Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn trường Nguyễn Viết Xuân lần 3 có đáp án

Đề thi thử tốt nghiệp THPT Quốc gia 2021 môn Văn

VnDoc giới thiệu Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn trường Nguyễn Viết Xuân lần 3 có đầy đủ đáp án. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các em học sinh ôn luyện và thử sức, chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới đạt kết quả cao.

Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn trường Nguyễn Viết Xuân lần 3 bao gồm 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Thí sinh làm đề trong thời gian 120 phút. Mời các bạn cùng tham khảo tại đây.

I. ĐỌC - HIỂU: (3,0 điểm)

Bạn không nên để thất bại ngăn mình tiến về phía trước. Hãy suy nghĩ tích cực về thất bại và rút ra kinh nghiệm. Thực tế những người thành công luôn dùng thất bại như là một công cụ để học hỏi và hoàn thiện bản thân. Họ có thể nghi ngờ phương pháp làm việc đã dẫn họ đến thất bại nhưng không bao giờ nghi ngờ khả năng của chính mình.

Tôi xin chia sẻ với các bạn câu chuyện về những người đã tìm cách rút kinh nghiệm từ thất bại của mình để đạt được những thành quả to lớn trong cuộc đời.

Thomas Edison đã thất bại gần 10.000 lần trước khi phát minh thành công bóng đèn điện, J.K.Rowling, tác giả của “Harry Poter”, đã bị hơn 10 nhà xuất bản từ chối bản thảo tập 1 của bộ sách. Giờ đây, bộ tiểu thuyết này của bà trở nên vô cùng nối tiếng và đã được chuyển thể thành loạt phim rất ăn khách. Ngôi sao điện ảnh Thành Long đã không thành công trong lần đóng phim đầu tiên ở Hollywood. Thực tế bộ phim Hollywood đầu tay của anh, thất vọng lắm chứ, nhưng điều đó cũng đâu ngăn được anh vùng lên với những phim cực kì ăn khách sau đó như “Giờ cao điểm” hay “Hiệp sĩ Thượng Hải”.

Thất bại không phải cái cớ để ta chần chừ. Ngược lại nó phải là động lực tiếp thêm sức mạnh để ta vươn tới thành công.

(Trích Tại sao lại chần chừ?, Tác giả Teo Aik Cher, Người dịch: Cao Xuân Việt Khương, An Bình, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr 39, 40)

Câu 1: (0,5 điểm) Chỉ ra mặt tích cực của thất bại mà “người thành công luôn dùng” được nêu trong đoạn trích.

Câu 2: (0,5 điểm) Việc tác giả trích dẫn các câu chuyện của Thomas Edison, J.K.Rowling, Ngôi sao điện ảnh Thành Long có tác dụng gì?

Câu 3: (1,0 điểm) Theo anh/chị, “suy nghĩ tích cực về thất bại” được hiểu là gì?

Câu 4: (1,0 điểm) Anh/Chị có cho rằng trong cuộc sống thất bại “là động lực tiếp thêm sức mạnh để ta vươn tới thành công.” không? Vì sao ?

II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc- hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) về bản thân cần chấp nhận sự thất bại như thế nào để thành công trong cuộc sống ?

Câu 2: (5,0 điểm)

Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài hai lần miêu tả nhân vật Mị ở nhà thống lí Pá Tra:

Lần thứ nhất “… Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa… Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.

Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi…”.

Lần thứ hai “… Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng… Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi…

Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng, bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách…”.

(Vợ chồng A Phủ- Tô Hoài; Ngữ văn 12, tập 2, Nhà xuất bản Giáo dục, 2015).

Phân tích nhân vật Mị trong hai lần miêu tả trên, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.

Đáp án đề thi đề thi thử Văn 2021 trường Nguyễn Viết Xuân (lần 3)

I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1. Mặt tích cực của thất bại mà “người thành công luôn dùng” được nêu trong đoạn trích:

- Những người thành công luôn dùng thất bại như là một công cụ để học hỏi và hoàn thiện bản thân.

- Họ có thể nghi ngờ phương pháp làm việc đã dẫn họ đến thất bại nhưng không bao giờ nghi ngờ khả năng của chính mình.

Câu 2. Việc tác giả trích dẫn các câu chuyện của Thomas Edison, J.K.Rowling, Ngôi sao điện ảnh Thành Long có tác dụng:

- Tăng sức thuyết phục đối với người đọc.

- Khẳng định ai thành công cũng phải trải qua thất bại. Nhưng khi thất bại họ không gục ngã, bi quan mà luôn kiên trì cố gắng và họ đã thành công.

Câu 3. Suy nghĩ tích cực về thất bại” có thể hiểu là: Khi thất bại không nản lòng, từ trong thất bại rút ra bài học, kinh nghiệm cho bản thân. Coi thất bại như là một công cụ để học hỏi và hoàn thiện bản thân; là động lực tiếp thêm sức mạnh để vươn tới thành công.

Câu 4. HS có thể đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến, miễn là lí giải hợp lí thuyết phục.

(Đồng tình/ không đồng tình: 0,25 điểm. Lí giải ý kiến hợp lí: 0,75 điểm)

II. LÀM VĂN

Câu 1. Từ nội dung đoạn trích phần Đọc-hiểu, viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) về bản thân cần chấp nhận sự thất bại như thế nào để thành công trong cuộc sống.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. Viết sai hình thức đoạn văn trừ 0,25 điểm.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Con người cần chấp nhận thất bại như thế nào để thành công trong cuộc sống.

c. Triển khai vấn đề nghị luận:

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ: Con người cần chấp nhận thất bại như thế nào để thành công trong cuộc sống . Có thể theo hướng sau:

* Giải thích

- Thất bại: là hỏng việc, là không đạt được kết quả, mục đích như dự định; Thành công: là đạt được kế hoạch mục tiêu mình đã đề ra ban đầu.

- Trong hành trình để đi đến thành công không tránh khỏi những vấp ngã, thất bại. Nhưng quan trọng nhất ta phải suy nghĩ tích cực về thất bại thì mới có thể thành công.

*Bàn luận :

Thái độ của chúng ta trước thất bại:

- Chúng ta cần có suy nghĩ tích cực về thất bại. Coi thất bại như là một công cụ để học hỏi và hoàn thiện bản thân.

- Cần bình tĩnh để tìm hiểu nguyên nhân của sự thất bại. Rút ra bài học từ những thất bại đã qua để tiếp tục thực hiện công việc và ước mơ của mình.

- Dám đối mặt chấp nhận thất bại, không né tránh sự thật, cũng không đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh.

- Biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, không chán nản và lùi bước trước thất bại.

- Phê phán những con người sống thụ động, tiêu cực, dễ đầu hàng số phận, khi thất bại thì gục ngã hay luôn đổ thừa cho hoàn cảnh.

*Bài học nhận thức và hành động

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2. Phân tích nhân vật Mị trong hai lần miêu tả, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.

a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận: có đầy đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài giới thiệu được tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận; Thân bài triển khai được các luận điểm thể hiện cảm nhận về hai đoạn văn; Kết bài khái quát được toàn bộ nội dung nghị luận.

b.Xác định đúng vấn đề nghị luận

Phân tích nhân vật Mị trong hai lần miêu tả, từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này.

c. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp:

* Khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận.

*Giới thiệu khái quát về nhân vật Mị…

* Phân tích nhân vật Mị qua hai lần miêu tả:

Lần thứ nhất:

- Đoạn văn miêu tả cuộc sống của Mị sau khi bị bắt về làm dâu nhà thống lí Pá Tra . Cuộc sống của Mị bị đày đọa về cả thể xác và tinh thần.

- Cuộc sống của Mị ở nhà thống lí Pá Tra là sống kiếp ngựa trâu, thậm chí còn thua cả ngựa trâu.

- Mị đã bị bóc lột sức lao động đến cùng cực, chịu khổ nhục triền miên. Mị bị biến thành công cụ lao động, nô lệ không công cho nhà Pá Tra.

- Mị bị giam hãm trong không gian chật hẹp và tù đọng. Căn buồng Mị ở lúc nào cũng âm u, cửa sổ là một lỗ vuông bằng bàn tay. Mị sống lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.

- Mị bị chai sạn về cảm xúc tinh thần. Mị sống buông xuôi chấp nhận số phận.

Lần thứ hai:

- Đoạn văn làm nổi bật tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài, sức sống tiềm tàng của Mị đã trỗi dậy.

- Không khí đón tết rộn ràng ở Hồng Ngài và tiếng sáo gọi bạn tình đã đánh thức Mị, khiến cô hồi sinh.

- Mị uống rượu say “Mị uống ực từng bát”.

- Mị ý thức được sự tồn tại của bản thân “thấy phơi phới trở lại”. Mị nghe thấy tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Mị thấy “Mị còn trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”, với khát khao tự do.

- Tinh thần phản kháng mạnh mẽ: Mị lấy miếng mỡ để thắp sáng lên căn phòng tối, nổi loạn muốn đi chơi chấm dứt sự tù đày.

- Mị quấn tóc, lấy váy chuẩn bị đi chơi trước sự chứng kiến của A Sử, nhưng Mị không buồn quan tâm để ý đến hắn.

- Mị luôn tiềm tàng sức sống mãnh liệt, sức sống ấy luôn âm ỉ trong lòng người con gái Tây Bắc và chỉ chờ có cơ hội để bùng lên mạnh mẽ.

*Nghệ thuật:

- Nghệ thuật trần thuật kết hợp miêu tả hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, giọng văn trầm lắng.

- Nghệ thuật xây dựng khắc họa hình tượng nhân vật độc đáo.

- Ngôn ngữ và lời văn giàu tính tạo hình.

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí và tính cách nhân vật đặc sắc.

- Chất thơ, chất trữ tình thấm đựơm.

* Nhận xét về sự thay đổi của nhân vật Mị qua hai lần miêu tả:

- Lần thứ nhất: Mị hiện lên là con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra. Mị cam chịu, chấp nhận kiếp sống ngựa trâu ở đó. Mị là nạn nhân tiêu biểu của ách áp bức cường quyền và thần quyền ở miền núi phía Bắc. Mị bị tê liệt ý thức sống.

- Lần thứ hai: Mị đã thay đổi, ý thức sống, khát vọng sống trỗi dậy mạnh mẽ, đó là hệ quả tất yếu, có áp bức có đấu tranh.

+ Hành động “nổi loạn” của Mị cho thấy khát vọng sống trong Mị vẫn luôn âm ỉ, khi có cơ hội nó lại trỗi dậy mãnh liệt bất chấp ách áp bức bóc lột.

+ Qua việc miêu tả những hành động, cử chỉ cũng như những diễn biến tâm lí hết sức tinh tế đã cho thấy ngòi bút phân tích tâm lí nhân vật bậc thầy của nhà văn tô Hoài. Đồng thời cũng thể hiện niềm tin, tấm lòng nhân đạo của tác giả vào sức sống của người phụ nữ nông thôn miền núi.

*Đánh giá chung

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

e. Sáng tạo:

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

.............................

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn trường Nguyễn Viết Xuân lần 3. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12... được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi THPT Quốc gia môn Văn

    Xem thêm