Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 4: Luyện từ và câu - Từ trái nghĩa
Giáo án Tiếng việt lớp 5
Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 4: Luyện từ và câu - Từ trái nghĩa được biên soạn chuẩn kiến thức, kỹ năng cho giáo viên sẽ giúp học sinh nắm được kiến thức của bài từ trái nghĩa, tác dụng của từ trái nghĩa. Biết tìm từ trái nghĩa trong câu và đặt câu với những cặp từ trái nghĩa. Mời các thầy cô tham khảo.
Luyện từ và câu
Từ trái nghĩa
I. Mục tiêu
1. Hiểu thế nào là từ trái nghĩa, tác dụng của từ trái nghĩa.
2. Biết tìm từ trái nghĩa trong câu và đặt câu phân biệt những từ trái nghĩa.
II. Đồ dùng dạy - học
- Từ điển tiếng Việt (hoặc phô-tô-cóp-pi vài trang phục vụ bài học)
- Bút dạ và giấy khổ to đủ cho hai đến ba HS làm bài tập.
III. Các hoạt động dạy - học
Hoạt động dạy | Hoạt động học |
A. Kiểm tra bài cũ | |
- GV gọi HS đọc kết quả làm Bài tập 3 (tiết Luyện từ và câu trước) mà các em hoàn thiện ở nhà vào vở. | - Hai HS lên bảng thực hiện theo yêu cầu của GV. |
-GV nhận xét, cho điểm việc làm bài và học bài của HS. | - HS lắng nghe. |
B. Bài mới | |
1. Giới thiệu bài | |
- Trong từ tiếng Việt không chỉ có hiện tượng các từ đồng nghĩa với nhau mà còn có hiện tượng các từ trái nghĩa với nhau. Vậy như thế nào thì được coi là từ trái nghĩa, sử dụng từ trái nghĩa như thế nào? Giờ học hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu những vấn đề này. | - HS lắng nghe. |
- GV ghi tên bài lên bảng. | - HS nhắc lại tên đầu bài và ghi vào vở. |
2. Phần Nhận xét | |
Bài tập 1, | |
- Yêu cầu HS đọc Bài tập 1 trong phần Nhận xét. | - Một HS đọc bài. Cả lớp theo dõi đọc thầm trong SGK. |
- Bài tập này yêu cầu chúng ta làm gì? | - So sánh nghĩa của từ chính nghĩa với từ phi nghĩa. |
- GV yêu cầu HS tra trong từ điển nghĩa của các từ rồi thực hiện theo yêu cầu của bài theo nhóm đôi (nếu không có đủ từ điển cho các nhóm, GV đưa ra nghĩa của từ điển đã được GV ghi trong bảng phụ treo lên bảng cho HS tham khảo). | - HS dựa vào đoạn văn và nghĩa trong từ điển, trao đổi, thảo luận theo nhóm đôi để làm bài. |
- Yêu cầu các nhóm trình bày kết quả thảo luận. | - Đại diện các nhóm lần lượt trình bày kết quả thảo luận, cả lớp theo dõi nhận xét. |
- GV chốt lại: Phi nghĩa là trái với đạo lí. Cuộc chiến tranh phi nghĩa là cuộc chiến tranh có mục đích xấu xa, không được những người có lương tri ủng hộ. Chính nghĩa là đúng với đạo lí. Cuộc chiến đấu chính nghĩa là chiến đấu vì lẽ phải, chống lại những hành động xấu, chống lại áp bức, bất công... Hai từ này có nghĩa trái ngược nhau nên gọi là từ trái nghĩa. | - HS lắng nghe. |
- Vậy từ trái nghĩa là gì? | - Từ trái nghĩa là từ có nghĩa trái ngược nhau. |
Bài tập 2, 3 | |
- Gọi một HS đọc toàn Bài tập 2, 3. | - Một HS đọc bài, cả lớp theo dõi đọc thầm. |
- Yêu cầu HS tự làm bài. Sau khi HS làm bài xong các em trao đổi với bạn bên cạnh về kết quả bài làm của mình. | - HS làm việc cá nhân. Sau khi làm xong HS trao đổi theo nhóm đôi kết quả bài làm của mình. |
- Gọi HS trình bày kết quả bài làm của mình. | - Năm đến bảy HS lần lượt trình bày kết quả bài làm của mình. |
- Gọi HS nhận xét chữa bài, chốt lại lời giải đúng. | - Nhận xét bài làm của bạn và chữa lại kết quả vào bài làm của mình (nếu sai). |
Lời giải: - Từ trái nghĩa trong câu tục ngữ là sống - chết; vinh (được kính trọng đánh giá cao) - nhục (xấu hổ vì bị khinh bỉ). - Cách dùng từ trái nghĩa tạo ra hai vế tương phản nhau làm nổi bật quan niệm sống rất cao đẹp của người Việt Nam: thà chết mà được kính trọng, đề cao, tiếng thơm lưu lại đời sau còn hơn sống mà phải xấu hổ, nhục nhã vì bị người đời khinh bỉ. | |
3. Phần Ghi nhớ | |
- Yêu cầu HS đọc ghi nhớ trong SGK. | - Hai đến ba HS đọc phần ghi nhớ. |
- Gọi HS nhắc lại nội dung Ghi nhớ và lấy ví dụ minh họa. | - Một đến hai HS nhắc lại phần ghi nhớ và lấy ví dụ minh họa. |
4. Phần Luyện tập | |
Bài tập 1 | |
- Yêu cầu một HS đọc toàn bài. | - Một HS đọc toàn bài, cả lớp theo dõi đọc thầm. |
- Yêu cầu HS làm việc theo cá nhân, sau khi làm bài xong trao đổi kết quả với bạn bên cạnh. | - HS làm bài vào giấy nháp, sau khi làm bài xong trao đổi bài với bạn. |
- Gọi HS trình bày, GV theo dõi gọi HS nhận xét và cùng chốt lại ý kiến đúng. | - HS lần lượt trình bày kết quả. Cả lớp theo dõi nhận xét, cùng GV chốt lại lời giải đúng. |
Bài tập 2, 3: quy trình tương tự | |
Đáp án: Bài tập 1: Đục - trong; đen - sáng; rách - lành; dở - hay. Bài tập 2: a) Hẹp nhà rộng bụng; b) Xấu người đẹp nết; c) Trên kính dưới nhường. Bài tập 3: a) Hòa bình - chiến tranh, xung đột. b) Thương yêu - thù ghét, ghét bỏ, căm ghét, thù hận, thù định, giận dữ,.. c) Đoàn kết - chia rẽ, riêng rẽ, bè phái, mâu thuẫn,... d) Giữ gìn - phá hoại, phá hỏng, tàn phá, phá phách, hủy hoại,... | |
Bài tập 4 | |
- Yêu cầu một HS đọc toàn bài. | - Một HS đọc toàn bài, cả lớp theo dõi đọc thầm. |
- Yêu cầu HS tự làm bài. GV lưu ý HS cũng có thể đặt một câu chứa cả cặp từ trái nghĩa như: Chúng em yêu hòa bình, ghét chiến tranh. | - Hoạt động cá nhân, hai HS lên bảng làm bài, HS dưới lớp viết vào vở. |
- Gọi HS nhận xét, chữa bài cho bạn trên bảng. | - Nhận xét, chữa bài. |
- Gọi HS dưới lớp nối tiếp đọc câu văn của mình. GV chú ý sửa lỗi ngữ pháp hoặc cách dùng từ cho từng HS (nếu có). | - Năm đến bảy HS đọc bài làm của mình. |
5. Củng cố, dặn dò | |
- Gọi HS nhắc lại nội dung Ghi nhớ. | - Hai đến ba HS nhắc lại. |
- GV nhận xét giờ học. | - HS lắng nghe. |
- Dặn HS về nhà học nội dung Ghi nhớ và làm lại bài tập vào vở. | - HS lắng nghe và về nhà thực hiện theo yêu cầu của GV. |