Trình bày suy nghĩ của em về câu nói sau: Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác
Nghị luận về câu nói sau: “Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác.”
- I. Dàn ý Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác
- II. Văn mẫu Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác
- 1. Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác - Mẫu 1
- 2. Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác - Mẫu 2
- 3. Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác - Mẫu 3
- 4. Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác - Mẫu 4
- 5. Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác - Mẫu 5
Văn mẫu lớp 8: Trình bày suy nghĩ của em về câu nói sau: “Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác.” Dưới đây là dàn ý và một số bài văn mẫu được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình.
I. Dàn ý Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác.
2. Thân bài
a. Giải thích
Khoan dung là tấm lòng rộng lượng, sẵn sàng tha thứ, bỏ qua cho lỗi lầm của người khác; đồng thời người có lòng khoan dung là người có tấm lòng nhân hậu với mọi người.
→ Câu nói mang ý nghĩa: khi chúng ta khoan dung với người khác, không những chúng ta cảm thấy thanh thản, duy trì được mối quan hệ mà người được chúng ta khoan dung, tha thứ cũng sẽ biết ơn và sửa chữa những lỗi sai của họ để trở nên tốt đẹp hơn.
b. Phân tích
- Trong cuộc sống, chúng ta hoặc người khác sẽ không tránh khỏi mắc sai lầm, việc khoan dung, tha thứ cho lỗi lầm của người khác góp phần làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, mối quan hệ sẽ vẫn có thể duy trì được.
- Khoan dung với người khác sẽ làm chúng ta cảm thấy thanh thản, thoải mái hơn, đồng thời chúng ta cũng được người khác yêu thương, tôn trọng hơn.
- Nếu tất cả con người trong xã hội không có lòng khoan dung thì xã hội sẽ thiếu đi tình thương của con người, con người sẽ trở nên xa lánh nhau.
c. Bàn luận
- Người có lòng khoan dung thường không tính toán thiệt hơn, hơn thua với người khác, sẵn sàng nhường nhịn trong một cuộc tranh đấu.
- Người có lòng khoan dung là người sẵn sàng tha thứ với lỗi lầm của người khác với mình để tiếp tục duy trì mối quan hệ.
d. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng cho bài làm văn của mình. (Lưu ý: dẫn chứng phải nổi bật được nhiều người biết đến).
e. Phản biện
Trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, để đạt được mục tiêu của mình không ngại làm chuyện xấu; lại có những người quá khoan dung không biết lựa chọn đúng sai mà tha thứ cho những lỗi lầm không xứng đáng để làm khổ bản thân mình hết lần này đến lần khác → những người này cần bị phê phán, chỉ trích.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận (lòng khoan dung) và rút ra bài học cho bản thân.
II. Văn mẫu Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác
1. Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác - Mẫu 1
Ông cha ta có những câu: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” để giáo dục con người về lòng khoan dung. Những lời răn dạy ấy vẫn vẹn nguyên giá trị đến ngày hôm nay bởi quả thực, khoan dung có vai trò rất quan trọng với cuộc đời mỗi chúng ta. Ở đây, khoan dung chính là tấm lòng rộng lượng, sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Phẩm chất cao đẹp này hiện hữu ngay trong đời sống hằng ngày, thể hiện ở việc ta biết thông cảm với cả niềm vui và nỗi buồn của người khác, bao dung trước những khác biệt hoặc sai lầm,... Lòng khoan dung khiến con người trở nên đoàn kết, biết quan tâm, sẻ chia với nhau. Những ranh giới giữa con người như tuổi tác, quốc tịch hay màu da,… được xóa bỏ. Hơn nữa, sự khoan dung còn bồi đắp cho con người nhiều đức tính khác như: dũng cảm, kiên trì, trung thực,... Những người giàu lòng khoan dung cũng sẽ nhận được sự tin tưởng, kính trọng từ người khác. Những người sống vô cảm, thù hằn, chấp nhặt, ngại giúp đỡ người khác rất đáng phê phán. Xã hội không thể hòa bình, tương lai con người không thể được đảm bảo nếu ta còn để hận thù chiếm giữ lí trí. Ngoài ra, ta cũng cần tỉnh táo, trao đi tình yêu thương của mình cho những người xứng đáng. Đôi khi, chúng ta nên biết cách từ chối, lựa chọn đối tượng phù hợp để trao đi tấm lòng của mình. Như vậy, hiểu về ý nghĩa của tinh thần khoan dung, mỗi con người hãy nuôi dưỡng và lan toả điều tốt đẹp ấy mỗi ngày.
2. Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác - Mẫu 2
Trong cuộc sống, mỗi người chỉ có một cơ hội để tồn tại, và chúng ta sẽ trải qua nhiều câu chuyện không thể dự đoán trước. Chúng ta có thể mắc lỗi và cũng có thể bị người khác phạm lỗi. Sự nhẹ nhõm và thanh thản đến khi được tha thứ cho sai lầm của chúng ta bởi người khác, và chúng ta cũng nên luôn giữ lòng khoan dung đối với người khác.
Khoan dung đích thực là tấm lòng bao la, sẵn lòng tha thứ và bỏ qua lỗi lầm mà người khác gây ra cho chúng ta, dù là vô ý hay cố ý. Người có lòng khoan dung cũng là người có lòng nhân ái và đối xử nhân đạo với mọi người. Việc khoan dung và tha thứ cho lỗi lầm của người khác đóng góp vào việc làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn và giữ được mối quan hệ. Hơn nữa, khoan dung đối với người khác mang lại sự thanh thản và thoải mái cho chúng ta, và chúng ta cũng được yêu thương và tôn trọng hơn từ người khác. Nếu không ai trong xã hội có lòng khoan dung, tình thương sẽ thiếu hụt và con người sẽ cách xa nhau. Người khoan dung thường không tính toán mất/giành với người khác, họ sẵn lòng nhượng bộ trong một cuộc tranh cãi và sẵn lòng tha thứ cho lỗi lầm của người khác để duy trì mối quan hệ.
Mỗi người có quyền tự chọn cách sống và cách hành xử của mình. Không ai là hoàn hảo, nhưng khi chúng ta cố gắng hoàn thiện bản thân, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức mà chúng ta đã đổ ra. Điều quan trọng là chúng ta không chỉ tập trung vào những lỗi lầm của người khác mà còn nhìn vào bản thân mình. Chúng ta cần nhận thức rằng mọi người đều có khía cạnh không hoàn hảo và thường gặp phải những thử thách khác nhau trong cuộc sống. Khi chúng ta hiểu điều này, chúng ta sẽ có lòng thông cảm và khoan dung hơn đối với người khác. Ngày nay, trong xã hội vẫn còn nhiều người ích kỷ, hẹp hòi, chỉ quan tâm đến bản thân mình mà không suy nghĩ đến người khác. Họ sẵn lòng làm những hành động xấu để đạt được mục tiêu cá nhân. Một số người cũng quá khoan dung, không biết phân định đúng sai, và tha thứ cho những lỗi lầm không đáng để không cần thiết tự gây khổ cho bản thân. Những người này cần được chỉ trích và phê phán.
Để xây dựng một xã hội hòa bình và đáng sống, chúng ta cần thể hiện lòng khoan dung và tôn trọng đối với sự đa dạng ý kiến và quan điểm của người khác. Chúng ta có thể không đồng ý với nhau, nhưng chúng ta cần học cách lắng nghe và thấu hiểu quan điểm của nhau. Điều này giúp chúng ta xây dựng được môi trường giao tiếp và hợp tác tích cực, nơi mà mọi người có thể học hỏi và phát triển. Và sự khoan dung không chỉ là một phẩm chất tốt cho chính chúng ta mà còn mang lại lợi ích cho xã hội và mối quan hệ cá nhân của chúng ta. Bằng cách thể hiện sự khoan dung và tha thứ, chúng ta đóng góp vào một thế giới tử tế hơn, nơi mà mọi người có thể sống và làm việc cùng nhau một cách hài hòa và đồng lòng.
Chúng ta hãy tạo điều kiện cho lòng khoan dung phát triển trong bản thân và xung quanh mình. Hãy bắt đầu từ việc thay đổi cách suy nghĩ và tiếp cận với những tình huống khác nhau. Thay vì lập tức phê phán và chỉ trích, hãy cố gắng hiểu rõ hơn về nguyên nhân và hoàn cảnh mà người khác đang đối mặt. Hãy đặt mình vào vị trí của người khác và cố gắng hiểu rõ hơn về các hoàn cảnh, nhu cầu và động cơ của họ. Điều này giúp chúng ta xây dựng sự đồng cảm và tạo mối liên kết tốt hơn với những người xung quanh. Khi chúng ta có khả năng nhìn thấy từ góc nhìn của người khác, chúng ta sẽ tự tin hơn trong việc đối phó với những tình huống phức tạp và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Khoan dung là một phẩm chất đáng quý, một truyền thống văn hóa cao quý của dân tộc chúng ta. Nó đại diện cho khả năng chấp nhận những sai lầm mà người khác đã gây ra đối với chúng ta, và trong đó chúng ta có thể tha thứ cho họ. Để làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp và đầy lòng nhân ái hơn, chúng ta cần sống một cách chân thành, luôn bao dung và rộng lượng, và thể hiện lòng dung thứ đối với những người xung quanh chúng ta.
3. Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác - Mẫu 3
Bạn có chắc bản thân mình chưa bao giờ hoặc không bao giờ mắc lỗi không? Khi mắc lỗi bạn có mong nhận được sự khoan dung của người khác để mình có thể sửa đổi không? Từ những câu hỏi trên, chắc hẳn bạn đã nhận thức được phần nào ý nghĩa quan trọng của khoan dung. Khoan dung là tấm lòng rộng lượng, sẵn sàng tha thứ, bỏ qua cho lỗi lầm của người khác; đồng thời người có lòng khoan dung là người có tấm lòng nhân hậu với mọi người. Người có lòng khoan dung là những người thường không tính toán thiệt hơn, hơn thua với người khác, sẵn sàng nhường nhịn trong một cuộc tranh luận. Người có lòng khoan dung là người sẵn sàng tha thứ với lỗi lầm của người khác với mình để tiếp tục duy trì mối quan hệ hiện tại. Xã hội này cần lắm những con người có lòng khoan dung để xây dựng cuộc sống trên nền tảng của sự cảm thông, thấu hiểu, yêu thương nhau. Việc khoan dung, vị tha, tha thứ cho lỗi lầm của người khác góp phần làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, mối quan hệ sẽ vẫn có thể duy trì được. Khoan dung với người khác sẽ làm chúng ta cảm thấy thanh thản, thoải mái hơn, đồng thời chúng ta cũng được người khác yêu thương, tôn trọng hơn. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, để đạt được mục tiêu của mình không ngại làm chuyện xấu; lại có những người quá khoan dung không biết lựa chọn đúng sai mà tha thứ cho những lỗi lầm không xứng đáng để làm khổ bản thân mình hết lần này đến lần khác. Mỗi người cần rèn luyện cho bản thân mình tấm lòng khoan dung, sống rộng lượng, tha thứ cho người khác nếu bản thân cảm thấy người ta xứng đáng. Chúng ta cũng cần sống chan hòa với mọi người xung quanh, sẵn sàng cho đi yêu thương, san sẻ với người khác để xây dựng xã hội nhân văn hơn. Cuộc sống cần lắm những người có tấm lòng khoan dung, hãy yêu thương chân thành và sẵn sàng rộng lượng với mọi thứ quanh mình.
4. Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác - Mẫu 4
Mỗi con người chỉ được sống một lần duy nhất trong đời, chúng ta sẽ gặp phải nhiều câu chuyện không thể lường trước được. Sẽ có lúc chúng ta mắc sai lầm và cũng có lúc người khác phạm sai lầm với ta. Chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản khi được người khác tha thứ cho lỗi lầm của mình cũng như chính chúng ta hãy luôn giữ cho mình lòng khoan dung với người khác.
Vậy thế nào là khoan dung? Khoan dung chính là tấm lòng rộng lượng, sẵn sàng tha thứ, bỏ qua cho lỗi lầm của người khác gây ra cho mình dù là vô tình hay cố ý; đồng thời người có lòng khoan dung là người có tấm lòng nhân hậu với mọi người.
Trong cuộc sống, chúng ta hoặc người khác sẽ không tránh khỏi việc mắc sai lầm, việc khoan dung, tha thứ cho lỗi lầm của người khác góp phần làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, mối quan hệ sẽ vẫn có thể duy trì được. Bên cạnh đó, khoan dung với người khác sẽ làm chúng ta cảm thấy thanh thản, thoải mái hơn, đồng thời chúng ta cũng được người khác yêu thương, tôn trọng hơn. Nếu tất cả con người trong xã hội không có lòng khoan dung thì xã hội sẽ thiếu đi tình thương của con người, con người sẽ trở nên xa lánh nhau. Người có lòng khoan dung thường không tính toán thiệt hơn, hơn thua với người khác, sẵn sàng nhường nhịn trong một cuộc tranh đấu. Họ cũng là người sẵn sàng tha thứ với lỗi lầm của người khác với mình để tiếp tục duy trì mối quan hệ.
Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, để đạt được mục tiêu của mình không ngại làm chuyện xấu; lại có những người quá khoan dung không biết lựa chọn đúng sai mà tha thứ cho những lỗi lầm không xứng đáng để làm khổ bản thân mình hết lần này đến lần khác,… những người này cần bị phê phán, chỉ trích.
Mỗi con người được tự lựa chọn cho mình cách sống, cách cư xử. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.
5. Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác - Mẫu 5
Lịch sử Việt Nam từ ngàn xưa từng bị nhiều phong kiến, đế quốc xâm lược và chúng ta đã chống lại ách xâm lược đó hàng ngàn năm. Dù thời gian ngắn hay dài, cuối cùng chiến thắng đều thuộc về chính nghĩa, về dân tộc đã không tiếc máu xương, sức lực để giữ gìn sự vẹn toàn của non sông gấm vóc. Có điều là các thế lực xâm lăng đã gây bao thương đau cho dân tộc, cho nhân dân, nhưng khi chiến tranh kết thúc, chúng ta đều đối xử với họ rất nhân đạo. Quả thực là đức khoan dung độ lượng đã trở thành thuộc tính, thành bản chất của con người Việt Nam. Lòng khoan dung cũng là yếu tố làm nên sức mạnh của dân tộc ta. Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô Đại cáo: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân"; Trước khi giã biệt trần gian, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã khuyên Vua Trần quyết sách giữ nước: "Hãy khoan cho sức dân để giữ kế rễ bền gốc sâu".
Lòng khoan dung rất cần nhưng cũng phải đặt đúng nơi, đúng lúc. Hai võ sĩ trên võ đài sẽ không ai chiến thắng nếu ai cũng không dám ra đòn vì sợ đối phương đau đớn, lúc này khoan dung thể hiện ở chỗ đúng luật, không "Chơi xấu" khi đối phương đã chịu thua. Napoleon nói "Khoan dung với tội lỗi là đồng tình với tội lỗi". Khoan dung, độ lượng là phẩm chất cao quý trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Giặc pháp xâm lược nước ta, chúng ta phải tự vệ, nhưng khi cả hai bên đều đổ máu, Người không cầm được nước mắt mà than rằng: Than ôi! máu Pháp hay máu Việt Nam cũng đều là máu đỏ, giá thế gian này hết chiến tranh thì hạnh phúc biết mấy. Đức khoan dung đó hiện nay toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam đang học tập và làm theo.
Có điều là hình như trong gian nan khốn khó, trong chiến tranh, khi sự sống và cái chết chỉ gần nhau trong gang tấc, lòng khoan dung mới có dịp phát triển và thể hiện rõ nét, còn bình thường khi người khôn càng nhiều, người đàng hoàng tử tế ít, lòng khoan dung cũng hạn chế đi nhiều vậy. Cứ quan sát trong lĩnh vực giao thông, đâu rồi hành vi nhường nhịn cụ già, em nhỏ, phụ nữ có thai? Đâu rồi lời cảm ơn, câu xin lỗi… Chỉ thấy người ta chen lấn, lạng lách, "sống chết mặc bay" trên đường, chỉ thấy người ta nhìn nhau bằng những ánh mắt "mang hình viên đạn" và những câu chửi thề thay cho lời xin lỗi, cảm ơn! Trong gia đình cũng vậy, sau khi đã qua rồi cái thuở yêu đương nồng cháy, người ta bắt đầu đưa lối ứng xử thiếu văn hóa vào trong quan hệ vợ chồng, cha con, anh em. Bác Hồ đã thẳng thắn phê bình: "Sao khi thì anh anh em em, mà khi thì lại thụi người ta? Nếu có đánh vợ thì phải sửa vì như vậy là dã man, là phạm pháp luật. Đàn ông là công dân, đàn bà cũng là công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác là phạm pháp". Thật đáng buồn là trong những năm gần đây, bạo lực trong gia đình, bạo lực học đường và bạo hành trong xã hội đều tăng rất nhiều lần. Cuộc đời chúng ta có ba người thầy đáng tôn kính nhất là thầy mẹ, thầy giáo và thầy thuốc thì hiện nay đều "có vấn đề", đạo đức xã hội bị xuống cấp nghiêm trọng, tôn ti trật tự bị đảo lộn khá nhiều…Thiếu khoan dung làm cho con người chấp nhặt, vô cảm trong các quan hệ xã hội, trong tình người. Khi đã thiếu khoan dung thì làm sao còn tình yêu thiên nhiên, môi trường, động vật… và đương nhiên sẽ phải trả giá cao cho "sự độc ác" của mình. Theo các nhà tâm lý học, nguyên nhân của thiếu khoan dung là sự thiếu hiểu biết, thói ích kỉ và nỗi sợ hãi. Con người hay so đo tính toán thiệt hơn, quen quy về giá trị đồng tiền kể cả các quan hệ thiêng liêng như tình cảm vợ chồng, nghĩa thầy trò, cha con, tình đồng chí, đồng đội. Cần phải biết rằng: thái độ và ứng xử khoan dung sẽ giúp con người đứng trên mọi hoàn cảnh, họ sẽ sống chan hòa, nhân ái, hiểu biết và gắn bó với nhau hơn. Những người có lòng khoan dung sẽ được xã hội, được mọi người kính trọng, mà giá trị không thể cân đong đo đếm tính được như đồng tiền. Nên biết rằng: Cái gì tính được bằng tiền thì cái đó rẻ. "Trong đối nhân xử thế nhường một bước là cao; lùi bước là nền móng của sự tiến bộ; đối xử với mọi người rộng lượng là phúc; đem lợi ích đến cho người khác là đem lại lợi ích cho mình".
---------------------------
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Trình bày suy nghĩ của em về câu nói sau: “Khoan dung là đức tính đem lợi về cho ta lẫn người khác.” cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Hy vọng đây là tài liệu hay giúp các em nắm được các ý chính, từ đó dễ dàng triển khai bài viết đạt điểm cao. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 8 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 8 và biết cách soạn bài lớp 8 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2.