Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bản chất, chức năng, phân loại các hiện tượng tâm lí

Chúng tôi xin giới thiệu bài Bản chất, chức năng, phân loại các hiện tượng tâm lí được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Bản chất của tâm lí người

Chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định: Tâm lí người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người thông qua chủ thể, tâm lí người có bản chất xã hội - lịch sử.

1.1. Tâm lí người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người thông qua chủ thể

Tâm lí người không phải do thượng đế hay do trời sinh ra, cũng không phải là do não tiết ra như gan tiết ra mật, tâm lí người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não con người thông qua “lăng kính chủ quan”.

Thế giới khách quan tồn tại bằng các thuộc tính không gian, thời gian và luôn vận động. Phản ánh là thuộc tính chung của mọi sự vật, hiện tượng đang vận động. Nói một cách chung nhất, phản ánh là quá trình tác động qua lại giữa hệ thống này và hệ thống khác, kết quả là để lại dấu vết (hình ảnh) tác động ở cả hệ thống tác động và hệ thống chịu sự tác động, chẳng hạn:

  • Viên phấn được dùng để viết lên bảng đen để lại vết phấn trên bảng và ngược lại bảng đen làm mòn (để lại vết) trên viên phấn (phản ánh cơ học).
  • Hệ thống khí hydrô tác động qua lại với hệ thống khí oxi, đó là phản ánh (phản ứng) hóa học để lại một vết chung của hai hệ thống là nước (2H, + 02 -> 2H20).

Phản ánh diễn ra từ đơn giản đến phức tạp và có sự chuyển hóa lẫn nhau, từ phản ánh cơ, vật lí, hóa học đến phản ánh sinh vật và phản ánh xã hội, trong đó có phản ánh tâm lí.

Phản ánh tâm lí là một loại phản ánh đặc biệt:

  • Đó là sự tác động của hiện thực khách quan vào con người, vào hệ thần kinh, bộ não người - tổ chức cao nhất của vật chất. Chỉ có hệ thần kinh và bộ não người mới có khả năng nhận tác động của hiện thực khách quan, tạo ra trên não hình ảnh tinh thần (tâm lí) chứa đựng trong vết vật chất, đó là các quá trình sinh lí, sinh hóa ở trong hệ thần kinh vào não bộ. C. Mác (K. Marx) cho rằng, tinh thần, tư tưởng, tâm lí... chẳng qua là vật chất được chuyển vào trong đầu óc, biến đổi trong đó mà có.
  • Phản ánh tâm lí tạo ra “hình ảnh tâm lí” (“bản sao chép”, “bản chụp”) về thế giới. Hình ảnh tâm lí là kết quả của quá trình phản ánh thế giới khách quan vào não. Song hình ảnh tâm lí khác về chất so với các hình ảnh cơ, vật lí, sinh vật ở những điểm sau:

Hình ảnh tâm lí mang tính sinh động, sáng tạo, ví dụ: hình ảnh tâm lí về cuốn sách trong đầu một người biết chữ khác xa về chất với hình ảnh vật lí có tính chất “chết cứng”, hình ảnh vật chất của chính cuốn sách dó có ở trong gương.

Hình ảnh tâm lí mang tính chủ thể, mang đậm màu sắc cá nhân (hoặc nhóm người) mang hình ảnh tâm lí đó, hay nói cách khác, hình ảnh tâm lí là hình ảnh chủ quan về hiện thực khách quan. Tính chủ thể của hình ảnh tâm lí thể hiện cụ thể là: Mỗi chủ thể trong khi tạo ra hình ảnh tâm lí về thế giới đã đưa vốn hiểu biết, vốn kinh nghiệm, đưa cái riêng của mình (về nhu cầu, xu hướng, tính khí, năng lực)... vào trong hình ảnh đó, làm cho nó mang đậm màu sắc chủ quan.

Nói cách khác, con người phản ánh thế giới bằng hình ảnh tâm lí, thông qua “lăng kính chủ quan” của mình.

Tính chủ thể trong phản ánh tâm lí thể hiện ở những khía cạnh sau:

  • Cùng nhận sự tác động của thế giới về một hiện thực khách quan nhưng ở những chủ thể khác nhau xuất hiện những hình ảnh tâm lí với những mức độ, sắc thái khác nhau.
  • Cũng có khi cùng một hiện thực khách quan tác động đến một chủ thể duy nhất nhưng vào những thời điểm khác nhau, ở những hoàn cảnh khác nhau với trạng thái cơ thể, trạng thái tinh thần khác nhau, có thể cho ta thấy mức độ biểu hiện và các sắc thái tâm lí khác nhau ở chủ thể ấy.
  • Chính chủ thể mang hình ảnh tâm lí là người cảm nhận, cảm nghiệm và thể hiện nó rõ nhất. Cuối cùng, thông qua các mức độ và sắc thái tâm lí khác nhau mà mỗi chủ thể tỏ thái độ, hành vi khác nhau đối với hiện thực.

Do đâu mà tâm lí người này khác tâm lí người kia về thế giới?

Điều đó do nhiều yếu tố chi phối: Trước hết, do mỗi con người có những đặc điểm riêng về cơ thể, giác quan, hệ thần kinh và não bộ. Đồng thời, mỗi người có một hoàn cảnh sống, điều kiện giáo dục khác nhau và đặc biệt là mỗi cá nhân thể hiện mức độ tích cực hoạt động, tích cực giao lưu không như nhau trong cuộc sống. Vì thế, tâm lí người này khác tâm lí người kia.

Từ luận điểm nói trên, chúng ta có thể rút ra một sỏ kết luận thực tiễn sau:

  • Tâm lí có nguồn gốc là thế giới khách quan, vì thế khi nghiên cứu cũng như khi hình thành, cải tạo tâm lí người, phải nghiên cứu hoàn cảnh trong dó con người sống và hoạt động.
  • Tâm lí người mang tính chủ thể, vì thế trong dạy học, giáo dục cũng như trong quan hệ ứng xử phải chú ý nguyên tắc sát đối tượng (chú ý đến cái riêng trong tâm lí mỗi người).
  • Tâm lí là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp, vì thế phải tổ chức hoạt động và các quan hệ giao tiếp để nghiên cứu, hình thành và phát triển tâm lí con người.

1.2. Bản chất xã hội của tâm lí người

Tâm lí người là sự phản ánh hiện thực khách quan, là chức năng của não, là kinh nghiệm xã hội lịch sử biến thành cái riêng của mỗi người. Tâm lí con người khác xa với tâm lí của một số loài động vật cao cấp, biểu hiện là: Tâm lí người có bản chất xã hội và mang tính lịch sử.

Bản chất xã hội và tính lịch sử của tâm lí người thể hiện như sau:

  • Tâm lí người có nguồn gốc là thế giới khách quan (thế giới tự nhiên và xã hội), trong đó nguồn gốc xã hội là cái quyết định (quyết định luận xã hội). Ngay cả phần tự nhiên trong thế giới cũng được xã hội hóa. Phần xã hội hóa thế giới quyết định tâm lí người thể hiện qua: các quan hệ kinh tế - xã hội, các mối quan hệ đạo đức pháp quyền, các mối quan hệ con người — con người từ quan hệ gia đình, làng xóm, quê hương, khối phố cho đến các quan hệ nhóm, các quan hệ cộng đồng... Các mối quan hệ trên quyết định bản chất tâm lí người (bản chất COI1 người là sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội). Trên thực tế, con người thoát li khỏi các quan hệ xã hội, quan hệ người - người, đều làm cho tâm lí mất bản tính người (ví dụ trường hợp trẻ COI1 do động vật nuôi từ bé, tâm lí của những trẻ này không hơn hẳn tâm lí loài vật).
  • Tâm lí người là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp của con người trong mối quan hệ xã hội. Con người là một thực thể tự nhiên và điều chủ yếu là một thực thể xã hội. Phần tự nhiên của con người (như đặc điểm cơ thể, giác quan, thần kinh, bộ não) dược xã hội hóa ở mức cao nhất. Là một thực thể xã hội, con người là chủ thể của nhận thức, chủ thể của hoạt động, giao tiếp với tư cách một chủ thể tích cực, chủ động sáng tạo, tâm lí của con người là sản phẩm của con người với tư cách là chủ thể xã hội. Vì thế, tâm lí người mang đầy đủ dấu ấn xã hội - lịch sử của con người.
  • Tâm lí của mỗi cá nhân là kết quả của quá trình lĩnh hội tiếp thu vốn kinh nghiệm xã hội, nền văn hóa xã hội, thông qua hoạt động, giao tiếp (hoạt động vui chơi, học tập, lao động, công tác xã hội), trong dó giáo dục giữ vai trò chủ đạo, hoạt động của con người và mối quan hệ giao tiếp của con người trong xã hội có tính quyết định.
  • Tâm lí của mỗi con người hình thành, phát triển và biến đổi cùng với sự phát triển của lịch sử cá nhân, lịch sử dân tộc và cộng đồng. Tâm lí của mỗi con người chịu sự chế ước bởi lịch sử của cá nhân và cộng đồng.

Tóm lại, tâm lí người có nguồn gốc xã hội, vì thế phải nghiên cứu môi trường xã hội, nền văn hoá xã hội, các quan hệ xã hội trong dó con người sống và hoạt động. Cần phải tổ chức có hiệu quả hoạt động dạy học và giáo dục, cũng như các hoạt động chủ đạo từng giai đoạn lứa tuổi khác nhau để hình thành, phát triển tâm lí con người...

2. Chức năng của tâm lí

Hiện thực khách quan quyết định tâm lí con người, nhưng chính tâm lí con người lại tác động trở lại hiện thực bằng tính năng động, sáng tạo của nó thông qua hoạt động, hành động, hành vi. Mỗi hoạt động, hành động của con người đều do “cái tâm lí” điều hành. Sự điều hành ấy biểu hiện qua những mặt sau:

  • Tâm lí có chức năng chung là định hướng cho hoạt động, ở dây muốn nói tới vai trò động cơ, mục đích của hoạt động. Động cơ có thể là một nhu cầu được nhận thức, hứng thú, lí tưởng, niềm tin, lương tâm, danh vọng...
  • Tâm lí là động lực thôi thúc, lôi cuốn con người hoạt động, khắc phục mọi khó khăn vươn tới mục đích đã đề ra.
  • Tâm lí điều khiển, kiểm tra quá trình hoạt động bằng chương trình, kế hoạch, phương pháp, phương thức tiến hành hoạt động, làm cho hoạt động của con người trở nên có ý thức, đem lại hiệu quả nhất định.
  • Cuối cùng, tâm lí giúp con người điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với mục tiêu đã xác định, đồng thời phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế cho phép.

Nhờ có các chức năng định hướng, điều khiển, điều chỉnh nói trên mà tâm lí giúp con người không chỉ thích ứng với hoàn cảnh khách quan, mà còn nhận thức, cải tạo và sáng tạo ra thế giới. Đồng thời, chính trong quá trình đó, con người nhận thức, cải tạo chính bản thân mình.

Nhờ chức năng điều hành nói trên mà nhân tố tâm lí giữ vai trò cơ bản, có tính quyết định trong hoạt động của con người.

3. Phân loại hiện tượng tâm lí

3.1. Dựa trên căn cứ khác nhau, có nhiều cách phân loại các hiện tượng tâm lí

Căn cứ vào thời gian tồn tại của hiện tượng tâm lí và vị trí tương đối của chúng trong nhân cách, có thể phân chia các hiện tượng tâm lí thành ba loại chính:

  • Các quá trình tâm lí.
  • Các trạng thái tâm lí.
  • Các thuộc tính tâm lí.

Các quá trình tâm lí là những hiện tượng tâm lí diễn ra trong thời gian tương đối ngắn, có mở đầu, diễn biến, kết thúc tương đối rõ ràng. Người ta thường phân biệt thành ba quá trình tâm lí:

  • Các quá trình nhận thức, gồm cảm giác, tri giác, trí nhớ, tưởng tượng, tư duy.
  • Các quá trình cảm xúc biểu thị sự vui mừng hay tức giận, dễ chịu hay khó chịu, nhiệt tình hay thờ ơ...
  • Quá trình hành động ý chí.

Các trạng thái tâm lí là những hiện tượng tâm lí diễn ra trong thời gian tương đối dài, việc mở đầu và kết thúc không rõ ràng, như: chú ý, tâm trạng.

Các thuộc tính tâm lí là những hiện tượng tâm lí tương đối ổn định, khó hình thành và khó mất đi, tạo thành những nét riêng của nhân cách. Người ta thường nói tới bốn nhóm thuộc tính tâm lí cá nhân như: xu hướng, tính cách, khí chất và năng lực.

Có thể biểu diễn mối quan hộ giữa các hiện tượng tâm lí bằng sơ đồ sau:

Sơ đồ 1: Mối quan hệ giữa các hiện tượng tâm lí

Bản chất của tâm lý học

3.2. Căn cứ vào sự tham gia của ý thức, có thể phân biệt hiện tượng tâm lí thành

  • Các hiện tượng tâm lí có ý thức.
  • Các hiện tượng tâm lí chưa được ý thức.

Chúng ta có nhiều nhận biết về các hiện tượng tâm lí có ý thức (được nhận thức hay tự giác). Còn những hiện tượng tâm lí chưa được ý thức vẫn luôn diễn ra, nhưng ta không ý thức về nó, hoặc dưới ý thức, chưa kịp ý thức. Một số tác giả nước ngoài còn chia ý thức thành hai mức: 1) “vô thức“ là những lĩnh vực nằm ngoài ý thức, “khó lọt vào“ lĩnh vực ý thức (một số bản năng vô thức, một số hành động lỡ lời, lỡ chân tay, ngủ mơ, mộng du...) và 2) “tiềm thức” là những hiện tượng bình thường nằm sâu trong ý thức, thỉnh thoảng trong những hoàn cảnh nhất định có thể được ý thức “chiếu rọi” tới.

3.3. Căn cứ vào mức độ thể hiện qua hoạt động và sản phẩm hoạt động, có thể phân biệt hiện tượng tâm lí thành

  • Hiện tượng tâm lí sống động: thể hiện trong hành vi hoạt động.
  • Hiện tượng tâm lí tiềm tàng: tích động trong sản phẩm của hoạt động.

3.4. Căn cứ vào phạm vi ảnh hưởng đối với cá nhân hay xã hội, có thể phân biệt

  • Hiện tượng tâm lí cá nhân.
  • Hiện tượng tâm lí xã hội (phong tục, tập quán, tin đồn, dư luận xã hội, tâm trạng xã hội, “mốt”,...)

Như vậy, thế giới tâm lí của con người vô cùng đa dạng và phức tạp. Các hiện tượng tâm lí có nhiều mức độ, cấp độ khác nhau, có quan hệ đan xen vào nhau, chuyển hóa cho nhau.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Bản chất, chức năng, phân loại các hiện tượng tâm lí về bản chất của tâm lí người, tâm lí người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người thông qua chủ thể, chức năng của tâm lí, phân loại hiện tượng tâm lí...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Bản chất, chức năng, phân loại các hiện tượng tâm lí. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm