Người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 là ai?
Chúng tôi xin giới thiệu bài Người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 là ai?được VnDoc sưu tầm và tổng hợp lí thuyết trong chương trình giảng dạy Lịch sử 7. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 là ai?
Câu hỏi: Người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 là ai?
Trả lời:
Người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 là Lê Hoàn. Lê Hoàn được cử làm phụ chính dưới thời Đinh. Trước nguy cơ xâm lược của nhà Tống các tướng lĩnh đồng lòng suy tôn Lê Hoàn lên làm vua chỉ huy cuộc kháng chiến.
Lê Hoàn sinh năm Tân Sửu (941) tại làng Trung Lập, Châu Ái (nay làng này thuộc Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Thuở nhỏ, vì gia đình nghèo, Lê Hoàn đi ở và làm con nuôi. Sau đó, ông theo Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp loạn Mười hai sứ quân. Nhờ có tài, lại được Đinh Bộ Lĩnh tin tưởng, ông thăng tiến rất nhanh. Dưới triều Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn giữ chức Thập Đạo Tướng quân, tức là chức võ quan cao nhất lúc bấy giờ.
Đôi nét về cuộc kháng chiến chống Tống năm 981
Hoàn cảnh lịch sử
- Cuối năm 979 nhà Đinh rối loạn.
- Nhà Tống suy yếu
=> Nhà Tống quyết định đem quân xâm lược nước ta để củng cố đất nước.
Diễn biến
- Đầu năm 981, Quân Tống tiến đánh nước ta theo hai đường:
+ Quân bộ theo đường Lạng Sơn.
+ Quân thủy: theo đường sông Bạch Đằng.
- Lê Hoàn cho quân đóng cọc để ngăn chặn thuyền địch.
- Trên sông Bạch Đằng diễn ra nhiều trận chiến giữa ta và quân Tống cuối cùng thủy quân của địch bị đánh lui.
- Trên bộ, quân ta chặn đánh quyết liệt buộc quân Tống phải rút lui về nước.
=> Quân ta truy kích tiêu diệt nhiều sinh lực địch.
Kết quả:
- Cuộc kháng chiến chống Tống kết thúc thắng lợi.
- Chiến tranh chấm dứt, Lê Hoàn vẫn sai sứ sang Trung Quốc trao trả một số tù binh và đặt lại quan hệ bình thường.
Nguyên nhân thắng lợi:
- Tinh thần đoàn kết, anh dũng chiến đấu của nhân dân ta.
- Tài chỉ huy, thao lược của Lê Hoàn.
* Ý nghĩa:
- Biểu thị ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm của dân ta.
- Chứng tỏ một bước phát triển của đất nước và khả năng bảo vệ độc lập dân tộc.
Nghệ thuật quân sự của cuộc kháng chiến chống Tống
Diễn biến của trận đánh cho thấy trình độ nghệ thuật quân sự của dân tộc Đại Cồ Việt lúc này đã có sự phát triển mới, từ nghệ thuật quân sự của chiến tranh giải phóng sang chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thể hiện qua các mặt sau: Nghệ thuật chủ động bố trí thế trận; Khéo lợi dụng địa hình, địa thế; Chọn đúng đối tượng tác chiến; Biết dùng mưu kế và sự phối hợp tác chiến giữa quân chủ lực và dân binh ở các địa phương.
Quân dân Đại Cồ Việt đã vận dụng tài giỏi nghệ thuật quân sự phù hợp với điều kiện một nước nhỏ chống lại cuộc xâm lược của một đế chế phong kiến lớn mạnh.
Chủ động bố trí thế trận
Biết trước âm mưu của nhà Tống sang xâm lược, và mục tiêu là cố chiếm cho kỳ được thành Hoa Lư, Lê Hoàn đã nhanh chóng xác định đúng phương hướng chống phá, không bị động ngồi chờ đánh giặc. Từ tháng 11 năm 980, nhà vua trực tiếp dẫn đại quân ra miền địa đầu đất nước bố phòng, sẵn sàng đón đánh các đạo quân giặc ngay khi chúng vừa xâm phạm lãnh thổ nhằm "lấy quân nhàn đợi quân mệt", phá vỡ ý đồ hợp điểm, hội sư của địch, không cho chúng phối hợp thủy bộ tạo thành mũi dùi nguy hiểm thọc sâu vào vùng đồng bằng đông dân, giàu của và kinh đô Hoa Lư. Thực tế cho thấy, các trận đánh ở Bạch Đằng (24 tháng 1 năm 981), Hoa Bộ (30 tháng 1 năm 981), Đồ Lỗ (7 tháng 2 năm 981), Lục Giang (tháng 3 năm 981) là những trận đánh có tính chất kiềm chế, ngăn chặn những mũi tiến công theo 2 hướng thủy bộ của địch. Kết quả là cánh quân bộ binh của Tôn Toàn Hưng dậm chân ở Hoa Bộ 70 ngày. Và cả hai đạo quân thủy bộ sau hơn 2 tháng tiến vào Đại Cồ Việt bị nhiều tổn thất, khó khăn mà vẫn chỉ quẩn quanh ở vùng Bạch Đằng, Hoa Bộ. Dẫu cánh quân của Trần Khâm Tộ đến được Tây Kết (tháng 4 năm 981) thì cũng hiển nhiên rơi vào thế bị cô lập. Chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của quân Tống bị phá sản. Chính lúc đó Lê Hoàn chủ động mở cuộc phản công chiến lược, đánh trận quyết chiến Bạch Đằng và giành được thắng lợi.
Lợi dụng địa hình, địa thế
Phát huy thế mạnh đánh giặc ngay trên quê hương mình và biết rõ âm mưu của quân Tống, Lê Hoàn đã dựa vào hình sông thế núi hiểm trở của đất nước mà bố phòng các đồn lũy, đắp xây thành Bình Lỗ, đặc biệt là đóng cọc ngăn sông Bạch Đằng. Với vị trí hiểm yếu tự nhiên của sông Bạch Đằng, binh lực của Đại Cồ Việt ở đây bố trí không cần quá nhiều mà vẫn có thể cầm giữ, ngăn cản bước tiến quân địch.
Chọn đúng đối tượng tác chiến
Để nhanh chóng làm suy sụp tinh thần của đội quân xâm lược Tống, quân và dân Đại Cồ Việt đã biết chọn đúng đối tượng để giáng đòn phản công quyết định. Đối tượng tác chiến trong trận Bạch Đằng xuân 981 là toàn bộ đội binh thuyền của Hầu Nhân Bảo. Đó là viên Tổng chỉ huy "Giao Châu hành doanh", mang nhiều tham vọng nhất, liều lĩnh và hiếu chiến nhất. Hầu Nhân Bảo cũng là viên tướng tỏ ra có kỷ luật nhất, có quyết tâm thực hiện chiến lược của Tống triều và đã nhiều lần thúc giục Tôn Toàn Hưng cùng xuất quân đánh chiếm Hoa Lư.
Do đó, việc Lê Hoàn chủ động đánh đạo thủy binh Tống và giết chết chủ tướng bên địch đã có tác động đến toàn cục của chiến tranh. Quân nhà Tiền Lê đánh đòn quyết định đối với đạo thủy binh Hầu Nhân Bảo vào lúc đạo quân này đã bị chia tách khỏi thế trận liên kết của toàn quân Tống. Tôn Toàn Hưng và Lưu Trừng đang co cụm chiến lược ở vùng Hoa Bộ để tránh bị quân Lê tiêu diệt. Trần Khâm Tộ và đạo quân bộ lẻ loi còn đang sa lầy trên cánh đồng Tây Kết. Chính vì thế khi Lê Hoàn tổ chức phản công, Hầu Nhân Bảo không có quân ứng cứu, bị quân Đại Cồ Việt giết chết tại trận.
Dùng mưu kế đánh địch
Diễn biến chiến sự cho thấy giết Hầu Nhân Bảo không mấy dễ dàng. Bởi vậy Lê Hoàn mưu tính dùng kế trá hàng hy vọng giết đúng tên chủ tướng theo cách:
+ Bên trong bí mật củng cố lực lượng, bài binh bố trận, phòng bị cẩn mật
+ Bên ngoài thì giấu binh, nới vây hãm, giảm canh phòng
+ Đồng thời thư từ sang Tống tỏ vẻ run sợ, dùng lời lẽ nhún nhường, ngỏ lời cầu xin quy phục để bảo toàn tính mạng.
Tống sử Trung Quốc chép: "Lê Hoàn giả vờ xin hàng, mà Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng cứ tưởng là thật…". Điều này chứng tỏ Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng mắc lừa mưu kế của Lê Hoàn mà lơ là không phòng bị. Do đó khi bị quân Đại Cồ Việt tập kích, Hầu Nhân Bảo hoàn toàn bất ngờ, không kịp chống đỡ và bị giết chết.
Phối hợp tác chiến giữa quân và dân
Việc Lê Hoàn truyền hịch cầu tài, xuống chiếu tuyển quân, thu lương ở khắp mọi miền đất nước đã thực sự phát huy sức mạnh đoàn kết chiến đấu chống giặc ngoại xâm của quân dân Đại Cồ Việt. Những trận đánh lớn, ngoài quân chủ lực của triều đình còn có sự tham gia rất tích cực của các đội dân binh địa phương. Dân binh các làng xã còn thường xuyên tập kích, quấy rối những lúc quân địch đang dẫm chân tại chỗ, chưa tiến được khiến cho quân Tống bị tiêu hao lực lượng, tinh thần hoang mang.
---------------------------------
Ngoài Người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 là ai? đã được VnDoc.com giới thiệu, mời các bạn cùng tham khảo thêm Giải bài tập SGK môn Lịch sử lớp 7, Giải bài tập SBT môn Lịch sử 7 để hoàn thành tốt chương trình học THCS.