Lý thuyết Ngữ văn 6 Cánh diều bài 47
Lý thuyết Ngữ văn lớp 6 bài 47: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ có yếu tố tự sự, miêu tả sách Cánh diều chi tiết giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Ngữ văn lớp 6
Bài: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ có yếu tố tự sự, miêu tả
A. Lý thuyết Ngữ văn 6 bài 47
1. Định hướng
a. Định nghĩa:
- Các bài thơ hay thường đem lại những suy nghĩ và rung động trong lòng người đọc. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự, miêu tả là nêu lên những suy nghĩ và rung động của em về bài thơ đó. Đoạn văn có thể chỉ nêu cảm xúc về một chi tiết nội dung hoặc nghệ thuật của bài thơ có yếu tố tự sự, miêu tả mà em có ấn tượng và yêu thích.
b. Để viết bài văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự, miêu tả, các em cần chú ý:
- Đọc kĩ để hiểu bài thơ; chú ý các yếu tố tự sự, miêu tả và tác dụng của các yếu tố này trong việc thể hiện nội dung.
- Lựa chọn một yếu tố về nội dung hoặc nghệ thuật trong bài thơ mà em thấy ấn tượng, yêu thích.
- Viết đoạn văn nêu rõ: Em thích nhất chi tiết, yếu tố,... nào trong bài thơ? Vì sao?
2. Thực hành
Thực hành: Em hãy viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về trong các bài thơ các yếu tố tự sự, miêu tả đã học "Đêm nay Bác không ngủ", "Lượm", "Gấu con chân vòng kiềng"
a. Chuẩn bị: (Ví dụ: viết về bài Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ)
- Xem lại nội dung văn bản Đêm nay Bác không ngủ; chú ý hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
- Chú ý các yếu tố tự sự, miêu tả trong bài thơ này và tác dụng của chúng.
b. Tìm ý và lập dàn ý:
- Tìm ý cho đoạn văn bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi như:
+ Em thích chi tiết nội dung hoặc yếu tố nghệ thuật nào trong bài thơ Đêm nay Bác không ngủ? Em có thích các yếu tố tự sự, miêu tả trong bài thơ này không? Vì sao em thích?
+ Bài thơ gợi cho em những suy nghĩ và cảm xúc gì?
- Lập dàn ý đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ theo gợi ý:
+ Mở đoạn: Nêu tên bài thơ, tác giả và cảm nghĩ chung của em về bài Đêm nay Bác không ngủ.
+ Thân đoạn:
- Chỉ ra nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể của bài thơ khiến em yêu thích và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ (Ví dụ: Về nội dung, bài thơ viết về đề tài Bác Hồ; về tình cảm yêu thương sâu đậm của Bác đối với mọi người và tấm lòng của anh đội viên đối với Bác;... Về hình thức, bài thơ sử dụng nhiều yếu tố tự sự, miêu tả phù hợp với việc thể hiện nội dung kể chuyện về Bác; các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, điệp từ, điệp ngữ,... tô đậm được vẻ đẹp của hình tượng Bác Hồ;...).
- Nêu các lí do khiến em yêu thích (Ví dụ: Nội dung bài thơ gợi cho em những cảm xúc, tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ,... Hoặc về nghệ thuật, tác giả đã sử dụng các từ ngữ, hình ảnh rất sinh động, gợi cảm; các biện pháp tu từ và cách gieo vần phù hợp;...).
+ Kết đoạn: Khái quát lại cảm nghĩ của bản thân về ý nghĩa bài thơ (Ví dụ: Bài thơ mang lại cho em những hiểu biết sâu sắc về Bác Hồ; về cách kể chuyện bằng thơ rất đơn giản mà gây xúc động;...).
c. Viết:
- Viết đoạn văn theo dàn ý đã lập. Chú ý khai thác các yếu tố tự sự, miêu tả và tác dụng của chúng trong bài thơ; thể hiện và diễn tả cảm nghĩ của em một cách xúc động, trung thực.
d. Kiểm tra và chỉnh sửa:
- Đọc lại đoạn văn đã viết. Đối chiếu với nội dung mục 1. Định hướng và dàn ý ở trên để tự phát triển các lỗi và biết cách sửa lỗi.
B. Bài tập Ngữ văn 6 bài 47
Bài tập: Em hãy viết đoạn văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ các yếu tố tự sự, miêu tả đã học.
a. Hướng dẫn giải:
- Chọn bài thơ em nắm rõ nội dung nhất.
- Đoạn văn cần có bố cục ba phần đầy đủ: Mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.
b. Lời giải chi tiết:
Chọn bài: "Đêm nay Bác không ngủ":
Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ được Minh Huệ sáng tác năm 1951 là một trong những bài thơ xuất sắc viết về vị lãnh tụ của dân tộc. Hình ảnh Bác lớn lao, cao cả nhưng ấm áp, thân tình được hiện lên rõ ràng qua những nét vẽ trong lòng anh đội viên. Sự lo lắng của Bác thể hiện ở những hành động "đốt lửa cho anh nằm", "đi dém chăn", "đi nhẹ nhàng" vì lo cho giấc ngủ của các anh. Bác không ngủ vì còn lo chuyện nước nhà. Bác thương đoàn dân công ngủ ngoài rừng vào lúc trời mưa. Bác chỉ mong trời sáng nhanh để gặp lại nhân dân, động viên, chỉ huy nhân dân đánh giặc. Bác không ngủ vì Bác là Hồ Chí Minh, là vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc. Bác luôn đặt việc dân, việc nước lên trước cả bản thân mình. Bác lo cho dân nằm ngoài rừng, cho anh đội viên tỉnh dậy cùng Bác sẽ ốm đau, không có sức mai chiến đấu nhưng lại không hề lo cho sức khỏe của bản thân phải thức trắng đêm không ngủ. Cũng chính vì điều ấy mà hình ảnh Bác trong lòng anh đội viên thật cao cả, lớn lao. Anh thương Bác, lo lắng cho Bác mà nằng nặc xin Bác đi ngủ vì sợ Bác ốm, Bác không đủ sức. Mặc dù được Bác giục đi ngủ nhưng đến lần thứ ba tỉnh dậy mà Bác vẫn ngồi đó, anh quyết định thức cùng Bác. Hình ảnh ngọn lửa hồng trong bài thơ cùng niềm vui của anh đội viên có nhiều ý nghĩa. Trước hết, đó là ngọn lửa sưởi ấm cho những chiến sĩ ngủ ngon giấc trong những đêm mưa lạnh lẽo. Ngọn lửa ấy còn là sự ấm áp, yêu thương của Bác dành cho quân dân cũng như của quân dân dành cho Bác. Nhưng hơn hết nữa, ngọn lửa ấy còn là ngọn lửa chiến đấu, quyết tâm chiến thắng quân thù, đem lại tự do cho dân tộc. Cuối cùng, có lẽ ngọn lửa ấy còn là ánh sáng của niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Bài thơ đã khắc họa nhân vật Hồ Chí Minh rất mực cao cả nhưng lại vô cùng gần gũi. Qua đó thể hiện tình cảm quân dân thắm thiết và lòng kính trọng, yêu mến của anh đội viên, của toàn dân tộc hay chính là của tác giả với Bác Hồ. Về hình thức, bài thơ sử dụng nhiều yếu tố tự sự, miêu tả phù hợp với việc thể hiện nội dung kể chuyện về Bác; các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, điệp từ, điệp ngữ,... tô đậm được vẻ đẹp của hình tượng Bác Hồ. Qua bài thơ, em thu nhận được rất nhiều điều về Bác Hồ cũng như nhân dân ta thuở chiến tranh; khơi dậy trong em lòng yêu mến Bác và niềm tự hào dân tộc.
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Ngữ văn 6 Cánh diều bài 48
Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Lý thuyết Ngữ văn lớp 6 bài 47: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ có yếu tố tự sự, miêu tả sách Cánh diều. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Ngữ văn 6 Chân trời sáng tạo, Ngữ văn 6 Kết nối tri thức, Tài liệu học tập lớp 6.