Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Lịch sử 9 Kết nối tri thức bài 14

Lịch sử 9 Bài 14: Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược giai đoạn 1946 - 1950 hướng dẫn trả lời các câu hỏi môn Lịch sử 9 trong SGK Lịch sử và Địa lí 9. Thông qua đây các em học sinh đối chiếu với lời giải của mình, hoàn thành bài tập hiệu quả.

1. Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ

Câu hỏi 1 trang 68 Lịch Sử 9:

Nêu một số hoạt động thể hiện âm mưu xâm lược toàn bộ Việt Nam của thực dân Pháp.

Trả lời:

- Một số hoạt động thể hiện âm mưu xâm lược toàn bộ Việt Nam của thực dân Pháp:

  • Thực dân Pháp đã bội ước, liên tiếp có những hành động gây hấn, khiêu khích và vi phạm các văn bản kí kết.
  • Quân Pháp đã chiếm đóng trái phép Sở Tài chính, Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội (25 – 6–1946), thực hiện kế hoạch lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lập “Chính phủ Nam Kì tự trị”,...
  • Tháng 11/1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng,...

Câu hỏi 2 trang 68 Lịch Sử 9:

Hãy giải thích nguyên nhân bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.

Trả lời:

- Nguyên nhân bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược:

  • Ngày 17/12/1946, quân Pháp gây ra vụ thảm sát ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh (Hà Nội).
  • Ngay sau đó, chúng liên tiếp gửi các tối hậu thư đòi Chính phủ ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, để cho quân Pháp làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội và quyền kiểm soát Thủ đô.

Câu hỏi trang 69 Lịch Sử 9:

Khai thác tư liệu 1 và thông tin trong mục, hãy trình bày nội dung và giải thích đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng.

Trả lời:

Nội dung cơ bản và giải thích đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng:

- Toàn dân: Cuộc kháng chiến do toàn dân tiến hành, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, đảng phái.

- Toàn diện: Cuộc kháng chiến diễn ra trên tất cả các mặt trận như quân sự, chính trị, kinh tế,...

- Trường kì: Cuộc kháng chiến phải tiến hành lâu dài do so sánh lực lượng lúc đầu giữa ta và địch chênh lệch.

- Tự lực cánh sinh: Vận mệnh của dân tộc phải do chính nhân dân Việt Nam quyết định, sự giúp đỡ bên ngoài chỉ là điều kiện hỗ trợ.

2 Một số thắng lợi tiêu biểu trong kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946-1950

Câu hỏi trang 69 Lịch Sử 9:

Trình bày những thắng lợi tiêu biểu trên mặt trận chính trị, ngoại giao trong những năm đầu kháng chống Pháp xâm lược (1946 – 1950).

Trả lời:

- Những thắng lợi tiêu biểu trên mặt trận chính trị, ngoại giao trong những năm đầu kháng chống Pháp xâm lược (1946 – 1950):

  • Việc di chuyển các cơ quan Đảng, Chính phủ,… lên căn cứ địa Việt Bắc là thắng lợi quan trọng để xây dựng lực lượng chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.
  • Chính quyền dân chủ nhân dân từ trung ương đến cơ sở được kiện toàn và củng cố để thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.
  • Công tác vận động đoàn kết dân tộc và tôn giáo được triển khai đã góp phần làm thất bại chính sách “dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp.
  • Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với các nước. Ngay sau đó, Trung Quốc, Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa khác như Tiệp Khắc, Ru-ma-ni, Ba Lan,... đã lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Câu hỏi trang 69 Lịch Sử 9:

Trình bày những thắng lợi tiêu biểu trên mặt trận kinh tế trong những năm đầu kháng chống Pháp xâm lược (1946 – 1950).

Trả lời:

- Những thắng lợi tiêu biểu trên mặt trận kinh tế trong những năm đầu kháng chống Pháp xâm lược (1946 – 1950):

  • Nền kinh tế kháng chiến được xây dựng để đảm bảo khả năng tự cấp, tự túc. Các hoạt động tăng gia sản xuất, trước hết là sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh.
  • Về công nghiệp, một số xí nghiệp quốc phòng và dân dụng có quy mô thích hợp đã lần lượt được xây dựng ở các vùng tự do, căn cứ kháng chiến. Các ngành khai khoáng, cơ khí, hoá chất, diêm, giấy,... từng bước đi vào hoạt động.

Câu hỏi trang 70 Lịch Sử 9:

Trình bày những thắng lợi tiêu biểu trên mặt trận văn hoá, giáo dục trong những năm đầu kháng chống Pháp xâm lược (1946 – 1950).

Trả lời:

- Những thắng lợi tiêu biểu trên mặt trận văn hoá, giáo dục trong những năm đầu kháng chống Pháp xâm lược (1946 – 1950):

  • Văn hoá, giáo dục được chú trọng nhằm bồi dưỡng sức mạnh tinh thần và trí tuệ của nhân dân để vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.
  • Phong trào Bình dân học vụ được tiếp tục đẩy mạnh. Đến tháng 6 – 1950, khoảng 10 triệu người đã được xóa nạn mù chữ.
  • Cuộc Cải cách giáo dục phổ thông lần thứ nhất được triển khai với mục tiêu đưa giáo dục phục vụ tích cực kháng chiến, xây dựng nền giáo dục dân tộc, dân chủ.

Câu hỏi 1 trang 72 Lịch Sử 9:

Trình bày những thắng lợi tiêu biểu trên mặt trận quân sự trong những năm đầu kháng chống Pháp xâm lược (1946 – 1950).

Trả lời:

- Những thắng lợi tiêu biểu trên mặt trận quân sự trong những năm đầu kháng chống Pháp xâm lược (1946 – 1950):

  • Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 (1946 – 1947).
  • Chiến dịch Việt Bắc thu – đông 1947 (từ tháng 10 đến tháng 12 – 1947).
  • Chiến dịch Biên giới thu - đông 1950 (từ tháng 9 đến tháng 10 – 1950).

Câu hỏi 2 trang 72 Lịch Sử 9:

Vì sao Chiến thắng Biên giới năm 1950 được coi là bước ngoặt của cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp xâm lược?

Trả lời:

- Chiến thắng Biên giới năm 1950 được coi là bước ngoặt của cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp xâm lược vì:

  • Đây là chiến dịch chủ động tiến công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực Việt Nam, giải phóng được vùng biên giới rộng lớn và mở đường liên lạc quốc tế, bảo vệ được căn cứ địa Việt Bắc, chọc thủng hành lang Đông – Tây, làm phá sản Kế hoạch Rơ-ve của Pháp
  • Từ đây, quân đội Việt Nam đã giành được thế chủ động trên chiến Trường chính Bắc Bộ, mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến

Luyện tập - Vận dụng

Luyện tập 1

Hãy chứng minh câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (12 – 1946): “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa".

Trả lời:

Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến hoàn toàn là có cơ sở bởi:

- Thực dân Pháp đã bội ước, liên tiếp có những hành động gây hấn, khiêu khích và vi phạm các văn bản kí kết khi đã chiếm đóng trái phép Sở Tài chính, Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội, thực hiện kế hoạch lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà, lập “Chính phủ Nam Kì tự trị”,...

- Tháng 11/1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng,...

- Ngày 17/12/1946, quân Pháp gây ra vụ thảm sát ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh (Hà Nội)

- Ngay sau đó, chúng liên tiếp gửi các tối hậu thư đòi Chính phủ ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, để cho quân Pháp làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội và quyền kiểm soát Thủ đô.

Luyện tập

Hoàn thành bảng (theo gợi ý dưới đây vào vở) về các thắng lợi hoặc thành tựu tiêu biểu trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1950).

Lĩnh vực

Thắng lợi/ thành tựu tiêu biểu

Chính trị, ngoại giao

?

Kinh tế

?

Văn hoá

?

Quân sự

?

Trả lời:

Lĩnh vực

Thắng lợi/ thành tựu tiêu biểu

Chính trị, ngoại giao

- Chính quyền dân chủ nhân dân từ trung ương đến cơ sở được kiện toàn và củng cố

- Làm thất bại chính sách “dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp

- Các nước xã hội chủ nghĩa đã lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Kinh tế

- Nền kinh tế kháng chiến được xây dựng để đảm bảo khả năng tự cấp, tự túc

- Các hoạt động tăng gia sản xuất, trước hết là sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh.

- Về công nghiệp, một số xí nghiệp quốc phòng và dân dụng có quy mô thích hợp đã lần lượt được xây dựng ở các vùng tự do, căn cứ kháng chiến. Các ngành khai khoáng, cơ khí, hoá chất, diêm, giấy,... từng bước đi vào hoạt động

Văn hoá

- Văn hoá, giáo dục được chú trọng nhằm bồi dưỡng sức mạnh tinh thần và trí tuệ của nhân dân để vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.

- Phong trào Bình dân học vụ được tiếp tục đẩy mạnh. Đến tháng 6 – 1950, khoảng 10 triệu người đã được xoá nạn mù chữ

- Cuộc Cải cách giáo dục phổ thông lần thứ nhất được triển khai với mục tiêu đưa giáo dục phục vụ tích cực kháng chiến, xây dựng nền giáo dục dân tộc, dân chủ

Quân sự

- Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 (1946 – 1947)

- Chiến dịch Việt Bắc thu – đông 1947 (từ tháng 10 đến tháng 12 – 1947)

- Chiến dịch Biên giới thu - đông 1950 (từ tháng 9 đến tháng 10 – 1950)

Vận dụng

Theo em, nội dung nào trong đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược có thể vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

Trả lời:

Theo em, nội dung về “toàn dân” trong đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược có thể vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay bởi vai trò quan trọng của nhân dân trong mọi hoạt động cách mạng và đấu tranh giành độc lập; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nên phải dựa chắc vào dân, nhân dân là gốc, là cội nguồn của sức mạnh.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo

Lịch sử Địa lí 9 Kết nối tri thức

Xem thêm