Từ nhân vật Nguyễn Huệ em có suy nghĩ gì về vai trò của thanh niên trong việc bảo vệ chủ quyền của tổ quốc hiện nay
Những bài văn mẫu hay lớp 9
Văn mẫu lớp 9: Từ nhân vật Nguyễn Huệ em có suy nghĩ gì về vai trò của thanh niên trong việc bảo vệ chủ quyền của tổ quốc hiện nay gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Đề bài: Cảm nhận về người anh hùng Nguyễn Huệ trong hồi 14 Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái. Từ nhân vật Nguyễn Huệ em có suy nghĩ gì về vai trò của thanh niên trong việc bảo vệ chủ quyền của tổ quốc hiện nay
Bài làm 1
Nguyễn Huệ - người anh hùng áo vải ở đất Tây Sơn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam Người anh hùng áo vải ấy với thiên tài quân sự của mình đã đánh tan ba mươi vạn quân Thanh xâm lược, khiến cho bọn bán nước cầu vinh ê chề nhục nhã. Có thể nói hồi thứ mười bốn trong tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” của nhóm Ngô gia văn phái đã phán ánh khá đầy đủ chân dung người anh hùng Nguyễn Huệ. Càng đọc chúng ta càng khâm phục tài năng xuất chúng của người anh hùng áo vải đất Tây Sơn ấy.
Chân dung người anh hùng Nguyễn Huệ, trước hết được miêu tả gián tiếp qua lời người con gái hầu hạ trong cung vua, tâu với bà Hoàng Thái hậu. Mặc dù vẫn xem Nguyễn Huệ là “giặc”, gọi Nguyễn Huệ bằng “hắn” nhưng người cung nhân ấy cũng không giấu được sự thán phục của mình trước tài năng xuất chúng của Nguyễn Huệ. Đây là một đoạn trong lời tâu của cung nhân: "... Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện dũng mãnh lại có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam ẩn hiện như quỷ thần không ai có thể lường hết. Hắn bắt Hữu Chính như đứa trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn...” Trong khi nói những lời ấy chắc người cung nhân đã chọn lời lẽ vừa phải, thích hợp chưa dám bộc lộ hết ý nghĩ của mình về Nguyễn Huệ, nhưng một người vốn xem Nguyễn Huệ là “giặc” thán phục đến như thế đủ biết Nguyễn Huệ tài năng đến mức nào.
Ngay những người thuộc nhóm Ngô gia văn phái vốn theo “chính thống”, phần nào bị quan điểm “chính thống” chi phối, trước thiên tài của Nguyễn Huệ vẫn phải ca ngợi Nguyễn Huệ một cách trung thực, khách quan. Qua việc miêu tả trực tiếp cuộc hành quân thần tốc, tác giả đã cho mọi người thấy tài năng quân sự xuất chúng của người anh hùng áo vải Tây Sơn.
Được tin quân Thanh kéo vào Thăng Long, Nguyễn Huệ giận lắm, định cầm quân đi ngay. Nhưng Nguyễn Huệ đã biết nghe theo lời khuyên của mọi người, cho đắp đàn ở núi Bân tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung. Lễ xong mới hạ lệnh xuất quân. Điều này chứng tỏ mặc dù tài năng hơn người nhưng Nguyễn Huệ rất biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác. Riêng phẩm chất ấy của ông cũng đáng để chúng ta kính nể, học tập. Việc Nguyễn Huệ tự mình đốc xuất đại binh tiến ra Thăng Long vào đúng thời điểm tết Nguyên Đán cũng chứng tỏ phần nào tài năng quân sự của ông. Bởi vì đó là thời điểm kẻ thù ít đề phòng nhất, dễ lơ là cảnh giác nhất. Nguyền Huệ rất hiểu sức mạnh tinh thần, ông không chỉ có tài cầm quân mà còn có tài hùng biện. Trong lời dụ của mình, ông đã khích lệ được lòng yêu nước, căm thù giặc, truyền thống chống ngoại xâm cho tướng sĩ: "... Quân Thanh sang xâm lược nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? ... Người phương Bắc không phải giống nòi nước ta bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân ta, vơ vét của cải người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng di. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ, các Ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo nên đã thuận lònq người, dấy nghĩa quân đều chỉ đánh một trận là thắng là đuổi được chúng về phương Bắc...” Lời dụ của Quang Trung có sức thuyết phục không kém “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn. Một điều mà các tác giả "Hoàng Lê nhất thống chí" hết sức khâm phục Nguyễn Huệ là tài dùng người. Tiêu biểu là việc cài Ngô Thời Nhậm ở lại làm việc với các tướng Sở và Lân. Sự việc diễn ra đúng như dự đoán của Nguyễn Huệ. Ngô Thì Nhậm đã phát huy vai trò của mình “Biết nhẫn nhịn để tránh mũi nhọn”, “bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng" ... Nguyễn Huệ còn dự đoán chính xác những sự việc sắp xảy ra. Ông là một người đầy tự tin: “Lần này ta ra thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn, chẳng qua mười ngày có thể đuổi được người Thanh”. Nhưng ông cũng luôn luôn đề phòng hậu họa: “Quân Thanh thua trận ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù. Như thế việc binh đao không bao giờ dứt”. Và ông đã dự định chọn người “ khéo lời lẽ" đế “dẹp việc binh đao” đó cũng là lời Ngô Thì Nhậm. Qua cách nghĩ của vua Quang Trung, ta thấy ông không chỉ nhìn xa trông rộng mà còn hết lòng vì dân. Ông không muốn dân phải luôn luôn chịu cảnh binh đao xương rơi máu chảy. Trong khi tiến quân ông cũng chọn cách tránh cho quân sĩ đỡ phải tổn thất: "Vua truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phú kín. Quân Thanh nổ súng bắn ra chẳng trúng người nào cả”. Đó là cái giỏi cũng là cái tâm của người cầm quân.
Đoạn thuật lại việc Quang Trung đại phá quân Thanh trong hồi mười bốn (Hoàng Lê nhất thống chí) của nhóm Ngô gia văn phái hết sức sinh động. Qua đó người đọc có thể hình dung được chân dung của người anh hùng áo vải. Quang Trung không chỉ là nhà quân sự thiên tài “xuất quỷ, nhập thần” mà còn là một vị tướng giàu lòng yêu nước, có ý thức dân tộc hết sức sâu sắc. Ông là hình ảnh đối lập với những tên vua bán nước, hèn nhát. Quang Trung mãi mãi được mọi người kính phục, yêu mến.
Bài làm 2
Ở bất cứ thời kì lịch sử nào, đoàn viên thanh niên luôn được xem là rường cột và tương lai của đất nước, đặc biệt là trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.
Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thanh niên là lực lượng hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào yêu nước như phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Châu Trinh…Khi truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin vào Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn đối tượng thanh niên để xây dựng tổ chức cách mạng đầu tiên cho dân tộc là Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và xuất bản tờ báo Thanh Niên. Năm 1926-1927, Người trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo nhiều thanh niên Việt Nam yêu nước, rồi đưa trở về nước xây dựng phát triển phong trào cách mạng, trong số đó nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta. Từ ngày 20-26/3/1931, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, Trung ương Đảng đã dành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và đi đến những quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn.
Trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, khi đề cập đến đoàn viên thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã luôn xác định đoàn viên thanh niên là lực lượng xung kích của cách mạng và đề ra nhiều chủ trương giáo dục, bồi dưỡng, tổ chức đoàn viên thanh niên thành lực lượng tin cậy, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Thực vậy, xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần dân tộc, ý chí kiên cường của lực lượng thanh niên luôn được phát huy cao độ.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam đã tập hợp hàng triệu đoàn viên thanh niên làm nhiệm vụ xung kích bảo vệ và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như mở đường cho bộ đội hành quân, đảm bảo giao thông của ta và phá hoại giao thông cản bước tiến của địch, vận tải vũ khí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, rà phá bom mìn, vận chuyển và chăm sóc thương bệnh binh ở các chiến dịch lớn như Biên giới, Tây Bắc, Bình Trị Thiên, Liên khu V, đặc biệt là tại mặt trận Điện Biên Phủ, đoàn viên thanh niên đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong những năm kháng chiến chống Mĩ, phong trào “Ba sẵn sàng” ở miền Bắc hòa nhịp với phong trào “Năm xung phong” ở miền Nam tạo nên khí thế cách mạng sôi nổi của đoàn viên thanh niên trên khắp cả nước. Tất cả điều đó đã chứng tỏ Đoàn Thanh niên “xứng đáng là trường học cộng sản chủ nghĩa của lớp người trẻ tuổi, là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng”.