Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Địa lí 9 Chân trời sáng tạo Bài 13: Bắc Trung Bộ

Địa lí 9 Chân trời sáng tạo Bài 13: Bắc Trung Bộ hướng dẫn trả lời các câu hỏi môn Lịch sử trong SGK Lịch sử và Địa lí 9 Chân trời sáng tạo, giúp các em nắm chắc kiến thức được học trong bài và luyện giải Địa 9 hiệu quả.

1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

Câu hỏi trang 176 Địa Lí 9: Dựa vào hình 13.1 và thông tin trong bài, hãy xác định trên bản đồ vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của Bắc Trung Bộ.

Trả lời:

- Lãnh thổ kéo dài, hẹp ngang, gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Diện tích tự nhiên khoảng 51,2 nghìn km2, chiếm gần 15,5% diện tích cả nước (2021).

- Có vùng biển rộng lớn, đường bờ biển dài, nhiều đảo, một số đảo ven bờ lớn có ý nghĩa về kinh tế và an ninh quốc phòng như hòn Mê (Thanh Hóa), hòn Ngư (Nghệ An), đảo Yến (Quảng Bình), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị),…

- Giáp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Nam Trung Bộ và nước láng giềng Lào; phía đông là Biển Đông.

2. Đặc điểm điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Câu hỏi trang 176 Địa Lí 9: Dựa vào hình 13.1, hình 13.2 và thông tin trong bài, hãy:

- Trình bày đặc điểm phân hóa tự nhiên của Bắc Trung Bộ.

- Giải thích ảnh hưởng của tự nhiên đến sự hình thành cơ cấu kinh tế của Bắc Trung Bộ.

Trả lời:

Đặc điểm phân hóa tự nhiên của Bắc Trung Bộ và ảnh hưởng đến sự hình thành cơ cấu kinh tế:

- Địa hình: lãnh thổ trải dài theo chiều bắc - nam, các dạng địa hình từ tây sang đông phân hóa thành núi, đồi ở phía tây, đồng bằng ven biển và vùng biển đảo ở phía đông. Đặc điểm này tạo điều kiện hình thành cơ cấu kinh tế đặc trưng lâm nghiệp, nông nghiệp, khai thác, nuôi trồng hải sản.

- Đất: có sự phân hóa theo địa hình, đất phù sa ở các đồng bằng thuộc Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,…; đất cát phân bố ven biển phía đông; khu vực đồi núi phía tây có đất feralit; thuận lợi phát triển sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp hàng năm, cây công nghiệp lâu năm, chăn nuôi gia súc lớn và trồng rừng.

- Khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh có sự phân hóa. Đầu mùa hạ chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam gây ra thời tiết khô nóng, lượng mưa lớn tập trung vào cuối mùa hạ. Đặc điểm này ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động sản xuất, nhất là tính mùa vụ, tình hình phân bố và đa dạng hóa cơ cấu cây trồng.

- Nước: sông ngòi ngắn và dốc, một số sông lớn là sông Mã, Cả, Giang,… Thượng lưu các con sông nước chảy xiết, nhiều thác ghềnh tạo giá trị thủy điện; hạ lưu sông thuận lợi phát triển giao thông đường thủy, du lịch. Một số sông ngòi gắn với giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Nguồn nước ngầm, nước khoáng khá phong phú với một số mỏ lớn như Bang (Quảng Bình), Thanh Tân (Thừa Thiên Huế),…

- Rừng: tài nguyên rừng khá lớn với 3,1 triệu ha đất lâm nghiệp có rừng, có 2,2 triệu ha đất rừng tự nhiên (2021), cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Rừng phần lớn là rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn ở vùng núi phía tây. Rừng có tính đa dạng sinh học cao, nhiều loài quý hiếm như trầm hương, sao la, voọc,… Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên (Pù Luông, Kẻ Gỗ,…), các vườn quốc gia (Bến En, Pù Mát, Phong Nha - Kẻ Bàng,…), khu dự trữ sinh quyển thế giới (Tây Nghệ An) đem lại giá trị cao về mặt môi trường.

- Khoáng sản phong phú, một số loại có trữ lượng lớn như crôm (Thanh Hóa), sắt (Hà Tĩnh), thiếc (Nghệ An), đá vôi xi măng ở hầu hết các tỉnh, nhiều nhất ở Thanh Hóa, Nghệ An;… tạo thuận lợi phát triển một số ngành công nghiệp.

- Biển, đảo: có đường bờ biển dài, vùng biển rộng lớn với một số đảo, giàu tiềm năng phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển, đảo: giao thông vận tải biển (xây dựng các cảng biển Thanh Hóa, Nghệ An,…), du lịch (nhiều bãi tắm đẹp như Nhật Lệ, Lăng Cô,…), khai thác khoáng sản biển (muối,…), khai thác và nuôi trồng hải sản (nguồn tài nguyên sinh vật vật biển phong phú).

- Có nhiều thiên tai như bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán,… cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu gây khó khăn cho sản xuất và đời sống.

3. Đặc điểm phân bố dân cư

Câu hỏi trang 179 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin trong bài, hãy trình bày và giải thích đặc điểm phân bố dân cư ở Bắc Trung Bộ.

Trả lời:

- Năm 2021, số dân Bắc Trung Bộ khoảng 11,2 triệu người, chiếm 11,3% cả nước. Mật độ dân số trung bình là 218 người/km2, cao nhất là Thanh Hóa 335 người/km2, thấp nhất là Quảng Bình với 114 người/km2. Khu vực đồng bằng ven biển phía đông có nhiều điều kiện thuận lợi nên tập trung đông dân, vùng đồi núi phía tây có mật độ dân số thấp do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất.

- Tỉ lệ dân thành thị chiếm 25,5% số dân (2021), xu hướng tăng.

- Là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc, trong đó có các dân tộc như Thái, Mường, Tày, HMông, Bru - Vân Kiều,… cư trú với mật độ đông hơn ở phía tây; ở phía đông, người Kinh phân bố đông hơn.

4. Đặc điểm phát triển và phân bố kinh tế

Câu hỏi trang 179 Địa Lí 9: Dựa vào hình 13.3, bảng số liệu và thông tin trong bài, hãy nhận xét tốc độ tăng trưởng và cơ cấu kinh tế Bắc Trung Bộ.

Trả lời:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng tăng nhanh trong giai đoạn 2015 - 2021, từ 4,0% lên 10,0%.

- Cơ cấu kinh tế đang có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tăng, từ 28,5% (2015) lên 37,7% (2021). Tỉ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm, từ 22,5% (2015) xuống 18,5% (2021). Tỉ trọng ngành dịch vụ cũng giảm, một phần do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giảm từ 43% (2015) xuống 37,4% (2021).

Câu hỏi trang 181 Địa Lí 9: Dựa vào hình 13.3 và thông tin trong bài, hãy phân tích sự phát triển và phân bố nông nghiệp, lâm nghiệp ở Bắc Trung Bộ.

Trả lời:

- Nông nghiệp:

+ Sản xuất nông nghiệp được đầy tư theo chiều sâu, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất. Dải đồng bằng ven biển Thanh - Nghệ - Tĩnh trở thành nơi sản xuất lúa chủ yếu.

+ Một số cây công nghiệp hàng năm như lạc, mía,… trồng với diện tích khá lớn trên các vùng đất cát pha ven biển, chủ yếu ở Thanh - Nghệ - Tĩnh.

+ Cây công nghiệp lâu năm như hồ tiêu, cao su, chè,…; cây ăn quả như cam, bười,… trồng nhiều ở khu vực gò đồi.

+ Chăn nuôi trâu, bò được phát triển mạnh, đặc biệt là đàn bò sữa ở Thanh Hóa, Nghệ An.

- Lâm nghiệp:

+ Là ngành có thế mạnh phát triển, năm 2021, diện tích đất có rừng chiếm 57,4% tổng diện tích tự nhiên, cao hơn trung bình cả nước.

+ Hoạt động bảo vệ rừng được tích cực triển khai, cấm khai thác rừng tự nhiên, thành lập các khu bảo tồn, đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay ven biển,…

+ Hoạt động khai thác, chế biến kết hợp với trồng và tu bổ rừng được chú trọng, đặc biệt ở khu vực đồi núi phía tây của vùng.

+ Lâm nghiệp ngày càng phát triển nhờ mở rộng mô hình nông lâm kết hợp, canh tác trên đất dốc, đem lại lợi ích kinh tế và góp phần phòng chống thiên tai.

Câu hỏi trang 182 Địa Lí 9: Dựa vào hình 13.3 và thông tin trong bài, hãy phân tích thế mạnh về du lịch ở Bắc Trung Bộ.

Trả lời:

- Vị trí địa lí thuận lợi, nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, đặc sắc:

+ Tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị nổi bật như hệ thống hang động (Phong Nha - Kẻ Bàng), bãi biển đẹp (Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm,…), các khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia với hệ sinh thái đa dạng (Tây Nghệ An, Bến En,…)

+ Tài nguyên du lịch văn hóa: hệ thống di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, âm nhạc, ẩm thực, các lễ hội, làng nghề, phong tục tập quán,… phong phú và đa dạng như Thành nhà Hồ, Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, lễ hội Điện Hòn Chén, làng nghề đúc đồng Trà Đúc,…

Câu hỏi trang 182 Địa Lí 9: Dựa vào hình 13.3 và thông tin trong bài, hãy phân tích vấn đề phát triển kinh tế biển, đảo ở Bắc Trung Bộ.

Trả lời:

- Giàu tiềm năng để phát triển kinh tế biển, đảo với đường bờ biển dài, nhiều vịnh biển, các bãi biển đẹp, vùng biển có nhiều bãi cá, tôm.

- Các hoạt động khai thác và nuôi trồng hải sản, giao thông vận tải biển, du lịch biển, khai thác khoáng sản biển,… ngày càng phát triển.

+ Khai thác và nuôi trồng hải sản: sản lượng ngày càng tăng nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi tiên tiến; phát triển nghề cá xa bờ, các trung tâm nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá ở Nghệ An, Quảng Bình.

+ Giao thông vận tải biển: dọc bờ biển đã hình thành các cảng biển liên vùng, quốc tế như cảng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế,… gắn với sự hình thành và phát triển của các khu kinh tế ven biển.

+ Khai thác khoáng sản biển: tiềm năng về cát thủy tinh ở Quảng Bình, Quảng Trị; ti-tan ở Hà Tĩnh.

+ Du lịch biển: đẩy mạnh phát triển các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

- Còn nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế biển, đảo như thiên tai, biến đổi khí hậu (nhiệt độ tăng, nước biển dâng,…), vấn đề môi trường biển (rác thải nhựa, chất thải rắn,…).

- Tương lai, nhằm khai thác tốt tiềm năng và hướng đến mục tiêu bền vững phát triển kinh tế biển, đảo ở Bắc Trung Bộ cần khai thác trên quan điểm tổng hợp, chú ý bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng.

- Một số giải pháp cần tập trung triển khai:

+ Phát triển các ngành kinh tế biển, đảo sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ hệ sinh thái như công nghệ sinh học biển, du lịch biển,…

+ Khuyến khích khai thác hải sản xa bờ, phát triển nuôi trồng hải sản ở khu vực ven biển; đầu tư hạ tầng, tăng cường ứng dụng công nghệ kĩ thuật trong khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản.

+ Đầu tư phát triển hệ thống cảng biển liên vùng, quốc tế; trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; mở rộng giao lưu, hợp tác phát triển các hoạt động kinh tế biển, đảo giữa các vùng trong nước và khu vực.

+ Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo để phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng, xây dựng các điểm neo đậu tránh bão ở các vịnh, vùng cửa sông và đảo ven bờ.

+ Tăng cường quản lí tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên ven bờ.

Luyện tập - Vận dụng

Luyện tập 1 trang 183 Địa Lí 9: Nêu thuận lợi của vị trí địa lí đối với phát triển kinh tế ở Bắc Trung Bộ.

Trả lời:

- Có vùng biển rộng lớn, đường bờ biển dài, nhiều đảo, một số đảo ven bờ lớn có ý nghĩa về kinh tế và an ninh quốc phòng như hòn Mê (Thanh Hóa), hòn Ngư (Nghệ An), đảo Yến (Quảng Bình), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị),… Tạo thuận lợi phát triển tổng hợp kinh tế biển, là cơ sở đảm bảo vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc phòng

- Giáp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Nam Trung Bộ và nước láng giềng Lào; phía đông là Biển Đông. Thuận lợi kết nối, giao lưu kinh tế với các vùng trong cả nước và với quốc tế.

- Vị trí thuận lợi cho việc kết nối với khu vực phía bắc và phía nam nhờ các tuyến giao thông xuyên quốc gia. Những tuyến đường ngang nối các thành phố, cảng biển phía đông với các cửa khẩu trên biên giới Việt - Lào phía tây, vị trí gần đường hải hải quốc tế tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Luyện tập 2 trang 183 Địa Lí 9: Lập sơ đồ thể hiện những thuận lợi và khó khăn trong phát triển tổng hợp kinh tế biển, đảo ở Bắc Trung Bộ.

Trả lời:

Vận dụng trang 183 Địa Lí 9: Sưu tầm và viết đoạn văn ngắn giới thiệu về một tài nguyên du lịch ở Bắc Trung Bộ mà em ấn tượng nhất.

Trả lời:

Vườn Quốc gia, Di sản Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, có tổng diện tích là 85.754 ha, nằm ở vị trí Tây Bắc tỉnh Quảng Bình. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, được thành lập vào ngày 12/12/2001, có một hệ thống động thực vật phong phú, và đa dạng. Hệ thực vật đã thống kê được 193 họ, 906 chi. 2651 loài trong đó có 116 loài được ghi vào sách đỏ Việt Nam. Hệ động vật là 735 loài có xương sống; 132 loài thú; 338 loài chim; 96 loài bò sát; 45 loài lưỡng hệ. 124 loài cá nước ngọt trong đó có 91 loài được ghi vào sách đỏ; 72 loài cần được ưu tiên bảo vệ.

Tại vườn Phong Nha - Kẻ Bàng, hiện có một số dân tộc thiểu số như: các tộc người Rục, người Arem với số lượng người nhỏ nhất ở Việt Nam. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới, vào năm 2003, và 2015. Gần đây nhất tháng 12/2017, vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đã được công bố là một trong hai điểm du lịch Việt Nam hấp dẫn nhất trong nước.

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, được hình thành cách đây trên 500 triệu năm. Đặc trưng của vườn là hệ thống núi đá vôi khổng lồ, lớn nhất thế giới; với địa chất, địa mạo nổi bật, đa dạng. Nằm dưới tán lá rừng nhiệt đới, là một gia tài lớn về hệ thống động thực vật, và là “Vương Quốc Hang Động” trong lòng đất với hơn 400 hang động lớn nhỏ. Mỗi hang động đều mang trong mình nét đẹp riêng lung linh tuyệt đẹp.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Lịch sử Địa lí 9 Chân trời sáng tạo

    Xem thêm