Phân tích các biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa
Chúng tôi xin giới thiệu bài Phân tích các biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy môn Địa lý lớp 7. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Phân tích các biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa
Câu hỏi: Phân tích các biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa.
Trả lời:
- Biểu đồ A:
+ Lượng mưa trung bình năm: 1244mm, mùa mưa từ tháng 11-3.
+ Nhiệt độ: biên độ nhiệt năm trên 10oC. Có 2 cực đại vào tháng 3 và tháng 11 khoảng 27-28oC, 1 cực tiểu vào tháng 7 nhiệt độ khoảng 15oC.
+ Thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới Nam bán cầu. Khí hậu phân làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô.
- Biểu đồ B:
+ Lượng mưa trung bình năm: 897mm, mùa mưa từ tháng 6-9.
+ Nhiệt độ: biên độ nhiệt năm trên 15oC. Cực đại vào tháng 4-5 đạt 35oC, cực tiểu vào tháng 1 nhiệt độ khoảng 20oC.
+ Thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới Bắc bán cầu. Khí hậu phân làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô
- Biểu đồ C:
+ Lượng mưa trung bình năm: 2592mm, mùa mưa từ tháng 9-5.
+ Nhiệt độ: biên độ nhiệt năm dưới 10oC. Cực đại vào tháng 4 đạt 29oC, cực tiểu vào tháng 7 nhiệt độ khoảng 20oC. Nhiệt độ nóng quanh năm
+ Thuộc kiểu khí hậu Xích đạo, nóng, mưa nhiều quanh năm.
- Biểu đồ D:
+ Lượng mưa trung bình năm: 506mm, mùa mưa từ tháng 4-8.
+ Nhiệt độ: biên độ nhiệt năm trên 10oC. Cực đại vào tháng 2 đạt 25oC, cực tiểu vào tháng 7 nhiệt độ khoảng 11oC.
+ Thuộc kiểu khí hậu Địa Trung Hải Nam bán cầu. Mùa hè khô nóng, mưa vào thu đông.
Biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa là hình vẽ mô tả diễn biến của các yếu tố khí hậu: nhiệt độ và lượng mưa trung bình các tháng trong năm của một địa phương.
1. Phương pháp đọc và phân tích biểu đồ nhiệt độ, lượng mưa
* Cần đọc lần lượt đường cong và các cột lượng mưa trong năm để biết thông tin khí hậu của nơi đó.
- Đọc đường nhiệt độ gồm:
+ Nhiệt độ tháng nóng nhất và tháng lạnh nhất.
+ Chênh lệch nhiệt độ (biên độ nhiệt)? Nhiệt độ trung bình năm?
* Qua đó biết được đặc điểm chế độ nhiệt thuộc kiểu khí hậu nào?
- Đọc cột lượng mưa gồm:
+ Những tháng mưa nhiều? Những tháng mưa ít?
+ Sự phân bố mưa như thế nào? Mưa tập trung hay mưa đều quanh năm?
+ Tổng lượng mưa cả năm?
* Qua đó biết được đặc điểm lượng mưa thuộc kiểu khí hậu nào?
2. Kỹ năng phân tích
- Để xác định được tháng nóng nhất, cần hướng dẫn học sinh làm theo cách sau: Học sinh xác định đỉnh cao nhất của đường biểu diễn màu đỏ, đó là thời điểm nhiệt độ cao nhất. Các em cần đặt thước kẻ của mình trùng với điểm nhô lên cao nhất đó nằm ngang song song với trục hoành cắt trục tung bên phải tại một điểm. Đọc trị số nhiệt độ tại điểm đó sẽ xác định được nhiệt độ tháng cao nhất. Sau đó học sinh quay thước kẻ hạ vuông góc từ điểm đó xuống trục hoành. Đọc số chỉ tháng ở trục hoành để xác định tháng nóng nhất.
- Để xác định nhiệt độ tháng thấp nhất, học sinh cần tìm được điểm thấp nhất trên đường biểu diễn màu đỏ. Sau khi xác định được điểm đó, đặt thước kẻ ngang với điểm đó song song với trục hoành, cắt trục tung bên phải tại một điểm. Đọc trị số nhiệt độ ở điểm đó sẽ xác định được nhiệt độ tháng thấp nhất.
- Biên độ nhiệt năm được tính bằng hiệu của tháng nóng nhất với tháng lạnh nhất.
- Để xác định lượng mưa tháng cao nhất và tháng thấp nhất, học sinh cần tìm cột màu xanh cao nhất và cột thấp nhất. Đối với lượng mưa, dưới chân cột đã được đánh số tháng nên học sinh có thể đọc được ngay. Đặt thước lên đầu cột cao nhất hoặc thấp nhất đó, nằm ngang song song với trục hoành, cắt trục tung bên trái tại một điểm. Đọc trị số tại trục tung bên trái sẽ xác định được tháng mưa nhiều nhất hay ít nhất đó là bao nhiêu.
3. Cấu trúc của biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa
- Biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa thể hiện tình hình khí hậu của một địa phương qua hai yếu tố: Nhiệt độ và lượng mưa trung bình của các tháng trong năm. Biểu đồ gồm có hai trục tung hai bên và một trục hoành. Trục tung bên phải có các vạch chia đều về nhiệt độ, tính bằng độ C (oC); trục tung bên trái có các vạch chia đều về lượng mưa, tính bằng milimet (mm). Trục hoành chia làm 12 phần, mỗi phần là một tháng và lần lượt ghi đều từ trái sang phải, từ tháng 1 đến tháng 12 bằng số hoặc chữ.
- Đường biểu diễn biến thiên nhiệt độ hàng năm được vẽ bằng đường cong màu đỏ nối liền các tháng trong năm. Sự biến thiên lượng mưa hàng tháng được thể hiện thông thường bằng hình cột màu xanh (hoặc đường cong màu xanh nối lượng mưa trung bình các tháng trong năm).
- Định lượng chỉ số nhiệt độ, lượng mưa và tham chiếu với môi trường khí hậu
- Qua chỉ số nhiệt độ và lượng mưa trung bình hàng tháng, ta biết được diễn biến khí hậu của địa phương đó như thế nào dựa vào chi tiết sau:
* Về nhiệt độ:
+ Trên 20oC là tháng nóng.
+ Từ 10oC đến 20oC là tháng mát (tương ứng với tháng ấm áp xứ lạnh).
+ Từ 5oC đến 10oC là tháng lạnh (tương ứng với tháng mát mẻ ở xứ lạnh).
+ Từ - 5oC đến 5oC là rét đậm.
+ Dưới -5oC là quá rét.
- Nếu mùa nóng vào các tháng từ tháng 3 đến tháng 9 thì đó là một địa điểm ở Bắc bán cầu (Mùa nóng từ 21/3 đến 23/9). Nếu mùa nóng vào các tháng từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau thì đó là địa điểm ở Nam bán cầu (mùa nóng từ 23/9 năm trước đến 21 tháng 3 năm sau). Nếu địa điểm đó nóng quanh năm, biên độ nhiệt nhỏ thì đó là một địa điểm ở vùng xích đạo.
- Nếu trường hợp trong một năm đường biểu diễn nhiệt độ nhô cao hai đỉnh (một năm có hai lần mặt trời lên thiên đỉnh) thì địa điểm đó thuộc khu vực nội chí tuyến.
* Về lượng mưa:
+ Trên 100mm là tháng mưa (Trung bình năm từ 1200 – 2500mm).
+ Từ 50mm - 100mm là tháng khô (Trung bình năm từ 600 – 1200mm).
+ Từ 25mm - 50mm là tháng hạn (Trung bình năm từ 300mm – 600mm).
+ Dưới 25 mm là tháng kiệt (Chỉ có ở hoang mạc và bán hoang mạc – Trung bình năm dưới 300mm).
* Tham chiếu các chỉ số nhiệt độ và lượng mưa để nhận biết đặc điểm khí hậu của một địa phương thuộc kiểu khí hậu nào
+ Nóng ẩm, mưa nhiều quanh năm: Môi trường xích đạo ẩm .
+ Mưa tập trung một mùa, nhiệt độ lớn hơn 20oC, thời kỳ khô hạn kéo dài: Môi trường nhiệt đới
+ Mùa đông ấm, hè mát, mưa quanh năm và mưa nhiều vào thu đông: Môi trường ôn đới hải dương.
+ Mùa đông rét, hè mát, mưa nhiều vào hè: Ôn đới lục địa.
+ Mưa ít, nhiệt độ cao quanh năm, đông lạnh: Môi trường hoang mạc.
+ Mùa hạ nóng và khô. Mùa đông không lạnh lắm. Mưa nhiều vào thu đông: Khí hậu Địa Trung Hải.
--------------------------------------------
Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Phân tích các biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Giải tập bản đồ Địa lí 7, Giải bài tập Địa Lí 7 ngắn nhất, Giải Vở BT Địa Lí 7, Tài liệu học tập lớp 7, Đề thi học kì 2 lớp 7, Đề thi học kì 1 lớp 7,... được cập nhật liên tục trên VnDoc để học tốt môn Địa hơn.