Soạn bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu
Soạn bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác
Soạn bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu để thấy được tư tưởng chủ đạo mà tác giả gửi gắm qua từng câu chữ: Dù trong cảnh khốn khó nhưng vẫn kiên cường, không sờn lòng và khẳng định một nhân cách cao đẹp hào kiệt, phong lưu, ung dung với thái độ hóm hỉnh, lạc quan, ngạo nghễ, coi nhà tù như chốn nghỉ, nơi dừng chân.
Phân tích bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác của Phan Bội Châu
Bài tham khảo 1d
I. Đọc – hiểu văn bản
Câu 1. Phân tích cặp câu 1 – 2, tìm hiểu khí phách và phong thái của nhà chí sĩ khi rơi vào vòng ngục tù.
- Hoàn cảnh thay đổi:
Thông thường bị tù đày đọa là lúc người anh hùng “lỡ bước” “sa cơ” tù đày làm nhụt đi ý chí của con người: “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” (một ngày ngồi tù bằng nghìn thu ở ngoài), tù đày là mang đến sự cô đơn, đau đớn.
- Khí phách thay đổi:
Đối với Phan Bội Châu, ông xem ngồi tù chỉ là trạm nghỉ của cuộc mỏi chân “chạy mỏi chân thì hãng ở tù” còn khí phách không thay đổi “vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu”.
+ Vẫn điệp từ khẳng định bản lĩnh anh hùng trước sau như một không gì lay chuyển.
+ Hào kiệt: Người có tài năng, chí khí phi thường, phong lưu. Sự ung dung đường hoàng thể hiện phong thái uy nghi của bậc anh hùng dù ở chốn lao tù.
Câu 2. Đọc lại hai cặp câu 3-4, em thấy giọng điệu có gì thay đổi so với hai câu thơ trên? Vì sao? Lời tâm sự này có ý nghĩa như thế nào?
- Giọng thơ thay đổi: Từ bay bổng trầm hùng chuyển sang trầm lắng suy tư, dẫu sao người anh hùng cũng phải đối diện với thực tế nghiệt ngã của chốn lao tù và khi con đường hoạt động cách mạng tạm gián đoạn.
- Ý nghĩa của lời tâm sự:
+ Khách không nhà: Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian truân, bôn ba lênh đênh khắp năm châu bốn biển, phải xa gia đình, quê hương và những người thân yêu.
+ Người có tội là luôn bị bọn giặc theo dõi ráo riết để bắt bớ truy nã vì “trung với nước hiếu với dân” (Hồ Chí Minh).
+ Biện pháp đối chặt chẽ cân xứng:
Trong bốn biển với giữa năm châu
Khách không nhà với người có tội
+ Hình ảnh kì vĩ hào hùng, “cái tội” ấy và “người khách ấy” trở nên thật cao đẹp.
Câu 3. Em hiểu thế nào về ý nghĩa của cặp câu 5-6? Lối nói khoa trương này có tác dụng gì trong việc biểu hiện hình ảnh người anh hùng, hào kiệt này?
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù
Nghệ thuật tương đối chặt chẽ làm khẩu khí câu thơ trở nên mạnh mẽ.
Bồ kinh tế là hoài bão tự muốn cứu đời, cứu nước, cứu đân, hai tay ôm chặt thật mạnh mẽ và quyết liệt, là lời thề chiến đấu đến cùng
Cuộc oán thù là cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, thế mà có thể mở miệng cười tan cái cười kia thật ngão nghệ, thật hào sảng biết bao.
Câu 4. Hai câu cuối là kết tinh tư tưởng của toàn bài thơ. Em cảm nhận được điều gì từ hai câu thơ ấy?
Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu
- Điệp từ còn thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào tương lai tươi sáng mặc dù bất cứ hoàn cảnh nào: Thân còn sự nghiệp còn, lời thề thầm lặng thiêng liêng của một bậc anh hùng suốt đời vì dân vì nước.
- Câu thơ kết là lời thách thức với thự tế, nhà tù khắc nghiệt trước mắt và những chông gai khó khăn ở phía trước. Tâm thức của người anh hùng vượt trên sự gian khổ và sự bạo tàn của kẻ thù.
Tóm lại, bằng giọng điệu hào hùng có sức lôi cuốn mạnh mẽ, bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là bức chân dung tự họa con người tinh thần của Phan Bội Châu với phong thái ung dung, đường hoàng và khí phách kiên cường, bất khuất vượt lên trên cảnh tù khốc liệt để tự an ủi mình giữ vững lí tưởng, niềm tin và khát vọng cứu nước cứu dân.
II. Luyện tập.
Ôn lại những kiến thức đã học về thể thất ngôn bát cú đường luật. Em hãy nhận dạng thể thơ của bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác về phương diện số câu, số chữ và cách gieo vần.
Bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác viết bằng thể thất ngôn bát cú Đường luật. Chữ thứ hai của câu 1 là chữ «là» thuộc thanh bằng, như vậy bài thơ này được viết theo luật bằng.
Chữ «lưu» ở cuối câu 1 thuộc thanh bằng, dùng để gieo vần. Đây là căn cứ xác định bài thơ có vần bằng. Toàn bộ bài thơ có 5 chữ gieo vần bằng: «Lưu – tù – châu – thù – đâu».
Bài tham khảo 2
ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
A. YÊU CẦU
- Cảm nhận được vẻ đẹp của những chí sĩ yêu nước đầu thế kỉ XX như Phan Bội Châu - những người mang chí lớn cứu nước, cứu dân đã thể hiện phong thái ung dung, khí phách hiên ngang, bất khuất vượt lên hoàn cảnh ngục tù khốc liệt, luôn có niềm tin vào sự nghiệp giải phóng dùn tộc.
- Hiểu được sức truyền cảm nghệ thuật qua giọng thơ hào hùng, hình ảnh thơ mạnh mẽ, khoáng đạt của tác giả.
B. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP PHẦN BÀI HỌC
Câu hỏi 1. Phân tích các câu 1 - 2, tìm hiểu khí phách và phong thái của nhà chí sĩ khi rơi vào vòng tù ngục (chú ý các từ hào kiệt và quan niệm chạy mỏi chân thì hãy ở tù).
Gợi ý
Hai câu thơ đầu đã thể hiện khẩu khí của một bậc anh hùng:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Nhân vật trữ tình trong bài thơ tự khẳng định mình dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn là một con người có chí khí. Trước và cả khi bị giam cầm trong tù ngục, thậm chí biết khó tránh khỏi cái chết, con người ấy vẫn có một tư thế ung dung, đường hoàng, tự tin đến cao ngạo, ngang tàng, xem thường hiểm nguy; lại vừa có phong thái hào hoa, tài tử. Đó là tư thế của người chí sĩ cách mạng lúc sa cơ.
Người quân tử rơi vào chốn tù ngục mà cứ như là người chủ động tạm dừng chân trên chặng đường bôn tẩu, “chạy mỏi chân thì hãy ở tù”. Bậc anh hùng không bao giờ chịu cúi đầu khuất phục trước hoàn cảnh, không để cho hoàn cảnh đè bẹp mình, làm mình nhụt chí. Sự cùm kẹp, đọa đầy của kẻ thù không làm cho con người ấy nao núng. Người cách mạng đứng cao hơn hoàn cảnh thực tại khắc nghiệt, do vậy mà cảm thấy mình hoàn toàn tự do, thanh thản về mặt tinh thần.
Bài thơ có giọng điệu đùa vui - một giọng điệu quen thuộc trong lối thơ khẩu khí khá phổ biến ở văn thơ truyền thống. Bài thơ nói về một việc nghiêm trọng giữa cái sống và cái chết bằng một giọng cười cợt, xem thường. Đó là một cách nói chí của người xưa.
Hai câu thơ thể hiện rõ quan niệm và chí khí của các nhà nho yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX.
Câu hỏi 2. Đọc lại cặp câu 3 - 4, em thấy giọng điệu có gì thay đổi so với hai câu thơ trên? Vì sao? Lời tâm sự ở đây có ý nghĩa như thế nào?
Gợi ý
Từ một giọng đùa cợt, bài thơ chuyển sang một giọng trầm buồn như một lời tâm sự, như một nỗi đau cố nén:
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Cuộc đời bôn ba của Phan Bội Châu đầy sóng gió và nhiều bất trắc. Mười năm bôn ba phiêu bạt khắp nơi, Phan Bội Châu đã từng nếm trải cảnh không mái ấm gia đình, cực khổ về vật chất, cay đắng về tinh thần. Ông không bao giờ được yên ổn vì còn là đối tượng săn đuổi của kẻ thù (ông bị thực dân Pháp tuyên án tử hình và truy nã khắp nơi).
Phan Bội Châu ngay từ đầu đà quyết dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng, tự nguyện gắn cuộc đời mình với sự tồn vong của đất nưóc “Non sông đã chết sống thêm nhục” (Lưu biệt khi ra nước ngoài). Ông gắn cuộc đời sóng gió của mình với tình cảnh chung của đất nước, của nhân dân. Ông than cho số phận cá nhân của mình cũng chính là đau cái nỗi đau của một dân tộc mất nước. Đó là nỗi đau buồn của một người tù yêu nước, của một nhân cách cao cả.
Câu hỏi 3. Em hiểu thế nào vể ý nghĩa của cặp câu 5 - 6? Lối nói khoa trương ở đây có tác dụng gì trong việc biểu hiện hình ảnh người anh hùng, hào kiệt?
Gợi ý
Câu 5 - 6:
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
“Kinh tế” là cách nói cổ, xuất xứ từ chữ “kinh bang tế thế” (nghĩa là giúp nước lo đời).
Cho dù có ở tình trạng bi kịch đến mức độ nào thì chí khí của bậc anh hùng, hào kiệt vẫn không thay đổi, vẫn một lòng theo đuổi sự nghiệp cứu nước, cứu đời; vẫn có thể ngạo nghễ cười trước mọi âm mưu thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù.
Biện pháp khoa trương (thường được dùng trong lối thơ khẩu khí) đã có tác dụng trong việc nâng tầm vóc của con người vốn nhỏ bé trong vũ trụ trở nên hết sức lớn lao, đến mức thần thánh. Lối nói này kích thích cảm xúc của người đọc, tạo nên sức truyền cảm nghệ thuật mạnh mẽ. Câu thơ là kết tinh cao độ cảm xúc lãng mạn, hào hùng của tác giả.
Câu 4. Hai câu thơ cuối là kết tinh tư tưởng của toàn bài thơ. Em cảm nhận được điều gì từ hai câu thơ ấy?
Gợi ý
Tư tưởng của bài thơ được nén chặt ở hai câu cuối:
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
Con người ấy còn sống là còn tin tưởng, còn tranh đấu đến cùng cho sự nghiệp chính nghĩa của mình, không sợ bất kì một hiểm nguy nào.
Từ “còn” được lặp lại ở giữa câu thơ, khi đọc phải nhấn giọng mạnh, tạo cho lời thơ trở nên mạnh mẽ, dứt khoát, làm tăng ý nghĩa khẳng định tư thế hiên ngang, ý chí kiên cường của người cách mạng yêu nước.
PHẦN LUYỆN TẬP
Ôn lại những kiến thức đã học về thể thất ngôn bát cú Đường luật, em hãy nhận dạng thể thơ của bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác về các phương diện số câu, số chữ, cách gieo vần.
Gợi ý
- Thể thất ngôn bát cú Đường luật em đã được học trong chương trình Ngữ văn 7. Bài tập này chỉ yêu cầu em nhận dạng thể thơ này trên các phương diện số câu, số chữ và cách gieo vần.
- Bài thơ gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ (thất ngôn bát cú); được gieo vần bằng ở các câu 1,2, 4, 6, 8.
Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan
Dưới đây là bài soạn Vào nhà ngục Quảng Đông Cảm Tác bản rút gọn nếu bạn muốn xem hãy kích vào đây Soạn văn 8: Vào nhà ngục Quảng Đông Cảm Tác
Ngoài đề cương ôn tập chúng tôi còn sưu tập rất nhiều tài liệu học kì 1 lớp 8 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh. Hy vọng rằng tài liệu lớp 8 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới