Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học

Trường THPT giống như ngôi nhà thứ hai của chúng, nơi lưu giữ biết bao kỉ niệm vui buồn của các thế hệ học sinh. Ngày hôm nay VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Em hãy thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học để bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết gồm 8 bài văn thuyết minh mẫu sẽ giúp các bạn học sinh có thêm nhiều ý tưởng cho bài văn của mình. Chúc các bạn học tốt, mời các bạn tham khảo chi tiết và tải về bài viết dưới đây nhé.

Để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy và học tập các môn học lớp 10, VnDoc mời các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh truy cập nhóm riêng dành cho lớp 10 sau: Nhóm Tài liệu học tập lớp 10. Rất mong nhận được sự ủng hộ của các thầy cô và các bạn.

Dàn ý thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học

1. Mở Bài

Ngôi trường em đang theo học là trường THPT Nguyễn Lương Bằng, ngôi trường như ngôi nhà thứ hai của em vậy, thật thân thương và đẹp đẽ.

2. Thân Bài

- Trường em được thành lập vào năm 2013, tại đường Nguyễn Lương Bằng, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

- Trường có diện tích khá lớn, bố trí hợp lí các khu học tập, khu vui chơi, khu thể dục thể thao, khu vệ sinh, nhà để xe và hệ thống thoát nước

- Sân trường rộng với nhiều loại cây xanh tỏa bóng mát, nhiều loại hoa rực rỡ mang lại không gian xanh.

- Trường có hơn 1400 giáo viên và học sinh. Theo thời gian số lượng cán bộ giáo viên và học sinh ngày càng tăng.

- Thầy cô cán bộ giáo viên trong nhà trường đều tâm huyết với nghề.

- Học sinh trường THPT Nguyễn Lương Bằng có truyền thống hiếu học.

- Trường đạt nhiều thành tích nổi bật.

3. Kết Bài

Ngôi trường yêu dấu đã cùng em lớn lên và trưởng thành, sau này, dẫu có đi xa, em vẫn luôn mãi nhớ về mái trường cùng thầy cô bè bạn, nơi lưu giữ những kí ức tuyệt vời với những năm tháng chẳng thể nào quên của tuổi học trò.

Tham khảo chi tiết: Lập dàn ý chi tiết về thuyết minh giới thiệu ngôi trường THPT

Thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học - Bài tham khảo 1

Dù bạn là ai, dù bạn ở nơi đâu, hay dù bạn đã đi xa nhưng kỉ niệm về một thời học sinh dưới mái trường thân yêu - ngôi nhà thứ hai sẽ không phai nhạt trong kí ức của mỗi đứa học trò. Thật may mắn cho tôi đã được gắn bó với ngôi trường mang tên Trường trung học cơ sở thị trấn Plei kần. Một thời cắp sách đến trường - đó là thời đẹp nhất, ngây thơ, trong sáng nhất với những kỉ niệm về thầy cô và bạn bè. Được thành lập từ năm 2000. Trải qua chín năm hoạt động dạy học và học tập cố gắng của hơn tám trăm học sinh và gần một trăm thầy cô giáo trường tôi đã xuất sắc là ngôi trường đứng đầu huyện. Nằm trên con đường hai bà trưng. Từ xa xa trên con đường đi học, có thể nhìn thấy trường tôi với tường vàng, mái ngói đỏ son. Trường tôi nằm ở một khuôn viên rộng, thoáng đãng. Từ ngoài bước vào là cánh cổng kéo dài chào đón chúc tôi mỗi ngày, mở ra cho chúng tôi một thế giới kì diệu. Ngày ngày bên cánh cổng thân yêu đó là hình dáng của bác bảo vệ hiền lành, cởi mở đã gắn bó với trường tôi từ khi thành lập đến nay. Hoạt động thường ngày ở cổng trường trong giờ hành chính là của các bạn đội cờ đỏ. Theo vào, hiện ra trước mắt là ba dãy phòng, mỗi dãy hai lầu. Dãy A là nơi làm việc của ban giám hiệu nhà trường, của các thầy cô ở từng tổ chuyên môn, phòng truyền thống đội. Trường tôi có hai mươi chín lớp. Dãy B khu học chính của hai mươi tư lớp. Thêm bên dãy C là ba phòng học của năm lớp còn lại, được sắp xếp học chéo buổi sáng chiều. Kéo dài ở dãy B là phòng hội trường ở lầu trên-nơi diễn ra các buổi họp cũng như chuyên đề của nhà trường. Lầu dưới là phòng thực hành với đầy đủ các thiết bị thực hành của các tổ chuyên môn: Hoá-sinh, lý-công nghệ mới được đưa vào hoạt động. Kéo dài ở dãy C là khu vực đang được xây dựng chuẩn bị được đưa vào hoạt động để làm phòng học cho các lớp bồi dưỡng và phụ đạo. Mỗi phòng học của từng lớp được xây dựng rộng rãi với đầy đủ các thiết bị quạt và điện sáng. Thư viện, phòng đa chức năng và phòng thực hành tin học được sắp xếp cùng ở dãy C. Nơi để xe của các thầy cô giáo được xếp ở góc trái của ngôi trường, khu để xe của học sinh được sếp dài theo từng lớp ở sau dãy B phòng học. Nơi tiếng cười của mỗi đứa học trò chúng tôi vang lên là ở sân trường, nơi chúng tôi được thả mình vào niềm vui của học trò. Có thể là khu vực trung tâm của ngôi trường nên được xây dựng khá rộng láng xi măng. Cột cờ của trường tôi được đặt ở chính giữa trước dãy A-nơi mà mỗi sáng thứ hai chào cờ thầy trò chúng tôi cùng đánh giá nhận xét kết quả hoạt động trong tuần cũng như triển khai kế hoạch tuần tới. Khuôn viên trường trở nên trong lành hơn trong những ngày nắng hè, tươi mát hơn trong những ngày trời thu là nhờ cây xanh. Cây tùng cứng cáp, dẻo dai qua ngày tháng. Cây phượng như là minh chứng cho chúng tôi về những kỉ niệm trong sáng, thân thương của bao bạn bè. Và nhiều loại cây khác nhau được trồng trong khu vực của sân trường nữa. Sau dãy B là nơi mỗi buổi chiều học tập xong, các bạn thi nhau thể hiện mình ở các cuộc chơi thể thao như bóng đá, bóng chuyền và cả cầu lông. Tiếng reo hò cỗ vũ làm tan cái mệt mỏi của bao học trò sau một ngày học căng thẳng. Với quy mô nhà trường khang trang và rộng lớn, thầy cô giáo nhiệt tình với công việc, thân thiện với học sinh. Dìu dắt mỗi học sinh nên người với cả tâm huyết trường tôi đã đạt được rất nhiều thành tích được huyện và tỉnh công nhận. Trường trung học cơ sở thị trấn Plei kần là trường xuất sắc dẫn đầu huyện đang cố gắng, nỗ lực chuẩn bị cho việc nhận bằng đạt trường chuẩn quốc gia sau nhiều năm phấn đấu. Ai nấy đều rất phấn khởi và tự hào về chính ngôi trường mà mình đang lớn lên. Trường tôi là thế đó: rất khiêm nhường, thân thiện, thầy cô và bạn bè hòa đồng với nhau và cùng nhau cố gắng phấn đấu không ngừng. Tôi yêu quý ngôi trường này biết bao. Tất cả những kỉ niệm dưới ngôi nhà thứ hai này sẽ mãi theo tôi trên suốt cuộc đời

Thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học

Thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học - Bài tham khảo 2

Một năm về trước, khi còn là một học sinh cấp hai khăn đỏ, áo trắng cắp sách đến trường, tôi từng đọc được ở đâu đó một câu nói rất ấn tượng: “Cấp ba là khoảng thời gian khó quên nhất, là bài văn viết mãi không xong, là đề toán khó đến phát khóc, là cậu bạn dễ thương lớp bên cạnh và đương nhiên đó cũng là quãng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người, vì những gì chúng ta có đều thuần khiết, trong lành và xuất phát từ trái tim”. Câu nói ấy đã khắc sâu và trong tâm trí tôi, mở ra trong tôi sự tò mò về ngôi trường cấp ba nằm sát bên cạnh. Và nay, tôi đã được đứng ở ngôi trường ấy, tự hào mà nói rằng: “Tôi là học sinh của trường THPT Krông Ana”. THPT Krông Ana là ngôi nhà thứ hai, là nơi chắp cánh cho ước mơ của tôi bay cao bay xa.

Trường THPT Krông Ana tọa lạc ở số 61 Chu Văn An, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Trường được thành lập từ tháng 8 năm 1984 theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk với tên gọi là trường PTTH Krông Ana. Đến năm 1991 trường sát nhập với trường THCS N’Trang Gưh thành trường cấp 2,3 Krông Ana và đến năm 1999 trường lại tách cấp 2, rồi trở thành trường THPT Krông Ana cho đến nay.

Trường có tổng diện tích là 20 000 mét vuông, gồm 33 phòng học, sân thể dục và các phòng chức năng khác như: Phòng máy tính, phòng máy chiếu, phòng thư viện,… Đã 30 năm trôi qua, trường vẫn luôn là nơi mơ ước của bao thế hệ học trò, là nơi vun đắp ước mơ cho những tâm hồn bé bỏng đang ngày càng trưởng thành, ngày càng hoàn thiện. Tôi vẫn nhớ như in những cảm xúc bâng khuâng, khó tả khi bước vào trường. Trường tôi khá khang trang và thoáng đãng. Ngay khi bước vào trường, đập vào mắt chính là dãy nhà màu vàng tươi đẹp mắt, là những hàng cây xanh thẳng tắp trải dài về hai bên. Tất cả đều được thu vào tầm mắt làm tôi cứ ngỡ như mình đang lạc vào một xứ mộng mơ nào đó. Nhưng sự lo lắng, sợ hãi vì phải tiếp xúc mới một môi trường mới lạ lại lấn át đi niềm hạnh phúc của tôi. Và sự lo lắng ấy cuối cùng cũng tiêu biến khi tôi biết đến thành tích vẻ vang mà nhà trường đã cố gắng hết sức mình để đạt được.

Qua 30 năm hình thành và phát triển, trường THPT Krông Ana đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước, huyện nhà giao phó. Nhiều học sinh từ mái trường này đã thành công khi vào học ở các trường đại học, cao đẳng cũng như khi vào đời. Một số học sinh đã thành đạt với học vị thạc sĩ, tiến sĩ, một số thì trở về công tác tại các cơ quan đảng, chính quyền của huyện nhà. Đáng mừng và tự hào hơn nữa khi nhiều giáo viên của nhà trường hiện nay là học sinh cũ của trường, trong số đó có nhiều người đang giữ những vị trí chủ chốt trong chuyên môn, được học sinh và phụ huynh tin tưởng, quý mến. Trong nhiều năm trở lại đây, thành tích của trường ngày càng được khẳng định. Tỷ lệ tốt nghiệp ổn định trong khoảng 85%-90%. Tỷ lệ đậu đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Dấu mốc rực rỡ nhất chắc hẳn là vào năm 2011 trường lần đầu tiên có học sinh giỏi Quốc gia là chị Hoàng Thị Linh Tuyền, khóa 2009-2012 đạt giải khuyến khích Quốc gia môn Ngữ văn. Cũng trong năm này tháng 12/2011 trường được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ký Quyết định công nhận là trường THPT đạt chuẩn Quốc gia (là trường thứ 4 khối THPT của tỉnh được công nhận đạt chuẩn Quốc gia). Năm học 2011 – 2012 trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Nhiều năm liền trường được UBND tỉnh công nhận là tập thể lao động xuất sắc. Năm học 2012-2013 nhà trường có 25 học sinh đạt giải cấp tỉnh. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT là 98,34%. Thứ hạng thi Đại học năm 2013 của trường xếp hạng 6 trên toàn tỉnh Đắk Lắk, xếp hạng 587 trên toàn quốc. Đặc biệt trong năm học 2016-2017 vừa qua, là năm áp dụng chương trình thi mới của bộ giáo dục và đào tạo cho kỳ thi xét tốt nghiệp, đại học và cao đẳng, trường đã có 15 học sinh được được điểm số thi trên 27 mà nổi bật nhất là: Nguyễn Tiến Dũng với 28.55 điểm, Trần Thị Lan với 28,25 điểm,… Bằng số điểm hết sức tuyệt vời, những cựu học sinh của trường đã trúng tuyển vào rất nhiều trường có tiếng trên khắp đất nước như: Đại học Bách khoa Hồ Chí Minh, Đại học Y dược Huế, Đại học Kinh tế Quốc dân thành phố Hồ Chí Minh, trường Sĩ quan Chính trị Quân sự- Đại học chính trị,… Và khi nhắc lại về những thành tích ấy, ta không thể không nói tới những thầy cô giáo đã cống hiến nỗ lực hết mình cho sự phát triển của THPT Krông Ana, cho tương lai rạng ngời của biết bao thế hệ học trò.

“Muốn qua sông phải lụy đò

Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa”

Ở một môi trường mới, lại lẫm, thầy cô chính là điểm tựa vững chắc cho học trò, là những nhà giáo yêu nghề cháy bỏng mải miết đưa bao nhiêu thế hệ học trò cập bến tương lai. Không chỉ thầy cô, mà bạn bè cũng là những người dìu dắt mỗi chúng ta qua chặng đường đầy thử thách này. Và thật may mắn làm sao khi tôi được trở thành một thành viên trong tập thể lớp 10A3, được mang trên mình chiếc áo đồng phục xinh xắn với logo riêng của trường. Tôi phải cảm ơn, cảm ơn thật nhiều tới ngôi nhà chung THPT Krông Ana và những người thầy, người cô hết lòng vì học sinh của mình bằng tình cảm trọn vẹn nhất.

Trường THPT Krông Ana đã trở thành niềm tự hào lớn trong tôi và các bạn học sinh khác. Bởi vậy, tôi biết rằng, dẫu thời gian có trôi qua, dẫu cảnh sắc nơi đây có đổi thay, thì tôi vẫn sẽ mãi yêu nơi này, yêu mùi hoa sương nồng nàn mang hương vị của thủ đô, yêu từng hàng cây tán lá, yêu từng phòng học đã nhuộm màu năm tháng, yêu cả mái trường nơi tôi được chào đón, che chở, ôm ấp, vỗ về – THPT Krông Ana dấu yêu!

Thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học - Bài tham khảo 3

Trong cuộc đời học sinh, ai cũng có những niềm riêng để tự hào. Những ngôi trường nằm trong kí ức luôn là những cái tên không thể quên trong cuộc đời. Với tôi cái tên "Trường trung học phổ thông Thuận Thành số 1" là một cái tên để tự hào như thế.

Được biết đến là một trường trung học phổ thông công lập của tỉnh Bắc Ninh, trường Trung học phổ thông Thuận Thành số 1 luôn khẳng định vị thế đứng đầu khối các trường trung học không chuyên của tỉnh. Được thành lập vào năm 1961, ngôi trường đã viết lên trang sử dày truyền thống. Nằm ở khu vực phố Khám xã Gia Đông huyện Thuận Thành, trường có một cơ sở vật chất khang trang và cực kì kiên cố. Trước cổng trường là vòm cong tựa parabol. Bước vào cổng là nền gạch vàng hồng in nổi những họa tiết để tránh trơn trượt. Khoảng sân rộng, nhiều cây xà cừ. Những cây này được trồng từ rất lâu từ khi trường mới thành lập. Chúng được trồng theo hàng thẳng tắp ra phía cổng. Bước từ cổng nhìn thẳng vào là khu nhà 3 tầng được xây dựng năm 1975. Đây cũng là khu nhà được xây dựng có sảnh để tổ chức những lễ kỉ niệm, lễ bế giảng. Không chỉ thế, khu nhà này còn có phòng đoàn, phòng hành chính, phòng sổ điểm và chìa khóa lớp học. Còn lại là lớp học dành cho khối 10 và khối 11. Đứng ở sân trường nhìn sang bên phải là khu phòng máy tính và tin học. Được xây dựng là hai tầng thông sang với khu nhà 3 tầng với sáu phòng bao gồm cả phòng y tế, Tầng 1 là nơi lưu trữ hồ sơ từ những ngày thành lập, trước đây còn là lưu trữ bằng giấy tờ nhưng hiện nay đã lưu trữ bằng cơ sở dữ liệu của nhà trường. Tầng hai của khu nhà này là phòng tin học với trang thiết bị hiện đại giúp cho học sinh thực hành tốt những giờ tin học trong chương trình. Nhìn sang bên trái lúc này là khu nhà hiệu bộ. Được xây dựng với hai tầng theo thiết kế có sảnh ở giữa Tầng 1 là các phòng nghỉ của giáo viên, được sắp xếp theo từng tổ bộ môn. Tầng 2 là phòng hội nghị, phòng họp, nơi tổ chức, diễn ra các cuộc họp bộ môn từng tuần từng tháng, hoặc nơi tổ chức các sự kiện liên quan tới chuyên môn nhà trường, đội ngũ viên chức nhà trường.

Đây cũng là nơi tiếp đón vị khách ghé thăm ngôi trường. Khu nhà ba tầng có lối đi dẫn sang khu nhà 4 tầng phía sau của khu nhà này. Sau khu nhà 3 tầng là khoảng sân bê tông rồi đến khu nhà 4 tầng này. Khu nhà này bao gồm phòng học dành cho khối 12 và một số lớp khối 11, và một vài phòng thực hành của các môn tự nhiên: hóa học, vật lý. Khu nhà 4 tầng này được xây dựng sau khu nhà 3 tầng và khu hiệu bộ. Mới đây, năm 2015, trường đã xây dựng xong khu nhà mới với thiết kế hiện đại, 5 tầng, nằm bên cạnh khu nhà 4 tầng này. Đồng thời, nhà trường cũng phá dỡ khu nhà 2 tầng là chứng nhân cho sự tồn tại của nhà trường vào năm 2015. Khu nhà 2 tầng này là hình ảnh ban đầu của ngôi trường khi mới thành lập. Dỡ bỏ khu nhà 2 tầng, nhà trường đã thiết kế khuôn viên và khu nhà để xe cho học sinh. Công trình cuối cùng của nhà trường là nhà đa năng. Đây là khu nhà nơi tổ chức những buổi kết nạp đoàn, cảm tình đoàn, đón chào diễn giả truyền lửa cho các bạn lớp 12 chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời. Cũng là nơi tổ chức các cuộc thi bên lề của dịp lễ lớn, phòng tập luyện cho những bạn có tài năng, đam mê nghệ thuật. Căng – tin nhà trường được xây dựng bên cạnh khu nhà hiệu bộ. Căng – tin không lớn nhưng cũng đủ để học sinh trường thoải mái ăn uống, photo tài liệu, cung cấp đồ dùng cần thiết cho việc học tập.

Trên đây là cơ sở vật chất nhà trường. Truyền thống của nhà trường còn được thể hiện trong những thành tích mà cả thầy và trò đều đã đạt được. Năm 2005, chủ tịch Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam đã tới dự lễ khai giảng và viết sổ vàng truyền thống. Năm 2009 phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về dự lễ khai giảng, năm 2011 kỉ niệm 50 năm thành lập trường, đón nhận huân chương lao động hạng nhất. Những mốc son lịch sử của nhà trường đã tạo nên truyền thống vàng. Truyền thống ấy còn được viết lên bằng những cái tên ưu tú, những nhà giáo, những thế hệ học trò. Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, giám đốc sở giáo dục đào tạo, vụ trưởng, phó giáo sư tiến sĩ… Những cái tên sáng chói luôn là niềm tự hào của học sinh cũng như nhà trường. Những thủ khoa đại học, những học sinh đạt giải cao trong các kì thi, cuộc thi dành cho học sinh trong toàn quốc. Quan trọng nhất vẫn là tỉ lệ đỗ đại học của nhà trường và các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện cấp tỉnh và cấp quốc gia. Những mục tiêu phấn đấu của nhà trường đã được hoạch định sẵn và có phương hướng đào tạo để phát triển được chúng. Không ai có thể phủ nhận sự tận tâm, liên tục thay đổi phương pháp dạy và tìm tòi, cập nhật những kiến thức, dạng bài mới để giúp cho thành tích của học sinh cũng như nhà trường ngày càng vươn xa.

Ngôi trường Trung học phổ thông Thuận Thành số 1 vẫn mãi còn đó với tương lai phát triển ngày càng rộng mở. Thầy và trò nhà trường luôn không ngừng thi đua, dạy và học tốt. Ngôi trường ngày càng khẳng định vị thế của mình trong danh sách, bảng xếp hạng trường chuẩn quốc gia, là niềm tự hào của người dân tỉnh Bắc Ninh.

Thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học - Bài tham khảo 4

Ngôi trường chính là nơi gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, tại đây ươm mầm nhiều tài năng xuất chúng và có nhiều kỷ niệm vui có, buồn có chắc chắn không thể nào quên.

Ngôi trường của tôi với tên gọi của người anh hùng dân tộc Võ Thị Sáu. Trường thành lập năm 1998 đến nay đã có hàng chục năm phát triển, trường nằm khang trang tại một khu đất rộng, xung quanh là những bồn hoa xinh đẹp. Có rất nhiều những kỷ niệm gắn bó với ngôi trường mà tôi cắp sách đi học mỗi ngày.

Ngôi trường THPT Võ Thị Sáu tuy không lớn nhưng có thể nhìn thấy từ xa với tường xanh, mái ngói đỏ, nhiều tầng khác nhau phục vụ giảng dạy nhiều khối lớp. Bước chân vào ngôi trường là chiếc cổng sắt, bên trong đó là bác bảo vệ ngồi trực đã gắn bó với ngôi trường hơn 10 năm. Trước mắt người xem hiện ra là 3 dãy phòng riêng biệt, Dãy A nơi làm việc ban giám hiệu, các thầy cô bộ môn. Dãy B khu học chính của các em học sinh với nhiều khối lớp, dãy C là nơi sinh hoạt chung và diễn ra các hoạt động trong trường đều được tổ chức tại đây. Lầu dưới chính là phòng thực hành của nhiều môn như Hóa học, Sinh học, Vật lý…Các phòng học của trường đều được thiết kế đầy đủ phục vụ cho việc học tập, rộng rãi thoáng mát. Ngoài ra, trường còn có một số phòng khác như thư viện,phòng đa chức năng, phòng y tế…

Ngôi trường chính là nơi gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, tại đây ươm mầm nhiều tài năng xuất chúng và có nhiều kỷ niệm vui có, buồn có chắc chắn không thể nào quên.

Ngôi trường của tôi với tên gọi của người anh hùng dân tộc Võ Thị Sáu. Trường thành lập năm 1998 đến nay đã có hàng chục năm phát triển, trường nằm khang trang tại một khu đất rộng, xung quanh là những bồn hoa xinh đẹp. Có rất nhiều những kỷ niệm gắn bó với ngôi trường mà tôi cắp sách đi học mỗi ngày.

Ngôi trường Võ Thị Sáu tuy không lớn nhưng có thể nhìn thấy từ xa với tường xanh, mái ngói đỏ, nhiều tầng khác nhau phục vụ giảng dạy nhiều khối lớp. Bước chân vào ngôi trường là chiếc cổng sắt, bên trong đó là bác bảo vệ ngồi trực đã gắn bó với ngôi trường hơn 10 năm. Trước mắt người xem hiện ra là 3 dãy phòng riêng biệt, Dãy A nơi làm việc ban giám hiệu, các thầy cô bộ môn. Dãy B khu học chính của các em học sinh với nhiều khối lớp, dãy C là nơi sinh hoạt chung và diễn ra các hoạt động trong trường đều được tổ chức tại đây. Lầu dưới chính là phòng thực hành của nhiều môn như Hóa học, Sinh học, Vật lý…Các phòng học của trường đều được thiết kế đầy đủ phục vụ cho việc học tập, rộng rãi thoáng mát. Ngoài ra, trường còn có một số phòng khác như thư viện,phòng đa chức năng, phòng y tế…

Nhìn từ trường ra phía trước đó chính là khoảng trống rộng rãi, khu vực trung tâm nên có nhiều bóng mát, ghế đá được đặt rất nhiều. Đây là khu vực chính để chúng tôi vui đùa trong giờ giải lao với nhiều trò chơi như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông giúp thư giãn, giải trí để bước vào tiết học mới. Nhắc đến không gian của trường phải nói đến hàng cây bóng mát mà trường đã trong nhiều năm trước, nổi bật nhất là cây phượng, mỗi mùa hè nở rộ màu sắc rất đẹp, đây là thời gian mà chúng tôi phải tạm chia tay nhau trong lưu luyến.

Ngôi trường Võ Thị Sáu không lớn, không nhiều học sinh nhưng mỗi năm đều tham gia đầy đủ các hội thi về học tập cũng như thể thao đạt nhiều thành tích cao. Các thầy cô và học sinh đang nỗ lực hết sức để giúp trường Võ Thị Sáu nhận bằng đạt trường chuẩn quốc gia trong thời gian không xa.

Trường của tôi là như vậy đó, dù chỉ là một ngôi trường bình thường như hàng ngàn ngôi trường trong đất nước này nhưng với tôi nó có vị trí đặc biệt quan trọng và mỗi khi nhớ về đều là những kỷ niệm mãi không quên.

Thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học - Bài tham khảo 5

Là người của thành phố Quy Nhơn, tôi tự hào về tất cả mọi thứ ở nơi đây: từ nhà hàng, khách sạn đến các công trình kiến trúc, đền thờ...Nhưng có lẽ điều khiến tôi tự hào nhất vẫn là trở thành học sinh của trường THCS Quang Trung: ngôi trường có bề dày lịch sử, nơi cất giữ những kỉ niệm đẹp về thời học trò và cũng là ngôi nhà thân thương thứ hai của tôi.Có biết bao nhiêu điều tôi tự hào về trường tôi, nhưng tự hào nhất vẫn là về bề dày lịch sử lâu đời của trường. Là học sinh trường THCS Quang Trung, ai cũng biết tên tiền thân của trường Là Trung Học Đống Đa, được thành lập năm 1973 do nhân dân trong phường xây dựng. Năm 1975, trường chính thức hoạt động với hơn 500 học sinh, 20 thầy cô giáo dưới sự lãnh đạo của thầy Trương Vĩnh Khánh. Trường tôi dần dần đi lên và trải qua nhiều thời kì khác nhau. Trong những năm 1976 đến 1986, trường lần lượt mang tên: trường cấp II Ngô Mây, trường Phổ thông cơ sở Quang Trung I do thầy Kấn Hịch làm hiệu trưởng (nhiệm kì 1976 đến tháng 9/1978). Đến năm 1978 và 1983, thầy Nguyễn Phí và cô Ngô Thị Trí thay thầy Kấn Hịch tiếp tục lãnh đạo nhà trường đi lên với 16 phòng học và gần 900 học sinh từ các phường khác nhau. Từ năm 1986, Cấp I và cấp II cùng ở chung một mái trường với 50 phòng học và có sự hiện diện của 2500 học sinh cùng 100 cán bộ nhân viên nhà trường. Quả là một con số kỉ lục! Trường ta chính thức mang tên: Trường THCS Quang Trung từ tháng 8/1991 cho tới nay khi tách cấp I và cấp II và sát nhập Trường Quang Trung cơ sở I và cơ sở II. Số học sinh và giáo viên ngày càng tăng cho tới năm 2002-2003, trường đã có 41 lớp và hơn 2065 học sinh do thầy Trần Đình Thọ làm hiệu trưởng. Sau 2 năm, do sự phân chia phường, trường THCS Quang Trung tách thành THCS Nguyễn Huệ (thuộc địa bàn phường Quang Trung), THCS Quang Trung (phường Nguyễn Văn Cừ, nơi chúng ta đang học) và THCS Ghềnh Ráng (phường Ghềnh Ráng). Cô Dung tiếp tục kế thừa sự nghiệp, đưa trường phát triển mạnh mẽ với 32 lớp, 1548 HS, 61 giáo viên.Ngày nay, trường tôi đang dần thay bộ áo mới: khang trang hơn, hiện đại hơn,..nhưng vẫn giữ vẻ "trường làng" như cũ (tôi tự hào về điều này!). Năm học 2010-2011, trường tiến những bước tiến dài với sự lãnh đạo của thầy Trần Hữu Dũng. Với 753 HS (358 nữ) 19 chi đội ( khối sáu, bảy, chín có 5 chi đội; khối tám có 4 chi đội)và hơn 40 thầy cô giáo. Trường được trang bị phòng máy hiện đại, phòng học hóa, sinh, lý, phòng đa chức năng, phòng Đội Đoàn, thư viện, phòng hội đồng và đẹp nhất là phòng Truyền thống: nơi trưng bày và ghi lại lịch sử của trường và nhiều phòng khác nữa. Mỗi lớp học được trang bị đầy đủ thiết bị học tập cho học sinh lẫn giáo viên. Bên hành lang nhà trường còn có các câu châm ngôn, ca dao, tục ngữ, lịch sử giúp học sinh nhận ra điều tốt, điều cần làm và ôn lại kiến thức của mình. Học sinh luôn tự giác bảo vệ tài sản nhà trường, vệ sinh sân trường...Thật tự hào khi được học trong một ngôi trường hiện đại, rộng lớn như được vươn ra bầu trời thế này!Đã nhắc đến trường Quang Trung thì không thể quên nói đến các phong trào và thành tích lừng lẫy của trường. Ngày 4/11/1999, trường THCS Quang Trung được thủ tương chính phủ tặng bằng khen vì sự nghiệp dạy học và học tập của đội ngũ HS, GV nhà trường. Năm 2002, trường tiếp tục nhận được thành tích: trường có nhiều đóng góp do bộ VH-TT trao tặng. Đến năm 2005-2006, trường vinh dự nhận được Huân chương lao động hạng 3, đưa trường lên tầm cao mới. Tự hào nhất phải kể đến vào năm 2008, trường đạt danh hiệu:"Trường chuẩn Quốc Gia" do chính phủ trao tặng và nhiều thành tích khác: Thư viên đạt chuẩn quốc gia, trường có tỉ lệ đỗ vào các trường cấp 3 nhiều nhất,... Những thành tích ấy phải kể đến sự đóng góp của hàng thế hệ học sinh và đội ngũ giáo viên nhà trường. Họ đã mang lại cho trường những danh hiệu Quốc gia, tỉnh, thành phố,... Trường còn tổ chức và tham gia rất nhiều phong trào như: giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học, trẻ em khuyết tật; các cuộc thi học tập,văn nghệ như: Tiếng hát hoa phượng đỏ, bông hoa điểm 10, rung chuông vàng...Những thành tích đó khiến cho tầng lớp đàn em tiếp theo luôn tự hào, đặt mục tiêu của mình vào đó, và ước mong được tham gia và tổ chức các phong trào ấy. Là HS trường Quang Trung, hẳn ai cũng muốn sẽ được vinh danh trong lịch sử vàng son của trường.Tóm lại, trường THCS Quang Trung là ngôi trường làng có bề dày lịch sử, thành tích,...khiến ai cũng phải trầm trồ. Là HS Trường THCS Quang Trung, tôi hứa sẽ tiếp tục phát huy thành tích của nhà trường, đặt lòng tin của mình vào thầy cô từng giây từng phút, tiếp tục vẽ nên trang sử mới cho trường - nơi tôi tự hào, nơi đưa tôi trở thành người biết suy nghĩ và là nơi chan chứa biết bao kỉ niệm với bạn bè thầy cô một thời học trò đẹp đẽ.

Thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học - Bài tham khảo 6

Vậy là quãng đời, học sinh của Tôi dần trôi qua, gần 3 năm học tập dưới mái trường THPT Nguyễn Huệ với biết bao kỉ niệm, vui có, buồn có, nhưng đọng lại trong trái tim tôi vẫn là những cảm xúc ấm áp của những năm tháng cùng sống, cùng học tập và trưởng thành dưới mái trường thân yêu này. Khoảng thời gian ấy tuy không dài so vơí 1 đời người, nhưng cũng đủ để in dấu vào lòng người những bài học của cuộc sống, sâu sắc và đáng quý .

Cổng trường mở ra và khép lại, đón và đưa lớp lớp thế hệ học sinh nhập học rồi ra trường, mang theo những thành quả của ước mơ mà 3 năm về trước họ đã ấp ủ cho vào hành trang để họ lớn lên trên mái trường THPT. Và tôi – mội học sinh lớp 12A2 cũng không nằm ngoài qui luật ấy. Sắp phải rời xa mái trường mà tôi đã gắn bó để nhường chỗ cho những thế hệ mới với những con người mới. Trong tôi lắng đọng những suy nghĩ, suy tư, của một thanh niên trẻ, một học sinh sắp rời ghế nhà trường để bước vào trường ĐH hay những thử thách mới đầy cam go nhưng cung không kém phần thú vị của cuộc đời. trong cái se lạnh của thời tiết đầu mùa, những kỉ niệm dưới mái trường THPT sống lại trong tôi như muốn, nhắc nhở tôi về một mái trường thân yêu, gần gũi, ấm áp đã giúp tôi nuôi lớn ước mơ của mình.

Ước mơ để trở thành học sinh cấp 3 xuất hiện hơn 4 năm về trước – từ ngày tôi còn là một học sinh cấp 2. Con đường dẫn tôi đến với ngôi trường này cũng nhiều khó khăn, nhưng bằng chinh những nỗ lực của mình, cổng trường THPT Nguyễn Huệ đã rộng mở đón chào tôi lần đầu tiên bỡ ngỡ bước vào.

Nhớ xiết bao buổi đầu tiên ấy. Bước chân vào cổng trường THPH mà lòng tôi đan xen biết bao cảm xúc, vừa hân hoan trong niềm vui của một học sinh cấp 3 trước một chân trời mới của tri thức, vừa lo lắng, sợ sệt không biết học ở đây như thế nào. Nhưng rồi, tất cả cảm xúc ấy cũng trôi xa nhường chỗ cho những tiếng cười, khi mà tôi được trực tiếp gặp mặt và giao lưu với các học sinh xã khác. Buổi gặp mặt với những tiết mục văn nghệ đầy sôi nổi và quan trọng nhất là những thông tin giới thiệu của các anh chị khóa trước về mái trường và thầy cô ở nơi đây.

Hình ảnh thầy giáo Hiệu trưởng giới thiệu về môi trường và chào đón những thế hệ đầu tiên hiện rõ trong kí ức của tôi. Thầy nói về những thách thức về ô nhiễm môi trường mà chúng ta sẽ phải chịu đựng trong quá trình phát triển kinh tế, về tình trạng thực tế của môi trường xung quanh chúng ta và trách nhiệm của 1 người công dân, 1 học sinh. Ngoài ra, thầy giáo còn giới thiệu về cách học và tầm quan trọng của thời học sinh, cấp 3 này… Tất cả đã mang cho tôi một cái nhìn tổng quát về tầm quan trọng của cấp 3.

Học kỳ đầu tiên đối với tôi thật nặng nề, có lẽ, vì tôi chưa quen với những phương pháp dạy và học mới ở bậc cấp 3, và cũng bởi vì tôi phải tiếp xúc với những kiến thức hoàn toàn mới trong khi tôi chưa chuẩn bị được nền tảng. Kỳ đầu tiên với kết quả không như tôi mong đợi đã làm cho tôi lo lắng. Tôi tự đổ lỗi cho nhà trường vì chương trình và nội dung không cuốn hút mà quên mất rằng chính mình đã không thực sự cố gắng và chú tâm vào học tập cho thực chất.

Và rồi cuối cùng tôi cũng nhận ra khi bạn bè xung quanh tôi ai cũng học tốt và đạt thành tích cao. Khi đó tôi tự hứa với lòng mình phải gác lại những tình cảm cá nhân, không nên dành nhiều thời gian cho những người thân yêu ở nhà mà phải lấy họ làm động lực để cố gắng. Những năm tháng dưới mái trường THPT Nguyễn Huệ, tôi không chỉ được học những kiến thức hay, tính tự lập hơn và đã giúp tôi trưởng thành vững vàng hơn rất nhiều.

Trường THPT Nguyễn Huệ đã trở thành niềm tự hào của riêng tôi và tất cả các bạn. Ở đó có đội ngũ thầy cô thật tận tụy, những người bạn chân thành, mà có cả tình người ấm áp trong môi trường giáo dục chất lượng và đỉnh cao. Nhà trường cũng luôn theo sát hoàn cảnh của mỗi học sinh thông qua Đoàn trường và Hội học sinh, kịp thời động viên chia sẻ những khó khăn mà học sinh gặp phải trong quá trình học tập tại trường.

Bây giờ đã là một học sinh năm cuối, hơn hai năm gắn bó với mái trường tôi càng thêm tin tưởng và hi vọng nhiều hơn. Niềm tin đó giúp tôi vững vàng với lựa chọn của mình, tự tin trong học tập và rèn luyện, tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với những gì trường Nguyễn Huệ đã dành cho tôi. Ngày hôm nay tôi có thể tự tin nói rằng vào THPT Nguyễn Huệ là lộ trình đúng bởi nơi đây chính là cánh cửa mở ra cho tôi nhiều cơ hội, là chìa khóa cho những ai muốn thay đổi.

Cuối cùng sau bao nhiêu nỗ lực dìu dắt và truyền đạt kiến thức của các thầy cô và sự cố gắng của bản thân tôi, tôi cũng đã thực sự được trưởng thành cả về kiến thức lẫn kỹ năng. Tôi xin được gửi tới Thầy Cô của mái trường mến yêu của mình lời hứa rằng dù ở nơi đâu, làm bất cứ việc gi, tôi cũng sẽ luôn cố gắng để xứng đáng với thương hiệu học sinh THPT Nguyễn Huệ.

Nhân ngày 20/11 em xin chúc các thầy cô giáo cán bộ, công nhân viên nhà trường sức khỏe và công tác tốt để xây dựng trường THPT Nguyễn Huệ ngày càng phát triển.

Thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học - Bài tham khảo 7

Dù đi đâu về đâu tôi vẫn nhớ về nhiều kỉ niệm học sinh dưới mái trường xưa, những kỉ niệm thân thương buồn vui lẫn lộn và không thể xóa nhòa trong kí ức của mỗi học trò. Ngôi trường trung học cơ sở Quang Trung một thời tôi đã gắn bó.

Ngôi trường thành lập từ năm 1990, với gần 30 năm dạy học, trường đã đào tạo hàng ngàn học sinh và nằm trong số các ngôi trường xuất sắc ở huyện. Trường nằm trên con đường lớn của xã, nhìn từ xa đã thấy ngôi trường nổi bật với tường vàng, mái ngói đỏ. Trường nằm ở một khuôn viên rộng, có khuôn viên, chỗ để xe và sinh hoạt ngoài trời. Sau cánh cổng trường ấy có biết bao nhiêu điều thú vị.

Sau cánh cổng trường đó là bác bảo vệ hiền lành, trách nhiệm đã làm việc ở trường hơn 10 năm. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng bác vẫn cần cù và trách nhiệm. Bước vào trường hiện ra trước mắt gồm có ba dãy phòng, mỗi dãy có hai lầu. Dãy A thuộc về ban giám hiệu, thầy cô thuộc tổ chuyên môn, phòng truyền thống đội. Dãy B khu học của học sinh. Dãy C dành cho sinh hoạt hoặc tổ chức ngoại khóa. Kế bên dãy B là nơi diễn ra các buổi họp, gần bên là phòng thực hành của các môn như Hóa – Sinh. Từng phòng được thiết kế với bàn học, quạt và điện chiếu sáng. Trang thiết bị của trường đầy đủ.

Trong trường không thể thiếu thư viện, phòng thực hành tin học. Hai phòng này sát bên nhau phục vụ việc học tập, nghiên cứu của học sinh các khối lớp. Nơi để xe của thầy cô nằm ở góc trái của ngôi trường, khu để xe học sinh thì sau dãy B phòng học. Tất cả đều sắp xếp hợp lý, khoa học nhằm đảm bảo thời gian di chuyển ngắn nhất cho giáo viên và học sinh.

Phía trước trường có khoảng đất rộng đó chính là khuôn viên và dành cho các buổi chào cờ đầu tuần. Khuôn viên gồm có cột cờ và nhiều các loại hoa trang trí. Trong trường cũng có nhiều cây xanh lâu năm như cây bàng, cây phượng…tạo bóng mát và nơi vui đùa, nghỉ ngơi của học sinh trong giờ giải lao.

Phía sau trường còn có một khoảng đất rộng, đó là nơi tập luyện thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe với các môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông. Nhiều cuộc thi về thể thao được tổ chức nhằm rèn luyện sức khỏe cho giáo viên và học sinh trong trường. Trường chúng tôi từng vinh dự đạt nhiều giải cao trong bóng đá ở huyện và tỉnh.

Trường trung học cơ sở Quang Trung sau thời gian dài phấn đấu vừa giành được danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Học sinh và giáo viên trong trường ai cũng đều tự hào và phấn khích.

Ai cũng phải lớn lên và rời xa trường cũ nhưng những kỷ niệm gắn bó với ngôi trường chắc chắn sẽ không thể phai nhòa. Thầy cô, bạn bè của trường Quang Trung đã là một phần trong tuổi thơ tôi.

Thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học - Bài tham khảo 8

Ngôi trường em đang theo học là trường Trung học cơ sở Nguyễn Lương Bằng, ngôi trường thân yêu ấy đã gắn bó với em suốt bốn năm qua, xây đắp cho em những ước mơ tương lai, đầy hi vọng. Trong em, nơi đây nhiều ngôi nhà thứ hai của mình vậy, thật thân thương và đẹp đẽ.

Trường em được thành lập vào năm 2013, tại đường Nguyễn Lương Bằng, phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu , thành phố Đà Nẵng. Trường có diện tích khá lớn trên 1000 mét vuông, khuôn viên rộng rãi có khu vui chơi, khu học tập, khu thể dục thể và có hệ thống bể bơi. Trường xây dựng theo sơ đồ hình chữ U, một dãy nhà bà tầng khang trang, bố trí để học sinh các lớp theo học hai khối sáng và chiều, có phòng học thêm, phòng cán bộ công nhân viên trong trường, thư viện và phòng truyền thống riêng. Một hội trường lớn để tổ chức các hoạt động của tập thể nhà trường. Trường cũng có hệ thống cấp thoát nước, nhà giữ xe và khu vệ sinh được bố trí hợp lí, sạch sẽ và an toàn.

Sân trường rộng với nhiều loại cây xanh như cây phượng, cây bằng lăng, cây bàng,... được trồng rộng khắp, toả bóng mát vào mùa hè, tạo bầu không khí trong lành. Dưới mỗi gốc cây có đặt các ghế đá cho mọi người ngồi hóng mát và thư giãn trong giờ ra chơi sau những giờ học tập mệt mỏi, đặc biệt là những ngày thời tiết oi bức. Nhiều loại hoa được trồng và chăm sóc chu đáo góp phần xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp.

Trước đây, trường có hơn 1400 giáo viên và học sinh. Theo thời gian, số lượng cán bộ giáo viên và học sinh ngày càng tăng. Thầy cô cán bộ giáo viên trong nhà trường đều tâm huyết với nghề, có chất lượng giảng dạy và giáo dục cao, tận tụy với công việc, tất cả vì tương lai của học sinh, luôn ân cần, chỉ bảo cho chúng em từ những khó khăn trong cuộc sống đến những vướng mắc trong học tập. Luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Học sinh trường trung học cơ sở Nguyễn Lương Bằng có truyền thống hiếu học, tương thân thương ái, đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập, phấn đấu vươn lên vượt qua những khó khăn của nghịch cảnh, tham gia nhiều cuộc thi và gặt hái được các kết quả tốt. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm khoa học đầy sáng tạo được vận dụng vào thực tiễn, văn hoá ứng xử của học sinh được thực hiện nghiêm túc góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Dù mới thành lập song trường đạt nhiều thành tích nổi bật, nhiều hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khoá được tổ chức giúp chúng em có điều kiện để phát triển toàn diện, thư giãn sau những giờ học đầy căng thẳng, mệt mỏi. Nhiều hoạt động tham quan các danh lam thắng cảnh, viện bảo tàng góp phần giúp chúng em có thêm nhiều hiểu biết, thu thập được nhiều thông tin bổ ích. Nhân các ngày lễ lớn, nhiều hoạt động văn nghệ, ca hát, hội khỏe Phù Đổng giúp chúng em có điều kiện phát huy năng khiếu, thể hiện tài năng của mình. Đặc biệt, nhà trường tạo nhiều điều kiện để chúng em được tiếp xúc ngôn ngữ thứ hai trong trường học như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật vô cùng hiệu quả và đầy lí thú.

Ngôi trường Nguyễn Lương Bằng đầy xinh đẹp và tự hào của chúng em đang ngày một phát triển và sẽ chất lượng hơn nữa trong thời gian sắp tới. Chúng em, những học sinh dưới mái trường xanh đang ngày ngày miệt mài, cố gắng thật nhiều để mang lại những thành tích xuất sắc cho nhà trường.

Ngôi trường yêu dấu đã cùng em lớn lên và trưởng thành, sau này, dẫu có đi xa, em vẫn luôn mãi nhớ về mái trường cùng thầy cô bè bạn, nơi lưu giữ những kí ức tuyệt vời với những năm tháng chẳng thể nào quên của tuổi học trò. Thật cảm ơn thật nhiều công lao to lớn như biển cả của thầy cô, chẳng quản gian nan trong sự nghiệp trồng người chèo lái con thuyền đưa chúng em đến những bến bờ tri thức.

Thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học - Bài tham khảo 9

Trường THPT B Phủ Lý, một ngôi trường đơn sơ tuổi đời còn rất trẻ, không nằm ở trung tâm thành phố ồn ào, náo nhiệt nên ngôi trường có một sự thanh bình hiếm có: không gian yên tĩnh, không khí trong lành. Nơi đây, em đã gắn bó trong suốt 3 năm học cấp 3.

Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng có ngày đầu tiên đi học, với em, những ngày đầu tiên ấy không thể nào quên. Còn nhớ ngày đầu tiên bước chân vào ngôi trường cấp 3 này, cảm giác bỡ ngỡ, xa lạ với trường mới, thầy cô mới, bạn mới đã khiến em rụt rè, lo sợ, nhưng các thầy cô ở đây với lòng nhiệt huyết của “người lái đò tận tụy” đã xóa tan đi những cảm giác ban đầu đó. Quen dần với những ngày đến lớp, thầy cô, bạn bè, quen với một mái trường với hàng cây xanh rợp bóng và con đường sớm tối đi về đã trở thành những kỷ niệm khó quên. Mái trường là biểu hiện sức sống, sự vươn lên của xã hội. Dường như mỗi người đều có một mối liên hệ nào đó với một mái trường. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn…”. Đúng như vậy, thời gian chính là thứ keo gắn bó kì diệu nhất, mái trường, thầy cô, bạn bè giờ đây đã trở thành gia đình thứ hai của em cũng như các bạn học sinh ở đây. Giờ sắp phải rời xa nơi này, bất cứ học sinh lớp 12 nào cũng có chút không nỡ…

Nhưng dòng đời phải luôn luôn chuyển động, con người ai ai cũng phải lớn lên, kết thúc đời học sinh để bước sang một trang mới của cuộc đời, để sống có ích một cách trọn vẹn. Tốt nghiệp cấp 3, mỗi người chọn cho mình một ngã rẽ nhưng em tin rằng không ai có thể quên kỉ niệm của những năm tháng học trò. Nếu năm học lớp 10, chúng ta có thể run sợ khi đứng trước giáo viên nhưng đến năm học lớp 12 này, thầy cô vừa là cha mẹ, vừa như những người bạn của chúng ta, thân thiết, gần gũi, đầy tình cảm. Đứng trước ngã rẽ của cuộc đời ta mới thấy lời khuyên của các thầy cô có ý nghĩa biết bao.

Sau mỗi tiết học, nhìn những giọt mồ hôi lăn trên trán và ướt đẫm áo thầy cô, lòng tôi bất chợt xót xa. Nhưng các bạn khác có ai biết đâu, có ai từng ngắm nhìn kĩ bất cứ một thầy cô nào, nhìn bằng cả tấm lòng thì sẽ thấy thầy cô như mỉm cười sau một tiết truyền thụ kiến thức khiến học sinh hiểu bài và ngược lại. Có thể chúng ta cho rằng đó là bổn phận, trách nhiệm của giáo viên. Chúng ta vào học thì đã đóng học phí cho nhà trường thì coi như đó là sự trao đổi công bằng nhưng đó có thật sự là công bằng không khi thầy cô tốn bao công sức, tâm huyết, yêu thương chúng ta và xem như là một phần của cuộc sống, niềm vui.

Khi chúng ta rời khỏi con đường học vấn, bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, tuổi xuân đang phơi phới vẫy gọi thì lúc đó thầy cô đã về tuổi xế chiều. Suốt cả cuộc đời dạy học thầy cô nhân được gì? Niềm vui? Có đấy nhưng nỗi buồn thì lại rất nhiều. Những cơn giận được biểu thị qua thái độ, hành động khi thầy cô la rầy hoặc bị điểm kém. Những điều đó tuy rất đơn giản và đến với chúng ta chỉ trong phút chốc nhưng lại là một vết thương trong lòng thầy cô.

Tình cảm thầy trò rất thiêng liêng, cao cả. Và công lao thầy cô được ví như người lái đò thầm lặng chở học trò qua sông. Dù cho con sông đó phẳng lặng hay phong ba bão táp thì thầy cô vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Từng chuyến đò qua là biết bao thế hệ trưởng thành nhưng khi con thuyền đó quay trở về để tiếp tục sự nghiệp thì chỉ còn một mình thầy cô “lẻ bóng”, học trò đã đi xây dựng sự nghiệp, cuộc sống mới, có ai còn nhớ đến người đã chở con thuyền tri thức và tình thương đó không? Nhưng thầy cô không hề nghĩ đến, đơn giản là vì thầy cô biết rằng đó là quy luật sống và là lương tâm của một nhà giáo chân chính. Thầy cô không mong sau này học trò sẽ nhớ đến mình, sẽ quay trở về và báo đáp công ơn dạy dỗ mà chỉ hi vọng những đứa trẻ đó sẽ thành công, mang danh dự về cho quê hương, đất nước thế là đã làm cho thầy cô vui lòng. Buồn lắm chứ, và cả thương nữa, không đành lòng xa những đứa con yêu dấu trong đại gia đình nhưng biết làm thế nào đây, thầy cô không thể nào mãi mãi giữ chúng ta bên mình để dạy dỗ. Chúng ta như những con chim non đang tập bay, khi đủ trình độ thì phải thả con chim đó ra để cho chúng bay lượn trên bầu trời tự do. Đây là nỗi buồn sâu lắng nhất và là nỗi niềm chung của tất cả những người theo nghiệp Nhà giáo.

Không chỉ dạy chữ, quan trọng hơn cả là thầy cô dạy chúng ta cách làm người. Uốn nắn, rèn luyện chúng ta trở thành con người nhân nghĩa, lễ phép… công ơn thầy cô không có gì so sánh được. Thế là chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa chúng ta bước sang một ngả khác, thời gian thoăn thoắt như thoi đưa, ước như thời gian quay được trở về thời điểm mới bước vào ngôi trường này để được từng thầy cô ân cần dạy dỗ.

Trong cuộc sống hối hả, nhộn nhịp của xã hội và đầy rẫy những cạm bẫy của cuộc đời chúng ta cảm thấy mệt mỏi, muốn quay về và muốn quay về bến đò xưa thì thầy cô là người luôn chờ đợi và dang tay ra để chào đón những đứa con thân yêu trở về. Chúng ta hãy dùng trí óc và con tim để ghi khắc từng kỉ niệm, từng chút một để chúng ta sẽ không lầm đường lạc lối trong cuộc đời tấp nập xô đẩy với vô vàn sóng gió. Chúng ta hãy tự tin và đứng vững trên đôi chân mình và hãy tin rằng thầy cô luôn bên cạnh, sẵn sàng nâng đỡ khi chúng ta vấp ngã.

Những ngày này, học sinh khối 12 đang tất bật bước vào giai đoạn ôn thi tốt nghiệp, ôn thi đại học, những lo lắng cho kì thi sắp tới dường như bao trùm tất cả nhưng một chút nào đó trong chúng ta là sự tiếc nuối, tiếc nuối quãng đời học sinh, tiếc nuối sự gắn bó được tạo ra như một thói quen. 3 năm học, dài đấy nhưng cũng thật nhanh, và dù sao nó cũng để lại trong ta biết bao kỉ niệm đẹp đẽ, trong sáng mà có lẽ cả cuộc đời này không bao giờ quên. Bỗng dưng trong e rộn ràng câu hát: “Em yêu trường em

Với bao bạn thân

Và cô giáo hiền

Như yêu quê hương

Cắp sách đến trường

Trong muôn vàn yêu thương…”

Thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học - Bài tham khảo 10

Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm tiền thân là Collège de Can Tho là một trong những trường được hình thành trong giai đoạn đầu của nền giáo dục Pháp ở Việt Nam.

Collège de Can Tho là công trình có kiến trúc đặc trưng nằm trong tổng thể kiến trúc đô thị đầu thế kỷ XX. Xét về mặt lịch sử văn hóa, sự hình thành của ngôi trường đã ghi lại một dấu ấn khá đậm nét trong quá trình hình thành và phát triển của Cần Thơ. Theo Kiến trúc sư Trần Kiều Định – Chủ tịch Hội kiến trúc thành phố Cần Thơ, Collège de Can Tho được xây dựng trong khuôn viên đất có diện tích 17.000m2; từ năm 1917 đến năm 1924 đã xây dựng hoàn thành 3 dãy nhà ngang, mỗi dãy có 2 tầng dài khoảng 75m, rộng 12m; một dãy hành lang có mái che và 1 nhà 2 tầng dài 24m, rộng 9m, có các sân rộng tiếp giáp với các dãy nhà. Về kiến trúc có diện mạo kiến trúc cổ, kết cấu tường chịu lực, mái ngói, sàn bằng gạch hỗn hợp, cửa sổ lá sách truyền thống nhiệt đới đẹp và chuẩn theo lối kiến trúc đặc trưng của thời kỳ nầy và nằm trong tổng thể kiến trúc đô thị đầu thế kỷ XX. Từ sau năm 1945 đến nay nhà trường nhiều lần được sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp:

- Giai đoạn 1945-1975 trường mang tên Trung học Phan Thanh Giản. Trong giai đoạn nầy trường được tiếp tục sửa chữa, xây dựng thêm một số khu nhà 2 tầng bằng beton cốt thép với kiến trúc không có gì đặc trưng.

- Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, trường có tên Phổ thông cơ sở An Cư I (1975-1983); Trường phổ thông cấp III thành phố Cần Thơ (1983- 1985), Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm (từ tháng 11 năm 1985 đến nay).

Về phương diện giáo dục, mỗi thời kỳ đều có mục tiêu đào tạo, chương trình và phương pháp giáo dục riêng. Tuy vậy, từ Collège de Can Tho đến Trung học phổ thông Châu Văn Liêm đều có điểm tương đồng – đó là nơi dạy và học, nơi giáo dục, đào tạo các thế hệ thanh niên học sinh có trình độ học vấn góp phần bổ sung nguồn nhân lực của vùng đất Cần Thơ.

Tuy xuất phát từ mục đích ban đầu, thực dân Pháp lập ra Collège de Can Tho nhằm đào tạo ra lớp người bản xứ phục vụ cho bộ máy thống trị của chúng. Song vượt lên tất cả ý đồ thâm hiểm, thủ đoạn mị dân, ngôi trường nầy lại là nơi hội tụ những nhà giáo yêu nước như thầy Phạm Văn Bạch, thầy Nguyễn Thượng Tư, thầy Nguyễn Văn Chi, thầy Nguyễn Văn Kiết, thầy Trần Quang Long… nhiều thế hệ học sinh của trường là chiến sĩ cách mạng, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Châu Văn Liêm, Nguyễn Văn Tây, Tạ Thanh Sơn, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Bửu Kiếm, Ung Văn Khiêm, Lưu Hữu Phước, Lương Định Của, Hồ Văn Lái, Sơn Nam, Viễn Phương, Trần Kiết Tường, Nguyễn Việt Nam, Hồ Bông, Tô Bửu Giám… cùng rất nhiều học trò bản xứ khác tỏ rõ lòng yêu nước, tự giác, tích cực tham gia vào phong trào chống thực dân đế quốc, sẵn sàng “xếp bút nghiên” lên đường chiến đấu góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Từ sau ngày 30-4-1975 đến nay, trường đã có bước chuyển mình bắt kịp yêu cầu của nền giáo dục trong thời kỳ mới và luôn là lá cờ đầu của ngành giáo dục và đào tạo Cần Thơ. Hơn 30 năm qua có hơn 2 vạn học sinh tốt nghiệp ra trường tiếp tục học Cao đẳng, Đại học; công tác trong nhiều ngành, lĩnh vực. Nhiều cựu học sinh đã thành đạt, là cán bộ lãnh đạo, sĩ quan công an, quân đội, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, văn nghệ sĩ; nhiều người đạt trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trường Trung học Phổ thông Châu Văn Liêm đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, và là trường đạt chuẩn quốc gia bậc trung học phổ thông đầu tiên của thành phố Cần Thơ.
Hơn 90 năm qua, từ Collège de Can Tho đến trường Trung học Phổ thông Châu Văn Liêm là một dòng chảy liên tục, vượt qua thời gian với nhiều biến đổi lịch sử; thầy và trò của trường đã dày công vun trồng, bồi đắp và để lại để những dấu ấn đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam và của vùng đất Cần Thơ. Đó là tinh thần hiếu học và học giỏi dạy tốt, lòng tôn sư trọng đạo, tinh thần yêu nước ý chí đấu tranh cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong thâm tâm của nhiều thế hệ người Cần Thơ, ngôi trường có bề dày lịch sử gần trăm năm nầy, luôn là điều trân trọng, là niềm tự hào. Bởi vì tại ngôi trường đã đào tạo ra hàng vạn thanh niên có học thức và rất tài năng, góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển Cần Thơ; uy tín và sức lan tỏa của ngôi trường rất lớn. Mọi người đều nhận thấy rằng ngôi trường rất xứng đáng được các ngành chức năng thành phố Cần Thơ lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng “Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia” để giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, cùng những truyền thống quý báu của nhà trường.

Thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học mà VnDoc đã hướng dẫn trên đây, các bạn học sinh hãy vận dụng kiến thức đã học, kết hợp với cách hành văn của mình để làm thành một bài viết hoàn chỉnh nhé. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên cập nhật những bài văn mẫu lớp 10 hay nhất phục vụ việc học văn mời các bạn tham khảo tài liệu dưới đây

.........................................

VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài học rồi đúng không ạ? Bài viết tổng hợp dàn ý và những bài thuyết minh về ngôi trường THPT em đang học. Hi vọng qua bài viết bạn đọc có thể học tập tốt hơn. Để giúp bạn đọc có thêm nhiều tài liệu học tập hơn nữa, VnDoc.com mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 1 lớp 10, đề thi học kì 2 lớp 10 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với tài liệu lớp 10 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt.

Để giúp bạn đọc có thể giải đáp được những thắc mắc và trả lời được những câu hỏi khó trong quá trình học tập. VnDoc.com mời bạn đọc cùng đặt câu hỏi tại mục hỏi đáp học tập của VnDoc. Chúng tôi sẽ hỗ trợ trả lời giải đáp thắc mắc của các bạn trong thời gian sớm nhất nhé.

Đánh giá bài viết
27 52.567
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 10

    Xem thêm