Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Cảm nhận của anh chị về bài thơ Tỏ lòng từ đó liên hệ lí tưởng sống của thanh niên ngày nay

VnDoc xin giới thiệu Cảm nhận của anh chị về bài thơ "Tỏ lòng" của Phạm Ngũ Lão. Từ đó liên hệ lí tưởng sống của thanh niên trong thời đại ngày nay với những hướng dẫn dưới đây và vốn kiến thức tích lũy từ bản thân mình các bạn sẽ làm cho bài văn hoàn thiện hơn. Bài viết được tổng hợp gồm có dàn ý và bài văn mẫu cảm nhận về bài thơ Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão từ đó suy ra lysis tưởng sống của thanh niên ngày nay. Mời các bạn học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về bài viết tại đây nhé.

Ngoài ra, VnDoc.com đã thành lập group chia sẻ tài liệu học tập THPT miễn phí trên Facebook: Tài liệu học tập lớp 10. Mời các bạn học sinh tham gia nhóm, để có thể nhận được những tài liệu mới nhất.

Dàn ý qua bài Thuật hoài, suy nghĩ về lí tưởng sống của thanh niên ngày nay

1. Mở Bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và quan niệm về chí làm trai của tác giả gửi gắm trong bài thơ, liên hệ với lí tưởng sống của thanh niên thời nay

- Hai câu thơ cuối nói lên cái "công danh" của "nam nhi" thời bấy giờ cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của thế hệ trẻ ngày nay

2. Thân Bài

Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm đã ảnh hưởng thế nào tới tư tưởng và quan niệm của nhà thơ.

- Ý thức, trách nhiệm của nhà thơ đối với đất nước thể hiện qua hai câu thơ

- Thế hệ ngày nay có đang trăn trở vì chưa cống hiến được cho đất nước như ông cha ta thời xưa, hay chủ yếu theo đuổi tư tưởng tự lực, tự hưởng, độc lập

- Những thành tựu thế hệ trẻ ngày nay đạt được không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn làm rạng danh xã hội, đất nước, đưa tổ quốc sánh vai với các cường quốc năm châu

- Như vậy, sự tương đồng giữa lý tưởng sống trong Thuật hoài và thanh niên ngày nay là sự cố gắng, cống hiến, tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay sống một cách tự chủ hơn, không còn u hoài, băn khoăn vì "nỗi nước nhà" như thời xưa

3. Kết Bài

Khẳng định lại giá trị tư tưởng trường tồn của tác phẩm đối với lý tưởng sống của thế thanh thiếu niên hiện nay.

Cảm nhận của anh chị về bài thơ Tỏ lòng từ đó liên hệ lí tưởng sống của thanh niên ngày nay

Qua bài Thuật hoài, suy nghĩ về lí tưởng sống của thanh niên ngày nay bài 1

Cùng với dòng chảy lịch sử và những biến đổi xã hội, thế hệ trẻ đã và đang được coi là "hạt nhân" cốt lõi, là vận mệnh của đất nước và nhân loại. Trong mọi hoàn cảnh hay tầng lớp, giới trẻ luôn là yếu tố sáng tạo, đưa nhân loại tới những bước ngoặt mang tầm cỡ lịch sử. Ý thức được điều đó, cách đây bảy thế kỉ, Phạm Ngũ Lão đã bày tỏ sự băn khoăn, day dứt về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với dân tộc qua tác phẩm "Thuật hoài", và đến gần một thiên niên kỉ sau, lý tưởng sống của thời đại thanh niên vẫn đang quyết định vị trí và sự sống còn của đất nước.

Thuật Hoài được sáng tác với nguồn cảm hứng khát khao mạnh mẽ được cống hiến, được góp chút công sức nhỏ nhoi vào công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước. Vốn là một danh tướng tài giỏi, bản thân Phạm Ngũ Lão thấm nhuần tư tưởng triết lý nhân sinh, rằng nam tử hán sinh ra trên đời phải trả được món nợ "công danh", phải ghi được tên mình vào sử sách nước nhà. Với tinh thần yêu nước kết hợp cùng quan niệm Nho giáo, với ông, "làm trai cho đáng nên trai" là mục tiêu cả đời, nên trong tâm khảm nhà thơ luôn có một nỗi "thẹn", nỗi xấu hổ vì chưa làm được nhiều cho đất nước. Hai câu thơ cuối của tác phẩm Thuật hoài đã nêu bật được suy nghĩ đó của ông:

Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu

(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu)

Cảm xúc sâu lắng, thiết tha, phảng phất chút tủi hổ, nỗi xót thương. Tác giả suy nghĩ về chuyện "công danh", đối với ông, đó là cái nợ nần mỗi nam nhi sinh ra đều phải gánh, phải trả. Trong lòng ông luôn băn khoăn phải làm sao để cống hiến cho tổ quốc, phải làm thế nào để giúp vua trị vì, giúp dân hết đói khổ, giữ vững giang sơn, không quản ngại khó khăn, gian khổ. Lịch sử ghi lại rằng, bản thân Phạm Ngũ Lão có công trong việc giúp Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh đuổi quân thù, là một danh tướng lẫy lừng khi còn rất trẻ. Tuy nhiên, với ông như vậy là chưa đủ, nên trong lòng không lúc nào yên. "Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu", Vũ Hầu là Khổng Minh, một quân sư lập được nhiều chiến công hiển hách dưới thời Tam Quốc, là cánh tay phải của tướng Lưu Bị. Tác giả tự lấy gương sáng thời xưa so sánh với mình để tự cảm thấy hổ thẹn, lấy đó làm động lực phấn đấu. Chữ "thẹn" không khiến cho người đọc cảm thấy xót xa mà trái lại là sự nể phục, nể phục vì tinh thần, mà ý chí của nhà thơ khi một lòng một dạ chung thành với đất nước, với nhân dân. Cũng qua hai câu thơ, tác giả đã đặt ra một bài học về lý tưởng sống của thanh niên trong mọi thời đại. Xét trên thực tế ngày nay, bài học đó đang ngày càng mang ý nghĩa quan trọng

Câu hỏi được đặt ra không chỉ còn cho "nam nhi", mà là toàn bộ thế hệ thanh niên của đất nước, của thế kỉ hội nhập và phát triển. Liệu trong điều kiện sống đầy đủ nhưng không kém phần thách thức, đòi hỏi con người phải không ngừng biến đổi và phấn đấu, thì liệu quan niệm cống hiến hết mình cho xã hội có còn lành mạnh và thức thời hay không.

Những thành tựu mà người trẻ Việt đã và đang đạt được ngày nay không chỉ có ý nghĩa cho cá nhân, cho gia đình mà còn là tấm huy chương cho cả một tập thể. Nước Việt ta xưa nay vẫn nổi tiếng với bạn bè năm châu về những nhân tài, những nhà khoa học, toán học, lịch sử tầm cỡ, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp khai thác nền văn minh nhân loại. Như vậy, những thành quả đạt được không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân mỗi người. Khẳng định bản lĩnh trên đấu trường quốc tế, mang giải thưởng về cũng là một cách thể hiện tinh thần yêu nước. Giá trị của bản thân cũng là giá trị của nước nhà, của những người đã có công giúp đỡ, dìu dắt và nuôi dưỡng hiền tài. Như vậy, lý tưởng sống của thanh niên cho dù trong bất kì thời đại nào, là một công dân, của đất nước, vẻ vang cá nhân chính là vẻ vang dân tộc.

Một vấn đề đặt ra trong thời đại ngày nay, là liệu giới trẻ có còn sống vì tổ quốc, có đang trăn trở vì chưa cống hiến được cho đất nước như ông cha ta thời xưa, hay chủ yếu theo đuổi tư tưởng tự lực, tự hưởng, độc lập. Nói một cách khách quan và công bằng, thanh niên ngày nay phần nào đã rời bỏ được những suy nghĩ lối mòn ngày trước, tập trung trau dồi kiến thức cá nhân và hoàn thiện bản ngã. Chính vì vậy, quan niệm sống vì dân, vì nước không còn phù hợp, nhất là với giới trẻ. Bên cạnh đó, sự tác động của những luồng tư tưởng mới cũng làm thay đổi suy nghĩ về "chí làm trai" của Phạm Ngũ Lão. Không chỉ nam nhi, mà phụ nữ cũng hoàn toàn có cơ hội khẳng định cá nhân, vươn tầm thế giới. Hơn nữa, không chỉ văn hay chữ tốt mới được coi là tài giỏi, mà hoạt động thể chất, tinh thần, xã hội cũng ngày một được chú trọng nhằm hoàn thiện mọi khía cạnh phát triển thế giới quan, nhân sinh quan.

Với những sự tương đồng và khác biệt đó, bài học của Phạm Ngũ Lão vừa được thế hệ sau tiếp thu, vừa được hoàn thiện và phát triển. Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi trong dòng máu dân tộc, đó là tinh thần yêu nước và biết ơn thế hệ cha ông. Nước Việt Nam độc lập tự do được bồi đắp bởi máu xương của biết bao vị anh hùng, chính vì vậy, không chỉ giới trẻ Việt Nam hiện nay mà mọi cá thể đang được hưởng độc lập tự do đều cần có trách nhiệm, nghĩa vụ, sự tôn trọng và lòng cảm kích với sự hi sinh của thế hệ đi trước. Sống xứng đáng với nỗi mất mát đó, không có cách nào ngoài rèn luyện bản thân để trở thành người có ích, xây dựng đất nước văn minh, toàn diện và vững mạnh hơn.

Lý tưởng sống của Phạm Ngũ Lão gửi gắm qua bài thơ Thuật hoài sẽ trường tồn cùng với thời gian, là bài học về đạo làm người. Thế hệ ngày nay cần tôn trọng và hoàn thiện, sống chính đáng, độc lập, tự chủ nhưng không được xa rời nguồn cội, luôn tâm niệm và biết ơn tổ quốc. Tinh thần cống hiến và khát khao được khẳng định mình đã, đang và sẽ mãi là động lực thúc đẩy công dân sống có trách nhiệm với bản thân và đất nước.

Qua bài Thuật hoài, suy nghĩ về lí tưởng sống của thanh niên ngày nay bài 2

Phạm Ngũ Lão là một người tài giỏi, có lòng yêu nước nồng nàn, bản lĩnh phi thường, ông là một tướng tài đồng thời cũng là người có tâm hồn văn chương. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là bài thơ Tỏ lòng. Văn bản thể hiện những tâm tư, nỗi niềm của vị tướng tài, đồng thời tái hiện chân thực hào khí Đông A sôi sục, hào hùng của thời đại.

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

Hai câu thơ đầu đã vẽ nên hình ảnh người tráng sĩ đời Trần với tư thế hiên ngang, dũng mãnh “cầm ngang ngọn giáo”, cho thấy tư thế hiện ngang, chủ động khác với câu thơ dịch là “múa giáo” mang tính chất phô trương, biểu diễn, không thể hiện được tư thế anh hùng, hiên ngang của người tướng sĩ. Đồng thời không gian nhân vật trữ tình đứng cũng vô cùng bao la, rộng lớn: giang sơn. Tưởng rằng đứng trong không gian ấy con người sẽ trở nên bé nhỏ, chìm khuất trong không gian vũ trụ bao la, nhưng ngược lại, con người hiện lên trong tư thế làm chủ, mang tầm vóc lớn lao ôm trọn cả non sông đất nước. Tư thế ấy còn cho thấy tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng xả thân để bảo vệ biên cương, lãnh thổ toàn vẹn. Không chỉ vậy, thời gian được nhắc đến ở đây đã trải mấy thu, đó là khoảng thời gian dài, điều ấy còn khẳng định ý chí, quyết tâm bền bỉ của nhân vật trữ tình. Câu thơ thứ nhất vừa cho ta thấy tầm vóc hiên ngang, vừa cho thấy lòng yêu nước nồng nàn của nhân vật trữ tình.

Câu thơ thứ hai tái hiện lại sức mạnh của quân đội nhà Trần. Tác giả sử dụng các hình ảnh “tam quân” “tì hổ” “khí thôn ngưu” để làm rõ vẻ đẹp sức mạnh đó. Tam quân để nói về quân đội nhà Trần bao gồm tiền quân, trung quân và hậu quân. Còn tì hổ để nói về sức mạnh to lớn như hổ báo của quân đội, biện pháp so sánh đã một lần nữa khẳng định sự dũng mạnh, nhanh nhẹn của quân đội nhà Trần. “Khí thôn ngưu” có thể hiểu theo hai cách, cách thứ nhất tức là khí thế nuốt trôi trâu, nhưng cũng có thể hiểu khí thế át sao Ngưu. Dù hiểu theo cách nào cũng đều thấy được khí thế, sức mạnh vô song của quân đội nhà Trần. Với hai câu thơ đầu, tác giả đã tái hiện sinh động, chân thực vẻ đẹp của con người thời đại nhà Trần với sức mạnh vô song. Qua đó ta còn cảm nhận được hào khí oanh liệt của thời đại mà dân tộc bừng bừng khí thế, quyết tâm đánh giặc cứu nước.

Hai câu thơ cuối giọng điệu không còn hào sảng mà chuyển sang suy tư, đầy tâm trạng:

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.

Trong câu thơ tác giả đã tác đến chí làm trai, một thuật ngữ quen thuộc trong văn học trung đại. Ta có thể bắt gặp trong những câu thơ của Phan Bội Châu: “Làm trai phải lạ ở trên đời” hay Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng làm trai trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” “Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái”. Theo quan niệm xưa, nam nhi được trời đất trao cho tài năng và nhân cách đặc biệt nên việc đem tài năng để thi thố, để lập công, lập danh là món nợ mà nam nhi phải trả. Trong câu thơ của Phạm Ngũ Lão, bản thân ông đã ý thức được vai trò, trọng trách và nghĩa vụ của mình khi tự nhận là một “nam nhi”. Ông phải lập công danh để trả nợ cho đời, để trả món nợ nam nhi. Mặc dù là người tài giỏi, có nhiều đóng góp cho đất nước, nhưng trong câu thơ ta vẫn thấy ông hết sức khiêm nhường “vị liễu công danh trái”, ông tự nhận mình chưa làm được việc gì cho thật xứng đáng là một bậc nam nhi. Qua lời tâm sự đó ta thấy sáng lên vẻ đẹp nhân cách của nhân vật trữ tình: sự khiêm tốn đồng thời cũng là sự nghiêm khắc của nhân vật trữ tình với chính mình. Ngoài ra câu thơ còn thể hiện hoài bão, khát vọng lớn lao của con người, tự nhận thấy mình phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để cống hiến cho đất nước. Bởi vậy, ông cảm thấy xấu hổ trước Vũ Hầu (Gia Cát Lượng) vì chưa tài giỏi bằng, vì công danh sự nghiệp chưa bằng. Nỗi hổ thẹn khi nghĩ đến Vũ Hầu cho thấy nhân vật trữ tình nhận thấy đó là nỗi thẹn của một con người có nhân cách, có khát vọng và lí tưởng cao đẹp.

Tác phẩm sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, hàm súc, cô đọng “ý tại ngôn ngoại”. Các hình ảnh so sánh được chọn lọc kĩ càng, giàu sức gợi, giàu giá trị biểu hiện tư tưởng tình cảm. Bài thơ mang trong mình không khí hào hùng của thời đại và thể hiện niềm tự hào về con người, thời đại nhà Trần.

Bài thơ là những dòng tâm sự, bày tỏ lí tưởng, hoài bão lớn lao, cao cả của một vị tướng nhà Trần tài giỏi mà khiêm nhường. Qua bài thơ, đã giúp ta nhận thấy vẻ đẹp phẩm chất của vị tướng tài Phạm Ngũ Lão và sức mạnh oai hùng, phi thường của quân tướng nhà Trần.

Suy nghĩ về lí tưởng sống của thanh niên ngày nay qua bài Tỏ lòng mẫu 3

Phạm Ngũ Lão là một danh tướng đời Trần. Tuy xuất thân từ tầng lớp bình dân song chí lớn tài cao nên ông nhanh chóng trở thành tùy tướng số một bên cạnh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông sáng tác không nhiều nhưng Thuật hoài là một bài thơ nổi tiếng, được lưu truyền rộng rãi vì nó bày tỏ khát vọng mãnh liệt của tuổi trẻ trong xã hội phong kiến đương thời: làm trai phải trả cho xong món nợ công danh, có nghĩa là phải thực hiện đến cùng lí tưởng trung quân, ái quốc.

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu

Dịch thơ tiếng Việt:

Múa giáo non sông trải mấy thu

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

Bài thơ được sáng tác trong bối cảnh đặc biệt có một không hai của lịch sử nước nhà. Triều đại nhà Trần (1226 – 14001) là một triều đại lẫy lừng với bao nhiêu chiến công vinh quang, mấy lần quét sạch quân xâm lược Mông - Nguyên hung tàn ra khỏi bờ cõi, giữ vững sơn hà xã tắc, nêu cao truyền thống bất khuất của dân tộc Việt.

Phạm Ngũ Lão sinh ra và lớn lên trong thời đại ấy nên ông sớm thấm nhuần lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc và nhất là lí tưởng sống của đạo Nho là trung quân, ái quốc. Ông ý thức rất rõ ràng về trách nhiệm công dân trước vận mệnh của đất nước: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.

Bài thơ Thuật hoài (Tỏ lòng) được làm bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn tứ tuyệt luật Đường, niêm luật chặt chẽ, ý tứ hàm súc, hình tượng kì vĩ, âm điệu hào hùng, sảng khoái. Hai câu thơ đầu khắc họa vẻ đẹp gân guốc, lẫm liệt, tràn đầy sức sống của những trang nam nhi - chiến binh quả cảm đang xả thân vì nước, qua đó thể hiện hào khí Đông A ngút trời của quân đội nhà Trần thời ấy.

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

(Dịch nghĩa: Cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu; dịch thơ: Múa giáo non sông trải mấy thu.)

So với nguyên văn chữ Hán thì câu thơ dịch chưa lột tả được hết chất oai phong, kiêu hùng trong tư thế của người lính đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hoành sóc là cầm ngang ngọn giáo, luôn ở tư thế tấn công dũng mãnh, áp đảo quân thù. Tư thế của những người chính nghĩa lồng lộng in hình trong không gian rộng lớn là giang sơn đất nước trong suốt, một thời gian dài (giang sơn kháp kỉ thu). Có thể nói đây là hình tượng chủ đạo, tượng trưng cho dân tộc Việt quật cường, không một kẻ thù nào khuất phục được. Từ hình tượng ấy, ánh hào quang của chủ nghĩa yêu nước ngời tỏa sáng.

Câu thơ thứ hai: Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu.

(Dịch nghĩa: Khí thế của ba quân mạnh như hổ báo, át cả sao Ngưu trên trời. Dịch thơ: Ba quân hùng khí át sao Ngưu), đặc tả khí thế chiến đấu và chiến thắng không gì ngăn cản nổi của quân dân ta. Tam quân tì hổ là một ẩn dụ so sánh nghệ thuật nêu bật sức mạnh vô địch của quân ta. Khí thôn Ngưu là cách nói thậm xưng để tạo nên một hình tượng thơ kì vĩ mang tầm vũ trụ.

Hai câu tứ tuyệt chỉ mười bốn chữ ngắn gọn, cô đúc nhưng đã tạc vào thời gian một bức tượng đài tuyệt đẹp về người lính quả cảm trong đạo quân Sát Thát nổi tiếng đời Trần.

Là một thành viên của đạo quân anh hùng ấy, Phạm Ngũ Lão từ một chiến binh dày dạn đã trở thành một danh tướng khi tuổi còn rất trẻ. Trong con người ông luôn sôi sục khát vọng công danh của đấng nam nhi thời loạn. Mặt tích cực của khát vọng công danh ấy chính là ý muốn được chiến đấu, cống hiến đời mình cho vua, cho nước. Như bao kẻ sĩ cùng thời, Phạm Ngũ Lão tôn thờ lí tưởng trung quân, ái quốc và quan niệm: Làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông (Chí làm trai - Nguyễn Công Trứ). Bởi thế cho nên khi chưa trả hết nợ công danh thì tự lấy làm hổ thẹn:

“Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu

(Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu).

Vũ Hầu tức Khổng Minh, một quân sư tài ba của Lưu Bị thời Tam Quốc. Nhờ mưu trí cao, Khổng Minh đã lập được công lớn, nhiều phen làm cho đôi phương khốn đốn; vì thế ông rất được Lưu Bị tin yêu.

Lấy gương sáng trong lịch sử cổ kim soi mình vào đó mà so sánh, phấn đấu vươn lên cho bằng người, đó là lòng tự ái, lòng tự trọng đáng quý cần phải có ở một đấng nam nhi. Là một tùy tướng thân cận của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão luôn sát cánh bên cạnh chủ tướng, chấp nhận xông pha nơi làn tên mũi đạn, làm gương cho ba quân tướng sĩ, dồn hết tài năng, tâm huyết để tìm ra cách đánh thần kì nhất nhằm quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Suy nghĩ của Phạm Ngũ Lão rất cụ thể và thiết thực; một ngày còn bóng quân thù là nợ công danh của tuổi trẻ với giang sơn xã tắc vẫn còn vương, chưa trả hết. Mà như vậy là phận sự với vua, với nước chưa tròn, khát vọng công danh chưa thỏa. Cách nghĩ, cách sống của Phạm Ngũ Lão rất tích cực, tiến bộ. Ông muốn sống xứng đáng với thời đại anh hùng.

Hai câu thơ sau âm hưởng khác hẳn hai câu thơ trước. Cảm xúc hào sảng ban đầu dần chuyển sang trữ tình, sâu lắng, như lời mình nói với mình cho nên âm hưởng trở nên thâm trầm, da diết.

Phạm Ngũ Lão là một võ tướng tài ba nhưng lại có một trái tim nhạy cảm của một thi nhân. Thuật hoài là bài thơ trữ tình bày tỏ được hùng tâm tráng trí và hoài bão lớn lao của tuổi trẻ đương thời. Bài thơ có tác dụng giáo dục rất sâu sắc về nhân sinh quan và lối sống tích cực đối với thanh niên mọi thời đại. Thuật hoài đã làm vinh danh vị tướng trẻ văn võ song toàn Phạm Ngũ Lão.

-------------------------

Cảm nhận của anh chị về bài thơ Tỏ lòng từ đó liên hệ lí tưởng sống của thanh niên ngày nay vừa được VnDoc.com gửi tới bạn đọc. Bài viết gồm có dàn ý và bài văn mẫu. Bài viết cho thấy được thế hệ trẻ được coi là cốt lõi, là vận mệnh của đất nước và nhân loại. Trong mọi hoàn cảnh hay tầng lớp, giới trẻ luôn là yếu tố sáng tạo, đưa nhân loại tới những bước ngoặt mang tầm cỡ lịch sử. Chính vì vậy mà Phạm Ngũ Lão đã bày tỏ sự băn khoăn, day dứt về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với dân tộc qua tác phẩm Tỏ lòng và đến gần một thiên niên kỉ sau, lý tưởng sống của thời đại thanh niên vẫn đang quyết định vị trí và sự sống còn của đất nước. Thuật Hoài được sáng tác với nguồn cảm hứng khát khao mạnh mẽ được cống hiến, được góp chút công sức nhỏ nhoi vào công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước. Liệu trong điều kiện sống đầy đủ nhưng không kém phần thách thức, đòi hỏi con người phải không ngừng biến đổi và phấn đấu, thì liệu quan niệm cống hiến hết mình cho xã hội có còn lành mạnh và thức thời hay không. Những thành tựu mà người trẻ Việt đã và đang đạt được ngày nay không chỉ có ý nghĩa cho cá nhân, cho gia đình mà còn là tấm huy chương cho cả một tập thể.  Lý tưởng sống của thanh niên cho dù trong bất kì thời đại nào, là một công dân, của đất nước, vẻ vang cá nhân chính là vẻ vang dân tộc. Tinh thần cống hiến và khát khao được khẳng định mình đã, đang và sẽ mãi là động lực thúc đẩy công dân sống có trách nhiệm với bản thân và đất nước. Mong rằng qua đây các bạn có thêm tài liệu học tập nhé.

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Cảm nhận của anh chị về bài thơ Tỏ lòng từ đó liên hệ lí tưởng sống của thanh niên ngày nay. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cần có trong bài học rồi đúng không ạ? Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10 nhé. Và để giúp bạn đọc có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh cùng tham khảo thêm một số tài liệu học tập tại các mục sau: Địa lý lớp 10, Trắc nghiệm Tiếng Anh 10, Chuyên đề Toán 10, Giải bài tập Vật lý 10 nâng cao mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
7
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 10

    Xem thêm