Lý thuyết Ngữ văn 6 Cánh diều bài 17
Chúng tôi xin giới thiệu bài Lý thuyết Ngữ văn lớp 6 bài 17: Thực hành Tiếng Việt sách Cánh diều chi tiết giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Ngữ văn lớp 6.
Bài: Thực hành Tiếng Việt
A. Lý thuyết Ngữ văn 6 bài 17
1. Từ đa nghĩa
- Từ đa nghĩa là từ có hai nghĩa trở lên.
- Ví dụ từ "ăn":
+ Đưa thức ăn vào cơ thể qua miệng (ăn cơm);
+ Ăn uống nhân dịp gì đó (ăn Tết);
+ Máy móc, phương tiện giao thông tiếp nhận nhiên liệu (xe máy ăn xăng);…
2. Từ đồng âm
- Từ đồng âm là những từ có cách phát âm và chữ viết giống nhau nhưng có nghĩa khác nhau. Ví dụ: "Đường" với nghĩa chất kết tinh có vị ngọt (ngọt như đường) đồng âm "đường" với nghĩa lối đi được tạo ra để nối các nơi (đường đến trường).
- Để hiểu đúng nghĩa của từ trong câu, cần dựa vào ngữ nghĩa xung quanh nó. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người viết có thể cố ý dùng một từ theo hai nghĩa như một cách chơi chữ. Ví dụ:
Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn.
-> Tác giả đã cố ý dùng "lợi" theo hai nghĩa. Thứ nhất, "lợi" là cái có ích cho bản thân mình. Thứ hai, "lợi" là phần thịt bao giữ xung quanh chân răng. Tác dụng: Thầy bói nhắc khéo "bà già" rằng bà đã già quá rồi (răng không còn) thì lấy chồng làm gì nữa.
3. Từ mượn
- Từ mượn là những từ mượn tiếng nước ngoài để biểu thị những sự vật, hiện tượng, đặc điểm,… mà tiếng Việt chưa có từ thích hợp để biểu thị.
- Ví dụ:
+ Từ mượn tiếng Hán (tiếng Trung Quốc): tác phẩm, văn học, sứ giả, hòa bình,…
+ Từ mượn tiếng Pháp: (nhà) ga, xà phòng, mùi soa, pa nô, áp phích,…
+ Từ mượn tiếng Anh: mít tinh, ti vi,…
- Các từ đã được Việt hóa thì viết như từ tiếng Việt. Còn thuật ngữ khoa học thì cần viết theo nguyên dạng để dễ tra cứu khi cần thiết. Ví dụ: acid, oxygen, hydro,…
- Mượn từ là một cách làm giàu cho ngôn ngữ dân tộc. Tuy nhiên, để bảo vệ sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc, chỉ nên mượn từ khi thật sự cần thiết và đã mượn thì phải tìm hiểu kĩ để sử dụng cho đúng.
B. Bài tập Ngữ văn 6 bài 17
Bài tập 1: Tìm hiểu ba từ chỉ bộ phận cơ thể người và kể ra một số ví dụ về sự chuyển nghĩa của chúng (sang nghĩa chỉ bộ phận của vật).
Hướng dẫn giải:
- Xem lại lý thuyết về từ đa nghĩa để giải bài tập này.
- Ví dụ: Mũi: mũi dao, mũi súng, mũi đất, mũi quân, mũi thuyền…
Lời giải chi tiết:
- Lưng:
- Lưng (1): Phần phía sau của cơ thể người hoặc phần phía trên của cơ thể động vật có xương sống, đối xứng với ngực và bụng (cái lưng).
- Lưng (2): bộ phận phía sau của một số vật (lưng ghế, lưng bàn, lưng tủ… ).
- Tai:
- Tai (1): Cơ quan ở đầu người hay động vật dùng để nghe (cái tai).
- Tai (2): Bộ phận ở một số vật, có hình dáng chìa ra giống như cái tai (tai ấm, tai chén…).
- Tai (3): Điều không may bất ngờ xảy ra, gây một tổn thất lớn (tai họa, tai bay vạ gió).
- Đầu:
- Đầu (1): Phần trên cùng của cơ thể người hay phần trước nhất của cơ thể động vật, nơi có bộ óc và nhiều giác quan khác nối vào thân bằng cổ (cái đầu).
- Đầu (2): Phần cao, trước nhất của một số đồ vật (đầu tàu, đầu máy bay….)
=> Các nghĩa số (1) là nghĩa gốc, nghĩa (2), (3) là nghĩa chuyển.
Bài tập 2: Phân biệt nghĩa của các từ đồng âm trong các trường hợp sau:
a. ba
- (1) Nhà em nuôi ba con mèo rất đáng yêu.
- (2) Ba của em là công nhân.
b. tuốt
- (1) Anh ấy biết tuốt mọi chuyện.
- (2) Chiếc máy tuốt lúa hoạt động không nghỉ.
c. đỗ
- (1) Anh ấy đỗ vào đại học với số điểm rất cao.
- (2) Mẹ em đang nấu chè đỗ đen.
d. bay
- (1) Những chú chim bay lượn trên bầu trời.
- (2) Chiếc máy bay rất to lớn.
Hướng dẫn giải:
- Xem lại lý thuyết về từ đồng âm để giải bài tập này.
Lời giải chi tiết:
a.
- (1) số liền sau số hai trong dãy số tự nhiên
- (2) chỉ người đàn ông sinh ra mình
b.
- (1) tất cả, không chừa, không trừ một cái gì hoặc một ai
- (2) tuốt mạnh một vật theo suốt chiều dài và khắp cả các phía, để làm cho những gì bám vào nó phải rời ra
c.
- (1) đạt yêu cầu để được tuyển chọn trong cuộc thi cử
- (2) cây nhỏ, có nhiều loài, tràng hoa gồm năm cánh hình bướm, quả dài, chứa một dãy hạt, quả hay hạt dùng làm thức ăn
d.
- (1) di chuyển ở trên không
- (2) phương tiện vận tải hay chiến đấu bay trên không nhờ động cơ.
Bài tập 3: Em hãy tìm từ mượn trong những câu dưới đây:
a. Chọn lúc cả nhà không ai để ý, tôi lén lấy 2 xu để làm tiền lộ phí.
b. Tôi khẩn khoản xin cha mua cho tôi một chiếc mũ kết và tự tay tôi làm một cặp kính đeo mắt của phi công bằng bìa các tông.
Hướng dẫn giải:
- Xem lại lý thuyết về từ mượn để giải bài tập này.
- Đối chiếu với nguyên dạng trong tiếng Pháp, tiếng Anh để biết nguồn gốc của những từ đó.
Lời giải chi tiết:
a. Xu - cent (tiếng Anh)
b. Các tông - carton (tiếng Pháp).
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Ngữ văn 6 Cánh diều bài 18
Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Lý thuyết Ngữ văn lớp 6 bài 17: Thực hành Tiếng Việt sách Cánh diều. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo, Ngữ văn 6 Kết nối tri thức, Tài liệu học tập lớp 6.