Lý thuyết Ngữ văn 6 Cánh diều bài 25
VnDoc xin giới thiệu bài Lý thuyết Ngữ văn lớp 6 bài 25: Thánh Gióng - tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 6 sách CD.
Bài: Thánh Gióng - tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước
A. Lý thuyết Ngữ văn 6 bài 25
1. Chuẩn bị
a. Tác giả, tác phẩm:
* Tác giả:
- PGS. TS Bùi Mạnh Nhị sinh ngày 21 - 2 - 1955, quê quán ở xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Hiện nay, ông đang là Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương. Chuyên ngành chính của ông là Văn học dân gian Việt Nam.
- Một số tác phẩm đã xuất bản:
+ Sen Tháp Mười (Ca dao miền Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh) (1980)
+ Ca dao Dân ca Nam Bộ (Đồng tác giả), (1985)
+ Văn học dân gian: Những công trình nghiên cứu (Chủ biên) (1995)
+ Phân tích tác phẩm văn học dân gian (2012)
- Danh hiệu giải thưởng, huân huy chương: Nhà giáo Ưu tú Huân chương Lao động hạng Nhất.
* Tác phẩm:
- Văn bản viết về vấn đề: Thánh Gióng là tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước.
- Người viết thuyết phục: Thánh Gióng chính là biểu tượng cho tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
b. Khái quát về văn bản nghị luận:
Văn bản nghị luận là loại văn bản nhằm thuyết phục người đọc người nghe về một vấn đề nào đó, ví dụ: “Bài thơ này rất hay” hoặc “Cần phải trồng nhiều cây xanh”... Để thuyết phục người viết, người nói phải nêu lên được ý kiến (quan điểm) của mình, sau đó dùng lí lẽ và các bằng chứng cụ thể làm sáng tỏ ý kiến ấy. Nghị luận văn học là văn bản nghị luận bàn về các vấn đề văn học.
c. Tìm hiểu từ khó:
- Bất hủ: Không hư hỏng, mục nát.
- Mô típ (dạng, kiểu): Chỉ những yếu tố ổn định được sử dụng nhiều lần trong văn học nghệ thuật.
- Vĩnh cửu: Rất lâu dài, tựa như sẽ còn mãi.
d. Nội dung chính:
Bài văn chứng minh về: Thánh Gióng là tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước bằng nhiều lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục của tác giả Bùi Mạnh Nhị.
e. Bố cục: Tìm hiểu theo mạch nội dung chính của văn bản như sau:
- Nêu vấn đề.
- Gióng ra đời kì lạ.
- Gióng lớn lên kì lạ.
- Gióng vươn vai ra trận đánh giặc.
- Gióng bay lên trời và dấu xưa còn lại.
2. Đọc hiểu
a. Nêu vấn đề:
- Chủ đề yêu nước là chủ đề lớn, cơ bản, xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam.
- Tác phẩm Thánh Gióng thể hiện tập trung chủ đề đánh giặc cứu nước, thuộc loại tác phẩm hay nhất cho chủ đề này.
b. Gióng ra đời kì lạ:
- Mẹ Gióng có thai không bình thường: ướm vào vết chân khổng lồ, mang thai 12 tháng.
- Nêu ra cách ra đời kì lạ trong các truyện dân gian khác.
- Ý nghĩa của sự ra đời kì lạ: để nhân vật trở nên phi thường.
c. Gióng lớn lên kì lạ:
- Ba năm không nói không cười, tiếng nói đầu tiên là tiếng nói yêu nước, cứu nước.
- Lớn nhanh như thổi, bằng thức ăn thức mặc của nhân dân.
=> Gióng tiêu biểu cho sức mạnh của toàn dân.
d. Gióng vươn vai ra trận đánh giặc:
- Sự vươn vai của Gióng là mô típ truyền thống: người anh hùng phải có tầm vóc, sức mạnh phi thường.
- Quang cảnh ra trận hùng vĩ, hoành tráng. Đó là sức mạnh của ý chí cộng đồng, thành tựu lao động, văn hóa.
e. Gióng bay lên trời và dấu xưa còn lại:
- Sự ra đi phi thường thể hiện khát vọng về người anh hùng được bất tử hóa.
- Chiến công còn lại: chứng tích địa danh, sản vật…
3. Tổng kết
- Về nội dung: Bài văn nghị luận chứng minh rằng Thánh Gióng là tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước của Bùi Mạnh Nhị.
- Về nghệ thuật:
+ Văn nghị luận sắc bén, chặt chẽ.
+ Sử dụng các luận điểm, luận cứ, dẫn chứng thuyết phục.
B. Bài tập Ngữ văn 6 bài 25
Bài tập: Hãy viết một đoạn văn ngắn bàn luận về hình tượng Thánh Gióng là một hình tượng lạ và đặc biệt.
a. Hướng dẫn giải:
- Đọc kĩ lại văn bản Thánh Gióng để giải bài tập này.
- Đoạn văn cần đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục
+ Gióng lạ như thế nào?
+ Hình ảnh Thánh Gióng khi dẹp tan giặc ra sao?
b. Lời giải chi tiết:
Thánh Gióng đối với đất nước và con người Việt Nam như một bức tượng anh hùng để muôn đời noi theo, đó là hình tượng một tráng sĩ dũng cảm đánh giặc giúp nước, giúp đời. Có lẽ chính vì thế Thánh Gióng như một nhân vật truyền kì độc nhất vô nhị đã có mặt kịp thời khi đất nước lâm nguy, dẹp tan quân giặc. Hình ảnh Thánh Gióng vẫn luôn hiện hữu với tư thế cưỡi ngựa phun ra lửa, roi sắt thần kỳ quật tan quân thù. Roi gãy vẫn mạnh mẽ nhổ tre đánh giặc. Ta càng tự hào hơn khi Thánh Gióng đánh giặc xong không hề đợi vua ban thưởng mà một mình một ngựa từ từ bay lên trời. Sự ra đi kì lạ của Thánh Gióng không hề ảnh hưởng hình ảnh của chàng trong lòng nhân dân như một nét đẹp rực rỡ, trong sáng nhất của người anh hùng chống giặc. “Cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời” - thật là kì ảo, nhưng thật nhẹ nhàng, ung dung. Người con yêu nước ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh giặc cứu nước của mình, và đã ra đi một cách vô tư, thanh thản, không hề màng tới công danh địa vị cho riêng mình. Áo giáp sắt nhân dân làm cho để đánh giặc, khi đánh tan giặc rồi, trả lại cho dân để bay về trời. Điều đó cho em thấy ở hình tượng Thánh Gióng luôn cao đẹp, trong sáng như gương, không một chút gợn nào. Phải chăng đó cũng chính là gương mặt của nhân dân ta được kết tinh trong người Thánh Gióng, ý chí phục vụ thật là vô tư, lớn lao và gương mẫu. Công lao to lớn ấy đã được nhà vua phong làm Phù Đổng Thiên Vương, nhân dân muôn đời ghi nhớ. Thánh Gióng đánh giặc đâu phải là đơn phương độc mã. Thử hỏi rằng nếu không có cơm gạo của dân làng, của nhà vua thì Thánh Gióng có đủ sức để đánh giặc không? Công lao của Thánh Gióng cũng có một phần của nhân dân lao động góp sức tạo lên. Thánh Gióng chính là sự tượng trưng cho sự lớn mạnh của đất nước ta, dân tộc ta.
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Ngữ văn 6 Cánh diều bài 26
Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Lý thuyết Ngữ văn lớp 6 bài 25: Thánh Gióng - tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước sách Cánh diều. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo, Ngữ văn 6 Kết nối tri thức, Tài liệu học tập lớp 6.