Lý thuyết Ngữ văn 6 Cánh diều bài 33
Lý thuyết Ngữ văn lớp 6 bài 33: Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện được VnDoc sưu tầm và tổng hợp các câu hỏi lí thuyết và trắc nghiệm có đáp án đi kèm nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 6 sách CD
Bài: Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện
A. Lý thuyết Ngữ văn 6 bài 33
1. Định hướng
a. Thuyết minh là phương thức giới thiệu những tri thức khách quan, xác thực và hữu ích về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân,… của các hiện tượng, sự vật trong tự nhiên, xã hội.
b. Muốn viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện, các em cần:
- Xác định sự kiện cần thuật lại.
- Tìm thông tin về sự kiện ở nhiều nguồn khác nhau (sách báo, internet, thực tế đời sống,…), chọn lọc những thông tin quan trọng.
- Lựa chọn trật tự sắp xếp các thông tin về sự kiện.
- Sử dụng chữ viết kèm theo hình ảnh để thuật lại sự kiện.
- Trình bày theo cách truyền thống hoặc đồ họa thông tin; có thể viết tay hoặc thiết kế văn bản trên máy tính.
- Ví dụ: Ba văn bản: Hồ Chí Minh và “Tuyên ngôn Độc lập”, Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ, Giờ Trái Đất đều là các văn bản thuyết minh về các sự kiện. Các văn bản này đều có những điểm chung sau đây:
- Nêu tên sự kiện được thuật lại ở tiêu đề của văn bản.
- Tóm tắt thông tin quan trọng về sự kiện bằng sa pô.
- Thuật lại sự kiện bằng cách nêu các sự việc cụ thể và sắp xếp các sự việc ấy theo trật tự thời gian (mở đầu, diễn biến và kết thúc). Với mỗi sự việc cụ thể, thường nêu thời gian và địa điểm diễn ra sự việc ấy.
- Đưa thêm các ý kiến, ảnh tư liệu có liên quan nhằm cung cấp thêm thông tin về sự kiện.
- Chủ yếu sử dụng kiểu câu trần thuật, nhiều câu có trạng ngữ chỉ thời gian hoặc nơi chốn,… để thuật lại sự kiện.
2. Thực hành
Thực hành viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện với đề bài sau: Ở địa phương hoặc ở trường em, mọi người thường nhắc đến những sự kiện lớn nào đã diễn ra? Hãy chọn một sự kiện mà em và nhiều người quan tâm để thuật lại sự kiện đó. Trình bày bài viết theo cách truyền thống hoặc đồ họa thông tin.
a. Chuẩn bị:
- Chọn sự kiện để thuật lại.
- Thu thập thông tin về sự kiện từ các nguồn khác nhau như sách báo, internet,...
- Dự kiến cách trình bày bài viết: theo cách truyền thống hoặc đồ họa thông tin.
- Dự kiến bố cục của bài (theo cách truyền thống hoặc đồ họa thông tin).
b. Tìm ý và lập dàn ý:
- Tìm ý: Dựa vào mục a ở trên, hãy tìm hiểu:
+ Sự kiện đó xảy ra khi nào? Ở đâu? Liên quan đến những ai?
+ Đâu là sự việc mở đầu, diễn biến và kết thúc?
+ Có những hình ảnh nào được dùng để minh họa cho sự kiện?
- Lập dàn ý bằng cách dựa vào các ý đã tìm được ở trên, lựa chọn và sắp xếp theo ba phần của bài viết:
+ Theo cách truyền thống:
- Sa pô (nếu có): Giới thiệu tóm tắt về sự kiện.
- Mở bài: Nêu tên sự kiện, thời gian xảy ra sự kiện.
- Thân bài: Nêu các sự việc cụ thể và sắp xếp các sự việc ấy theo trật tự thời gian; các hình ảnh có liên quan nhằm cung cấp thêm thông tin về sự kiện.
- Kết bài: Nêu sự việc kết thúc sự kiện.
+ Theo đồ họa thông tin:
- Nội dung chính giống như cách truyền thông.
- Lựa chọn một kiểu đồ họa để trình bày các thông tin chính, ngắn gọn.
c. Viết:
- Theo cách truyền thống:
+ Đặt tiêu đề cho bài viết (nếu có).
+ Viết sa pô.
+ Viết đoạn mở bài, thân bài, kết bài theo dàn ý đã lập.
- Theo đồ họa thông tin:
+ Trình bày thông tin theo một mẫu đồ họa nhất định.
+ Nội dung ngắn gọn, bao gồm: tiêu đề và nội dung (chữ viết, hình ảnh, kí hiệu).
d. Kiểm tra và chỉnh sửa:
- Đọc lại bài viết hoặc đồ họa thông tin.
- Xem xét, phát hiện và sửa được các lỗi về nội dung thuật lại một sự kiện theo trật tự thời gian và các lỗi về hình thức trình bày.
B. Bài tập Ngữ văn 6 bài 33
Bài tập: Em hãy viết một bài văn thuyết minh thuật lại sự kiện ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
a. Hướng dẫn giải:
- Xem lại lý thuyết phần Định hướng để nắm được các bước viết bài văn thuyết minh thuật lại sự kiện.
- Bài văn cần có đầy đủ bố cục của một bài văn thuyết minh.
b. Lời giải chi tiết:
Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11: Ngày nhà giáo Việt Nam (tên đầy đủ là Ngày lễ Hiến chương Nhà giáo Việt Nam) là một sự kiện được tổ chức thường niên vào ngày 20 tháng 11 với mục đích tri ân các thầy cô giáo.
Nguồn gốc của Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11:
Tháng 1 năm 1946, một tổ chức quốc tế nhà giáo đã được thành lập ở thủ đô nước Pháp lấy tên là FISE (viết tắt của cụm từ Féderation International Syndicale des Enseignants (tạm dịch là Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục).
Sau 3 năm, một cuộc hội nghị đã diễn ra ở thủ đô của Ba Lan – Waszawa, FISE đã ban hành bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm có 15 chương. Nội dung chính bàn về cuộc đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến cũng như xây dựng nền giáo dục tốt đẹp, trong đó bảo vệ quyền lợi của nghề dạy, đề cao trách nhiệm, vị trí của người thầy. Đến năm 1953, Công đoàn giáo dục Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức FISE.
Từ ngày 26 đến 30 tháng 8 năm 1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE với 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Ngày 20 tháng 11 năm 1958, lần đầu tiên ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” được tổ chức ở toàn miền Bắc của Việt Nam. Vài năm sau, ngày 20 tháng 11 được tổ chức ở nhiều vùng giải phóng của miền Nam.
Ngày 20 tháng 11 năm 1982, lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức trọng thể trên khắp cả nước.
Ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam:
Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để các học sinh bày tỏ niềm biết ơn đối với các thầy cô giáo - những người đã có công dạy dỗ những thế hệ học sinh trưởng thành và trở thành những người có ích cho xã hội.
(Sưu tầm)
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Ngữ văn 6 Cánh diều bài 34
Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Lý thuyết Ngữ văn lớp 6 bài 33: Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện sách Cánh diều. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo, Ngữ văn 6 Kết nối tri thức, Tài liệu học tập lớp 6.