tiếp diễn và mang đến cho mọi người niềm vui sống, niềm lạc quan, sự vui vẻ và an nhiên, bởi mùa xuân mang màu của tình tự, của sự đầm ấm sum vầy. Bởi vậy mà khi xuân đến, tâm hồn con người như được tưới lên tất thảy hương xuân, vị xuân và cả trời xuân, người cũng như hoa, đua nở tươi cười đón chào một năm mới. Hai câu thơ mang nét đẹp của một tâm hồn thanh cao, yêu quý và trân trọng thiên nhiên, trân trọng từng khoảnh khắc của thời gian.

"Trước mắt, việc đi mãi

Trên đầu, già đến rồi."

Nhà thơ ngẫm nghĩ về câu chuyện cuộc đời. Con người vốn không thể tránh khỏi quy luật sinh- lão- bệnh- tử, qua thanh xuân tươi đẹp rồi một ngày tuổi già cũng kề cận mang đến cho người nhiều nỗi lo về sức khoẻ. Tuổi già tới chẳng ai mong cả bởi ai cũng muốn được trẻ mãi, được mạnh khoẻ để mà sống, mà cống hiến cho đời. Nhưng làm sao có thể trẻ mãi mà không già được, cũng như sự việc vậy, đi qua trước mắt ta theo lẽ luân hồi. Bởi vậy mà khi già cả, bệnh tật thì "tịch" cũng là lẽ thường, không có gì phải xót xa, đau khổ hay đáng sợ cả. Tất thảy mọi việc ta đều có thể đón nhận một cách thanh thản không nên quá vướng bận.

"Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua trước sân một nhành mai"

Hai câu thơ cuối bài mang âm hưởng triết lý sâu sắc, như một lời dạy cho thế hệ mai sau về cách nhìn nhận vấn đề, về lẽ sống trong cuộc đời. "Đừng tưởng" là khi xuân tàn thì hoa rụng cành bởi tác giả đã chứng minh bằng một cành mai trước sân vẫn còn trong đêm tối. Hình ảnh "hoa rụng hết" gợi sự mất mát đến hụt hẫng đối lập với vẻ đẹp và sức sống của một cành mai càng làm cho cành mai trở nên đẹp đẽ và đặc biệt hơn bao giờ hết. Mai tượng trưng cho sức sống quật cường, kiên trì và niềm vui, sự thành cao, tinh khiết. Mai nở giữa buổi xuân tàn càng thể hiện được sức sống trường tồn theo thời gian. Dường như cành mai ấy ẩn dụ cho cuộc đời thi sĩ, người bệnh mà tâm không bệnh, đối mặt với cái chết không đáng sợ, đáng sợ là một tâm hồn "chết" giữa mùa xuân. Tác giả nhắn nhủ hãy yêu đời, yêu cuộc sống, dù bao khó khăn, vùi dập, dù cho mọi thứ không theo những gì chúng ta định liệu thì vẫn phải giữ cho mình một khát khao sống, một nghị lực phi thường để vươn lên thật mạnh mẽ như nhành mai kia, sống và chạm tới những chân giá trị tuyệt mĩ và vĩnh hằng.

Bài thơ mang tư tưởng Phật giáo sâu sắc cho thấy một tâm hồn đẹp và thiết tha với đời sống của vị Thiền sư mãn giác. Giọng thơ nhẹ nhàng, trầm lắng, tứ thơ uyển chuyển, tinh tế, ngôn ngữ bình dị mà giàu sức gợi tạo nên thì phẩm ấn tượng khó phai trong lòng người đọc. Đọc bài thơ, thấy lòng mình thêm yêu, thêm đẹp biết bao, những gì quanh ta của tạo hoá đều cần phải trân trọng và chúng ta cần phải làm chủ cuộc sống của chính mình để mỗi ngày qua đi đều là những dấu ấn thật đẹp đẽ, hãy vẽ cho đời sống mình những bông hoa ngát hương của mùa xuân, mãi mãi rực rỡ dưới nắng trời.

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Cảm nhận bài thơ Cáo bệnh bảo mọi người - Thiền Sư Mãn Giác. Để có kết quả cao hơn trong học tập, cùng với chủ đề này VnDoc.com mời các bạn học sinh tham khảo bài Đề thi học kì 1 lớp 10, Soạn văn lớp 10 ngắn gọn, Soạn bài lớp 10, Học tốt Ngữ văn 10, Tài liệu học tập lớp 10 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải. Qua bộ tài liệu các bạn học sinh chắc chắn sẽ nắm chắc kiến thức bài Cáo bệnh bảo mọi người và học tập tốt hơn môn Ngữ văn. Chúc các bạn học tập hiệu quả!

Các tài liệu liên quan khác:

Đánh giá bài viết
1 296
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 10

    Xem thêm