Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Quy trình dạy và học văn theo định hướng tiếp cận năng lực

Cách dạy học theo hướng tiếp cận năng lực

Tiếp cận năng lực chủ trương giúp người học không chỉ biết học thuộc, ghi nhớ mà còn phải biết làm thông qua các hoạt động cụ thể, sử dụng những tri thức học được để giải quyết các tình huống do cuộc sống đặt ra.

Sơ đồ các bài văn miêu tả theo hướng phát triển năng lực học sinh

Cách vẽ sơ đồ tư duy trong Powerpoint

Chương trình tiếp cận theo hướng này chủ trương giúp HS không chỉ biết học thuộc, ghi nhớ mà còn phải biết làm thông qua các hoạt động cụ thể, sử dụng những tri thức học được để giải quyết các tình huống do cuộc sống đặt ra.

Chương trình tiếp cận nội dung chủ yếu yêu cầu HS trả lời câu hỏi: Biết cái gì? chương trình tiếp cận năng lực luôn đặt ra câu hỏi: Biết làm gì từ những điều đã biết. So với thiết kế truyền thống, thiết kế chương trình theo hướng tiếp cận năng lực có sự khác biệt. Thiết kế truyền thống thường bắt đầu từ mục tiêu giáo dục sau đó xác định các lĩnh vực/môn học, chuẩn kiến thức và kĩ năng, phương pháp dạy học và cuối cùng là đánh giá. Thiết kế chương trình theo năng lực trước hết cần xác định các năng lực chung cần trang bị và phát triển cho HS.

Quy trình xây dựng bài học Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực có thể thực hiện theo các bước sau:

  1. Lựa chọn nội dung cho bài học

Hiện nay, trong CT môn Ngữ văn, các bài học (theo nghĩa hẹp) đã được đưa vào các chủ đề. Chẳng hạn, với mạch Văn học, ở lớp 10 có các chủ đề lớn như Văn bản văn học; Lịch sử văn học; Lí luận văn học. Trong mỗi chủ đề lớn lại có các chủ đề nhỏ. Chẳng hạn, trong chủ đề Văn bản văn học có các chủ đề nhỏ sau:

- Sử thi Việt Nam và nước ngoài;

- Truyền thuyết Việt Nam;

- Truyện cổ tích Việt Nam;

- Truyện cười Việt Nam;

- Truyện thơ dân gian;

- Ca dao Việt Nam;

- Thơ trung đại Việt Nam;

- Thơ Đường và thơ hai-cư;

- Phú Việt Nam;

- Ngâm khúc Việt Nam;

- Nghị luận trung đại;

- Sử kí trung đại;

- Truyện trung đại;

- Truyện thơ Nôm;

- Tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc

Trong các chủ đề trên, có chủ đề chỉ gồm 01 bài học (theo nghĩa hẹp) như: truyền thuyết Việt Nam, truyện cổ tích Việt Nam, truyện thơ dân gian…, có nhiều chủ đề gồm nhiều bài học (theo nghĩa hẹp) như: thơ trung đại Việt Nam, thơ Đường và thơ hai-cư… Mỗi chủ đề hướng dẫn HS đọc hiểu văn bản văn học theo thể loại, tên chủ đề là tên thể loại văn học.

Dựa vào CT, có thể xây dựng các bài học/chuyên đề như sau: Truyện dân gian Việt Nam, Thơ dân gian Việt Nam, Thơ trung đại Việt Nam, Truyện trung đại Việt Nam, Thơ Đường và thơ hai-cư, … để phát triển năng lực đọc cho HS.

Với CT lớp 11, 12, có thể lựa chọn nội dung theo cách tương tự để xây dựng bài học Ngữ văn.

  1. Xây dựng bài học minh họa

GV có thể xây dựng bài học Thơ trung đại Việt Nam để phát triển kĩ năng đọc hiểu thơ trung đại cho HS lớp 10.

Bước 1: xác định vấn đề cần giải quyết trong bài học

Kĩ năng đọc hiểu thơ trung đại của Việt Nam.

Bước 2: xây dựng nội dung chủ đề bài học

Gồm các văn bản thơ: Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão; Bảo kính cảnh giới, số 43 - Nguyễn Trãi; Nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm ; Độc "Tiểu Thanh kí" - Nguyễn Du; Quốc tộ - Đỗ Pháp Thuận ; Cáo tật thị chúng - Mãn Giác ; Quy hứng - Nguyễn Trung Ngạn.

Tích hợp các bài: Thực hành phép tu từ ẩn dụ, hoán dụ ; Trình bày một vấn đề.

Bước 3: xác định mục tiêu bài học

Kiến thức

- Những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm thơ trung đại Việt Namn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV

- Đặc điểm cơ bản của thơ trữ tình trung đại Việt Nam.

Kĩ năng

- Vận dụng những tri thức về tác giả, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm, ngôn ngữ (chữ Hán, chữ Nôm) … để đọc hiểu văn bản.

- Nhận diện thể thơ và giải thích ý nghĩa của việc sử dụng thể thơ.

- Nhận diện sự phá cách trong việc sử dụng thể thơ.

- Nhận diện đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

- Đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại:

+ Nhận diện và phân tích ý nghĩa của hình tượng thơ.

+ Nhận diện và phân tích tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

+ Nhận diện, phân tích và đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật của các bài thơ trong chủ đề (hình ảnh, chi tiết, biện pháp tu từ, vần, nhịp...).

+ Đánh giá những sáng tạo độc đáo của mỗi nhà thơ qua các bài thơ đã học.

+ Đọc diễn cảm, đọc sáng tạo những đoạn thơ hay.

- Vận dụng những kiến thức và kĩ năng đã học để đọc những bài thơ trung đại khác của Việt Nam (không có trong SGK); nêu lên những kiến giải, suy nghĩ về các phương diện nội dung, nghệ thuật của các bài thơ được học trong chủ đề; viết đoạn văn hoặc bài văn nghị luận về những bài thơ đã học trong chủ đề; rút ra những bài học về lí tưởng sống, cách sống từ những bài thơ đã đọc và liên hệ, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống của bản thân.

Thái độ

- Yêu thiên nhiên, con người, yêu Tổ quốc.

- Có ý thức xác định lẽ sống, lí tưởng sống cao đẹp.

- Có ý thức trách nhiệm đối với đất nước trong hoàn cảnh hiện tại.

Bước 4: xác định và mô tả mức độ yêu cầu của mỗi loại câu hỏi/bài tập có thể sử dụng để kiểm tra, đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong dạy học

Mức độ nhận biết

Mức độ thông hiểu

Mức độ vận dụng và vận dụng cao

Nêu những nét chính về tác giả.

Chỉ ra những biểu hiện về con người tác giả được thể hiện trong tác phẩm?

Bài thơ giúp em hiểu thêm gì về tác giả?

Bài thơ được viết trong hoàn cảnh nào?

Tác động của hoàn cảnh ra đời đến việc thể hiện nội dung tư tưởng của bài thơ là gì?

Nếu ở vào hoàn cảnh tương tự của tác giả, em sẽ làm gì?

Bài thơ được viết bằng ngôn ngữ nào?

Cắt nghĩa một số từ ngữ, hình ảnh… trong các câu thơ.

Việc sử dụng ngôn ngữ đó có tác dụng gì?

Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Chỉ ra những đặc điểm về bố cục, vần, nhịp, niêm, đối… của thể thơ trong bài thơ.

Em thấy việc sử dụng thể thơ đó có hợp lí không? Vì sao?

Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

- Nêu cảm xúc của nhân vật trữ tình trong từng câu/cặp câu thơ.

- Khái quát bức tranh tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Em có nhận xét gì về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong câu/cặp câu/bài thơ?

Bài thơ xây dựng hình tượng nghệ thuật nào?

- Phân tích những đặc điểm của hình tượng nghệ thuật đó.

- Hình tượng nghệ thuật giúp nhà thơ thể hiện cái nhìn về cuộc sống và con người như thế nào?

Theo em, sức hấp dẫn của hình tượng nghệ thuật đó là gì?

Tư tưởng của nhà thơ được thể hiện rõ nhất trong câu/cặp câu thơ nào?

- Lí giải tư tưởng của nhà thơ trong câu/cặp câu thơ đó?

- Em có nhận xét gì về tư tưởng của tác giả được thể hiện trong bài thơ?

Bước 5: biên soạn các câu hỏi/bài tập cụ thể theo các mức độ yêu cầu đã mô tả

Với bài Tỏ lòng, có thể sử dụng các câu hỏi sau:

Mức độ nhận biết

Mức độ thông hiểu

Mức độ vận dụng

Nêu những nét chính về tác giả Phạm Ngũ Lão.

- Phạm Ngũ Lão là người như thế nào? Người xưa nói “thi dĩ ngôn chí” – điều đó được thể hiện như thế nào trong tác phẩm?

Bài thơ giúp em hiểu thêm gì về tác giả?

Bài thơ được viết trong hoàn cảnh nào?

- Em hiểu thế nào là “hào khí Đông A”? Điều đó được thể hiện như thế nào trong tác phẩm?

Nếu ở vào hoàn cảnh tương tự của tác giả, em sẽ làm gì?

Nhan đề của bài thơ là gì?

- Giải thích ý nghĩa của nhan đề đó.

- Tại sao là thơ tỏ chí, nói chí, tỏ lòng nhưng “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão không hề khô khan, cứng nhắc?

Bài thơ được viết bằng ngôn ngữ nào?

Cắt nghĩa một số từ ngữ, hình ảnh… trong các câu thơ.

Theo em, việc sử dụng ngôn ngữ đó có tác dụng gì?

Đọc phiên âm chữ Hán để xác định thể thơ.

Dựa vào phiên âm chữ Hán, chỉ ra những đặc điểm về bố cục, vần, nhịp, niêm, đối… của thể thơ trong bài thơ.

Em thấy việc sử dụng thể thơ đó có hợp lí không? Vì sao?

Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

- Những từ ngữ nào trong bài thơ giúp em xác định được nhân vật trữ tình?

- Cảm hứng chủ đạo của nhân vật trữ tình trong bài thơ là gì?

Em có nhận xét gì về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ?

- Câu thơ đầu mở ra hình ảnh nào?

- Em ấn tượng với từ ngữ nào trong câu thơ này?

- Hình ảnh ấy hiện lên như thế nào?

- Hãy cắt nghĩa, lí giải từ ngữ ấy.

Nhan đề bài thơ là Tỏ lòng, vậy câu khai đã hướng đến, mở ra nhan đề bài thơ như thế nào?

- Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu thơ thứ hai?

- Biện pháp đó dùng để thể hiện hình tượng nào?

- Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó và nêu cách hiểu của em về nội dung của câu thứ hai.

- Nguyên nhân nào thôi thúc người tráng sĩ thời Trần có được vẻ đẹp hiên ngang (ở câu 1), quân đội nhà Trần có được sức mạnh vô địch ấy (ở câu 2)?

- Nhận xét mối quan hệ nội dung giữa câu khai và câu thừa?

- Câu thơ thứ ba gợi nhắc đến những câu da cao, câu thơ nào?

- “Thân nam nhi” ở đây là ai?

- Em hiểu “chưa trả xong nợ công danh” ở đây là gì?

- Câu thơ cho thấy tác giả tự ý thức về mình như thế nào?

Em đánh giá như thế nào về sự tự ý thức đó của tác giả?

- Câu thơ cuối bài có nét đặc sắc nghệ thuật nào?

- Phạm Ngũ Lão thẹn với ai?

- Vì sao Phạm Ngũ Lão thẹn với Vũ Hầu?

- Cái thẹn ấy có ý nghĩa như thế nào?

Tư tưởng của nhà thơ được thể hiện rõ nhất trong câu/cặp câu thơ nào?

- Lí giải tư tưởng của nhà thơ trong câu/cặp câu thơ đó?

- Em có nhận xét gì về tư tưởng của tác giả được thể hiện trong bài thơ?

- Tại sao nói “Thuật hoài” là chân dung tinh thần của tác giả đồng thời cũng là chân dung tinh thần của thời đại nhà Trần, rực ngời hào khí Đông A?

Với bài Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới, số 43), có thể có những câu hỏi sau:

Mức độ nhận biết

Mức độ thông hiểu

Mức độ vận dụng

Nêu những nét chính về tác giả Nguyễn Trãi.

Đặc điểm nào của con người Nguyễn Trãi được thể hiện rõ nét nhất trong tác phẩm?

Em ấn tượng nhất về tác giả ở điều gì? Vì sao?

Bài thơ được viết trong hoàn cảnh nào? Từ tập thơ nào?

- Đặt vào hoàn cảnh sáng tác đó, theo em bài thơ sẽ thể hiện cảm nghĩ, tâm sự gì của tác giả?

Nếu ở vào hoàn cảnh tương tự của tác giả, em sẽ làm gì?

Nhan đề của bài thơ là gì?

Giải thích ý nghĩa của nhan đề đó.

Nhan đề của bài thơ giúp em hiểu thêm vẻ đẹp tâm hồn nào của Nguyễn Trãi?

Bài thơ được viết bằng ngôn ngữ nào?

Cắt nghĩa một số từ ngữ, hình ảnh… trong các câu thơ.

Theo em, việc sử dụng ngôn ngữ đó có tác dụng gì?

- Hãy xác định thể thơ mà Nguyễn Trãi sử dụng trong bài thơ.

- Hãy xác định bố cục của bài thơ.

- Chỉ ra đặc điểm của thể thơ thất ngôn bát cú trong bài thơ.

- Bài thơ có sự phá cách nào về thể thơ?

- Chỉ ra những đặc điểm về vần, nhịp, niêm, đối… trong bài thơ.

- Có thể chia bài thơ theo những cách nào để phân tích?

Em thấy việc phá cách đó có ý nghĩa gì?

Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai?

- Những từ ngữ nào trong bài thơ giúp em xác định được nhân vật trữ tình?

- Cảm hứng chủ đạo của nhân vật trữ tình trong bài thơ là gì?

Em có nhận xét gì về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ?

Tác giả đã sử dụng bút pháp nghệ thuật nào để làm nổi bật bức tranh thiên nhiên trong bài thơ?

Chỉ ra biểu hiện của bút pháp đó qua những từ ngữ, hình ảnh…

Theo em, việc sử dụng bút pháp đó có tác dụng gì?

Câu thơ đầu tiên kể về việc gì?

Câu thơ cho thấy điều gì về tác giả?

Em có nghĩ Nguyễn Trãi “rồi” (rỗi rãi) thật không? Vì sao?

Trong câu 2, 3, 4, bức tranh thiên nhiên được gợi lên qua những hình ảnh, từ ngữ như thế nào?

Nêu vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên đó.

Theo em, vì sao bức tranh thiên nhiên ấy hấp dẫn Nguyễn Trãi và người đọc?

Bức tranh đời sống của con người được gợi lên qua những hình ảnh, từ ngữ nào ở hai câu 5-6?

Nêu vẻ đẹp của bức tranh đời sống ấy?

Theo em, vì sao bức tranh đời sống ấy hấp dẫn Nguyễn Trãi và người đọc?

Tư tưởng của nhà thơ được thể hiện rõ nhất trong cặp câu thơ nào?

- Lí giải tư tưởng của nhà thơ trong cặp câu thơ đó?

- Em có nhận xét gì về tư tưởng ấy của tác giả được thể hiện trong bài thơ?

- Em học được gì từ Nguyễn Trãi qua bài thơ?

- Em thấy giữa hai bài Tỏ lòngCảnh ngày hè có những điểm chung nào về nghệ thuật và nội dung?

- Điểm khác biệt của hai bài thơ về nghệ thuật và nội dung là gì?

Hãy rút ra cách đọc một bài thơ trữ tình trung đại Việt Nam giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XV.

Với các văn bản còn lại, GV dựa vào hệ thống câu hỏi cốt lõi để biên soạn các câu hỏi cụ thể phù hợp với từng văn bản.

Bước 6: thiết kế tiến trình dạy học

Tiến trình dạy học chuyên đề bao gồm các hoạt động sau:

a) Hoạt động 1 – Giới thiệu tên bài học, mục tiêu bài học

Cách thức hoạt động: GV chiếu cho HS xem hoặc yêu cầu HS đọc tài liệu.

Hoạt động 2 – Hệ thống hóa những đặc điểm của thơ trung đại.

Cách thức hoạt động:

- GV yêu cầu HS nhắc lại/nêu những đặc điểm của thơ trung đại Việt Nam qua những bài thơ đã học ở THCS.

- GV hệ thống hóa các đặc điểm, mô hình hóa qua một văn bản cụ thể, chiếu cho HS xem hoặc yêu cầu HS đọc tài liệu.

Hoạt động 3 – Tổng hợp những nhận định về thơ trung đại Việt Nam

Cách thức hoạt động: GV sưu tầm hoặc yêu cầu HS sưu tầm các nhận định về thơ trung đại Việt Nam, chia sẻ những thông tin đó cho cả lớp, giúp HS có thêm tri thức đọc hiểu.

Hoạt động 4 – Hướng dẫn một số kĩ năng đọc thơ trung đại Việt Nam

Cách thức hoạt động:

- GV yêu cầu HS nhắc lại/nêu cách đọc thơ trung đại Việt Nam qua những bài thơ đã học ở THCS.

- GV hệ thống hóa cách đọc, chiếu cho HS xem hoặc yêu cầu HS đọc tài liệu.

Hoạt động 5 – Xác định những nhiệm vụ học tập trong chuyên đề

Cách thức hoạt động: GV nêu những nhiệm vụ đọc, nghe, nói, viết, từ ngữ, ngữ pháp,... chính mà HS phải thực hiện trong chuyên đề. Trong đó các nhiệm vụ đọc hiểu là chủ yếu.

Hoạt động 6 – Hướng dẫn HS đọc hiểu một số bài thơ trung đại Việt Nam (tích hợp với thực hành phép tu từ ẩn dụ, hoán dụ)

Cách thức hoạt động:

- GV chọn hoặc cho HS lựa chọn 3 trong tổng số 7 VB thơ trung đại có trong SGK; dựa vào các câu hỏi đã biên soạn, hướng dẫn HS đọc hiểu 3 VB đó.

- Với mỗi VB, GV yêu cầu HS tập trung vào một/một số yếu tố văn học mang đặc trưng của thơ trung đại. Chẳng hạn:

+ Bài Tỏ lòng: tập trung tìm hiểu thể thơ và cấu trúc.

+ Bài Cảnh ngày hè: tập trung tìm hiểu ngôn ngữ thơ.

+ Bài Độc Tiểu Thanh kí: tập trung tìm hiểu nhân vật trữ tình và tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Ngoài những yếu tố trên, ở mỗi VB, các yếu tố còn lại vẫn được HS tìm hiểu nhưng không phải là trọng tâm của giờ học.

- Với mỗi VB, GV sử dụng những câu hỏi đã biên soạn, sắp xếp các câu hỏi đó theo trình tự trước, trong, sau khi đọc để hướng dẫn HS đọc hiểu. Chẳng hạn, với văn bản “Tỏ lòng” (“Thuật hoài” – Phạm Ngũ Lão), có thể xếp các câu hỏi theo trình tự sau:

* Trước khi đọc

- Kể tên những bài thơ trữ tình trung đại Việt Nam mà em đã học ở trung học cơ sở? Các bài thơ đó được viết bằng ngôn ngữ nào? Theo các thể thơ gì?

- Nêu những nét chính về tác giả Phạm Ngũ Lão.

- Bài thơ được viết trong hoàn cảnh nào?

- Em hiểu thế nào là “hào khí Đông A”?

* Trong khi đọc

- Nhan đề của bài thơ là gì? Giải thích ý nghĩa của nhan đề đó.

- Bài thơ được viết bằng ngôn ngữ nào? Việc sử dụng ngôn ngữ đó có tác dụng gì?

- Đọc phiên âm chữ Hán để xác định thể thơ. Dựa vào phiên âm chữ Hán, chỉ ra những đặc điểm về bố cục, vần, nhịp, niêm, đối… của thể thơ trong bài thơ. Em thấy việc sử dụng thể thơ đó có hợp lí không? Vì sao?

- Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai? Những từ ngữ nào trong bài thơ giúp em xác định được nhân vật trữ tình? Cảm hứng chủ đạo của nhân vật trữ tình trong bài thơ là gì?

- Câu thơ đầu mở ra hình ảnh nào? Hình ảnh ấy hiện lên như thế nào? Em ấn tượng với từ ngữ nào trong câu thơ này? Hãy cắt nghĩa, lí giải từ ngữ ấy. Nhan đề bài thơ là Tỏ lòng, vậy câu khai đã hướng đến, mở ra nhan đề bài thơ như thế nào?

- Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu thơ thứ hai? Biện pháp đó dùng để thể hiện hình tượng nào?

- Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó và nêu cách hiểu của em về nội dung của câu thứ hai. Nguyên nhân nào thôi thúc người tráng sĩ thời Trần có được vẻ đẹp hiên ngang (ở câu 1), quân đội nhà Trần có được sức mạnh vô địch ấy (ở câu 2)? Nhận xét mối quan hệ nội dung giữa câu khai và câu thừa?

- Câu thơ thứ ba gợi nhắc đến những câu da cao, câu thơ nào? “Thân nam nhi” ở đây là ai? Em hiểu “chưa trả xong nợ công danh” ở đây là gì? Câu thơ cho thấy tác giả tự ý thức về mình như thế nào? Em đánh giá như thế nào về sự tự ý thức đó của tác giả?

- Câu thơ cuối bài có nét đặc sắc nghệ thuật nào? Phạm Ngũ Lão thẹn với ai? Vì sao Phạm Ngũ Lão thẹn với Vũ Hầu? Cái thẹn ấy có ý nghĩa như thế nào?

- Phạm Ngũ Lão là người như thế nào? Người xưa nói “thi dĩ ngôn chí” – điều đó được thể hiện như thế nào trong tác phẩm?

- Tư tưởng của nhà thơ được thể hiện rõ nhất trong câu/cặp câu thơ nào? Lí giải tư tưởng của nhà thơ trong câu/cặp câu thơ đó? Em có nhận xét gì về tư tưởng của tác giả được thể hiện trong bài thơ?

* Sau khi đọc

- Hãy đọc diễn cảm bài thơ.

- Bài thơ giúp em hiểu thêm gì về tác giả?

- Nếu ở vào hoàn cảnh tương tự của tác giả, em sẽ làm gì?

- Tại sao là thơ tỏ chí, nói chí, tỏ lòng nhưng “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão không hề khô khan, cứng nhắc?

- Tại sao nói “Thuật hoài” là chân dung tinh thần của tác giả đồng thời cũng là chân dung tinh thần của thời đại nhà Trần, rực ngời hào khí Đông A?

Hoạt động 7– Hướng dẫn HS đọc độc lập (đọc thêm)

Cách thức hoạt động: GV lựa chọn hoặc cho HS lựa chọn ít nhất 2 trong 4 VB còn lại để đọc độc lập/đọc thêm. Để hiểu bài thơ, HS cần trả lời các câu hỏi GV đã biên soạn. Việc trả lời các câu hỏi này giúp HS củng cố kĩ năng đọc thơ trung đại Việt Nam

Hoạt động 8 – Hướng dẫn HS nói, viết (tích hợp với trình bày một vấn đề hoặc sáng tác văn học)... về thơ trung đại Việt Nam

Cách thức hoạt động: GV thiết kế một số câu hỏi, bài tập để HS HS nói, viết (tích hợp với trình bày một vấn đề hoặc sáng tác văn học)... về thơ trữ tình trung đại Việt Nam. Có thể yêu cầu HS làm tại lớp hoặc làm ở nhà.

Hoạt động 9 – Kiểm tra, đánh giá khả năng đọc hiểu thơ trung đại Việt Nam

Cách thức hoạt động: GV thiết kế đề kiểm tra 01 tiết, sử dụng sau khi hướng dẫn HS đọc hiểu các văn bản chính thức và đọc thêm. Mục đích của đề kiểm tra là đánh giá khả năng vận dụng những kiến thức, kĩ năng HS đã học qua các văn bản thơ trung đại Việt Nam để đọc hiểu một văn bản mới của cùng tác giả, viết theo cùng thể loại và có cùng chủ đề với bài thơ đã họ.

Dưới đây là một giáo án minh họa:

THAO TÁC LẬP LUẬN BÌNH LUẬN

Mục tiêu cần đạt:

  1. Kiến thức:Giúp HS

*Nhận biết:

- Nắm được khái niệm, mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận bình luận

- Nhận diện đối tượng, nội dung và cách bình luận một số văn bản nghị luận

*Thông hiểu:

- So sánh được sự khác biệt giữa thao tác lập luận bình luận với các thao tác lập luận khác

- Hiểu được các bước thực hiện và yêu cầu của từng bước trong thao tác lập luận bình luận.

*Vận dụng:

- Phân tích được mục đích, cách thức lập luận của thao tác lập luận bình luận trong một số văn bản nghị luận.

- Lập được dàn ý cơ bản đảm bảo các bước theo yêu cầu của thao tác lập luận bình luận.

*Vận dụng cao:

- Viết được bài văn nghị luận ngắn bàn luận đánh giá về một vấn đề trong xã hội hoặc văn học.

  1. Kỹ năng:

- Vận dụng thao tác lập luận bình luận để viết một đoạn văn, bài văn nghị luận xã hội hoặc văn học

  1. Thái độ:

- Có trách nhiệm bản thân, rèn luyện thói quen bình luận về các vấn đề xã hội có văn hóa, nhìn nhận đánh giá vấn đề toàn diện, hợp lý.

- Có ý thức bình luận mang tính xây dựng góp phần vào sự phát triển của các vấn đề đời sống xã hội và rèn luyện thái độ sống đúng đắn tích cực.

  1. Năng lực:

* Năng lực chung:

- Năng lực tự học: Tự giác chủ động thực hiện các nhiệm vụ học tập.

- Năng lực giải quyết vấn đề: Học sinh biết vận dụng kiến thức, kĩ năng, thái độ để giải quyết các nhiệm vụ học tập mà giáo viên đặt ra trong tiết học.

- Năng lực quản lý bản thân: Học sinh biết tự điều chỉnh hành vi, thái độ của bản thân trước các vấn đề xã hội.

- Năng lực hợp tác: lắng nghe chia sẻ, phối hợp với các bạn trong nhóm và trong lớp.

- Năng lực sáng tạo: Sáng tạo trong việc đọc hiểu văn bản nghị luận, viết 1 văn bản bình luận theo quan điểm riêng của bản thân.

- Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông: Học sinh biết khai thác các văn bản bình luận dưới dạng viết hay dạng nói.

* Năng lực chuyên biệt:

- Năng lực đọc - hiểu văn bản nghị luận: thông qua việc tìm hiểu về thao tác lập luận bình luận, HS biết cách nhận diện đối tượng, nội dung và cách bình luận một số văn bản nghị luận.

- Năng lực tạo lập văn bản: biết cách sử dụng thao tác lập luận bình luận để hình thành văn bản nghị luận ngắn hoặc dài bàn luận về các vấn đề xã hội hoặc văn học.

  1. Định hướng hình thành phẩm chất:

- Tự chủ, tự tin trong giao tiếp và trình bày trước lớp

- Quan tâm đến những sự kiện chính trị, thời sự nổi bật ở địa phương và trong nước; sẵn sàng tham gia các hoạt động phù hợp với khả năng để góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

- Có ý thức tìm hiểu trách nhiệm của HS trong tham gia giải quyết những vấn đề cấp thiết của xã hội; sẵn sàng tham gia các hoạt động phù hợp với khả năng của bản thân góp phần giải quyết một số vấn đề cấp thiết của cộng đồng như vấn đề an toàn giao thông…

Thiết kế bài học:

Chuẩn bị của GV và HS:

GV: Giáo án, SGV, Chuẩn kiến thức kỹ năng, sưu tầm lựa chọn các văn bản nghị luận có sử dụng thao tác lập luận bình luận, các phương tiện dạy học (máy tính, máy chiếu, máy chiếu vật thể)…

HS: SGK ban cơ bản, tìm hiểu và xem trước hệ thống câu hỏi trong SGK, ôn tập lại kiến thức về các thao tác lập luận khác như giải thích, chứng minh, phân tích, so sánh, bác bỏ…

Tổ chức hoạt động dạy học:

  1. Hoạt động trải nghiệm

MT: Tạo tâm thế, thu hút học sinh, giúp học sinh trải nghiệm và dẫn dắt vào bài mới TG: 5p

GV cho HS xem câu chuyện sau:

Ngày xưa có đôi vợ chồng nọ có một cậu con trai 13 tuổi và một con lừa nhỏ. Một hôm, họ quyết định đi chu du thiên hạ để xem nhân tình thế thái.

Khi đi qua một ngôi làng đầu tiên họ nghe thấy những người ở đây thì thầm: “Xem thằng bé trên lưng lừa kìa, đúng là thứ không được dạy bảo đến nơi đến chốn… Ai lại ngồi thế khi cha mẹ phải lội bộ bên cạnh.” Nghe vậy người vợ liền nói với chồng: “Không thể để họ nói xấu về con mình như vậy được”. Người chồng bèn nhấc cậu bé xuống và nhảy lên lưng lừa ngồi.

Khi qua xóm thứ hai họ lại nghe mọi người ở đây xì xầm: “Xem kìa, thằng chồng kia quả là không biết xấu hổ, khỏe mạnh thế mà lại ngồi trên lưng lừa để vợ và con đi bộ.” Anh chồng liền nhảy xuống khỏi lưng lừa và để chị vợ ngồi lên. Hai cha con đi bên cạnh. Qua xóm thứ ba họ lại nghe thấy người ta xì xầm: “Tội nghiệp anh chồng, làm lụng vất vả cả ngày kiếm cơm áo về cho gia đình lại phải đi bộ, còn xem con vợ kìa! Cả thằng con nữa, đúng là vô phúc mới có được bà mẹ như vậy.” Nghe vậy cả ba quyết định tất cả cùng ngồi lên lưng lừa rồi đi tiếp.

Khi đi qua một xóm nữa họ nghe thấy mọi người nói với nhau: “Đúng là lũ vô cảm, độc ác chẳng khác thú vật. Ba người ngồi trên lưng con vật nhỏ nhắn thế kia thì gẫy lưng nó mất.”

Nghe vậy ba người liền tụt khỏi lưng lừa và đi bên cạnh con vật.

Đến xóm tiếp theo mọi người cảm thấy không thể tin vào tai mình nữa khi nghe thấy người dân ở đây cười nhạo báng: “Nhìn kìa, đúng là lũ ngu. Cả ba lếch thếch đi bộ trong khi con con lừa chẳng có gì trên lưng.”

GV hỏi: Khi đi qua 4 xóm, những người dân ở đây đã dùng những từ ngữ nào để bàn luận đánh giá về đôi vợ chồng và cậu con trai? Bàn luận đánh giá đó đã thực sự xác đáng chưa? Vì sao?

HS trả lời.

GV dẫn dắt:

Bình luận là một hoạt động thường thấy trong đời sống hàng ngày, rất gần gũi với mỗi chúng ta. Nhưng nhiều người khi bình luận lại chưa hiểu vấn đề, hoặc không đặt mình trong tình huống của người khác để bàn luận. Vì vậy bình luận như thế nào để có văn hóa và có trách nhiệm. Bài học ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng trao đổi về điều đó.

  1. Hoạt động hình thành kiến thức mới

MT: Giúp Hs nắm được khái niệm, mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận bình luận, phân biệt được với các thao tác lập luận khác, rèn luyện kỹ năng hợp tác, giao tiếp.

HT: HS làm việc nhóm và trình bày. GV chuẩn hóa kiến thức. 15p

Hoạt động GV & HS

Nội dung kiến thức cần đạt

Giáo viên chia lớp thành các nhóm (mỗi bàn 1 nhóm từ 4 – 6 HS).

? Quan sát các đoạn video sau và thực hiện các yêu cầu:

Sở GD và ĐT thành phố Hà Nội vừa ra văn bản về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016 – 2020. Bên cạnh những hình thức khen thưởng thì Sở cũng đưa ra nhiều hình thức kỷ luật nếu xảy ra vi phạm. Mức phạt cao nhất đối với học sinh, sinh viên là buộc thôi học 1 tuần đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Ý kiến tán thành:

Việc phạm sai lầm quá nhiều lần mà không bị kỉ luật thì sai lầm sẽ vẫn tiếp diễn.

Hiện nay tai nạn giao thông xảy ra rất nhiều. Mình muốn an toàn cho con cái, mình nên chấp hành.

Tuy nhiên nhiều ý kiến lại cho rằng:

Phạt nghỉ học một tuần là quá nặng nề. Nếu làm thế chúng ta không thể đến trường được. Chúng ta sẽ không thể có kiến thức được. Em sẽ cảm thấy rất nhục nhã.

Giờ học của các cháu thay đổi, có thể sa đà vào những chuyện khác còn tệ hại hơn.

Chúng ta có thể có tính giáo dục cao hơn. Có thể đưa các con vào các khóa huấn luyện lao động công ích để các con thấy được giá trị của lao động. Đồng thời từ đó rút ra bài học để sửa lỗi.

Trao đổi với Sở GD & ĐT thành phố Hà Nội, đơn vị trực tiếp đưa ra quy định này, việc buộc thôi học là làm theo đúng điều lệ trường phổ thông do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành. Sở cũng đưa ra nhiều biện pháp, chỉ khi vi phạm nhiều lần mà vẫn tái diễn thì mới đình chỉ. Theo Sở GD và ĐT Hà Nội hiện có khoảng 800 ngàn HS thuộc diện phải đội mũ bảo hiểm khi đi học, nếu chỉ 1% vi phạm thì đã là một con số không hề nhỏ. Vậy nên đã đưa ra biện pháp cao nhất để nâng cao ý thức của HS hơn.

Nguồn Chuyển động 24h, ngày 11/3/2016

- Văn bản đề cập đến vấn đề gì?

- Đối tượng tham gia bình luận là những ai? Họ đã hiểu vấn đề cần bình luận hay chưa?

- Đề xuất của Sở GD và ĐT Hà Nội là gì? Cách lập luận của họ để thuyết phục người nghe tán đồng với đề xuất đó?

- Đánh giá và bàn luận của anh/chị về vấn đề được đặt ra trong văn bản?

Các nhóm HS làm việc, thời gian làm việc: 5 phút

Bước 1: Chia từng câu hỏi cho các thành viên thực hiện.

Bước 2: Thư ký ghi chép, tổng hợp sản phẩm chung

Bước 3: Trao đổi và thống nhất

- Các nhóm trao đổi bài để bổ sung ý cho nhau.

- Các nhóm cử đại diện lên trình bày và trao đổi về sản phẩm.

GV kết luận và dẫn dắt: Bình luận vốn là nhu cầu và là hoạt động mà ta thường xuyên thực hiện trong đời sống. Một bức tranh, một bộ sưu tập thời trang, một sản phẩm âm nhạc… đều có thể trở thành đề tài để chúng ta bình luận và mỗi người sẽ thấy chúng xấu – đẹp, hay - dở khác nhau tùy theo quan điểm của mỗi người. Hoạt động này càng trở nên phổ biến với giới trẻ khi có sự xuất hiện của mạng xã hội. Việc nêu ý kiến bình luận hàng ngày và sử dụng thao tác lập luận bình luận trong bài văn nghị luận có sự khác nhau như thế nào?

GV hướng dẫn HS tìm hiểu văn bản 2: Đoạn trích Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ (SGK Ngữ văn 11, tập 1)

- Mục đích Nguyễn Trường Tộ đưa ra những lời bàn bạc, đánh giá đó là gì?

- Để đạt được mục đích đó, tác giả đã đưa ra những luận điểm nào?

- Theo anh/chị, có thể coi đây là một đoạn trích chứng minh hay giải thích không? Vì sao?

- GV nhận xét đánh giá, chốt vấn đề và đặt câu hỏi:

Thao tác lập luận bình luận trong văn nghị luận chỉ là sự phản ánh và nâng cao những gì đã có trong những công việc mà chính các em đã từng làm, đã biết làm và đang làm.

? Thao tác lập luận bình luận là gì?

? Mục đích chủ yếu của thao tác lập luận bình luận là gì?

? Từ đó, hãy cho biết thao tác lập luận bình luận có những yêu cầu cơ bản nào?

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU THAO TÁC LẬP LUẬN BÌNH LUẬN

1. Tìm hiểu ngữ liệu

a. Văn bản 1

- Vấn đề: Mức phạt cao nhất đối với học sinh, sinh viên là buộc thôi học 1 tuần nếu vi phạm luật giao thông.

- Đối tượng bình luận: Phụ huynh, học sinh, nhà trường, nhà quản lý giáo dục. Họ đều nắm vững và hiểu vấn đề cần bình luận.

- Đề xuất của Sở GD và ĐT thành phố Hà Nội: Bên cạnh hình thức khen thưởng thì cần đưa ra nhiều hình thức kỷ luật nếu xảy ra vi phạm.

Cách thức lập luận: đưa ra lý do

+ Căn cứ điều lệ trường phổ thông do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành.

+ Chỉ khi phạm nhiều lần mà vẫn tái diễn thì mới đình chỉ.

+ Nếu chỉ 1% vi phạm thì đã là một con số không hề nhỏ.

- Đánh giá, bàn luận: Học sinh có thể phản đối hoặc ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên phải đưa ra được lý do thuyết phục hợp lý. Đồng thời phải rút ra bài học cho bản thân.

b. Văn bản 2

- Mục đích: Tác giả đã đề xuất ý kiến và thuyết phục nhà vua lập khoa luật

- Luận điểm:

+ Muốn trị nước thì phải dựa vào luật chứ không phải vào những lời nói suông trên giấy về trung hiếu hay lễ nghĩa?

+ Luật pháp là công bằng và cũng là đạo đức?

- Tác giả không làm nhiệm vụ giải thích hay chứng minh về luật mà chủ yếu là bàn luận về sự cần thiết phải có pháp luật, phải đề cao tư tưởng pháp trị nhà nước pháp quyền trong xã hội. Mọi luận điểm luận cứ đều hướng tới mục đích đó.

2. Kết luận

a. Khái niệm:

Thao tác lập luận bình luận là thao tác lập luận của văn nghị luận đưa ra ý kiến đánh giá và bàn luận về một tình hình, một vấn đề nào đó.

+ Đánh giá: Chỉ ra vấn đề: Đúng/sai? Hay/dở? Tốt/xấu?...

+ Bàn luận: phải có sự trao đổi ý kiến đối với người đối thoại.

b. Mục đích:

Bình luận nhằm đề xuất ý kiến, nhận xét đánh giá giúp người đọc, người nghe hiểu, tán đồng với mình về một hiện tượng, vấn đề nào đó.

c. Yêu cầu:

Yêu cầu thao tác lập luận nghị luận:

+ Đứng trước một tình huống có vấn đề nảy sinh nhu cầu bình luận.

+ Vấn đề được bàn luận phải được người đọc, người nghe hiểu biết, quan tâm

+ Ý kiến đưa ra bình luận phải thực sự thuyết phục, lôi cuốn người đọc, người nghe

+ Phải nắm vững kỹ năng bình luận.

d. Phân biệt bình luận với giải thích, chứng minh, phân tích:

+ Giải thích: Dùng lí lẽ và dẫn chứng để làm cho người đọc, người nghe hiểu rõ, hiểu đúng một vấn đề nào đó.

+ Chứng minh: Dùng lí lẽ và dẫ chứng để làm cho người đọc, người nghe tin một vấn đề nào đó là đúng, là có thật.

+ Phân tích: Làm cho người đọc, người nghe thấy được bản chất của vấn đề .

GV chốt kiến thức bằng hệ thống sơ đồ tư duy:

Tìm hiểu cách bình luận 15p

MT: Nắm được các bước cơ bản và yêu cầu của từng bước trong thao tác lập luận.

HT: phát vấn, nêu vấn đề.

Hoạt động của GV & HS

Nội dung kiến thức cần đạt

GV yêu cầu HS đọc ngữ liệu SGK trang 73 và thực hiện các yêu cầu:

a. Đoạn trích đã nêu vấn đề gì?

b. Bố cục của văn bản gồm mấy phần? Nội dung từng phần?

c. Tác giả đã đánh giá như thế nào về nguyên nhân và hậu quả của tai nạn giao thông?

d. Kết thúc vấn đề, tác giả đã đưa ra lời bàn nào? Giải pháp nào để giải quyết được vấn đề đã nêu ra?

GV nhận xét, chốt lại vấn đề.

? Từ ví dụ trên, hãy cho biết các bước để tiến hành thao tác lập luận bình luận, yêu cầu của từng bước ?

GV chốt kiến thức lý thuyết bằng hệ thống sơ đồ tư duy.

II. CÁCH BÌNH LUẬN

1. Phân tích ngữ liệu (Sgk/73)

* Vấn đề bình luận: Thần chết đồng hành cùng với những sát thủ trên đường phố

* Giải quyết vấn đề:

- Dùng lí lẽ:

+ “Thần chết đã … đường phố”

+ “Những kẻ … giao thông”

+ “Những kẻ đầu …. khoái cảm”.

- Chỉ ra nguyên nhân:

+ Hạn chế khách quan.

+ Hạn chế chủ quan: ý thức tham gia giao thông còn non kém.

è Tác giả đã đi vào giải thích vấn đề.

- Dẫn chứng:

+ “Theo thống kê của UNICEF…. Xe máy”

+ Họ là lực lượng lao động lớn của đất nước. Lực lượng ấy phải gánh lấy trách nhiệm công dân và gia đình.

è Dùng lí lẽ và dẫn chứng để cho người đọc thấy được nguyên nhân và hậu quả của tai nạn giao thông. Từ đó dẫn đến thái độ phê phán, không đồng tình với những sát thủ trên đường phố → Đánh giá vấn đề.

* Tác giả đã đưa ra lời bàn:

- Vấn đề an toàn giao thông là hạnh phúc, là cơ hội gặt hái thành công để hội nhập, là thể hiện thái độ mến khách.

- Hành động cần có:

+ Tự điều chỉnh mình.

+ Tự cứu mình và cứu người.

+ Cần một chương trình truyền thông hiệu quả để lưỡi hái tử thần không còn nghênh ngang trên đường phố.

è Bàn bạc, mở rộng vấn đề.

2. Cách bình luận: 3 bước

Bước 1. Nêu hiện tượng (vấn đề) cần bình luận

→ Trình bày rõ ràng, trung thực

Bước 2. Đánh giá hiện tượng (vấn đề) cần bình luận

→ Phải đề xuất và chứng tỏ được ý kiến nhận định, đánh giá của mình là xác đáng .

Bước 3. Bàn về hiện tượng (vấn đề ) cần bình luận.

→ Cần có những lời bàn sâu rộng.

  1. Hoạt động ứng dụng

Hoạt động GV & HS

Nội dung kiến thức cần đạt

GV hướng dẫn HS vận dụng thao tác lập luận:

? Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu

Xin lỗi cảnh sát giao thông theo yêu cầu của con trai

Sáng 12-2 (mùng 5 tết Bính Thân), anh Nguyễn Văn Điền, ngụ Q.9, TP.HCM đứng hàng giờ đồng hồ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM với tấm bảng "Tôi thành thật xin lỗi các anh cảnh sát giao thông vì đã vượt đèn đỏ".

Anh Điền cho biết anh có một đứa con bị bệnh nan y. Do nhiều lần chở con đi chữa bệnh, anh vượt qua các đèn đỏ nên cháu bé bảo ba làm như thế là sai.

Con trai anh yêu cầu anh phải xin lỗi hành vi đó nên anh rất áy náy và nghĩ ra cách xin lỗi này.

Theo báo Tuoitre.vn ngày 13.2.2016

Hãy viết một đoạn văn ngắn từ 5 – 10 câu sử dụng thao tác lập luận bình luận để bàn luận và đánh giá về câu chuyện trên.

Yêu cầu HS làm việc theo nhóm dưới hình thức khăn trải bàn.

HS ghi ý kiến riêng cá nhân vào ô 1,2,3,4 bên cạnh sau đó thảo luận thống nhất ghi ý kiến chung vào ô trung tâm.

HS trình bày ý kiến đánh giá bàn luận.

GV nhận xét và tổng hợp ý kiến bàn luận, rút ra nhận xét:

Trong cuộc sống trước một vấn đề, một hiện tượng, trước khi phản đối, phê phán điều đó đừng quên đặt thêm câu hỏi còn có lý do nào để mình ủng hộ và đồng ý hay không?

Từ việc kết hợp những phần đúng của một phía và loại bỏ phần còn hạn chế để đi tới một sự đánh giá thực sự hợp lý, công bằng. Đồng thời đưa ra cách đánh giá phải – trái, đúng sai, hay – dở của riêng mình.

Đó là cách bình luận có văn hóa và trách nhiệm, giúp xã hội tiến bộ và phát triển hơn.

Định hướng sản phẩm của HS phải đạt được các yêu cầu cơ bản sau:

- Về hình thức: đảm bảo các bước cơ bản của một thao tác lập luận bình luận (nêu hiện tượng, đánh giá hiện tượng, bàn luận mở rộng vấn đề).

- Về nội dung: HS cần có quan điểm đánh giá riêng, mới mẻ và xác đáng. Về cơ bản đảm bảo các ý sau:

+ Nêu hiện tượng: câu chuyện xin lỗi cảnh sát giao thông theo yêu cầu của con trai làm nhiều người xúc động và suy nghĩ về lòng tự trọng và tình cảm cha con trong cuộc sống.

+ Đáng giá về hiện tượng: Đây là đứa bé trung thực dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng luôn có nhận thức việc làm sai và mong muốn sửa chữa. Người cha biết thương con, bất chấp tổn thương danh dự và lòng tự trọng của mình để mong con hài lòng, vui vẻ mau khỏi bệnh còn bản thân được thanh thản, thoải mái.

+ Bàn luận mở rộng: Đó không phải hành động phô trương gây chú ý. Ngược lại nghĩa cử đẹp và có văn hóa này nhắc nhở mọi người tự giác tuân thủ luật giao thông. Hãy hành động vì những người xung quanh và cùng chung tay xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

  1. Hoạt động bổ sung

- Dựa vào những phần thảo luận nhóm đã thực hiện trên lớp, anh/chị có bàn luận gì về vai trò của hệ thống pháp luật đối với vấn đề an toàn giao thông và trật tự xã hội. Hãy viết bài nghị luận xã hội hoàn chỉnh bàn luận về vấn đề trên (300 – 400 chữ).

- Dặn dò: Hiểu được mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của thao tác lập luận bình luận, nắm được nguyên tắc và cách thức bình luận

Tài liệu đã tham khảo

- Thiết kế bài giảng Ngữ văn 11, tập 2, Nguyễn Văn Đường, NXB Sư phạm Hà Nội, 2006.

- Sách giáo viên Ngữ văn 11, tập 2, Trần Đình Sử, NXB Giáo dục, 2015.

- Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kĩ năng, NXB Giáo dục, 2010.

- Tài liệu tập huấn xây dựng chuyên đề dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh môn Ngữ văn 2017.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Mẹo dạy học hay

    Xem thêm