Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều) ngắn gọn
Soạn Văn 9 Kiều ở lầu Ngưng Bích
Soạn Văn 9 bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều) của Nguyễn Du được VnDoc đăng tải sau đây hướng dẫn các em trả lời các câu hỏi trong SGK Ngữ văn 9 tập 1 trang 95, 96. Tài liệu giúp các em nắm vững kiến thức được học về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích và có sự chuẩn bị bài kỹ lưỡng trước khi đến lớp. Mời các em tham khảo chi tiết dưới đây.
1. Soạn bài Kiều ở Lầu Ngưng Bích
Bố cục Kiều ở Lầu Ngưng Bích
- 6 câu đầu: Khung cảnh bi kịch của nội tâm.
- 8 câu tiếp: Nỗi nhớ người thân.
- 8 câu cuối: Tâm trạng buồn lo của Kiều.
Câu 1 (trang 95 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1)
Cảnh thiên nhiên trong 6 câu thơ đầu:
- Không gian: Mênh mông, hoang vắng, cô đơn, bốn bề bao la bát ngát, cồn cát im lìm, dãy núi nhấp nhô, ánh trăng làm bạn.
- Thời gian: Từ sáng sớm đến đêm khuya, sự quay vòng của thời gian.
- Kiều đang bị giam lỏng, cô đơn, mất tự do nơi hữu tình thơ mộng mà hoang vắng.
Câu 2 (trang 95 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1): 8 câu thơ tiếp
a. Trong cảnh giam lỏng, nàng nhớ tới Kim Trọng, sau đó nhớ về cha mẹ. Như vậy khá hợp lí, bởi với cha mẹ, nàng đã gặp trước lúc cách xa, nàng cũng đã bán thân cứu cha nên vơi bớt nỗi lo. Nhưng với người nàng thương, Kim Trọng, chàng chưa biết tin gì về gia biến nhà nàng và nàng đau đớn, day dứt không giữ được lời thề.
b. Nghệ thuật dùng từ ngữ, hình ảnh: Nhiều hình ảnh ước lệ chén đồng, tin sương, tấm son, quạt nồng ấp lạnh, sân lai, gốc tử..., từ ngữ thể hiện được tâm trạng đớn đau, day dứt với Kim Trọng, nỗi xót xa, lo lắng cho cha mẹ.
c. Thúy Kiều là một người tình chung thủy, người con hiếu thảo. Nàng có tâm hồn cao đẹp, luôn nghĩ cho người khác dù mình đang cảnh mất tự do, cô đơn.
Soạn Văn 9 Câu 3 (trang 96 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1): 8 câu thơ cuối
a. Cảnh vật là hư, đây là tâm trạng chứ không phải cảnh thực. Mỗi cảnh có nét riêng đồng thời lại có nét chung diễn tả tâm trạng của Kiều:
- Cánh buồm nhỏ xa xăm vô định như cuộc đời nàng giữa biển đời vô hướng.
- Cánh hoa bị vùi dập như số kiếp trôi nổi của nàng.
- Nội cỏ rầu rầu một màu đơn điệu như màu sắc cuộc đời nàng tẻ nhạt.
- Gió cuốn, sóng ầm ầm chính là dông bể cuộc đời, một nỗi bàng hoàng lo sợ.
b. Cách dùng điệp ngữ:
Điệp ngữ “Buồn trông” lặp lại bốn lần đặt ở đầu mỗi câu lục. Đôi mắt buồn nhìn và bao trùm lên hết thảy cảnh vật. Kết hợp không gian xa đến gần, thu vào tâm tư người con gái nỗi cô đơn, sầu nhớ, đau đớn và lo sợ.
Luyện tập
Câu 1 (trang 96 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1)
- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình là mượn cảnh vật để (ngụ) gửi gắm tâm trạng. Cảnh không đơn thuần chỉ là cảnh mà còn là tâm trạng con người. Lấy cảnh làm phương tiện thể hiện tâm trạng.
- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong 8 câu cuối:
+ Cánh buồm nhỏ xa xăm vô định như cuộc đời nàng giữa biển đời vô hướng.
+ Cánh hoa bị vùi dập như số kiếp trôi nổi của nàng.
+ Nội cỏ rầu rầu một màu đơn điệu như màu sắc cuộc đời nàng tẻ nhạt.
+ Gió cuốn, sóng ầm ầm chính là dông bể cuộc đời, một nỗi bàng hoàng lo sợ.
2. Tài liệu tham khảo thêm
6 câu thơ đầu bài Kiều ở lầu Ngưng Bích
Không gian: rộng lớn với “non xa”, “trăng gần” ⇒ sự bát ngát của không gian càng làm cho con người trở nên cô đơn, lẻ loi.
Từ “xa trông”: biểu lộ rất rõ tâm trạng thẫn thờ, đón đợi.
⇒ Không gian, vũ trụ bao la.
Từ “khóa xuân”: Kiều ý thức được mình không còn trẻ tuổi, đoạn tuyệt với tuổi trẻ khi đã rơi vào chốn lầu xa.
Tâm trạng của Thúy Kiều trước không gian bát ngát, mênh mông.
Từ láy “bẽ bàng”: sự hổ thẹn, sự tự vấn, nỗi chán nản hòa với buồn tủi đang tràn ngập trong tâm trạng Kiều.
8 câu thơ giữa bài Kiều ở lầu Ngưng Bích
Kiều nhớ đến Kim Trọng, nhớ đến cảnh mình cùng Kim Trọng uống rượu thề nguyền dưới ánh trăng.
Rồi bất chợt, nàng liên tưởng đến thân phận "bên trời góc biển bơ vơ" của mình.
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai": tấm lòng son của Kiều, tấm lòng nhớ thương Kim Trọng sẽ không bao giờ phai mờ, nguôi quên dù cho có gặp nhiều trắc trở trong đường đời.
"xót" diễn tả tấm lòng Kiều dành cho đấng sinh thành: lo lắng nghĩ đến hình bóng tội nghiệp của cha mẹ, khi sáng sớm, lúc chiều hôm tựa cửa ngóng tin con, hay mong chờ con đến đỡ đần
Các thành ngữ "rày trông mai chờ", "quạt nồng ấp lạnh", "cách mấy nắng mưa" và các điển tích, điển cố "sân Lai, gốc Tử" để nói lên tâm trạng nhớ thương, lo lắng và tấm lòng hiếu thảo của Kiều dành cho cha mẹ.
8 câu thơ cuối bài Kiều ở lầu Ngưng Bích
Cặp lục bát 1: Phân tích hình ảnh “cửa bể chiều hôm”, “cánh buồm xa xa” gợi tả nỗi buồn của Kiều khi nghĩ về cha mẹ - những người sinh thành ra mình, nàng cảm thấy xót xa.
Cặp lục bát 2: Phân tính hình ảnh “ngọn nước mới sa”, “hoa trôi man mác” gợi tả nỗi mông lung lo lắng của Kiều không biết cuộc đời sẽ trôi đi đâu về đâu. Tâm trạng của Thúy kiều lại trở về với thực tại của đời mình, trở về với nỗi đau hiện thực.
Cặp lục bát 3: Phân tích hình ảnh “nội cỏ rầu rầu”, “chân mây mặt đất” gợi tả sự vô định của Kiều. Từ láy “rầu rầu” gợi cho ta sự tàn úa đến thảm thương, màu xanh tàn úa, héo hắt.
Cặp lục bát 4: Phân tích hình ảnh “gió cuốn mặt duềnh”, “tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” gợi sự sợ hãi, hoảng hốt của Kiều. Sự lênh đênh trên chặng đường đời nhiều sóng gió trước mặt Kiều, cũng là những phong ba, gập ghềnh mà Kiều sẽ phải đi qua.
→ Điệp từ “buồn trông” được nhắc đi nhắc lại trong khổ thơ. Nó như tâm trạng của Kiều lúc này, đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.